Bài 2: Việt Nam tích cực thực hiện Công ước quốc tế về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt chủng tộc
Bài 1: Quan điểm, đường lối của Đảng Cộng sản Việt Nam về vấn đề dân tộc
Vùng dân tộc thiểu số và miền núi là địa bàn trọng điểm để các thế lực thù địch lợi dụng
Trong 12 năm, từ 2011 - 2023, vùng DTTS và miền núi xảy ra hai vụ việc rất nghiêm trọng. Vụ thứ nhất, từ 30/4 - 6/5/2011, một số phần tử xấu dùng nhiều thủ đoạn kích động, lừa mị lôi kéo hàng nghìn đồng bào Mông từ nhiều xã trong huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên và các địa phương khác: Lào Cai, Hà Giang, Yên Bái, Sơn La, Đắk Nông, Đắk Lắk… tụ tập về bản Huổi Khon, xã Nậm Kè để chờ ngày chúa phán quyết (21/5/2011) và xưng vua.
Các thế lực thù địch đã lợi dụng trình độ dân trí thấp, đời sống khó khăn và sự cả tin của đồng bào trong âm mưu xưng vua của một số phần tử cầm đầu; lợi dụng tôn giáo, tuyên truyền đạo trái pháp luật hòng làm mất ổn định chính trị, xã hội, an ninh, quốc phòng trên địa bàn biên giới.
Vụ thứ hai, đêm 10/6, rạng sáng 11/6/2023, gần 100 đối tượng người DTTS, chia thành 2 nhóm tấn công trụ sở xã Ea Ktur và Ea Tiêu, huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk giết chết 4 cán bộ Công an xã, làm bị thương 2 cán bộ Công an xã khác, đập phá, thiêu đốt tài sản nhà nước và công dân... Trên đường rút chạy, các đối tượng tiếp tục phá hoại tài sản của người dân; uy hiếp 3 người dân làm con tin; giết chết 2 cán bộ xã và 3 người dân. Đây là vụ án có tính chất đặc biệt nghiêm trọng, xâm hại đến tính mạng, sức khỏe của cán bộ, người dân, phá hủy tài sản của cơ quan, tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk, mục đích nhằm lật đổ chính quyền nhân dân để thành lập cái gọi là “Nhà nước Đêga”.
Kết quả điều tra xác định, do thiếu hiểu biết, vướng mắc trong cuộc sống cá nhân nên một số đối tượng là người DTTS ở tỉnh Đắk Lắk đã bị các đối tượng phản động, lưu vong ở Mỹ là Y Mút Mlô, Y Čik Niê, Y Niên Êya, Y Bút Êban (Y Bé Êban), Y Chanh Byă, Y Sôl Niê... dùng nhiều thủ đoạn tuyên truyền, kích động, lôi kéo, dụ dỗ tham gia tổ chức phản động. Các đối tượng cốt cán trong nước nghe theo chỉ đạo của các đối tượng nước ngoài tiếp tục lôi kéo, dụ dỗ, đe dọa, cưỡng ép một số người DTTS nhẹ dạ, cả tin khác trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk thành lập nhóm vũ trang lấy tên gọi là “Lính Đêga” để tiến hành hoạt động khủng bố, phá hoại...
Ngoài hai vụ việc trên, tại vùng DTTS và miền núi, những năm gần đây, còn xảy ra một số vụ đồng bào DTTS khiếu kiện, tranh chấp đông người; phát sinh một số vụ mâu thuẫn giữa đồng bào DTTS với người Kinh, với doanh nghiệp, chính quyền…
Từ những sự việc trên cho thấy, vùng DTTS và miền núi là địa bàn trọng điểm mà “thế lực thù địch, phản động đang đẩy mạnh thực hiện chiến lược “diễn biến hoà bình”, gây bạo loạn lật đổ đối với nước ta, trong đó các vùng chiến lược Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam bộ là những mắt xích chiến lược, các thế lực thù địch đang tập trung “đột phá”.
Được sự tiếp sức, hậu thuẫn của thế lực thù địch, một số đối tượng cầm đầu trong các tổ chức phản động người DTTS lưu vong đã lập ra cái gọi là “nhà nước” của người DTTS ở bên ngoài như: Nhà nước “Đề ga” của người Thượng, “Nhà nước Mông”, “Chính phủ Chăm lưu vong”… Từ đó, chúng chỉ đạo, móc nối với số đối tượng trong nội địa tập hợp lực lượng, củng cố tổ chức… để khi có thời cơ sẽ tổ chức biểu tình, bạo loạn cướp chính quyền, thành lập “nhà nước” ở từng vùng DTTS nước ta”[1]
Đưa ra các quan điểm sai trái, thù địch, vu cáo, xuyên tạc là thủ đoạn phổ biến
Một thuộc tính cố hữu trong bản năng chống Cộng của các phần tử thù địch đối với cách mạng Việt Nam nói chung và Đảng Cộng sản Việt Nam nói riêng đó là nói xấu, bôi nhọ, hạ thấp và phủ định vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam[2].
Đa số đồng bào DTTS sinh sống ở vùng miền núi, biên giới, vùng sâu, vùng xa, đặc biệt khó khăn. Lợi dụng trình độ dân trí thấp, bản tính thật thà, chất phác của đồng bào và những khó khăn, thiếu sót trong thực hiện chủ trương của Đảng về chính sách dân tộc, các thế lực thù địch, phản động thường đưa ra các quan điểm sai trái, thù địch, vu cáo, xuyên tạc: “Đảng, Nhà nước Việt Nam “phân biệt đối xử” với các DTTS” hoặc “chính sách ngược đãi các DTTS đang diễn ra ở Việt Nam”. Mục đích của chúng là thông tin sai lệch bản chất chính sách dân tộc nhân văn, tốt đẹp, làm mất uy tín của Đảng, gây hoài nghi, dao động, giảm sút niềm tin của đồng bào với Đảng, Nhà nước; kích động, chia rẽ khối đại đoàn kết các dân tộc, hình thành lực lượng phản động là người DTTS làm đối trọng với lực lượng cách mạng trên địa bàn, thúc đẩy xu hướng ly khai, tự trị dân tộc, gây ra các vụ xung đột, bạo loạn, khủng bố… để “quốc tế hóa” vấn đề dân tộc, tạo cớ cho các thế lực thù địch can thiệp vào công việc nội bộ, phá hoại nền độc lập, thống nhất và sự phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa của cộng đồng quốc gia - dân tộc Việt Nam[3].
Có thể thấy rõ âm mưu, thủ đoạn này của chúng qua phân tích trong bài viết “Nhận diện và đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch xuyên tạc về quyền của nhóm dễ bị tổn thương ở Việt Nam hiện nay” đăng trên Tạp chí Pháp luật về quyền con người số 4 (32) - 2023 của PGS,TS Nguyễn Thị Báo, Viện Nhà nước và Pháp luật, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh.
Tác giả nêu: “lợi dụng vụ khủng bố ở Đắk Lắk ngày 11/6/2023, các thế lực thù địch đã chớp thời cơ đưa ra nhiều luận điệu xảo trá xuyên tạc chính sách đại đoàn kết dân tộc của Đảng và Nhà nước ta; vu khống, bôi nhọ Việt Nam, kích động tư tưởng ly khai dân tộc, tạo điểm nóng về nhân quyền, gây bão dư luận quốc tế, gây bất ổn định từ bên trong và kiếm cớ kêu gọi quốc tế can thiệp vào công việc nội bộ của Việt Nam nhân danh bảo vệ nhân quyền của đồng bào DTTS: Đài Á châu tự do đã đăng tải bài viết có nội dung kích động, xuyên tạc chính sách đại đoàn kết dân tộc của Đảng ta, cho rằng: trên thực tế Đảng ta không thực hiện đúng chính sách đại đoàn kết dân tộc, áp dụng chính sách “thuộc địa”, vi phạm quyền sở hữu đất đai của người Thượng dẫn đến tình trạng “tức nước vỡ bờ”. Đài VOA đăng tải, “giật tít” nhiều bài viết đánh lừa người đọc, trích dẫn nhiều lời sai trái, bịa đặt của các phần từ phản động người Việt lưu vong ở nước ngoài như: Y Phíc - đối tượng thuộc nhóm “Người Thượng vì công lý - MSFJ”), Nguyễn Đình Thắng - kẻ cầm đầu BPSOS, CAMSA ở Mỹ xuyên tạc chính sách pháp luật của Việt Nam về quyền của người DTTS, những kẻ này không bỏ lỡ cơ hội kiếm Đô-la bằng nhiều câu từ mang tính kích động, hằn học, bêu riếu chính quyền, cho rằng vụ tấn công của người Thượng ở Đắc Lắc là do họ bị “đẩy đến đường cùng”.
Báo điện tử Công an nhân dân phản ánh: “Báo điện tử BBC Tiếng Việt ngày 23/6 đăng bài “Câu chuyện Tây Nguyên và người dân sắc tộc của núi rừng trong lòng tôi” đã đưa nhiều thông tin sai sự thật, có các bình luận mang tính chụp mũ, suy diễn. Bài viết cố tình hướng lái sai mục đích, ý nghĩa của vấn đề di dân, phát triển kinh tế ở Tây Nguyên, từ đó quy chụp “không gian của các sắc tộc bị tan vỡ”! Người viết đưa ra những câu từ vừa trái bản chất, vừa mang tính kích động như “Sau biến cố 30/4/1975, Tây Nguyên bước vào kỷ nguyên bị phá vỡ”[4].
Các thế lực thù địch đã triệt để “lợi dụng và xoáy sâu vào vấn đề dân tộc, tôn giáo, dân chủ, nhân quyền, đất đai, xem đây là những “ngòi nổ” để kích động tư tưởng ly khai, tự trị, “bài Kinh”. Trên phương diện quốc tế, các tổ chức phản động lưu vong và các đối tượng xấu triệt để lợi dụng Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị để tuyên truyền xuyên tạc. Lợi dụng các diễn đàn quốc tế vu cáo Việt Nam “đàn áp, diệt chủng người dân tộc ở Tây Nguyên”, kêu gọi Mỹ, Liên hiệp quốc can thiệp, gây sức ép ngoại giao với Việt Nam”[5]
Những luận điệu sai trái, xuyên tạc một khi bị thổi phồng, nói đi nói lại có thể gây ra một số cách hiểu chưa đúng, chưa đầy đủ, méo mó, phiến diện; làm cho một số nước hoặc một số tổ chức quốc tế mặc dù rất ủng hộ chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước ta đối với công tác dân tộc, nhưng đôi khi bị nhiễu loạn thông tin, hiểu sai, hiểu nhầm. Chẳng hạn, trong một số vấn đề đề nghị phía Việt Nam giải thích thêm trong vòng 48 giờ sau các phiên bảo vệ Báo cáo quốc gia lần thứ 5 thực hiện Công ước quốc tế về xoá bỏ mọi hình thức phân biệt chủng tộc (Báo cáo CERD 5) (tháng 11/2023), Uỷ ban Công ước quốc tế xóa bỏ mọi hình thức phân biệt chủng tộc (CERD) nêu câu hỏi: “Chiếm đất là một trong những hành vi vi phạm nghiêm trọng nhất quyền lợi của người dân bản địa. Chúng tôi nhận được nhiều báo cáo rằng chính phủ hoặc chính quyền địa phương tịch thu đất đai của người dân bản địa đã sống ở đó nhiều thế hệ với lý do là các dự án trữ nước hoặc xây dựng sân gôn và khu nghỉ dưỡng. Những người đó đã bị đuổi khỏi đất đai của họ chỉ với sự hỗ trợ tái định cư và bồi thường tài chính tối thiểu. Xin giải thích về hành vi vi phạm như vậy đối với người bản địa?”
Về câu hỏi này, không cần đến 48 giờ, ông Y Thông - Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Dân tộc, Trưởng đoàn công tác liên ngành đàm phán đối thoại bảo vệ Báo cáo CERD 5 rất nhanh chóng đã khẳng định: “Ở Việt Nam, cơ quan có thẩm quyền phải thông báo cho người có đất ở thu hồi thuộc đối tượng phải di chuyển chỗ ở về dự kiến phương án bố trí tái định cư và niêm yết công khai ít nhất là 15 ngày tại trụ sở UBND cấp xã, địa điểm sinh hoạt chung của khu dân cư nơi có đất thu hồi và tại nơi tái định cư trước khi cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt phương án bố trí tái định cư. Người có đất thu hồi được bố trí tái định cư tại chỗ nếu tại khu vực thu hồi đất có dự án tái định cư hoặc có điều kiện bố trí tái định cư. Ưu tiên vị trí thuận lợi cho người có đất bị thu hồi. Việc thu hồi đất ở Việt Nam được thực hiện công khai, minh bạch, tạo điều kiện tốt nhất cho người có đất thu hồi sớm ổn định cuộc sống tại nơi tái định cư. Không có việc người dân bị chính quyền “đuổi” ra khỏi nơi cư trú một cách vô cớ. Trường hợp hộ gia đình, cá nhân phải di chuyển chỗ ở do Nhà nước thu hồi đất ở thì được hỗ trợ tái định cư”…
[1] PGS. TS. Trần Xuân Dung, Giải pháp cơ bản cấp bách phòng, chống âm mưu, hoạt động của các thế lực thù địch đối với vùng DTTS và miền núi nước ta và đề xuất bổ sung, hoàn thiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, Tài liệu Hội thảo Góp ý nội dung công tác dân tộc trong Dự thảo Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Hà Nội, tháng 6/2020, tr.219 - 220
[2] Hội đồng khoa học các cơ quan Đảng Trung ương, Một số luận cứ phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, chống phá Đại hội XIII của Đảng, Nxb Chính trị Quốc gia Sự thật, Hà Nội-2020, tr.111
[3] PGS. TS. Trần Xuân Dung, Giải pháp cơ bản cấp bách phòng, chống âm mưu, hoạt động của các thế lực thù địch đối với vùng DTTS và miền núi nước ta và đề xuất bổ sung, hoàn thiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, Tài liệu Hội thảo Góp ý nội dung công tác dân tộc trong Dự thảo Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Hà Nội, tháng 6/2020, tr.215
[4] Báo điện tử Công an nhân dân (3/7/2023), Những luận điệu xảo trá sau vụ khủng bố ở Đắk Lắk (Bài 1), https://cand.com.vn/Chong-dien-bien-hoa-binh/nhung-luan-dieu-xao-tra-sau-vu-khung-bo-o-dak-lak-bai-1--i698931/, truy cập ngày 17/1/2024
[5] Báo điện tử Công an nhân dân (19/6/2023), Âm mưu lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo để kích động chống phá trên địa bàn Tây Nguyên, https://cand.com.vn/chong-dien-bien-hoa-binh/am-muu-loi-dung-van-de-dan-toc-ton-giao-de-kich-dong-chong-pha-tren-dia-ban-tay-nguyen-i697377/, truy cập ngày 17/1/2024
Mời đọc Bài 4: Phản bác các quan điểm sai trái, thù địch xuyên tạc chính sách dân tộc của Việt Nam
0 nhận xét:
Đăng nhận xét