Không khó để gọi tên hoạt động hành lễ “thỉnh vong” và cúng “oan gia trái chủ” tại chùa Ba Vàng (TP Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh). Đó là hoạt động tà đạo trái phép núp bóng và xuyên tạc tinh thần Phật giáo để kiếm lợi bất chính, vừa tinh vi, vừa trắng trợn.
Sự nguy hiểm của hoạt động này cùng những luận điệu phi đạo lý xúc phạm đến vong linh, danh dự của những người đã hy sinh xương máu vì Tổ quốc, những con người, những gia đình đau khổ vì không may mắn, bệnh tật, rủi ro hay bị kẻ xấu hãm hại. Lý giải những rủi ro, oan khuất bằng nghiệp đời tiền kiếp là phản khoa học, phi nhân tính. Lung lạc tinh thần và trục lợi từ những người không may mắn, thiếu hiểu biết là một tội ác.
Ngay sau khi vụ việc được báo chí phanh phui, vạch trần, các cơ quan Trung ương từ Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Công an cùng Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Ban Tôn giáo Chính phủ và chính quyền địa phương đã lên tiếng. Những bước điều tra đang được tiến hành, đình chỉ các trang web của chùa Ba Vàng; mức xử phạt hành chính đầu tiên cũng đã được đưa ra. Đáng lưu ý, khi tin tức lan rộng đã có rất nhiều người dân hiểu rõ mình là nạn nhân của vụ tà đạo này. Dư luận mong mỏi và tin tưởng mọi chi tiết, mọi ngóc ngách của hoạt động truyền bá mê tín dị đoan và trục lợi trái phép tại chùa Ba Vàng sẽ được làm rõ người, rõ tội và lên án, trừng phạt nghiêm khắc.
Không chỉ vậy, nhìn rộng ra các hoạt động tâm linh trong xã hội chúng ta hiện nay đang có xu hướng thái quá, thiếu trật tự, xô bồ. Đời sống tâm linh biến thái, lệch lạc kèm theo mê tín dị đoan lan rộng. Nạn cúng bái, thắp hương, đặt tiền trên tượng Phật, làm lễ dâng sao giải hạn cùng gọi hồn, xem số và các hoạt động lợi dụng tín ngưỡng để kiếm lời đã được nhận diện và từng bước kiềm chế, xóa bỏ. Tuy nhiên, cuộc sống vốn phong phú, đa dạng và nhiều phức tạp, con người vốn phải va vấp với những điều không may, rủi ro, bất trắc. Trong bối cảnh đó, người ta đến với tín ngưỡng, tôn giáo để cầu mong, tìm kiếm sự an ủi, đỡ đần như một chỗ dựa tinh thần trong lành, tin cậy. Tín ngưỡng, tôn giáo nói chung và cửa Phật nói riêng đã đem lại cho họ đức tin để sống an nhiên, thanh thản bằng giáo lý hướng thiện, tu nhân tích đức, giảm trừ tham, sân, si. Nhu cầu tâm linh đó càng cao thì các cơ sở tôn giáo càng phải thực hành đúng với tinh thần của từng tôn giáo, tín ngưỡng, hiến chương của Phật giáo cùng các quy định của luật pháp, văn hóa. Đáng tiếc, việc lợi dụng hoạt động tâm linh, tín ngưỡng đã và đang diễn ra khá phổ biến ở nhiều nơi. Người ta đồn nhau rằng "đền này, phủ này, chùa này thiêng; nếu đã nói đến đức tin, tâm linh mà không đến khấn vái, cúng cầu giải hạn là khó vượt qua hoạn nạn". Người ta còn truyền đi những lời khuyên "nếu đã có ý định đến chùa này, đền kia mà không thực hiện là rủi ro ập đến" và "chữa trị gì thì cũng phải đông tây y kết hợp cúng bái”… Đã có những thông tin và sự cảnh báo về việc đua tranh xây cất đền chùa, miếu điện tràn lan với mục đích thương mại.
Trong bối cảnh đó, những hoạt động ở nhiều nơi thờ tự không được thực hiện công khai, minh bạch; những việc điều hành cắt cử và quản lý các vị trụ trì không chính xác. Và việc thiếu nền nếp, trật tự đâu đó đã làm nảy sinh, dung túng cho các hoạt động lợi dụng đi ngược lại cả Phật pháp, niềm tin tôn giáo, vi phạm kỷ cương và nhiễu loạn tâm lý xã hội.
Vụ việc tà đạo ở chùa Ba Vàng là hồi chuông cảnh tỉnh cho đời sống tâm linh, tín ngưỡng của xã hội. Không thể để cho người dân chìm trong "bến mê" để mất đi sự tự tin nỗ lực khắc phục khó khăn, vươn lên trong cuộc sống. Và tất yếu không thể xem nhẹ công tác quản lý các hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo để bảo đảm trật tự, văn minh, không để tình trạng lợi dụng, vi phạm pháp luật trong lĩnh vực này.