Cuối tháng 4-1940, Đảng Cộng sản ở trong tình thế hiểm nghèo, khi chỉ duy nhất một ủy viên Ban chấp hành Trung ương còn hoạt động. Đó là Phan Đăng Lưu. Tổng bí thư Nguyễn Văn Cừ và tất cả các ủy viên khác đều đã rơi vào tay Pháp.
Với cương vị cao nhất trong Đảng còn lại lúc bấy giờ (thực chất thực hiện chức trách Tổng bí thư), Phan Đăng Lưu lên đường ra Bắc triệu tập và chủ trì Hội nghị Trung ương 7 (tháng 11-1940, tại Bắc Ninh), cùng với Xứ ủy Bắc Kỳ, tổ chức tái lập Ban chấp hành lâm thời. Tại hội nghị, Phan Đăng Lưu được đề cử làm Tổng bí thư. Ông từ chối: "Tình hình như thế này Trung ương nên ở ngoài Bắc, tôi trở về miền Nam, sớm muộn cũng sẽ bị địch bắt." Đề nghị chuyển Ban chấp hành ra Bắc của ông dựa trên thực tế kể từ năm 1930, Ban chấp hành đều bị bắt nếu đóng ở Sài Gòn. Trường Chinh sau đó làm Tổng bí thư.