Vì đất đai tiên tổ nằm trên vùng địa chính trị chiến lược nên thường xuyên có nhiều kẻ xâm lăng nhòm ngó. Từ xưa, cha ông ta luôn phải kết hợp hai việc lớn là đuổi giặc và dựng xây đất nước. Chính sách “Ngụ binh ư nông” (hòa bình thì người lính là “cựu chiến binh” về làm nghề nông, có chiến tranh thì lại xung quân đánh giặc) đã đáp ứng một cách tốt nhất với tình hình cả trước mắt lẫn lâu dài.
Chính sử kể lại nhiều tấm gương “cựu chiến binh” khi cần lại trở thành “tân chiến binh” tài năng, đảm lược, dũng khí, hoàn thành tuyệt vời sứ mệnh người lính tiên phong. Đó là danh tướng Lý Thường Kiệt. Năm 1082, triều đình yêu cầu ông thôi chức Thái úy để về trị nhậm trấn Thanh Hóa. Với tài kinh bang tế thế, hàng chục năm trời ông cùng nhân dân làm cho vùng đất ấy hưng thịnh, giàu có. Phía Nam có giặc, vua Lý Nhân Tông mời ông trở lại điều binh khiển mã. Vượt qua tuổi tác, ông cầm quân giúp non nước thanh bình. Đó là Trần Khánh Dư, từng là tướng chỉ huy rồi về làm dân. Nhưng khi quân Nguyên lại sang, ông xung quân trở lại làm Phó đô tướng và lập công lớn. Đó là tướng quân Trần Nhật Duật, thắng giặc thì buông cung kiếm làm công tác đối ngoại, phiên dịch giúp vua Trần giao hảo lân bang…