Social Icons

Pages

Thứ Hai, 7 tháng 10, 2024

Cảnh giác trước luận điệu xuyên tạc hình ảnh, uy tín của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Bôi nhọ hình ảnh, uy tín của Chủ tịch Hồ Chí Minh là chiêu bài thâm hiểm của các thế lực thù địch, phần tử phản động, cơ hội chính trị nhằm phá hủy tận gốc nền tảng tư tưởng của Đảng Cộng sản Việt Nam. Họ trắng trợn xuyên tạc Đảng Cộng sản Việt Nam “thần thánh hóa” Chủ tịch Hồ Chí Minh. Vì vậy, nhận diện, đấu tranh phản bác luận điệu này là yêu cầu cần thiết trong bối cảnh hiện nay.

1. Nhà văn Blaga Dimitrova của Bulgaria đã viết: “Niềm hy vọng có nhiều tên gọi khác nhau, song ở Việt Nam, niềm hy vọng được tượng trưng là Chủ tịch Hồ Chí Minh. Khi đất nước còn chìm đắm trong đêm trường nô lệ, chính Người đã mở ra cánh cửa hy vọng cho dân tộc Việt Nam. Có lẽ, không ngôn từ nào có thể diễn tả hết được những cống hiến, hy sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc của Đảng và nhân dân Việt Nam”.

Không riêng nhà văn Blaga Dimitrova mà rất nhiều học giả, nhà nghiên cứu văn hóa quốc tế, các nguyên thủ đã ghi nhận, đánh giá Hồ Chí Minh là một nhân vật đã làm nên dấu ấn bước ngoặt vĩ đại không chỉ cho dân tộc Việt Nam mà còn để lại những dấu ấn khó phai trong tiến trình lịch sử phát triển tư tưởng, văn hóa của nhân loại.

Thế nhưng, bất chấp sự thật đã được lịch sử khắc ghi, các thế lực thù địch lại luôn hằn học với điều đó, tìm mọi cách xuyên tạc, nói xấu cuộc đời, sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Với âm mưu “hạ bệ thần tượng”, họ không ngần ngại tuyên bố: Đảng Cộng sản Việt Nam “thần thánh hóa” Chủ tịch Hồ Chí Minh. Họ suy diễn rằng, để được nhân dân ủng hộ, Đảng phải có sức lôi cuốn.

Cảnh giác trước luận điệu xuyên tạc hình ảnh, uy tín của Chủ tịch Hồ Chí Minh
 Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn độc lập tại Quảng trường Ba Đình, ngày 2-9-1945. Ảnh tư liệu

Để có sức lôi cuốn, Đảng phải coi trọng công tác tuyên truyền và trong tuyên truyền, phải đặt trọng tâm vào chính sách “thần thánh hóa lãnh tụ”. Họ lập luận rằng, “thần thánh hóa lãnh tụ” là thủ đoạn chính trị mà Đảng sử dụng để tập hợp, đoàn kết, nâng cao lòng tự hào dân tộc, để cổ vũ tinh thần, nô lệ hóa quần chúng; đồng thời, tạo bình phong, chỗ dựa an toàn, củng cố quyền lực cho những người lãnh đạo cấp cao hiện nay. Từ đó, họ quy chụp việc Đảng giữ gìn thi hài, xây dựng Lăng Bác; lấy tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng; vận động cán bộ, đảng viên, nhân dân học tập và làm theo Bác là “sùng bái cá nhân”, “thần thánh hóa lãnh tụ”.

2. Một số người thiếu thiện chí hoặc cố tình hướng lái dư luận lu loa rằng Chủ tịch Hồ Chí Minh là con người bằng xương, bằng thịt; “thần thánh hóa” đồng nghĩa với việc khai tử con người thật của Người. Rõ ràng, đây là luận điệu hết sức thâm độc, nham hiểm nhằm hạ thấp thanh danh, uy tín, vai trò của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với cách mạng Việt Nam, làm xói mòn niềm tin của nhân dân vào tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, qua đó nhằm phá hoại nền tảng tư tưởng của Đảng, tạo ra “khoảng chân không chính trị” trong xã hội để hệ tư tưởng tư sản chiếm chỗ, chi phối, hòng dẫn dắt Việt Nam đi theo con đường tư bản chủ nghĩa.

Sự thật là các thế lực thù địch đã đánh đồng việc Đảng, nhân dân Việt Nam yêu quý, kính trọng, tôn vinh Chủ tịch Hồ Chí Minh với sự “thần thánh hóa lãnh tụ”. Họ không nhận thức hoặc cố tình không hiểu rằng, lòng biết ơn, ghi nhớ công lao, tôn vinh những anh hùng, người có công với đất nước là truyền thống, đạo lý nhân văn và lẽ sống tốt đẹp của dân tộc, nhân dân Việt Nam. Truyền thống đó đã được đúc kết qua những câu tục ngữ như: “Uống nước nhớ nguồn”; “Ăn quả nhớ người trồng cây”...

Trải qua hàng nghìn năm lịch sử, người Việt luôn tôn kính, thờ phụng những anh hùng dân tộc, bậc tiền nhân có công lao to lớn với quê hương, đất nước. Vì vậy, việc xây dựng Lăng Bác và giữ gìn thi hài Người là hoàn toàn xuất phát từ sự yêu quý, kính trọng và lòng biết ơn sâu sắc của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh, chứ không phải do Đảng “thần thánh hóa lãnh tụ” như các thế lực thù địch thêu dệt. Về điều này, xin nhắc lại lời nhà báo Hayde Xantamaria (Cu Ba) đã đánh giá: “Chủ tịch Hồ Chí Minh được người dân Việt Nam yêu quý như một người thân. Tình yêu của họ đối với Người vô cùng sâu sắc và không bờ bến. Đây không phải là tình yêu thần thoại mà là tình yêu và sự kính trọng thật sự”.

Trên thực tế, không riêng Việt Nam, mà nhiều nước trên thế giới cũng có văn hóa tôn vinh những người có cống hiến to lớn cho đất nước. Ở Mỹ, George Washington (1732-1799) là tổng thống đầu tiên, được người Mỹ suy tôn là “Người cha già của đất nước” và để vinh danh ông, Mỹ đã xây dựng Đài tưởng niệm Washington, công trình kiến trúc bằng đá cao nhất thế giới. Ở Ấn Độ, Mahatma Gandhi (1869-1948) được người dân hết sức tôn kính gọi bằng những cái tên thân thương như: Cha kính yêu, tâm hồn vĩ đại, lãnh tụ tinh thần của dân tộc. Ở Trung Quốc, Chủ tịch Mao Trạch Đông được coi là “hiện thân của nền Cộng hòa nhân dân Trung Hoa”...  

3. Điều rất đáng tự hào là Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ được yêu quý, kính trọng ở Việt Nam mà Người cũng được nhân dân thế giới nể phục, tôn vinh. Năm 1987, tại khóa họp lần thứ 24, Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) đã tôn vinh Chủ tịch Hồ Chí Minh là “Anh hùng giải phóng dân tộc, Nhà văn hóa kiệt xuất”. Với nghị quyết này, UNESCO đã ghi nhận những đóng góp to lớn, quan trọng của Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ đối với dân tộc Việt Nam mà còn đối với cả nhân loại, đồng thời tôn vinh Chủ tịch Hồ Chí Minh là một trong những “nhân vật lỗi lạc đã để lại dấu ấn trong tiến trình phát triển của nhân loại”.

 Từ đó đến nay, hoạt động vinh danh Người đã được tổ chức ở nhiều quốc gia trên thế giới. Theo thông tin từ Bộ Ngoại giao Việt Nam, đến cuối năm 2023, đã có 37 tượng/tượng đài, 13 khu tưởng niệm, 6 trường lớp và 21 đại lộ, đường phố, công viên mang tên Hồ Chí Minh được xây dựng ở nhiều quốc gia trên thế giới. Những hoạt động đó xuất phát từ sự yêu mến, lòng kính trọng và công nhận của cộng đồng quốc tế đối với những đóng góp của Hồ Chí Minh, hoàn toàn trái ngược với luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch.

Cuộc đời và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh là bằng chứng xác đáng nhất để bác bỏ luận điệu “thần thánh hóa” cá nhân. Sinh thời, Người chưa bao giờ coi mình là “thánh nhân”, mà chỉ tự nhận là một người luôn đau đáu một nỗi niềm là làm sao cho đất nước được độc lập, nhân dân được tự do, có ăn, có mặc, có học... Nghiên cứu về Người, một học giả nước ngoài từng hỏi Thủ tướng Phạm Văn Đồng: “Hồ Chí Minh là một con người hay một vị thánh?”.

Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã trả lời rằng: Hồ Chí Minh trước hết là một con người, cuối cùng cũng là một con người, còn vĩ đại như đức Chúa, đức Phật thì các bạn đã thừa nhận. Người cũng luôn gương mẫu và lên án những biểu hiện “sùng bái cá nhân”, “thần thánh hóa lãnh tụ”; đồng thời, đề cao vai trò, sức mạnh của quần chúng nhân dân, tôn trọng nhân dân, quan tâm, giải quyết những khó khăn, vướng mắc của nhân dân, tận tâm, tận lực, tận hiến cho cuộc sống tự do, ấm no, hạnh phúc của nhân dân.

Không phải ngẫu nhiên mà David Hamberstam, phóng viên tờ báo New York Times (Mỹ) từng viết: “Trên thế giới có quốc gia người ta đề cao lãnh tụ dữ lắm, đó là sùng bái cá nhân. Còn cụ Hồ Chí Minh thì cương quyết không tìm cái vỏ bề ngoài lộng lẫy của quyền uy. Như thế cụ tự tin và tin chắc vào quan hệ của mình với dân tộc, với lịch sử, đến nỗi cụ chẳng cần đến tượng, đền đài, sách báo và những nhà nhiếp ảnh để chứng minh điều đó cho mình” (dẫn theo Giáo sư Trần Văn Giàu, sách “Hồ Chí Minh vĩ đại một con người”, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia-Sự thật, năm 2013, trang 74-75).

Thực tế cho thấy, mỗi quốc gia trên thế giới đều có biểu tượng niềm tin của mình. Biểu tượng niềm tin kết tụ sức mạnh tinh thần, tình cảm, sự xác tín thiêng liêng của cả dân tộc và trở thành một trong những trụ lực vững chắc nhất để cộng đồng dân tộc ấy tồn tại, phát triển. Đụng chạm đến biểu tượng niềm tin của một dân tộc là đụng chạm đến tình cảm thiêng liêng của hàng triệu con người.

Thấm nhuần truyền thống, đạo lý của dân tộc, Đảng đã nhìn nhận một cách khách quan, toàn diện về vai trò của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với sự nghiệp cách mạng. Tại Hội nghị Trung ương 9 khóa II (4-1956), Đảng ta khẳng định: Sự nghiệp cách mạng của Đảng là một sự nghiệp vĩ đại, do công lao to lớn của toàn Đảng, toàn dân và của Hồ Chủ tịch. Hồ Chủ tịch là lãnh tụ thiên tài của Đảng, của nhân dân, của dân tộc. Vì vậy, Đảng đề cao vai trò của Chủ tịch Hồ Chí Minh, tôn kính Chủ tịch Hồ Chí Minh là một lẽ tự nhiên, thường tình, hợp đạo lý, hợp lòng dân.

Nhân dân, dân tộc Việt Nam kính yêu Chủ tịch Hồ Chí Minh bởi chính Người đã khai sáng, mở đường, dẫn lối cho cách mạng Việt Nam đơm hoa kết trái, bởi Người đã trọn đời dâng hiến, phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân và bởi Người đã làm rạng rỡ dân tộc ta, non sông, đất nước ta. Tình cảm, tình yêu, sự trân quý, ngưỡng mộ đó là hoàn toàn xuất phát từ trái tim muôn dân đất Việt, chứ không phải là sự gò ép gượng gạo, giả tạo.

Từ những luận cứ trên, có thể khẳng định, luận điệu Đảng Cộng sản Việt Nam “thần thánh hóa” Chủ tịch Hồ Chí Minh của các thế lực thù địch là hoàn toàn vô căn cứ và không có cơ sở khoa học. Đây là sự xuyên tạc, vu cáo trắng trợn nhằm bôi nhọ, làm lu mờ hình ảnh, uy tín của Chủ tịch Hồ Chí Minh, phủ nhận những đóng góp, cống hiến vĩ đại của Người đối với Đảng, nhân dân, dân tộc và cách mạng Việt Nam.

Trung tá, ThS NGUYỄN HẢI SINH, Khoa Công tác Đảng, công tác chính trị, Học viện Hậu cần

Công nghệ AI và câu chuyện gắp lửa bỏ tay người

 Trí thông minh nhân tạo hay còn gọi là trí tuệ nhân tạo (AI) đang ngày càng phát triển, ứng dụng rộng rãi, có hiệu quả trong nhiều lĩnh vực của đời sống.

Tuy nhiên, trí tuệ nhân tạo cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ, rủi ro cho xã hội, nhất là khi nó được các thế lực phản động, thù địch, cơ hội chính trị lợi dụng nhằm thông tin sai sự thật, xuyên tạc, bịa đặt, hòng bôi nhọ, vu khống, xúc phạm người khác. Đây là thực tế đang diễn ra ở hầu hết các quốc gia, trong đó có Việt Nam, cần được nhận thức và có biện pháp đối phó hiệu quả.  

AI - đúng-sai khó phân biệt

Các thế lực phản động, thù địch, cơ hội chính trị ngoài các cách thức truyền thống còn sử dụng các thủ đoạn tinh vi, trong đó có sử dụng AI, lợi dụng những câu trả lời không phân biệt được “đúng-sai” của các phần mềm để chống phá, thực hiện thông tin, tuyên truyền các quan điểm sai trái, thù địch, nhất là trên không gian mạng. Các bài báo sử dụng AI của các tổ chức như: Đài châu Á tự do; BBC News Tiếng Việt; Việt Tân... liên tục được đăng tải, chia sẻ với mục đích xuyên tạc, hướng lái người dân hiểu sai về Đảng, về hình tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh, về chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước.

Các tổ chức này đã sử dụng các dữ liệu bịa đặt, xuyên tạc để thực hiện huấn luyện các phần mềm thông minh nhân tạo như ChatGPT, Bing, Bar... để khi đặt những câu hỏi mang tính định hướng xuyên tạc như: “Ai là cha già dân tộc của chúng ta?”; “Ai sống mãi trong sự nghiệp của chúng ta?”; “Ai đã cho ta một mùa xuân đầy ước vọng?”... Với những câu hỏi bị thêm, bớt câu từ hay thiếu địa danh như trên thì câu trả lời của “trí tuệ nhân tạo” ChatGPT đưa ra thường là: “Không có người được chỉ định là cha già dân tộc Việt Nam”; “Không có ai sống mãi trong sự nghiệp của chúng ta”; “Không có một người hoặc tổ chức nào cung cấp cho chúng ta một mùa xuân đầy ước vọng”... đồng thời tuyên truyền ChatGPT là trí tuệ, là hiện đại và hiểu toàn xã hội nên ChatGPT khi trả lời là khách quan, là công bằng và cần phải tin ChatGPT là “chân lý”.

Công nghệ AI và câu chuyện gắp lửa bỏ tay người
Ảnh minh họa: nhandan.vn 

Trong suốt quá trình hoạt động cách mạng của Người, các tài liệu lưu trữ về cuộc đời, sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Người chưa bao giờ tự nhận mình là “Cha già dân tộc”, đây là vì nhân dân kính yêu, mỗi lần thành kính khi nói về Người. Hình tượng “người Cha” của Bác đã đi vào thi ca, âm nhạc, vào hồn cốt của văn hóa dân tộc. Nhà thơ Tố Hữu viết: "Người là Cha, là Bác, là Anh/ Quả tim lớn lọc trăm dòng máu nhỏ" (Sáng tháng Năm) hay “Người Cha mái tóc bạc/ Đốt lửa cho anh nằm” (Đêm nay Bác không ngủ-Minh Huệ)...

“Vị Cha già dân tộc” là cái tên thể hiện sự tôn kính, đi vào tiềm thức mỗi con người Việt Nam, vì một vĩ nhân đã hy sinh cả cuộc đời cho dân tộc Việt. Cũng giống như hình tượng ẩn dụ Đảng chính là mùa xuân của đất nước, của dân tộc, thể hiện niềm tin và hy vọng của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, vào sự phát triển của tương lai đất nước.

Vậy AI là gì? Vì sao thời gian qua các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị sử dụng AI để sản xuất các thông tin nhằm phủ định các thành quả của Đảng và Nhà nước ta? Câu trả lời là: AI là một ngành thuộc lĩnh vực khoa học máy tính, là một sản phẩm do con người sử dụng các kỹ thuật, công nghệ để giúp máy tính có thể tự động hóa các hành vi, suy nghĩ, xử lý và hành động mô phỏng suy nghĩ của con người. Nguyên lý hoạt động của các phần mềm AI sử dụng cách thức hỏi-đáp tự động sử dụng dữ liệu lớn khá là đơn giản. Về bản chất, đây là các phần mềm thông minh nhân tạo, thực hiện các câu trả lời của người dùng thông qua dữ liệu ghi nhớ từ dữ liệu thu thập được, phân tích để tìm ra các tầng ý nghĩa của các dữ liệu nên khi được hỏi, các phần mềm này không phân biệt được đúng hay sai.

Quá trình tạo ra một phần mềm thông minh nhân tạo bao gồm các bước: Thu thập dữ liệu (từ không gian mạng, từ cung cấp của người dùng), chọn lọc dữ liệu, gán nhãn dữ liệu để thực hiện huấn luyện cho phần mềm và huấn luyện phần mềm như việc tiếp thu tri thức của con người. Dữ liệu thu thập được càng nhiều thì càng có nhiều câu trả lời. Tuy nhiên, một vấn đề nảy sinh khi sử dụng các phần mềm này, đó là phần mềm có thể phân tích và hiểu rất nhiều tầng ý nghĩa của một dữ liệu đầu vào, nhưng không thể hiểu được ý nghĩa đó "đúng" hay "sai".

Các dữ liệu đang tồn tại trên internet mà các nhà khoa học thu thập được để huấn luyện cho phần mềm cũng không phải luôn theo thiên hướng có ý nghĩa là “đúng” và dữ liệu đó chứa thông tin là “đúng” do các nhà khoa học thường sử dụng các công cụ thu thập dữ liệu tự động, sức người cũng không thể thu thập được các dữ liệu để phân tách được tính đúng-sai của các dữ liệu đó do dữ liệu trên internet là rất lớn.

Những dữ liệu như vậy, các phần mềm thông minh nhân tạo như ChatGPT không thể đoán nhận và không thể bình luận, phán xét. Tuy nhiên, chính những nội dung này lại lôi kéo các thành phần phản động, cơ hội chính trị vào bình luận, chia sẻ. Chúng sử dụng các câu hỏi không đầy đủ, không mang tính khoa học để đánh lừa phần mềm thông minh nhân tạo nhằm bôi nhọ Đảng, Nhà nước như: “Không thể tồn tại kinh tế thị trường mà lại định hướng xã hội chủ nghĩa phải không?”; “Khi nào về đích chủ nghĩa xã hội”; “Lúc nào thì làm theo năng lực, hưởng theo nhu cầu?”...

Hay đặt câu hỏi so sánh sai lệch, cổ xúy kẻ bán nước như “Cờ vàng ba sọc đỏ là của nước nào?”... Và khi các phần mềm này trả lời những thông tin không như chúng mong muốn, chúng lại cung cấp các dữ liệu xuyên tạc, sai lệch để phần mềm trả lời theo hướng lái của chúng.

Nhận thức và sử dụng AI làm sao cho đúng?

Với một số đánh giá, phân tích như trên có thể thấy, các phần mềm thông minh nhân tạo có những ưu điểm nhất định, nếu chúng ta khách quan, sử dụng các dữ liệu đúng, phù hợp thì câu trả lời sẽ mang tính chất khách quan, minh bạch. Nếu có những đối tượng dùng các thủ đoạn xấu, cung cấp các dữ liệu sai lệch thì các phần mềm này dễ dàng bị hướng lái.

Chính vì thế, làm thế nào để nhận diện, xác định và loại bỏ các nội dung được tạo ra bởi các ứng dụng thông minh nhân tạo khi bản thân nó chứa các thông tin chưa được kiểm chứng, không trích dẫn nguồn gốc, sai lệch cũng như các vấn đề bảo mật thông tin người dùng. Khi triển khai các nội dung thông tin, tuyên truyền, chúng ta luôn cần những dữ liệu trung thực, nguồn thông tin và các góc nhìn mới về các sự kiện chính trị, xã hội, văn hóa đang diễn ra trong thực tiễn Việt Nam và trên thế giới, trong khi đó các phần mềm ứng dụng AI có khả năng trợ giúp con người tạo ra các thông tin mới dựa trên phân tích ngữ nghĩa và tổng hợp thông tin từ các dữ liệu có sẵn, hoặc nếu bị các đối tượng lạm dụng các phần mềm ứng dụng AI này để sản xuất nội dung sẽ dẫn tới các thông tin sai lệch, xuyên tạc.

Hiện nay, các thế lực thù địch, chống phá Đảng và Nhà nước ta cũng đang lợi dụng các kỹ thuật mới, công nghệ mới, trong đó có AI để xây dựng các nội dung chống phá nền tảng tư tưởng của Đảng, tấn công thu thập dữ liệu để sử dụng vào mục đích chống phá, can thiệp vào hoạt động chính trị, quốc phòng, an ninh, kinh tế, đưa ra các thông tin thất thiệt hay dựng chuyện, bịa chuyện, sử dụng AI để đưa thông tin sai sự thật hòng bôi nhọ, vu khống và xúc phạm người khác... Một số khuyến cáo về giải pháp trong thời gian tới như sau:

Một là, đối với chủ thể quản lý, cần tiếp tục quán triệt sự lãnh đạo, bảo đảm sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng, sự quản lý của Nhà nước; cần có sự thống nhất và phối hợp đồng bộ trong các cơ quan, tổ chức quản lý thông tin trên không gian mạng. Cần nhận thức đúng đắn trong toàn hệ thống chính trị về sử dụng các phần mềm thông minh nhân tạo theo bản chất vốn có của nó-không thể phân biệt “đúng-sai”.

Hai là, cần bổ sung, hoàn thiện hành lang pháp lý, ban hành luật pháp và hướng dẫn thực thi pháp luật liên quan đến sử dụng các hệ thống phần mềm ứng dụng AI, đặc biệt là sử dụng các dữ liệu trên không gian mạng, về điều chỉnh hành vi của người dùng khi sử dụng các phần mềm hỏi-đáp tự động để sáng tạo nội dung và cung cấp thông tin trên không gian mạng. Xây dựng chính sách hợp lý nhằm tổ chức thực hiện, phối hợp giữa các cơ quan được giao nhiệm vụ nghiên cứu, đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, bảo vệ bí mật nhà nước, chủ quyền quốc gia, an ninh quốc gia trên không gian mạng.

Ba là, các cơ quan quản lý nhà nước cần xây dựng các kế hoạch, chiến lược, chương trình tập huấn cho các cơ quan, tổ chức, cán bộ, công chức khi sử dụng các phần mềm thông minh nhân tạo nhằm nâng cao nhận thức của các tổ chức, cá nhân và phát huy vai trò của các cơ quan, tổ chức trong kiểm chứng các thông tin. Cần xây dựng cơ chế phối hợp giữa các cơ quan, tổ chức để tận dụng thế mạnh về các cơ sở dữ liệu của mình, đồng thời chia sẻ dữ liệu với các cơ quan, tổ chức khác; trên cơ sở đó định hướng để người dân hiểu rõ về các phần mềm thông minh nhân tạo đã trả lời như thế nào, có khách quan, minh bạch hay không, câu trả lời có phù hợp và chuẩn xác hay không.

Bốn là, tăng cường công tác tập huấn, đào tạo nguồn nhân lực tham gia hoạt động bảo đảm an toàn, an ninh thông tin, nguồn lực tham gia việc kiểm chứng thông tin, đặc biệt nhận diện và kiểm chứng thông tin do các phần mềm ứng dụng AI tạo ra. Chú trọng các hoạt động ứng dụng AI của các lực lượng chuyên trách bảo đảm và bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, bảo đảm chủ quyền, an ninh quốc gia trên không gian mạng...

PGS, TS TRẦN QUANG DIỆU, Giám đốc Trung tâm Ứng dụng công nghệ thông tin, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh

Không lạm dụng hình ảnh cờ Tổ quốc

 

Đang lồng lá cờ Tổ quốc vào chiếc cán mới để treo lên cổng chào mừng kỷ niệm Ngày Quốc khánh 2-9 thì ông Hinh giật mình bởi tiếng gọi từ phía sau của ông Bảo cùng xóm:

- Nhà ông bây giờ mới treo cờ Tổ quốc à? Mà cổng nhà ông đẹp thế này, sao không sơn hẳn lá cờ lên nóc ấy. Ông đã nhìn hình cờ Tổ quốc vừa sơn kín cả mái nhà tôi chưa?

- Nóc nhà ông cao thế thì tôi thấy làm sao được?

Không lạm dụng hình ảnh cờ Tổ quốc

Khắp các con phố, ngõ nhỏ đều treo cờ Tổ quốc trong không gian yên bình của ngày Tết Độc lập. Ảnh: TTXVN  

- Ờ... thì... ông đứng dưới ngước lên cũng thấy một phần mà. Hôm trước, con trai tôi nó mua mấy hộp sơn, vẽ toàn bộ nóc nhà thành hình lá cờ Tổ quốc, đẹp lắm. Thôn mình cũng có một số nhà sơn quốc kỳ ở cổng, ở tường và trên nóc nhà rồi đấy. Ông đúng là... lạc hậu thật!

- Ông ơi! Tôi lại thấy cách làm đó không hợp lý, thậm chí chỉ là đua đòi, a dua không phải lối, có khi còn vi phạm pháp luật ấy chứ.

Tưởng sau khi “khoe” sẽ được nghe lời khen, ai ngờ lại bị chê, ông Bảo nóng ran trong người:

- Ông có vẻ không yêu nước thì phải. Người ta vẽ cờ Tổ quốc như thế mà ông lại chê...

- Ai bảo ông là tôi không yêu nước? Không yêu nước mà tôi phải ra tận chợ huyện để mua cán mới, lá cờ mới về để treo à? Chẳng lẽ cứ phải vẽ hình lá cờ lên mái nhà, lên các chỗ khác thì mới là yêu nước hay sao?

Đúng lúc không khí đang căng thẳng thì anh Thanh, Trưởng thôn đi tới. Thấy Trưởng thôn, cả ông Bảo và ông Hinh đều ra sức phân trần, đề nghị Trưởng thôn làm “trọng tài” phân xử. Nghe xong câu chuyện, anh Thanh cười, giọng trầm ấm:

- Theo cháu thì cả hai bác đều rất yêu nước, có trách nhiệm với cộng đồng. Còn chuyện sơn lá cờ với treo cờ là cách thể hiện riêng của mỗi người, nếu qua việc này mà khẳng định ai yêu nước hơn là không đúng. Có điều, cháu nghĩ, quốc kỳ là biểu tượng thiêng liêng của đất nước và dân tộc nên việc sử dụng phải đúng quy định, bảo đảm sự trang nghiêm, nhất là về màu sắc, kích cỡ, tỷ lệ, vị trí, cách thức treo, đặt...

Hiện nay, trên mạng xã hội đang xuất hiện trào lưu sơn cờ Tổ quốc trên mái nhà, tường, cửa cuốn với nhiều kiểu dáng, kích cỡ khác nhau. Cháu thấy điều này thể hiện tinh thần yêu nước, niềm tự hào dân tộc, nhưng chúng ta không nên lạm dụng, sử dụng tùy tiện. Bởi vì, nếu cờ vẽ sai tỷ lệ, hình khối, hoặc vẽ ở những vị trí quá thấp, đặt ở vị trí không trang trọng thì sẽ thành vi phạm quy định. Chưa kể, sau một thời gian hình vẽ đó bị bong tróc sơn, bay màu thì trông sẽ phản cảm.

Vấn đề này, tối nay chi ủy thôn sẽ họp để có đề xuất, định hướng. Hai bác đã đứng tuổi, lại cùng là đảng viên nên trong việc này càng cần phải thận trọng, không to tiếng tranh cãi kẻo kẻ xấu lại lợi dụng, kiếm cớ đả kích, xuyên tạc, khiến câu chuyện phức tạp hơn đấy ạ!

Trước những lời phân tích chí lý, ông Hinh và ông Bảo bắt tay xin lỗi nhau rồi cùng phân trần với Trưởng thôn: “Đúng là chúng tôi có tuổi rồi mà nhiều lúc vẫn còn... bốc đồng thật! Nhưng chúng tôi đều xuất phát từ lòng yêu nước...”.

CHIẾN VĂN

Không thể xuyên tạc chủ trương thành lập Quỹ Công nghiệp quốc phòng, an ninh

 

Việc thành lập Quỹ Công nghiệp quốc phòng, an ninh (QPAN) là chủ trương đúng đắn nhằm hỗ trợ ngân sách nhà nước phục vụ cho phát triển công nghiệp QPAN để chủ động bảo vệ vững chắc Tổ quốc. Song, trên một vài trang mạng xã hội vẫn có thông tin cố tình xuyên tạc, bóp méo chủ trương này với âm mưu phá vỡ sự đồng thuận xã hội, gây mất niềm tin vào Đảng, Nhà nước, Quân đội hòng phục vụ mưu đồ đen tối của các thế lực thù địch, phản động.

Theo quy định của Luật Công nghiệp QPAN và động viên công nghiệp (ĐVCN), Quỹ Công nghiệp QPAN là quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách, được thành lập ở Trung ương, do Chính phủ quản lý để hỗ trợ triển khai thực hiện các nhiệm vụ cấp bách, có tính mới, rủi ro cao hoặc nghiên cứu, chế tạo vũ khí, trang bị kỹ thuật có ý nghĩa chiến lược, phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ đặc biệt.

Tuy nhiên, sau khi Luật Công nghiệp QPAN và ĐVCN được Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV thông qua thì trên một vài trang mạng xã hội đã xuất hiện luận điệu xuyên tạc, quy chụp, như: "Bộ Quốc phòng muốn lập Quỹ Công nghiệp QPAN để chiếm đoạt ngân sách quốc gia”; "quỹ này là hình thức lách luật để bòn rút ngân sách lâu dài, có tính toán của phía Quân đội”... Các đối tượng phản động cố tình bóp méo mục đích, cơ chế hoạt động của Quỹ Công nghiệp QPAN với luận điệu: “Sản phẩm "mật" có tính rủi ro cao, chẳng khác nào những sản phẩm không bảo đảm chất lượng nhưng vẫn phải bảo mật thông tin, nghĩa là quỹ này sẽ chế tạo ra sản phẩm "mật", người dân không được biết thông tin, và nếu sản phẩm không có chất lượng thì đó là rủi ro, người dân không được lên tiếng ý kiến”...

Không thể xuyên tạc chủ trương thành lập Quỹ Công nghiệp quốc phòng, an ninh
 

Không thể xuyên tạc chủ trương thành lập Quỹ Công nghiệp quốc phòng, an ninh.

Trước hết, cần khẳng định rõ, việc chuẩn bị Luật Công nghiệp QPAN và ĐVCN (trong đó có quy định thành lập Quỹ Công nghiệp QPAN) được tiến hành rất kỹ lưỡng, trong suốt thời gian dài, bảo đảm sự bài bản, cẩn trọng, phát huy dân chủ trên cơ sở cụ thể hóa quan điểm, đường lối của Đảng và Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, phù hợp với các bộ luật có liên quan và tình hình thực tiễn đất nước.

Từ đầu năm 2022, Nghị quyết số 08-NQ/TW của Bộ Chính trị về đẩy mạnh phát triển công nghiệp quốc phòng đến năm 2030 và những năm tiếp theo đã xác định: Công nghiệp quốc phòng là ngành đặc thù, phải được chăm lo, xây dựng và phát triển theo một cơ chế đặc thù, được ưu tiên trong đầu tư, phát triển và coi trọng phát triển nguồn lực khoa học, công nghệ, huy động tối đa thành tựu của nền công nghiệp quốc gia phục vụ công nghiệp quốc phòng.

Cuối tháng 3-2024, trong Chương trình Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách lần thứ năm, Quốc hội khóa XV, khi thảo luận về dự thảo Luật Công nghiệp QPAN và ĐVCN, đại đa số các đại biểu tán thành việc thành lập Quỹ Công nghiệp QPAN nhằm hỗ trợ ngân sách nhà nước phục vụ cho phát triển công nghiệp QPAN; coi đây là giải pháp, cơ chế đặc thù, vượt trội, có ý nghĩa chiến lược, nhất là trong triển khai các chương trình, dự án đầu tư có tính cấp bách, nghiên cứu, chế tạo vũ khí, trang bị kỹ thuật có ý nghĩa chiến lược, phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ đặc biệt, có tính rủi ro cao.

Tiếp đó, tại Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV (tháng 5-2024), khi thảo luận về dự thảo Luật Công nghiệp QPAN và ĐVCN, một lần nữa, đa số ý kiến đại biểu Quốc hội khẳng định, thành lập Quỹ Công nghiệp QPAN là rất cần thiết để bảo đảm yêu cầu xây dựng nền công nghiệp QPAN chủ động, tự lực, tự cường, lưỡng dụng, hiện đại.

Thực tế những năm qua cho thấy, công nghiệp QPAN là lĩnh vực có tính đặc thù cao; trực tiếp liên quan đến khả năng tác chiến, sức mạnh chiến đấu của các lực lượng vũ trang. Để đáp ứng yêu cầu tăng cường tiềm lực QPAN, bảo vệ Tổ quốc, cần có các cơ chế để huy động nguồn lực cho phát triển công nghiệp QPAN, nhất là các nhiệm vụ cấp bách hoặc nghiên cứu, chế tạo các sản phẩm mới, công nghệ cao, có tính rủi ro lớn. Trong khi đó, nguồn ngân sách QPAN của chúng ta thời gian qua chủ yếu được sử dụng để đầu tư mua sắm, nâng cấp vũ khí, trang bị kỹ thuật, phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ. Việc bố trí ngân sách cho hoạt động nghiên cứu, thử nghiệm chưa được thường xuyên, chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn đặt ra.

Trước sự phát triển mạnh mẽ của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (4.0), để tiếp cận nhanh với nền khoa học, công nghệ tiên tiến trên thế giới, tiệm cận với các nước có nền công nghiệp QPAN phát triển, việc thành lập Quỹ Công nghiệp QPAN sẽ giúp giảm “gánh nặng” cho ngân sách nhà nước, tăng tính chủ động, linh hoạt trong bố trí nguồn lực, để các chuyên gia, nhà khoa học tập trung nghiên cứu phát triển, sản xuất sản phẩm mới, công nghệ cao phục vụ nền công nghiệp QPAN, đáp ứng yêu cầu, đòi hỏi ngày càng cao của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Đặc biệt, tại phiên thảo luận ngày 30-5-2024 của Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV, Đại tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đã chia sẻ: Nếu chúng ta sử dụng ngân sách theo quy trình của sử dụng ngân sách nhà nước thì có những trường hợp không đáp ứng được tính thời sự của nhiệm vụ quân sự, quốc phòng và độ bảo mật cũng hạn chế hơn rất nhiều. Kinh nghiệm trên thế giới cho thấy, các quốc gia có nền công nghiệp quốc phòng phát triển đều xây dựng các quỹ tài chính phục vụ cho lĩnh vực công nghiệp quốc phòng với nhiều tên gọi, hình thức khác nhau.

Mặt khác, Điều 22 Luật Công nghiệp QPAN và ĐVCN đã quy định rõ việc Chính phủ thành lập, quản lý, sử dụng Quỹ Công nghiệp QPAN. Đồng thời, các nội dung về nguồn hình thành quỹ này được Luật Công nghiệp QPAN và ĐVCN quy định rất cụ thể, rõ ràng và có tính khả thi, nhất là khoản trích lập từ lợi nhuận sau thuế theo quy định tại điểm a khoản 4 Điều 21; nguồn đóng góp tự nguyện của tổ chức, cá nhân trong nước, ngoài nước; nguồn tài chính hợp pháp khác theo quy định của pháp luật. Nguyên tắc hoạt động của Quỹ Công nghiệp QPAN cũng được quy định rõ: Không vì mục đích lợi nhuận; quản lý, sử dụng đúng mục đích, đúng pháp luật, kịp thời, hiệu quả; hỗ trợ triển khai thực hiện các nhiệm vụ cấp bách, có tính mới, rủi ro cao hoặc nghiên cứu, chế tạo vũ khí, trang bị kỹ thuật có ý nghĩa chiến lược, phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ đặc biệt. Đây chính là cơ sở pháp lý bảo đảm việc huy động, sử dụng Quỹ Công nghiệp QPAN được thực hiện đúng mục đích, công khai, minh bạch. Hoàn toàn không có cái gọi là “người dân không được lên tiếng ý kiến” như các thế lực thù địch đang cố tình xuyên tạc, bóp méo.

Như vậy, có thể thấy, việc thành lập Quỹ Công nghiệp QPAN là rất cần thiết nhằm hỗ trợ triển khai thực hiện các nhiệm vụ cấp bách hoặc nghiên cứu phát triển sản phẩm QPAN. Quỹ này chính là nguồn lực quan trọng để đẩy mạnh xây dựng nền công nghiệp QPAN chủ động, tự lực, tự cường, lưỡng dụng, hiện đại; góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu đã được Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Trung ương 8 (khóa XIII) về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới và Nghị quyết số 08-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa XIII, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa, giữ nước từ khi nước chưa nguy.

Trung tá, TS TẠ QUANG ĐẠO, Phòng Khoa học Quân sự, Trường Sĩ quan Chính trị

Thứ Năm, 11 tháng 4, 2024

 KHÔNG BIẾT DỰA CỘT MÀ NGHE

         

Mới đây, trên trang BBC News Tiếng Việt có đăng bài viết “Có vùng cấm?” với một dấu hỏi chấm, rồi nhắc lại câu nói của ông Mai Tiến Dũng - Nguyên Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ sau sự kiện Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng xin thôi giữ các chức vụ được giao do vi phạm quy định những điều đảng viên không được làm. Bài viết có đề cập đến câu hỏi: “Phải chăng chiến dịch “đốt lò” có vùng cấm? Phải chăng khi làm đến một vị trí nào đó thì người ta cùng lắm chỉ bị kỷ luật, cách chức chứ không bị xử lý trước pháp luật?”

Xin thưa: BBC News đã “không biết thì dựa cột mà nghe”

PHÒNG, CHỐNG THAM NHŨNG, TIÊU CỰC: QUYẾT TÂM, QUYẾT LIỆT, ĐỒNG LÒNG, NHÂN DÂN TIN TƯỞNG

(SQCT) -Năm 2012, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (PCTNTC) được thành lập đã tạo cơ sở pháp lý và hiệu lực cao hơn trong việc PCTNTC. Với bước ngoặt này, công tác PCTNTC đã đạt được nhiều kết quả toàn diện, mang lại niềm tin rất lớn của nhân dân. Trong hơn 10 năm qua, hàng chục nghìn đảng viên đã bị thi hành kỷ luật, hàng loạt đại án đã được đưa ra xét xử. Tính riêng nhiệm kỳ khóa XII, hơn 87.000 đảng viên bị kỷ luật, tăng 18% so với nhiệm kỳ XI. Từ đầu nhiệm kỳ khoá XIII, các tổ chức Đảng và các đảng viên sai phạm tiếp tục bị đưa ra xử lý. Ủy ban Kiểm tra T.Ư đã kiến nghị thi hành kỷ luật 14 cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý và tính từ đầu nhiệm kỳ đến nay, đã có 40 cán bộ cấp cao bị xử lý kỷ luật.