Social Icons

Pages

Thứ Bảy, 27 tháng 8, 2016

Thành quả của đường lối độc lập dân tộc gắn với chủ nghĩa xã hội ở nước ta

Độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội là con đường Chủ tịch Hồ Chí Minh lựa chọn, được mở ra từ khi có Đảng. Cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945 là thắng lợi đầu tiên của con đường này, tiền đề của thắng lợi trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, chống đế quốc Mỹ và thành tựu của công cuộc đổi mới - ba thắng lợi vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong suốt hơn 70 năm qua, để dân tộc Việt Nam đi đến độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội.

Kể từ khi liên quân Pháp - Tây Ban Nha nổ súng tấn công vào bán đảo Sơn Trà, mở đầu cuộc xâm lược của chủ nghĩa thực dân phương Tây, nhân dân Việt Nam với khí phách của dân tộc anh hùng đã liên tiếp đứng lên chống lại sự xâm lăng. Tuy vậy, các phong trào đấu tranh, các cuộc khởi nghĩa dưới sự lãnh đạo của các sĩ phu, nhà yêu nước đều thất bại. Nguyên nhân chính là do không có đường lối cách mạng đúng theo một hệ tư tưởng tiên tiến, khoa học và cách mạng, phù hợp với tiến trình lịch sử.

Trong hoàn cảnh đó, hành trình tìm đường cứu nước đã đưa lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đến với chủ nghĩa Mác - Lê-nin, đến với tư tưởng tiên tiến của thời đại. Với nhãn quan chính trị sắc bén, đối chiếu với thất bại của phong trào yêu nước từng xảy ra, Người nhận định: “Muốn cứu nước và giải phóng dân tộc, không có con đường nào khác là con đường cách mạng vô sản”(1) và khẳng định: “Chỉ có chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản mới giải phóng được các dân tộc bị áp bức và những người lao động trên thế giới khỏi ách nô lệ”(2). Kể từ đó, Người ra sức truyền bá chủ nghĩa Mác - Lê-nin vào nước ta và xúc tiến thành lập Đảng. Đó là quá trình chuẩn bị về tư tưởng và tổ chức cho cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc theo con đường cách mạng vô sản. Ngay khi thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, Chánh cương vắn tắt do Người soạn thảo đã chỉ rõ: “Làm tư sản dân quyền cách mạng và thổ địa cách mạng để đi tới xã hội cộng sản”(3). Đường lối đó “vượt qua những mâu thuẫn và các hạn chế trong việc giải quyết vấn đề độc lập dân tộc theo lập trường phong kiến và tư sản”(4), đánh dấu sự kết thúc thời kỳ khủng hoảng bế tắc, mở đầu thời kỳ sáng tỏ con đường đấu tranh giành lại độc lập, tự do của nhân dân ta. Đường lối đó đáp ứng xu thế của thời đại, bởi thành công của Cách mạng Tháng Mười Nga khẳng định: trong thời đại cách mạng vô sản, giai cấp công nhân nắm quyền lãnh đạo thực hiện cách mạng dân tộc dân chủ để giải phóng dân tộc, tạo tiền đề xây dựng chủ nghĩa xã hội nhằm thực hiện triệt để nhiệm vụ giải phóng nhân dân, giải phóng người lao động, thủ tiêu áp bức bóc lột, bảo đảm cho mọi người dân hưởng đầy đủ quyền độc lập, tự do, cho mọi thành viên của cộng đồng dân tộc trở thành người chủ thực sự của đất nước, đem hết khả năng sức lực để xây dựng và bảo vệ nền độc lập của Tổ quốc. Độc lập dân tộc là mục tiêu trực tiếp của cách mạng giải phóng đất nước, là điều kiện, là tiền đề đi tới cách mạng xã hội chủ nghĩa. Xây dựng xã hội chủ nghĩa là con đường để bảo đảm cho độc lập của dân tộc được vững chắc.


Sự lựa chọn đó khơi nguồn sức mạnh cho cách mạng Việt Nam, các phong trào chống đế quốc, phong kiến liên tiếp bùng nổ, tạo thành những cao trào nối tiếp nhau, là quá trình xây dựng, rèn luyện và phát triển lực lượng tạo nên sức mạnh to lớn làm nên thắng lợi Cách mạng Tháng Tám, lật nhào chế độ thực dân phong kiến, giải phóng dân tộc khỏi ách nô lệ, lập nên nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, nhà nước dân chủ công nông đầu tiên ở Đông Nam Á. Đó là “kết quả thực tiễn của một đường lối đúng đắn của Đảng ta từ năm 1930 đã nêu: độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội”(5), mở đường đưa dân tộc ta tiến hẳn vào kỷ nguyên mới trong lịch sử của mình: kỷ nguyên độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội.

1 nhận xét:

  1. Việt Nam đã đi rất đúng hướng, cho nên đất nước mới phát triển mạnh mẽ như vậy

    Trả lờiXóa