Mùa thu Cách mạng của 71 năm trước, một trong những hình ảnh làm nức lòng người con dân đất Việt và gieo nên nỗi khiếp sợ kinh hoàng cho bọn đế quốc thực dân cướp nước cũng như bè lũ tay sai bán nước là hình ảnh lá cờ đỏ sao vàng.
Lá cờ đỏ sinh ra trong máu lửa khởi nghĩa Nam Kỳ; lá cờ đỏ sao vàng mà Bác đã hằng ấp ủ trong những đêm trắng tại lao tù của bọn Tưởng Giới Thạch; lá cờ đỏ trong những ngày Cách mạng Tháng Tám sục sôi đã trở thành Quốc kỳ của nước Việt thân thương, một biểu tượng của lòng tự hào và niềm vui mãi mãi...
Lá cờ đỏ sinh ra trong máu lửa khởi nghĩa Nam Kỳ; lá cờ đỏ sao vàng mà Bác đã hằng ấp ủ trong những đêm trắng tại lao tù của bọn Tưởng Giới Thạch; lá cờ đỏ trong những ngày Cách mạng Tháng Tám sục sôi đã trở thành Quốc kỳ của nước Việt thân thương, một biểu tượng của lòng tự hào và niềm vui mãi mãi...
Năm năm trước khi bùng nổ cuộc Cách mạng Tháng Tám long trời lở đất, tại đất Nam Bộ thành đồng, lá cờ đỏ sao vàng đã tung bay phần phật trong cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ (23-11-1940) - một cuộc khởi nghĩa đã để lại cho lịch sử những bài học quý. Cuộc khởi nghĩa bị thực dân Pháp đàn áp, khủng bố dã man; nhưng lá cờ đỏ sao vàng luôn hiện hữu trong trái tim nhiệt tình cách mạng của mỗi người, động viên nhân dân ta vững bước trên con đường đấu tranh giải phóng dân tộc. Và ông Nguyễn Hữu Tiến, người được Xứ ủy Nam Kỳ giao cho sáng tác mẫu cờ đã có những vần thơ như khắc vào lòng chúng ta qua thời gian và năm tháng:
"Hỡi những ai máu đỏ da vàng
Hãy chiến đấu dưới cờ thiêng Tổ quốc
Nền cờ thắm máu đào vì nước
Sao vàng tươi, da của giống nòi
Ðứng lên mau hồn nước gọi ta rồi
Hỡi sĩ nông công thương binh
Ðoàn kết lại như sao vàng năm cánh".
Một năm sau (5-1941), Hội nghị Trung ương Ðảng lần thứ 8 đã quyết định: sau khi đánh đuổi đế quốc Pháp - Nhật sẽ lập nên Chính phủ nhân dân của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, lấy cờ đỏ sao vàng làm Quốc kỳ. Ngày 16-8-1945 tại Tân Trào (Tuyên Quang), Ðại hội Quốc dân được triệu tập. Ðại hội đã tán thành quyết định tổng khởi nghĩa của Ðảng, lập ra Ủy ban Dân tộc Giải phóng Việt Nam do Hồ Chí Minh làm Chủ tịch, quy định Quốc ca là bài "Tiến quân ca" và Quốc kỳ là cờ đỏ sao vàng. Liền sau đó, Hồ Chủ tịch đã gửi thư đến đồng bào cả nước, kêu gọi nhân dân nổi dậy tổng khởi nghĩa, giành chính quyền; trong đó có đoạn: "Tiến lên! Tiến lên! Dưới lá cờ Việt Minh, đồng bào hãy dũng cảm tiến lên!". Ngày 17-8-1945, một lá cờ đỏ sao vàng có diện tích đến 48 mét vuông (6 m x 8 m) đã được xuất hiện trước tiền sảnh Nhà hát lớn Hà Nội, tạo nên sự phấn khích to lớn của quần chúng Thủ đô. Ông Trần Lâm - một trong hai người trực tiếp treo lá cờ đó - kể lại: "Cuộc mít-tinh bắt đầu, khi lá cờ của chính phủ bù nhìn Trần Trọng Kim được kéo lên thì tôi và anh Nam cũng mở lá cờ đỏ sao vàng từ trên tầng hai buông xuống. Lá cờ to rộng, sáng chói, nổi bật trên cao. Sự kiện này làm đảo lộn tình thế. Tất cả những người dự cuộc mít-tinh đều sững sờ. Trong tay họ đang cầm những lá cờ nhỏ tự nhiên giơ lên vẫy vẫy và hò hét như sấm". Như một luồng điện cực mạnh, cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng Tám lan nhanh ra cả nước trong rừng cờ đỏ sao vàng phấp phới tung bay khắp nơi. Từ thành thị đến nông thôn, từ núi cao cho đến biển xa, sóng cờ cứ thế trào dâng.
71 năm rồi kể từ mùa thu năm ấy, thời gian hơn nửa thế kỷ, nhưng sao trong ta vẫn còn nguyên vẹn hình ảnh rất đỗi tự hào và rất đỗi thiêng liêng ấy:
"Gió reo, gió reo, gió Việt Nam reo
Gió nước Việt biết bao là thỏa chí
Vì đã được một lá cờ hùng vĩ
Ðẹp mà vui, dòn dã lại vinh quang
Ðể sáng xuân đem đỏ lẫn cùng vàng
Ðể trưa hạ gió pha thành ánh lửa
Ðể thu tới dội sắc đào chan chứa
Thổi cờ bay, thấy ấm cả lòng không".
Bài viết rất hay
Trả lờiXóa