Social Icons

Pages

Thứ Sáu, 15 tháng 3, 2019

GIÁ TRỊ TRƯỜNG TỒN CỦA QUỐC TẾ CỘNG SẢN VỚI PHONG TRÀO CÁCH MẠNG VIỆT NAM


Trong những ngày này, hàng triệu người cộng sản chân chính và lực lượng yêu chuộng hòa bình trên thế giới đều hướng về Quốc tế Cộng sản, nhân dịp kỷ niệm 100 năm thành lập. Ra đời và tồn tại gần một phần tư thế kỷ, Quốc tế Cộng sản thực sự là một tổ chức cách mạng rộng lớn nhất, “là một Đảng cộng sản thế giới”[1] như Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định. Và dù lịch sử của Quốc tế Cộng sản đã khép lại, nhưng vai trò, cùng những đóng góp to lớn của Quốc tế Cộng sản đối với cách mạng thế giới, trong đó có Việt Nam vẫn là một sự thật hiển nhiên, không thể bác bỏ. Những vấn đề có tính quy luật được Quốc tế Cộng sản vạch ra, không chỉ là động lực mà còn là bài học thực tiễn sinh động, mang giá trị trường tồn đối với cách mạng Việt Nam.

Thứ nhất, Quốc tế Cộng sản xác định đúng vấn đề dân tộc và thuộc địa, đã định hướng rõ con đường cứu nước, giải phóng dân tộc cho nhân dân Việt Nam qua hành trình tìm tòi, khảo nghiệm lịch sử của Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh. Giữa lúc cách mạng Việt Nam khủng hoảng về đường lối và giai cấp lãnh đạo, năm 1920 tại Đại hội lần thứ II, Quốc tế Cộng sản đã thông qua Luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa do Lê-nin khởi thảo. Với khẩu hiệu "Vô sản tất cả các nước và các dân tộc bị áp bức đoàn kết lại", Quốc tế Cộng sản đã khẳng định vấn đề có tính quy luật: Cách mạng giải phóng dân tộc là một bộ phận không thể tách rời của cách mạng vô sản. Và người có vai trò lịch sử, tiếp thu tư tưởng chỉ đạo nói trên của Quốc tế Cộng sản là Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh. Sau bao nhiêu năm bôn ba khắp chân trời góc bể, nghiên cứu nhiều nền văn hóa, tìm hiểu nhiều cuộc cách mạng, cùng thiên tài chính trị của mình, Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh đã sớm nhận ra tư tưởng vĩ đại của V.I.Lênin trong Luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa; xem đó là "chiếc cẩm nang thần kỳ", là "con đường" để giải phóng "hoàn toàn" dân tộc Việt Nam. Từ đó Người “hoàn toàn tin theo Lênin, tin theo Quốc tế thứ ba”[2]; phá vỡ sự bế tắc lịch sử đương thời, mở ra con đường đi tới thắng lợi cho cách mạng Việt Nam. Kiên định con đường cách mạng vô sản - con đường mà các nhà kinh điển mác xít khẳng định tính đúng đắn cả bằng lý luận và thực tiễn - cũng là bài học sinh động của cách mạng Việt Nam. Hơn 89 năm qua, kể từ khi Đảng ta ra đời, nhờ kiên định con đường cách mạng vô sản mà Nhân dân ta được sống trong tự do, độc lập; hai tiếng “Việt Nam” trở thành lương tri, phẩm giá con người. Ngày nay, khi nguy cơ chệch hướng xã hội chủ nghĩa vẫn còn hiện hữu, thì vấn đề cốt yếu nhất là phải giữ vững cho được sự định hướng của Đảng đối với mọi mặt đời sống xã hội; thực hiện chuyên chính vô sản, kiên định con đường cách mạng vô sản mà chủ nghĩa Mác - Lê nin và Quốc tế 3 xác định.
Thứ hai, sự chỉ đạo, giúp đỡ của Quốc tế Cộng sản cùng với hoạt động không ngừng nghỉ của Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh và những nhà yêu nước dẫn đến sự ra đời của Đảng cộng sản Việt Nam - nhân tố quyết định mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Ngay trong Đại hội II tháng 7/1920 của Quốc tế Cộng sản đã bàn đến vấn đề thành lập và củng cố các đảng cộng sản kiểu mới của giai cấp vô sản; thông qua điều lệ Quốc tế Cộng sản, khẳng định nguyên tắc tập trung dân chủ là nguyên tắc cơ bản trong tổ chức, hoạt động và sinh hoạt tư tưởng; kêu gọi các nước tiên tiến giúp đỡ phong trào giải phóng dân tộc cả vật chất, tinh thần, lực lượng… Quốc tế Cộng sản cũng giúp Nguyễn Ái Quốc và những người yêu nước Việt Nam trong việc truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin vào phong trào công nhân và phong trào yêu nước; có điều kiện nghiên cứu khảo sát thực tế, học tập kinh nghiệm của các đảng, các phong trào; tạo diễn đàn đấu tranh để các Đảng cộng sản ở chính quốc quan tâm đúng mức đến cách mạng thuộc địa. Nhờ đó, phong trào công nhân và phong trào yêu nước Việt Nam có một bước chuyển biến căn bản từ tự phát sang tự giác, để thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam vào ngày 03/2/1930. Đảng ra đời với Cương lĩnh đúng đắn, đã đưa cách mạng Việt Nam hòa nhịp vào phong trào cách mạng thế giới, là nhân tố quyết định mọi thắng lợi; thống nhất Tổ quốc, đưa cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội. Giai đoạn hiện nay, khi các thế lực thù địch, phản động ra sức chống phá và từ bài học xương máu của Quốc tế Cộng sản, một vấn đề có tính quy luật đó là không ngừng củng cố xây dựng Đảng ta thực sự trong sạch, vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức, đạo đức theo những nguyên tắc mà Lênin và Quốc tế Cộng sản chỉ ra.
Thứ ba, cùng với nhân tố chủ quan, chủ nghĩa Mác - Lênin, Quốc tế Cộng sản là một trong những tiền đề quan trọng nhất tác động đến việc hình thành, phát triển và quyết định bản chất cách mạng, khoa học của tư tưởng Hồ Chí Minh - một bộ phận cấu thành nền tảng tư tưởng của Đảng ta. Trong hành trình tìm đường cứu nước, Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh đã tiếp xúc với nhiều học thuyết chính trị khác nhau. Tuy nhiên, Người cho rằng: “Bây giờ học thuyết nhiều, chủ nghĩa nhiều, nhưng chủ nghĩa chân chính nhất, chắc chắn nhất, cách mệnh nhất là chủ nghĩa Lênin”[3]. Và nhờ hoạt động thực tiễn trong phong trào cộng sản, công nhân quốc tế và trong Quốc tế Cộng sản, Nguyễn Ái Quốc đã có một bước chuyển biến căn bản từ chủ nghĩa yêu nước đến chủ nghĩa Mác - Lênin. Nhờ hoạt động trong Quốc tế Cộng sản, Nguyễn Ái Quốc đã tiếp thu lý luận và thực tiễn phong trào cách mạng thế giới, vận dụng vào điều kiện hoàn cảnh cụ thể Việt Nam; từ đó có những vượt trội về tầm nhìn, để dứt khoát khẳng định rằng: “Muốn cứu nước giải phóng dân tộc, không có con đường nào khác ngoài con đường cách mạng vô sản”[4]. Trong khi giải quyết những vấn đề của cách mạng Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã góp phần phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin trên nhiều vấn đề quan trọng. “Tư tưởng của Người đã và đang soi đường cho cuộc đấu tranh của nhân dân ta giành thắng lợi, trở thành những giá trị bền vững của dân tộc Việt Nam và lan tỏa ra thế giới”[5]. Ngày nay, sự nghiệp đổi mới ở nước ta đang đi vào chiều sâu, các vấn đề mới đặt ra trong đời sống xã hội ngày càng nhiều, đòi hỏi phải được giải đáp, thì việc nghiên cứu khẳng định bản chất cách mạng và khoa học; vận dụng, bảo vệ và phát triển tư tưởng Hồ Chí Minh trở thành nhiệm vụ quan trọng, cấp bách - vấn đề có tính quy luật đối với cách mạng Việt Nam.
Thứ tư, Quốc tế Cộng sản đã đào tạo nhiều cán bộ xuất sắc, những lãnh tụ chân chính của cách mạng Việt Nam - một bài học sinh động về công tác bồi dưỡng đội ngũ của Đảng. Thông qua việc phân công và đào tạo trong công tác thực tiễn và qua các trường lớp của Quốc tế Cộng sản, nhiều chiến sĩ trung kiên Việt Nam đã trở thành các lãnh tụ chính trị xuất sắc của Đảng ta như: Chủ tịch Hồ Chí Minh, Trần Phú, Hà Huy Tập, Lê Hồng Phong, Nguyễn Thị Minh Khai, v.v.. Vì thế, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn coi  “Liên Xô là… Tổ quốc thứ hai”[6], Lênin là người thầy và Trường Đại học Phương Đông là mái ấm của các dân tộc thuộc địa. Nhờ đội ngũ cán bộ được đào tạo cơ bản và có hệ thống, mà Đảng ta có bước trưởng thành vững chắc về lý luận. Dù lịch sử có những biến động, đổi thay đòi hỏi sự cần thiết phải điều chỉnh về đường lối, nhưng nhìn chung chiến lược và sách lược mà Đảng ta đề ra ngay từ thời kỳ đầu thành lập, cũng như trong từng giai đoạn về sau là đúng đắn. Bài học về công tác xây dựng, bồi dưỡng cán bộ, trong bất kỳ giai đoạn lịch sử nào luôn được Đảng ta thực hiện với phương châm “cán bộ là cái gốc của mọi công việc… huấn luyện cán bộ là công việc gốc của Đảng”[7]; kiên quyết đấu tranh với mọi biểu hiện tự diễn biến, tự suy thoái trong đội ngũ cán bộ, đảng viên, kịp thời phát hiện và đưa ra khỏi Đảng những phần tử cơ hội, thoái hóa, biến chất, để Đảng thực sự là đạo đức là văn minh; là người lãnh đạo đồng thời là đầy tớ trung thành của Nhân dân.
Thứ năm, Quốc tế Cộng sản còn để lại bài học vô giá cho cách mạng Việt Nam trong cuộc đấu tranh kiên trì, bền bỉ với chủ nghĩa chống cộng, chủ nghĩa cơ hội, xét lại dưới mọi màu sắc. Lịch sử Phong trào cộng sản và công nhân quốc tế là minh chứng rõ nét về sự ra đời tất yếu khách quan của Quốc tế Cộng sản, luôn gắn liền cuộc đấu tranh không khoan nhượng với tư tưởng phi vô sản của những phần tử phản động như Becxtanh, Cauxki và Trôtxki… để bảo vệ những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác; đồng thời bổ sung phát triển những nguyên lý đó một cách sáng tạo, khoa học phù hợp tình hình thực tiễn đã thay đổi. Phát huy tinh thần tiến công cách mạng của Lênin và những chiến sĩ trung kiên trong Quốc tế Cộng sản, Đảng ta từ khi ra đời cho đến nay luôn coi trọng bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng; kiên quyết đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch. Ở mỗi thời kỳ, nhất là những bước ngoặt, hay khi cách mạng gặp khó khăn, Đảng ta càng chú trọng tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện nhiệm vụ quan trọng này; coi đó là cuộc chiến đấu trong thời bình. Mọi biểu hiện của việc xem nhẹ hoặc hạ thấp vai trò của cuộc đấu tranh trên lĩnh vực tư tưởng, lý luận đều là sự xa rời những vấn đề có tính quy luật mà chủ nghĩa Mác - Lênin và Quốc tế Cộng sản đã khẳng định.
Thời gian càng lùi xa, càng cho phép chúng ta có cái nhìn toàn diện hơn, chính xác hơn, để kiểm chứng, nhận thức đúng về những giá trị trường tồn và vai trò của Quốc tế Cộng sản đối với sự phát triển của cách mạng Việt Nam. Quốc tế Cộng sản không phải là một hiện tượng ngẫu nhiên mà là sự kế tiếp hợp quy luật, kết quả đấu tranh của Phong trào cộng sản và công nhân quốc tế kéo dài hàng thế kỷ với học thuyết khoa học, cách mạng của chủ nghĩa Mác - Lênin soi sáng, dẫn đường. Vì vậy, Quốc tế Cộng sản đã và sẽ mãi mãi là nhân tố quan trọng, có vai trò định hướng, dẫn dắt sự phát triển, tiến bộ của thế giới hiện đại, trong đó có cách mạng Việt Nam.
NTK./.


[1] Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 2, Nxb Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011,  tr.310.
[2] Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 12, Nxb Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011,  tr.562.
[3] Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 2, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.289.
[4] Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 12, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.30.
[5] Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 1, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.08.
[6] Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 14, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.198.
[7] Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 5, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.309.

2 nhận xét: