Nét đẹp trong ứng xử của người Việt Nam được
hình thành có chọn lọc từ thực tế lao động sản xuất, học tập, công tác của con
người thông qua hoạt động giao tiếp. Hoạt động giao tiếp giữa con người với con
người diễn ra thường xuyên và không thể thiếu trong đời sống. Xã hội càng phát
triển thì vai trò của giao tiếp càng trở nên quan trọng.
Trong chiều dài lịch sử của đất nước, cái đẹp trong ứng xử được
cha ông ta lưu truyền từ đời này sang đời khác, trở thành nét đẹp văn hóa
truyền thống. Giao tiếp của người Việt Nam luôn trọng tình nghĩa “một trăm cái
lý, không bằng một tí cái tình”, nên việc sử dụng ngôn ngữ luôn được đề cao.
Kho tàng ca dao Việt Nam có nhiều câu nói về ngôn ngữ, đề cao ngôn ngữ, ví như:
“Lời nói chẳng mất tiền mua/ Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau’’; qua đó mọi
người luôn nhắc nhở nhau khi giao tiếp, nói năng phải cân nhắc, tránh để mất
lòng, làm ảnh hưởng, tổn thương đến người khác.
Cách ứng xử có văn hóa của người Việt Nam có sự ảnh hưởng, tác
động bởi các mối quan hệ ràng buộc của làng xã, dòng họ, gia đình, giữa các
thành viên trong cộng đồng, trong tình yêu đôi lứa...; thể hiện rõ quan hệ
trên-dưới, trước-sau, có nghĩa, có tình, tôn trọng phép nước, lệ làng, đạo lý,
hành xử trượng nghĩa. Nét đẹp trong ứng xử thể hiện rõ sự gắn bó, yêu thương,
đồng cam cộng khổ giữa con người với con người, tạo ra sự cố kết dân tộc.
Khi xã hội ngày càng phát triển, nhất là từ khi cuộc Cách mạng
công nghiệp lần thứ tư len lỏi tới từng ngõ ngách của đời
sống mỗi người dân, chỉ cần một cử chỉ, hành vi thiếu văn hóa, ứng xử
không chuẩn mực sẽ được nhiều người biết đến và bình luận, lên án. Khi vào
internet, gõ một từ khóa “ứng xử thiếu văn hóa” cho ra rất nhiều kết quả. Hành
vi ứng xử thiếu văn hóa không chỉ là vô ý, thiếu hiểu biết, mà đáng tiếc còn có
ở cả những người được học hành tới nơi, tới chốn, có địa vị xã hội...
Đầu năm Kỷ Hợi 2019, tôi chứng kiến trường hợp một người phụ nữ đã lợi
dụng chức vụ của mình có những hành vi rất thiếu văn hóa khi đến thăm viếng một
di tích lịch sử. Theo người phụ nữ này, vì cho mình là "cán bộ cấp
cao" nên được phép làm những việc vượt ngoài quy định... Chứng kiến vụ
việc, nhiều người phải thốt lên rằng: Cán bộ cấp cao gì mà lại có cách ứng xử
thiếu văn hóa như vậy. Nhìn rộng ra, một thực tế không vui trong xã hội chúng
ta hiện nay là có những cán bộ trình độ cao, nhưng ứng xử lại kém, nói năng tục
tĩu, hành xử thô lỗ, gây mất đoàn kết. Đồng nghiệp gặp nhau không chào hỏi,
không ít vụ va chạm giao thông dẫn đến bạo lực... Theo các nhà nghiên cứu
văn hóa, nguyên nhân sâu xa của những biểu hiện ứng xử thiếu văn hóa trong đời
sống xã hội bắt nguồn từ sự tha hóa về đạo đức, lối sống; coi trọng lợi ích cá
nhân hơn lợi ích tập thể, luôn đề cao giá trị vật chất.
Sinh thời, nhiều lần Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ ra: Ứng xử thiếu
văn hóa giữa con người với con người trong xã hội sẽ tác động sâu sắc tới ý
thức xã hội, tạo ra rào cản đối với sự phát triển của xã hội. Vì thế, Đảng
ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đề cao văn hóa, trọng nghĩa tình và cách ứng xử
tình người, mang đậm chất nhân văn của người Việt Nam. Sinh thời, trong giao
tiếp, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn hòa nhã, quan tâm chu đáo đến những người xung
quanh, ứng xử lịch lãm, linh hoạt, ân cần, tế nhị, cởi mở. Khi cần thì nhắc nhở
nhẹ nhàng, hoặc phê bình nghiêm khắc, nhưng vẫn độ lượng, khoan dung.
Hiện nay, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân đang tiếp tục đẩy mạnh
thực hiện Nghị quyết Trung ương 4, khóa XII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng; Chỉ
thị 05 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức,
phong cách Hồ Chí Minh; quy định trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên,
trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành
Trung ương. Đây là cơ hội tốt để mỗi chúng ta giữ nét đẹp truyền thống, ứng xử
có văn hóa. Các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương cần phải xây dựng
những chuẩn mực ứng xử trong giao tiếp nơi ở, nơi làm việc, nơi công cộng; kiên
quyết đấu tranh với hành vi ứng xử theo bản năng, theo thói quen, không tuân
thủ pháp luật, trái với luân thường đạo lý. Các cấp ủy, chính quyền chú trọng
xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức vững mạnh, nhất là về phẩm chất,
đạo đức, lối sống. Đảng phải tìm cách chữa bằng được bệnh suy thoái về đạo đức,
lối sống, giảm sút niềm tin, thoái chí chiến đấu, thiếu lương tâm, trách nhiệm;
nói nhiều, làm ít của cán bộ, đảng viên.
Ứng xử có văn hóa của con người Việt Nam đã có nền tảng từ ngàn
đời nay, nét đẹp văn hóa đó được lưu giữ, trao truyền qua nhiều thế hệ người
Việt Nam. Mỗi người Việt Nam hãy góp sức mình để nét đẹp truyền thống đó ngày
càng được bồi đắp, trở thành giá trị vĩnh hằng. Lấy cái đẹp dẹp cái xấu, đừng để
những "con sâu làm rầu nồi canh"; cần đấu tranh kiên quyết, không
khoan nhượng, như Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nhấn mạnh: “... giặc nội xâm rất
đáng sợ, vì nó phá từ trong phá ra”. Để chiến thắng “tên giặc nội xâm ứng xử
thiếu văn hóa, thiếu chuẩn mực”, cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và
toàn xã hội; từ đó lưu giữ và nhân lên giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của
dân tộc.
Đấu tranh chống thói hư, tật xấu là để xây dựng những nét đẹp văn hóa
Trả lờiXóaBạn nói rất chính xác
Xóa