Social Icons

Pages

Thứ Sáu, 17 tháng 5, 2019

NHẬN DIỆN BỆNH THÀNH TÍCH TRONG THI ĐUA

Phong trào thi đua trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá và tích cực, chủ động hội nhập kinh tế quốc tế đã và đang nhận được sự hưởng ứng mạnh mẽ của đông đảo các tầng lớp nhân dân, tạo động lực to lớn thúc đẩy toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta nỗ lực phấn đấu hướng tới mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”. Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đó, một điều đáng tiếc rằng, hiện nay ở nước ta, căn “bệnh thành tích” trong thi đua đã khá trầm trọng, gây tác hại nhiều mặt và ảnh hưởng không nhỏ đến phong trào thi đua yêu nước. “Bệnh thành tích” không chỉ biểu hiện ở việc làm không tốt nhưng báo cáo hay, thành tích ít báo cáo nhiều mà còn biểu hiện ra muôn hình vạn trạng, có biểu hiện tinh vi khó lường. Không chỉ có tập thể, cán bộ, công chức nhà nước mà cả người dân bình thường cũng có thể mắc bệnh. “Bệnh thành tích” đã xâm nhập vào các gia đình và trẻ em. Không ít học sinh gian lận, quay cóp trong học tập, thi cử để có thành tích học tập cao. Và, không chỉ các em học sinh ham muốn thành tích mà cả phụ huynh và người dạy cũng là đồng tác giả của “bệnh thành tích”.
Từ tâm lý “sính thành tích” mà nhiều ngành, cơ quan, đơn vị đặt chỉ tiêu thi đua “trên mây”, không thực tế nhưng lại tìm mọi thủ đoạn, mánh lới để có được chỉ tiêu thi đua đó, nhưng đó chỉ là kết quả, thành tích giả. “Bệnh thành tích” cũng phát sinh ra tình trạng mua bán thành tích. Trong nền kinh tế thị trường không phải cái gì cũng có thể trở thành hàng hoá và có thể mua bán được, tuy nhiên thời gian qua chúng ta không ngạc nghiên khi được biết “phong bì, phong bao, quà cáp, lợi ích vật chất…” làm sai lạc kết quả thanh tra, kiểm tra, sai lạc thành tích thực tế. Nghiêm trọng hơn là, có cán bộ cấp trên, thành viên đoàn thanh tra, kiểm tra gợi ý, ngã giá, thậm chí còn tống tiền đối với cá nhân, đơn vị là đối tượng thanh tra, kiểm tra. Đặc biệt là, dưới tác động mặt trái của kinh tế thị trường, bên cạnh sự cạnh tranh lành mạnh, xuất hiện cạnh tranh không lành mạnh, sử dụng biện pháp, thủ đoạn xấu để chèn ép, gây khó khăn với đối tác cạnh tranh v.v…
Ngăn chặn và đẩy lùi bệnh thành tích, làm cho phong trào thi đua nước nhà thực sự “khoẻ mạnh”, có sức sống mới, là vấn đề cấp bách cần được quan tâm thực hiện hơn nữa trong thời gian tới.

1 nhận xét: