Tại sân nhà máy truyền thống Thủy điện Hòa Bình có một khối
bê tông hình chóp cụt, trên đó có tấm biển thép khắc chìm dòng chữ: "Nơi
lưu giữ bức thư của những người xây dựng Thủy điện Hòa Bình gửi thế hệ mai sau.
Thư được mở vào ngày 1-1-2100".
"Kho
lưu trữ" lá thư thực chất chỉ là một khối bê tông hình chóp cụt, 4 mặt bên
hình thang, có cạnh đáy 2 mét, chiều cao 1,8 mét, cạnh trên 0,8 mét, nặng gần
10 tấn. Sau khi được Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Phạm Văn Đồng và đồng chí Đỗ
Mười đồng ý, lãnh đạo Tổng Công ty Xây dựng nhà máy Thủy điện Hòa Bình mời một
số nhà văn, nhà báo, nhà trí thức tham gia viết thư. Tuy nhiên, đồng chí Đỗ Mười
cũng khuyên là vì Việt Nam chưa có tục lệ này, cho nên không được
"chôn" vào lòng đập mà nên đặt ở chỗ nào trang trọng. Và thế là sau
khi bàn bạc với chuyên gia Liên Xô, lãnh đạo tổng công ty quyết định đặt lá thư
đó vào lòng khối bê tông.
Bản dự thảo
của bức thư có những đoạn rất xúc động: “Hỡi thế hệ mai sau! Chúng tôi đã đem hết
sức mình để chinh phục dòng sông Đà. Truyền thống cần cù, dũng cảm của cha ông
đã được duy trì và phát huy. Tại nơi đây, nhiều gương lao động sáng tạo đã xuất
hiện con người mới xã hội chủ nghĩa đang vươn lên làm chủ xã hội, làm chủ thiên
nhiên. Thời gian sẽ trôi đi, nhưng những thành tựu của chúng tôi chắc chắn sẽ
đóng góp cho sự phồn vinh và hùng cường của Tổ quốc. Trong bản dự thảo này, có
một đoạn do đồng chí Zasepilin viết được lựa chọn: “Hòa Bình - tên gọi công
trình chúng tôi là biểu tượng tốt đẹp nhất, là nguyện vọng tha thiết nhất trên
Trái đất này. Hãy giữ cho bầu trời trên đất nước Việt Nam và Liên Xô, trên những
lục địa và đại dương mãi mãi Hòa Bình”. Còn đoạn kết lá thư được viết như sau:
"Tình hữu nghị giữa nhân dân Việt Nam và nhân dân Liên Xô đời đời bền vững.
Chủ nghĩa Cộng sản nhất định thắng”. Chắc chắn rằng từ bản dự thảo đến bản
chính còn có nhiều thay đổi về văn phong, câu chữ. Tuy nhiên, theo một số người
biết lá thư thì những ý chính cơ bản như vậy.
Lá thư hiện
nay để trong khối bê tông là một công trình tập thể. Sau khi lá thư được hoàn
chỉnh về nội dung, một cán bộ viết chữ đẹp được giao nhiệm vụ chép hai bản đó với
tiếng Việt và tiếng Nga bằng mực Tàu.
Theo tính
toán, vào năm 2100, lớp bùn dưới lòng hồ đã dày thêm khoảng 56 mét, như vậy là
không thể phát điện được nữa. Cần phải cho nhà máy nghỉ ngơi để nạo vét lòng hồ,
hoặc phá bỏ nhà máy... Mà để làm được công việc đó thì phải mất hàng năm trời.
Và lúc đó mới mở lá thư cho “thế hệ mai sau” biết ngày xưa, lớp cha ông đã lao
động như thế nào.
Có lẽ thế hệ
chúng ta sẽ khó có ai có thể được đọc bức thư, vì vậy hãy cùng cố gắng đưa Việt
Nam trở nên hùng cường theo ước muốn của các bậc tiền nhân, để con cháu chúng
ra sẽ được mở bức thư trong tâm thế tự hào về một Việt Nam lớn mạnh, thịnh vượng!
Lớp trẻ hãy noi gương các thế hệ đi trước
Trả lờiXóa