Social Icons

Pages

Thứ Sáu, 5 tháng 7, 2019

Học ngoại ngữ, bí quyết thành công của Bác Hồ


Theo Giáo sư Hoàng Chí Bảo - chuyên gia cao cấp, thành viên Hội đồng Lý luận Trung ương, với hơn 40 năm nghiên cứu về cuộc đời, tư tưởng, sự nghiệp của Bác Hồ, đã có nhiều chuyên đề và kể nhiều câu chuyện về Bác cho biết rằng:
          Bác Hồ của chúng ta bằng con đường tự học đã làm chủ 29 ngoại ngữ, nhiều thứ tiếng dân tộc và có cuộc hành trình 30 năm ròng, đi qua gần 40 quốc gia và làm nên sự nghiệp lớn.
          Học ngoại ngữ theo Bác là phù hợp với sự phát triển mới của đất nước

          Trong xu thế mới của sự nghiệp phát triển đất nước và hội nhập quốc tế hiện nay, ngoại ngữ ngày càng đóng vai trò quan trọng, không chỉ là cầu nối thông tin Việt Nam với thế giới, nó còn là con đường để chúng ta tiếp cận các giá trị văn minh nhân loại, xây dựng tình hữu nghị, đoàn kết quốc tế.
          Nước ta đang ở giai đoạn hội nhập quốc tế sâu rộng trên nhiều lĩnh vực như kinh tế, chính trị, văn hóa, giáo dục, khoa học công nghệ…trong đó cuộc cách mạng khoa học công nghệ 4.0 đang có những ảnh hưởng rất rõ rệt, khi mà xu thế toàn cầu hóa là một xu thế khách quan, nó như một dòng thác đang tràn vào tất cả các quốc gia, dân tộc.
          Đối với thế hệ trẻ, học sinh, sinh viên…học Bác chúng ta có thể bắt đầu từ việc học tập ngoại ngữ đó cũng là một việc làm thiết thực để mỗi chúng ta học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, góp phần xây dựng và bảo vệ tổ quốc Việt Nam hôm nay.
          Hiện nay, đã có rất nhiều hoạt động tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của thế hệ trẻ, học sinh, sinh viên về tầm quan trọng việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh trong tình hình mới.
          Ngày 05/6/2019, tại Hà Nội, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã phát động và phối hợp với nhiều cơ quan trung ương tổ chức cuộc thi “Tuổi trẻ học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh năm 2019”.
          Theo Tiến sĩ Nguyễn Thị Nghĩa - Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, cho biết: cuộc thi là hoạt động thiết thực để một lần nữa chúng ta nâng cao nhận thức của học sinh, sinh viên, các thầy cô giáo trẻ về tấm gương, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
          Hồ Chí Minh một nhân cách lớn, tấm gương sáng về học tập suốt đời
          Nhân cách Hồ Chí Minh có tầm vóc vĩ đại mà rất bình dị. Trong đó được thể hiện ở ý chí, nghị lực phi thường, không ngừng phấn đấu hoàn thiện bản thân, vươn tới chân, thiện, mỹ.
          Lênin có câu nói rất nổi tiếng đó là “học, học nữa, học mãi”, từ ý tưởng câu nói của Lênin, Bác đã lĩnh hội, sáng tạo thành một câu triết lý của riêng mình đầy cảm xúc: “Đường đời là một chiếc thang không có nấc chót; học tập là một quyển vở không có trang cuối cùng”.
          Trong quãng thời gian thực hiện cuộc hành trình nhiều năm bôn ba tìm đường cứu nước Bác đã phải lao động nhiều nghề nặng nhọc như: Phụ bếp, cào tuyết, đốt lò, phục vụ khách sạn...Người vừa kiếm sống vừa tranh thủ thời gian để tự học với tinh thần say mê, bền bỉ.
          Khi làm phụ bếp trên tàu của hãng “Vận tải hợp nhất” của Pháp, những người làm trên tàu này đã kể về tinh thần say mê học tập của Nguyễn Tất Thành với sự khâm phục như:
          “Mỗi ngày, chín giờ tối, công việc mới xong anh Ba mệt lử. Nhưng trong khi chúng người viết nghỉ hoặc đánh bài, anh Ba đọc hay viết đến mười một giờ hoặc nửa đêm”. [1]
          Nguyễn Tất Thành coi trọng việc học ngoại ngữ để có thể đọc sách báo bằng tiếng các nước nhằm trau dồi thêm vốn hiểu biết của mình và sử dụng nó làm phương tiện hoạt động cách mạng.
          Từ sự cần cù, tự học ngoại ngữ Bác đã làm chủ 29 ngoại ngữ cùng nhiều thứ tiếng dân tộc và có cuộc hành trình suốt 30 năm ròng, đi qua gần 40 quốc gia, làm nên sự nghiệp lớn, cuộc đời của Người là một tấm gương sáng về sự học tập.
          Tấm gương học tập suốt đời của Bác còn được thể hiện qua sự không ngừng nỗ lực khi Người phải vừa lao động cực nhọc vừa tranh thủ học tập, vừa đấu tranh để tìm con đường cách mạng, đấu tranh mang lại nền độc lập cho đất nước.
          Ngày 5/6/1911, tại Sài Gòn, người thanh niên Nguyễn Tất Thành lấy tên là Văn Ba, xin làm phụ bếp trên con tàu Đô đốc La-tút-sơ Tơ-rê-vin của Pháp, bắt đầu hành trình tìm đường cứu nước.
          Những ngày tháng vất vả lênh đênh trên biển, Bác phải tự học ngoại ngữ dưới ánh đèn, ánh trăng... Bác đã để từng khẩu phần cà phê nhỏ của mình cho thủy thủ Pháp để họ dạy cho Bác tiếng Pháp.
          Người đã đến nhiều nơi, tiếp xúc với nhiều người, nhiều giới, nhất là những người lao động nghèo ở Mỹ, Pháp, Anh… Bác luôn tận dụng mọi cơ hội để giao tiếp với người sở tại, dùng ngôn ngữ của họ làm phương tiện giao tiếp.
          Học từ nào, Bác đều muốn hiểu rõ nghĩa của từ đó một cách tường tận. Muốn biết điều gì hoặc đồ vật nào đó, Bác đều chỉ tay hỏi người Pháp, rồi tự viết vào một mẩu giấy, dán vào chỗ hay để ý nhất, có khi viết lên cánh tay mình để ghi nhớ nhanh, tranh thủ vừa làm, vừa học.
          Nhờ sự tự học ngoại ngữ Bác có rất nhiều tác phẩm hay, bằng nhiều ngôn ngữ khác nhau: bằng chữ Hán tiêu biểu như Nhật ký trong tù, gồm 133 bài thơ Bác sáng tác và viết trong thời gian bị giam cầm ở Quảng Tây - Trung Quốc. [2]
          Đến bây giờ Nhật ký trong tù là một trong 5 tác phẩm bảo vật quốc gia của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
          Cho đến thời kỳ Bác tuổi đã cao, bệnh nặng phải nằm trên giường bệnh, chúng ta đã tìm thấy cuốn từ điển Việt Nam - Tây Ban Nha dưới gối nằm của Bác; khi Bác qua đời, những cuốn sổ tay của Bác còn ghi chép những từ mới Bác đã học vẫn còn nguyên…

1 nhận xét:

  1. Tấm gương đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn soi sáng cho mọi thế hệ người dân Việt Nam học tập và làm theo.

    Trả lờiXóa