Thực hiện chủ trương
tích cực, chủ động hội nhập quốc tế, tham gia vào các hoạt động quốc tế đa
phương của Đảng, Nhà nước, Việt Nam đã chuẩn bị các điều kiện về pháp lý, tổ
chức, nhân lực và điều kiện vật chất để tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình của
Liên hợp quốc. Ngày 25-5-2014, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam phê duyệt Đề án
“Quân đội nhân dân Việt Nam tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc
giai đoạn 2014-2020 và những năm tiếp theo”.
Để chuẩn bị cho sự tham
gia hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc, ngay từ năm 2014, Việt Nam đã
thành lập Trung tâm huấn luyện gìn giữ hòa bình của Việt Nam Nhằm "nghiên
cứu, tham mưu, đào tạo, huấn luyện, chuẩn bị và triển khai lực lượng, chỉ huy
và điều hành toàn bộ lực lượng tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp
quốc của Quân đội Nhân dân Việt Nam".
Sĩ quan Quân đội nhân
dân Việt Nam được cử tới các phái bộ đảm nhận những vị trí thiết yếu như: Quan
sát viên quân sự, sĩ quan liên lạc, sĩ quan tham mưu, sĩ quan hậu cần và các
nhiệm vụ khác theo yêu cầu của Liên hợp quốc. Các sĩ quan Việt Nam hoàn thành
tốt nhiệm vụ được Liên hợp quốc trao tặng Huân chương gìn giữ hòa bình, được
lãnh đạo phái bộ cũng như sĩ quan chỉ huy các nước đánh giá cao cả về trình độ
chuyên môn, khả năng tổ chức làm việc độc lập và phối hợp nhóm, ý thức kỷ luật
tốt và quan hệ tốt với nhân dân bản địa.
Tiếp đó, sau hơn 4 năm
chuẩn bị, Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 1 gồm 63 cán bộ, nhân viên đã lên đường
làm nhiệm vụ tại Phái bộ gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc Nam Sudan vào đầu tháng
10-2018, đặc biệt trong đó có tới 10 người là nữ - chiếm 16%, tỷ lệ cao nhất
trong các nước tham gia lực lượng này. Các thành viên Bệnh viện dã chiến cấp 2
trước lúc lên đường đều phải trải qua các đợt diễn tập thực tế như: diễn tập
trên bộ trang thiết bị, diễn tập thực địa phù hợp với đặc điểm môi trường Phái
bộ, diễn tập cấp cứu đường không, cấp cứu chấn thương hàng loạt, xử lý bệnh
dịch truyền nhiễm lan rộng… theo quy trình chuẩn của Liên hợp quốc.
Sự tham gia của Bệnh
viện dã chiến cấp 2 số 1 là một bước đột phá đầy ấn tượng, không chỉ thể hiện
thiện chí, trách nhiệm của Việt Nam đối với các hoạt động gìn giữ hòa bình Liên
hợp quốc, mà còn thể hiện sự cố gắng, năng lực của Việt Nam trong việc tham gia
trực tiếp vào hoạt động gìn giữ hòa bình, mang lại cuộc sống ổn định, hòa bình cho
các quốc gia, khu vực còn gặp khó khăn vì bất ổn, xung đột hay nghèo đói, lạc
hậu, dịch bệnh.
Đặc biệt, Việt Nam được
Liên hợp quốc lựa chọn trở thành 1 trong 4 Trung tâm huấn luyện gìn giữ hòa
bình trong khu vực ASEAN. Sự lựa chọn này được đưa ra sau nhiều cuộc khảo sát
của Liên hợp quốc tại các nước thành viên ASEAN với những đòi hỏi về tiêu chuẩn
rất cao. Theo đó, mọi hoạt động huấn luyện cho các lực lượng gìn giữ hòa bình
Liên hợp quốc tại Việt Nam sẽ theo tiêu chuẩn quốc tế, qua đó khẳng định trình
độ và năng lực chuyên môn, nghiệp vụ về gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc của Việt
Nam. Trong năm 2019 và những năm tiếp theo, Việt Nam sẽ tiếp tục đưa phân đội
công binh, Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 2 và một số phân đội khác tham gia hoạt
động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc. Hiện việc đăng ký năng lực cho Đội Công
binh Việt Nam vào hệ thống PCRS (hệ thống sẵn sàng năng lực) của Liên hợp quốc
đã hoàn tất. Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 2 với biên chế 70 cán bộ, nhân
viên thuộc Học viện Quân y, đang huấn luyện nhằm sẵn sàng triển khai thay thế
Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 1 đã được triển khai đến Phái bộ Liên hợp quốc tại
Nam Sudan.
Việc Việt Nam tích cực
tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc đã đánh dấu bước phát triển
mới trong nỗ lực thực hiện nghĩa vụ của Việt Nam ở một lĩnh vực hoạt động quan
trọng của Liên hợp quốc; đồng thời, đây cũng là một hình thức cụ thể thực hiện
chủ trương của Đảng ta là: “Chủ động, tích cực tham gia các cơ chế đa phương về
quốc phòng, an ninh, trong đó có việc tham gia các hoạt động hợp tác ở mức cao
hơn như hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc, diễn tập về an ninh phi
truyền thống và các hoạt động khác”./.
Vị thế của Việt Nam ngày càng cao trên trường quốc tế
Trả lờiXóa