Social Icons

Pages

Thứ Sáu, 2 tháng 8, 2019

Hiểu đúng về chính sách quốc phòng, tránh các luận điệu hướng lái sai lệch


Trên một số tờ báo hải ngoại và diễn đàn mạng gần đây đã đăng tải những bài viết phê phán chính sách quốc phòng của Việt Nam, về đường lối, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc. Luận điệu của các bài viết này là: đòi phi chính trị hóa lực lượng vũ trang, đòi quân đội phải “độc lập”, cho rằng chính sách quốc phòng “ba không” là lạc điệu “không giống ai”; cùng với đó là những bài viết dựa vào vấn đề biên giới, chủ quyền biển đảo để xuyên tạc, hướng lái nhằm kích động người dân.
Có những bài viết lợi dụng vấn đề phức tạp trên biển Đông để xuyên tạc lịch sử, đưa ra hình ảnh gán ghép, dữ liệu sai lệch, từ đó vin cớ miệt thị lãnh đạo Đảng, Nhà nước, phê phán đường lối, chính sách quốc phòng, bảo vệ chủ quyền biển đảo của Việt Nam.
Nhưng bản chất đường lối, chính sách quốc phòng của Việt Nam không phải vậy.

Ngày 25-6-2018, tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội Khóa XIV nước CHXHCN Việt Nam đã thông qua Luật Quốc phòng (Luật số 22/2018/QH14), có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2019, gồm 7 chương, 40 điều. Tại khoản 3, Điều 4, Chương I có ghi: “Thực hiện đối ngoại quốc phòng phù hợp với đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển; chống chiến tranh dưới mọi hình thức; chủ động và tích cực hội nhập, mở rộng hợp tác quốc tế, đối thoại quốc phòng, tạo môi trường quốc tế thuận lợi cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; không tham gia lực lượng, liên minh quân sự của bên này chống bên kia; không cho nước ngoài đặt căn cứ quân sự hoặc sử dụng lãnh thổ của Việt Nam để chống lại nước khác; không đe dọa hoặc sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế; giải quyết mọi bất đồng, tranh chấp bằng biện pháp hòa bình trên nguyên tắc tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, bình đẳng, cùng có lợi; phù hợp với Hiến pháp, pháp luật Việt Nam và điều ước quốc tế có liên quan mà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam là thành viên”. 
Trên thực tế, Đảng, Nhà nước Việt Nam tích cực đẩy mạnh thực hiện chính sách đối ngoại theo hướng đa phương, đa dạng hóa các mối quan hệ, cùng hợp tác để phát triển, tích cực, chủ động hội nhập quốc tế, là bạn, là thành viên tích cực trong cộng đồng quốc tế. Đẩy mạnh công tác đối ngoại quốc phòng, làm sâu sắc hơn các mối quan hệ với các nước truyền thống, các nước lớn trên thế giới và trong khu vực, đưa các mối quan hệ đó vào chiều sâu và thực chất.
Việt Nam ký ba hiệp định quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với Nga (2001), Ấn Độ (2007) và Trung Quốc (2008); ký hiệp định quan hệ đối tác chiến lược sâu rộng với Nhật Bản (2014), đối tác chiến lược với Úc (2018), đối tác toàn diện với Mỹ (2013).
Việt Nam đã tham gia các cơ chế đa phương về quốc phòng, an ninh, tham gia các hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc, diễn tập về an ninh phi truyền thống; chủ động đề xuất, định hình cơ chế hợp tác Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng (ADMM+), Diễn đàn An ninh khu vực (ARF); các hoạt động tổ chức giao lưu biên cương thắm tình hữu nghị với 5 nước (Trung Quốc, Lào, Cam-pu-chia, Thái Lan và Myanmar), các hoạt động đối ngoại biên phòng, ngoại giao nhân dân, kết nghĩa, khám, chữa bệnh cho nhân dân hai bên biên giới, diễn tập chung khắc phục hậu quả thiên tai, thảm họa được diễn ra thường xuyên...
Thông qua hoạt động đối ngoại quốc phòng, cộng đồng quốc tế đã hiểu rõ hơn đường lối, chính sách quốc phòng của Việt Nam.


1 nhận xét: