Social Icons

Pages

Thứ Sáu, 6 tháng 9, 2019

Di chúc và thần tượng

Thần tượng trong xã hội bây giờ không phải là chuyện gì xa lạ, nhất là trong giới trẻ. Các bạn trẻ bây giờ hầu như ai cũng lựa chọn cho mình 1 ai đó (có thể là diễn viên, ca sỹ, cầu thủ, có thể là người Việt Nam hoặc nước ngoài…) mà bản thân họ yêu thích, ngưỡng mộ và coi đó là thần tượng của mình. Và tất nhiên, có thể “thần tượng” trong đó có thể sẽ thay đổi vì gu thẩm mỹ và sở thích có thể thay đổi. Chuyện đó cũng là việc rất bình thường.

Nhân nói về “thần tượng”, vừa sáng nay có chút thời gian rảnh rỗi đọc bài “Vì sao cứ phải ôm cái “xác chết” của Ng. Dân trên Danlambao nói về Di chúc và “thần tượng” Hồ Chí Minh, cá nhân có vài điều xin được bày tỏ.
Trước hết, nói về bản Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trong bài viết, Ng. Dân nói với giọng đầy sự đả kích rằng: “Những ngày hôm nay, bản di chúc trở nên “báu vật”. Cả một tập thể cầm quyền cần dựa vào bản “gà bới” này để sùng bái tôn vinh, và cũng để tiếp tục áp chế, cai trị toàn dân”; “Đảng CSVN cố đưa ra cái “di chúc gà bới” – được viết độ khoảng 1.000 chữ mà gạch, bôi, sửa chửa lung tung… được cho là di chúc Hồ Chí Minh – một bản văn bất hủ”.
Thứ nhất, bản Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh được viết từ năm 1965 (ban đầu có 3 trang), sau đó năm 1968 Bác có bổ sung thêm một số đoạn (gồm sáu trang viết tay) và đến 10/5/1969, Bác viết lại toàn bộ đoạn mở đầu, gồm một trang viết tay. Sau đó, trong các ngày từ 11 đến ngày 19/5/1969, Bác còn tiếp tục sửa chữa bản Di chúc của các năm 1965, 1968, 1969. Ở những năm 1965 – 1969, việc đánh máy chữ không phải thuận tiện, hiện đại như ngày nay, nên việc viết tay và chỉnh sửa trực tiếp trên giấy đâu có gì là lạ. Chủ tịch Hồ Chí Minh viết Di chúc từ năm 1965, qua các năm 1968, 1969 có những việc, những chi tiết cần bổ sung, chỉnh sửa nên việc gạch xóa, bôi, sửa, viết chèn cũng là điều hết sức bình thường.
Thứ hai, điều đáng trân trọng ở đây không phải là ở hình thức của bản Di chúc, cũng không phải ở chữ đẹp hay xấu mà nó nằm ở nội dung của chính bản Di chúc, đó chính là giá trị lịch sử và ý nghĩa định hướng cho sự nghiệp cách mạng của nước ta. Hơn nữa, bản Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh chính là tâm nguyện, tình cảm, tấm lòng, trách nhiệm của Người đối với Nhân dân và đất nước. Vậy nên, cho dù Ng. Dân có nói gì đi nữa, có đả kích hay cố tình mai mỉa thì bản Di chúc của Bác vẫn giữ nguyên giá trị.
Nói về “thần tượng”: sự tôn vinh, trân quý của các tầng lớp Nhân dân dành cho Chủ tịch Hồ Chí Minh bắt nguồn từ chính cuộc đời, sự nghiệp và tấm lòng vì nước, vì dân của Người; từ chính phong cách giản dị, gần gũi, sự quan tâm, ân tình mà Bác dành cho đồng bào, đồng chí. Chẳng có ai “ép buộc” ai phải sùng bái, tôn vinh, mà bản thân mỗi người tự thấy trân trọng, tôn kính Người từ trong sâu thẳm trái tim. Trong Di chúc, về việc riêng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã bày tỏ tâm nguyện “Sau khi tôi qua đời, chớ nên tổ chức điếu phúng linh đình, để khỏi lãng phí thì giờ và tiền bạc của nhân dân”. Như vậy có thể thấy, đến cả điều cuối cùng này mà Bác cũng vẫn nghĩ cho dân, cho nước. Việc xây Lăng và giữ lại thi hài của Bác là thể hiện sự tôn kính của đời sau dành cho Người. Thực tế, hằng ngày chúng ta thấy có rất nhiều đoàn đến Lăng viếng thăm, thắp hương kính cẩn tưởng nhớ Người (Trong đó, có đủ các tầng lớp Nhân dân trong nước và rất nhiều du khách, các đoàn đại biểu nước ngoài). Như vậy, chứng tỏ rằng không chỉ người dân Việt Nam mà cả người dân, du khách ở các nước cũng đều dành cho Chủ tịch Hồ Chí Minh sự trân trọng, tôn kính. Đó là sự tự nguyện của mỗi người, chứ không phải như lời Ng. Dân nói là “Cái xác khô quánh, từ 50 năm, được đem ra chùi rữa, đánh bóng để tiếp tục làm trò “mị dân”, tôn vinh “thần tượng”, càng không phải là sự “bắt buộc toàn dân sùng bái” “phải ÔM CÁI XÁC để được “tiếp hơi” cho một hy vọng có thể sống còn?”.
Hoàng Hải Nam

1 nhận xét: