Truyền thông Trung Quốc thời gian qua dấy lên
những thông tin hoàn toàn sai sự thật, không có căn cứ pháp lý, xuyên tạc sự
thật lịch sử về Biển Đông nhằm “mở mặt trận truyền thông” trong toan tính sâu
xa và nguy hiểm hòng thực hiện tham vọng độc chiếm Biển Đông.
Chủ quyền của Việt Nam tại khu vực bãi Tư Chính là không thể bác
bỏ và phủ nhận theo quy định của Công ước UNCLOS 1982
Vi phạm nghiêm trọng chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán
của Việt Nam
Thoạt đầu những thông tin bịa đặt, xuyên tạc sự
thật lịch sử về Biển Đông chỉ xuất hiện trên các trang tin, báo điện tử… không
chính thống nhưng rồi những thông tin sai trái này được các cơ quan chính thống
của Trung Quốc đăng tải. Khi nhóm tàu khảo sát địa chấn Hải Dương 8 vi phạm
nghiêm trọng chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam, một
trong những “lính xung kích” đi tiên phong trong việc tung ra những thông tin
sai trái, “đổi trắng thay đen” là Sohu, một trong những công ty truyền thông
của Trung Quốc, rồi tiếp đó là những trang tin, báo điện tử… Mới đây nhất, Đài
Truyền hình Trung ương Trung Quốc (CCTV) cũng tham gia với việc phát sóng bộ
phim tài liệu “Nam Hải-Nam Hải” (Nam Hải là cách mà Trung Quốc gọi Biển Đông).
Việc nhóm tàu khảo sát Hải Dương 8 với sự hộ
tống, bảo bọc của nhiều tàu vũ trang của Trung Quốc xâm phạm vùng biển thuộc
chủ quyền của Việt Nam ở bãi Tư Chính (Trung Quốc gọi là bãi Vạn An) “rõ như
ban ngày”, vậy mà Sohu vào ngày 21-7 vừa qua vẫn tung lên bài viết kiểu “la
làng giữa chợ” có tiêu đề: “Không thể chịu nổi! Nước ta thăm dò dầu khí hợp lý,
bị Việt Nam cưỡng ép ngăn cản, hiện tàu thuyền Trung - Việt đã đối đầu mấy tuần
ở Nam Hải”. Trong đó, thừa nhận việc tàu khảo sát Hải Dương 8 được “mấy tàu hải
cảnh (cảnh sát biển) cỡ vạn tấn” hộ tống tiến vào bãi Vạn An “triển khai hoạt
động thăm dò dầu khí”, nhưng rồi vu cáo tàu cảnh sát biển Việt Nam triển khai
hành động, cho nhiều tàu tiến tới gần tàu khảo sát địa chấn Hải Dương 8, để từ
đó nhằm kích động dư luận khi viết: “Dư luận bên ngoài đang bàn tán xôn xao về
vụ việc này”.
Trong bài viết, Sohu còn đưa ra những thông tin
sai sự thật, không có căn cứ pháp lý, xuyên tạc sự thật lịch sử về Biển Đông
như: “Sau khi Việt Nam đóng quân ở bãi Vạn An còn tự coi là có chủ quyền lãnh
thổ, cản hành động của nước ta ở bãi Vạn An”. Bài viết còn đưa ra cách nhìn
nhận, đánh giá “đổi trắng thay đen” rằng: “Lần này tàu thuyền Trung - Việt đối
đầu ở bãi Vạn An có thể nói hoàn toàn là do Việt Nam gây ra”, và “Việt Nam lại thường
gây phiền phức cho chúng ta trong tranh chấp trên biển, chống lại các hoạt động
hải dương hợp pháp của nước ta, hành vi này thật sự khiến người ta tức giận”…
Trung Quốc từ khi tuyên bố tham vọng chủ quyền
với Biển Đông vẫn chỉ dựa vào mỗi yêu sách “đường lưỡi bò” 9 đoạn để theo đó
đòi hòi phi lý chủ quyền đối với khoảng 80% diện tích vùng biển ngày càng có vị
trí địa-chính trị và kinh tế quan trọng với khu vực và toàn cầu này. Yêu sách
“đường lưỡi bò” 9 đoạn cũng mới chỉ được Trung Quốc chính thức công bố cách đây
không lâu, vào năm 2009.
Tuy nhiên, yêu sách đơn phương “đường lưỡi bò” 9
đoạn của Trung Quốc hoàn toàn không có cơ sở pháp lý và thực tiễn và đã bị Tòa
Trọng tài Thường trực (PCA) bác bỏ năm 2016 trong phán xử về vụ tranh chấp giữa
Philippines và Trung Quốc. Trong phán quyết đưa ra ngày 12-7-2016, Tòa Trọng
tài thường trực (PCA) kết luận rằng “các vùng biển do Trung Quốc xác lập ở Biển
Đông không được vượt quá giới hạn do Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển
năm 1982 (Công ước UNCLOS 1982) quy định; việc Trung Quốc yêu sách quyền chủ
quyền, quyền tài phán và “quyền lịch sử” trong phạm vi “đường lưỡi bò” 9 đoạn
là vi phạm các quy định của Công ước UNCLOS 1982 và không có hiệu lực pháp lý.
Trong khi đó, theo Công ước UNCLOS 1982, các bãi
ngầm Tư Chính cùng các bãi ngầm và đá ngầm ở khu vực này là phần nối dài của
thềm lục địa Việt Nam về phía Đông Nam, ngăn cách với quần đảo Trường Sa bằng
một rãnh sâu nên nó hoàn toàn không thuộc quần đảo Trường Sa. Nói cách khác
vùng biển mà nhóm tàu khảo sát Hải Dương 8 của Trung Quốc đang hoạt động trái
phép từ đầu tháng 7-2019 tới nay hoàn toàn nằm trong vùng đặc quyền kinh tế
(EEZ) và thềm lục địa của Việt Nam được quy định tại Công ước UNCLOS 1982.
Công ước UNCLOS 1982 được 107 quốc gia, trong đó
có Việt Nam, chính thức ký tại Montego Bay (Jamaica) vào ngày 10-12-1982. Sau
Hiến chương LHQ, Công ước UNCLOS 1982 được đánh giá là văn kiện pháp lý quốc tế
quan trọng nhất kể từ sau chiến tranh thế giới thứ hai, với sự tham gia ký kết
của 157 quốc gia trên thế giới tính tới nay, trong đó có Trung Quốc. Là một văn
kiện pháp lý đa phương đồ sộ, bao gồm 320 điều khoản và 9 Phụ lục, với hơn
1.000 quy phạm pháp luật, Công ước UNCLOS 1982 đã đáp ứng nguyện vọng và mong
đợi của cộng đồng quốc tế về một trật tự pháp lý quốc tế mới đối với tất cả các
vấn đề về biển và đại dương. Công ước từ khi ra đời tới nay là cơ sở pháp lý
chung cho việc giải quyết các tranh chấp biển, trong đó có phân định vùng biển
và thềm lục địa chồng lấn giữa các nước xung quanh Biển Đông.
Dùng truyền thông để tạo dư luận, kích động nhằm toan tính thực
hiện tham vọng độc chiếm Biển Đông
Việt Nam và Trung Quốc là hai quốc gia đã ký kết
tham gia Công ước UNCLOS 1982, tức mặc nhiên công nhận, tôn trọng và tuân thủ
những điều khoản và nội dung của công ước quốc tế được xem là bản “hiến pháp về
đại dương” này. Căn cứ theo quy định của Công ước UNCLOS 1982, Tòa Trọng tài
Thường trực (PCA) đã bác bỏ thẳng thừng đòi hỏi chủ quyền phi lý của Trung Quốc
đối với 80% diện tích Biển Đông, trong đó có bãi Tư Chính. Cũng chiểu theo các
điều khoản của Công ước UNCLOS 1982, bãi Tư Chính hoàn toàn nằm trong vùng đặc
quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, Việt Nam có đầy đủ chủ quyền, quyền
chủ quyền và quyền tài phán với vùng biển này.
Như vậy, quá rõ để thấy Trung Quốc vi phạm chủ
quyền của Việt Nam ở bãi Tư Chính, vi phạm luật pháp quốc tế, bất chấp tất cả
để hung hăng gây hấn ở bãi Tư Chính nói riêng, Biển Đông nói chung thời gian
qua!
Thế nên, cộng đồng quốc tế đã liên tục có những
chỉ trích mạnh mẽ nhóm tàu khảo sát Hải Dương 8 của Trung Quốc đã vi phạm vùng
đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam ở khu vực phía Nam Biển Đông. Nghị
sĩ Eliot L.Engel, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Mỹ, đã ra tuyên bố về sự
can thiệp của Trung Quốc vào vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam, trong đó
nhấn mạnh sự hung hăng gần đây của Trung Quốc ở Biển Đông là một minh chứng
đáng lo ngại về việc một quốc gia công khai xem thường luật pháp quốc tế.
Tuyên bố của nghị sĩ L.Engel nêu rõ: “Khi có
thông tin về các tàu thăm dò dầu khí Trung Quốc vào EEZ của Việt Nam, Việt Nam
đã nhiều lần yêu cầu Trung Quốc rút tàu ra khỏi EEZ của mình song các yêu cầu
này đã bị Trung Quốc cố tình phớt lờ. Hành vi gây rối này là một mối đe dọa đối
với Việt Nam và là bằng chứng cho thấy Trung Quốc sẵn sàng bắt nạt các nước
láng giềng. Những sự việc như vậy chứng tỏ sự ngang nhiên coi thường luật pháp
và ngoại giao quốc tế của Trung Quốc”. Nghị sĩ Engel đã kêu gọi Trung Quốc ngay
lập tức rút tàu ra khỏi vùng biển thuộc chủ quyền của nước láng giềng và chấm
dứt các chiến thuật bắt nạt bất hợp pháp này.
Nghị sĩ Mike Gallagher thuộc đảng Cộng hòa ở Mỹ
cũng chỉ trích “những hoạt động ngày càng hung hăng của Trung Quốc ở Biển Đông
là không thể chấp nhận được”. Ông Gallagher đã thúc giục Quốc hội Mỹ nhanh
chóng thông qua dự luật lưỡng đảng của ông và nghị sĩ Jimmy Panetta để đáp trả
hành động của Bắc Kinh ở khu vực này.
Trong tuyên bố thể hiện lập trường mạnh mẽ và
trực diện nhằm vào Trung Quốc, Bộ Ngoại giao Mỹ đã nêu rõ quan ngại sâu sắc
trước thông tin Trung Quốc can thiệp vào các hoạt động khai thác dầu và khí đốt
của Việt Nam ở Biển Đông, đồng thời cáo buộc Bắc Kinh đe dọa an ninh năng lượng
trong khu vực. Người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Mỹ nhấn mạnh Trung Quốc cần
phải chấm dứt mọi hành vi bắt nạt và kiềm chế tham gia vào các hoạt động khiêu
khích, gây bất ổn…
Trung Quốc từ sau khi đưa ra yêu sách “đường
lưỡi bò” đã liên tục có những hành vi đe dọa nghiêm trọng chủ quyền các bên
liên quan, đe dọa hòa bình, an ninh và ổn định trên Biển Đông hòng hiện thực
hóa tham vọng độc chiếm Biển Đông, trong đó nghiêm trọng nhất là việc dùng sức
mạnh, đe dọa vũ lực và ráo riết quân sự hóa vùng biển này. Mở thêm “mặt trận”
trên lĩnh vực truyền thông như những gì thấy Sohu hay Đài Truyền hình Trung
ương Trung Quốc… cho thấy toan tính dùng truyền thông để tạo dư luận, kích động
nhằm toan tính cho sự leo thang nguy hiểm mới, hung hăng hơn trong thực hiện
tham vọng độc chiếm Biển Đông.
Trung Quốc có âm mưu độc chiếm biển đông nên đã tự vạch ra đường lưỡi bò vô căn cứ
Trả lờiXóa