Một là, xuất phát từ sự bất ổn của nền kinh tế thế giới, “siêu toàn cầu
hóa” từ thập niên 1990 đã đưa đến nghịch lý: Công nghệ sản xuất phần lớn được
đưa từ các quốc gia phát triển sang các quốc gia chậm hay đang phát triển và
hàng hóa được chuyển theo chiều ngược lại. Do đó, lợi ích chủ yếu mang lại cho
các công ty lớn hoặc đa quốc gia, trong khi đó những người lao động thiếu việc
làm hoặc tay nghề thấp mất việc nhưng không có khả năng để tìm việc mới, gây
bất bình trong người lao động.
Hai là, sự già hóa dân số, sự xung đột về văn hóa, đời sống bấp bênh của
người lao động, nhất là của những người yếu thế làm gia tăng sự bất mãn của
người dân. Tình trạng già hóa dân số trong bối cảnh các thay đổi về lực lượng
lao động ở các xã hội công nghiệp dẫn đến các phản ứng văn hóa cũng là nguyên
nhân lý giải cho sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân túy. Việc ủng hộ chủ nghĩa dân
túy là phản ứng của các bộ phận người dân từng chiếm ưu thế trước những thay
đổi về các giá trị vốn đe dọa vị thế của họ; sự chia rẽ theo bản sắc, xoay
quanh nguồn gốc quốc gia, dân tộc hoặc tôn giáo… (nhóm văn hóa); và sự chia rẽ
theo kinh tế, giai cấp xã hội (nhóm kinh tế). Ác cảm với giới tinh hoa có thể
được tạo nên bởi cả sự phản đối về kinh tế, văn hóa hoặc kết hợp cả hai. Ngược
lại, điều hấp dẫn của các nhà dân túy là họ giúp những người bị gạt ra bên lề
xã hội được nói lên tiếng nói của mình.
Ba là, cách mạng
khoa học công nghệ, nhất là sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin đã
thay đổi mọi mặt của đời sống, từ kinh tế đến quan hệ giữa con người; quá trình
cá nhân hóa thông tin tăng cao, tin
giả tràn lan, làm cho người dân hiểu không rõ vấn đề, dễ hoang
mang, bị thông tin chi phối, dẫn dắt.
Bốn là, chính sách xã hội phải đối mặt với nhiều thách thức, chi phí cho
chính sách an sinh đối với người già, tàn tật, thất nghiệp hay hưu trí càng
tăng làm gia tăng đáng kể số nợ của chính phủ, theo đó, nợ nần luôn đè nặng lên
đời sống vốn đã khó khăn của không ít người dân và của xã hội.
Năm là, sự quan liêu xa rời và thiếu gần gũi với nhân dân của giới quan
chức cầm quyền đã tạo ra một khoảng cách lớn giữa lợi ích và tiếng nói của
người dân hoặc của một số tầng lớp dân cư với giới chức cầm quyền hoặc những
người có quyền lực trong xã hội.
Sáu là, di dân và di tản toàn cầu, với nhiều lý do, thật sự là thách
thức đối với các chính phủ, khoét sâu sự ngăn cách về tâm lý giữa người đến và
người sở tại về những khó khăn trong giải quyết, tiếp cận cơ hội, việc làm và
phát triển.
Tóm lại, tình hình biến đổi sâu sắc, tình trạng bất bình đẳng gia tăng,
nhiều vấn đề kinh tế - xã hội chưa được giải quyết tốt, lợi ích chính đáng, hợp
pháp của số đông người lao động chưa được quan tâm giải quyết hiệu quả… là
những nguyên nhân quan trọng dẫn đến sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân túy ở các
nước Âu, Mỹ hiện nay. Khi nhiều người dân bất mãn trong một thời gian dài, vượt
quá giới hạn chịu đựng của họ, mà không có những giải pháp chính trị, kinh tế,
xã hội thích hợp, thì đó chính là mảnh đất màu mỡ cho sự xuất hiện các khuynh
hướng của chủ nghĩa dân túy, là “dư địa” để nó gây ra những cơn địa chấn mới.
Sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân túy làm cho thế giới thêm bất ổn, có thể nhận thấy xu hướng đáng lo
ngại là chủ nghĩa dân túy cánh hữu đang thắng thế và điều này có thể đảo ngược
một số đường lối tích cực mà các quốc gia đang theo đuổi như sự bình đẳng giới,
bình đẳng kinh tế, sự bao dung giữa các dân tộc và xu hướng hợp tác quốc tế. Do
vậy, thách thức đặt ra cho chính trị quốc tế trong thời điểm này không phải là
việc hoàn tất xây dựng trật tự thế giới tự do theo cách thức thông thường mà là
tìm cách xây dựng lại hệ thống toàn cầu trên cơ sở bền vững hơn. Trật tự quốc
tế cần được xây dựng không chỉ dựa trên sự đồng thuận của các nhà lãnh đạo và
sự cân bằng quyền lực cũng như chính trị mà còn phải căn cứ vào sự tự do lựa
chọn của các cộng đồng dân tộc, những cộng đồng cần được bảo vệ trước thế giới
bên ngoài và muốn được thụ hưởng những lợi ích của việc tham gia trật tự quốc
tế đó.
Bài viết rất hay, cảm ơn tác giả
Trả lờiXóa