Đảng Cộng sản Việt Nam
đang tiến hành các bước chuẩn bị cho đại hội đảng các cấp tiến tới Đại hội lần
thứ XIII. Lợi dụng thời điểm diễn ra sự kiện quan trọng này, các thế lực thù
địch, phần tử cơ hội chính trị đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, chống phá
dưới nhiều hình thức, như “gửi thư”, “trao đổi”, “góp ý cho Đại hội XII”…Hình thức như trên đã trở thành hoạt động mang
tính “truyền thống” mỗi kỳ Đại hội Đảng. Nếu thiếu nhận thức chính trị, chỉ
nhìn qua những bản góp ý, trao đổi được chuẩn bị khá dày dặn này (có bản dài
đến 50 trang) sẽ khiến nhầm lẫn “sự góp ý tâm huyết”. Song kỳ thực, vấn đề đã
trở nên cũ rích từ nhiều kỳ đại hội trước được diễn đạt lại với giọng điệu mới
tinh vi, được che đậy bởi nghệ thuật sử dụng ngôn từ trau chuốt mà “hoa ngôn
xảo ngữ”.
Điển hình trên các trang mạng, blog hải ngoại,
mạng xã hội đăng tải bản “Góp ý cho Đại hội XIII”, tác giả sau trình bày những
nội dung như “Đánh giá về tình hình mới”, quy kết Đảng “giác ngộ yếu kém yếu tố
dân tộc, dân chủ đã tạo ra nỗi đau về hòa hợp dân tộc”, dẫn đến “Sự thất bại
nghiêm trọng 43 năm xây dựng CNXH của Đảng Cộng sản Việt Nam trong phát huy sức
mạnh quốc gia”… đã giả bộ “khẩn thiết kiến nghị” rằng: Chừng nào ở Việt Nam chỉ
có độc tài, độc nhất một đảng lãnh đạo thì chừng đó không thể nói tới một nền
dân chủ chân chính được; ở Việt Nam muốn phát triển, muốn có dân chủ thực sự
thì phải hội nhập vào xu thế đa đảng, “xã hội dân sự” như nước ngoài.
Nhiều phần tử cơ hội chính trị “theo đóm ăn
tàn”, “tát nước theo mưa” bôi nhọ Đảng, phủ nhận vị trí, vai trò cầm quyền qua
cái gọi là “góp ý”, “trao đổi”. Hay trong “Trao đổi về Đại hội 13, Đảng Cộng
sản Việt Nam”, có vị giáo sư già phản Đảng xuyên tạc “Chủ nghĩa Mác - Lênin như
một cái mành che mắt, vì sự kiên trì Mác - Lênin như một cái chụp lên đầu,
trong chế độ độc đảng toàn trị Việt Nam thì làm gì có dân chủ, do đó không cần
đảng lãnh đạo”...
Họ cho rằng, Đại hội XIII là thời cơ để đổi mới
chính trị theo hình thức đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập, xây dựng nhà
nước dựa trên nền tảng “xã hội dân sự”. Thực chất, ẩn khuất đằng sau những góp
ý này là ý đồ xóa bỏ, lật đổ vai trò lãnh đạo, cầm quyền của Đảng Cộng sản Việt
Nam. Họ còn nói, dân chủ là phải đa đảng….
Như vậy, có thể thấy bằng giọng điệu tinh vi để
vu khống chế độ do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo sẽ không có dân chủ, họ cổ
súy tư tưởng bài xích Đảng, từ đó thúc đẩy đa nguyên chính trị, đa đảng đối
lập, đòi thực hiện nhà nước “tam quyền phân lập”. Phương thức, thủ đoạn rất
nguy hiểm mà phần tử cơ hội chính trị, phản động sử dụng trong các “kiến nghị”,
“góp ý”, “trao đổi” là đề và gửi đến cơ quan cao nhất của Đảng, đến lãnh đạo
Đảng, Nhà nước, sau đó phát tán trên các trang mạng hải ngoại, blog phản động,
mạng xã hội. Người đọc cần phải tỉnh táo nhận diện, tránh bị cuốn vào trận địa
xảo trá của họ, dẫn tới tư tưởng hoài nghi, hoang mang, dao động, suy giảm niềm
tin với Đảng.
Hiện nay, các thế lực thù địch không từ một thủ đoạn nào để chống phá sự nghiệp cách mạng, chống phá Đảng, chống phá chế độ ta; dã tâm của họ là không thay đổi. Do đó, cần nhận diện những âm mưu, thủ đoạn của chúng để phòng ngừa.
Trả lờiXóa