Social Icons

Pages

Thứ Hai, 16 tháng 9, 2019

TẾT TRUNG THU BÁC HỒ VỚI THIẾU NHI

Có lẽ có rất ít vị lãnh tụ trên thế giới lại gần gũi với nhân dân và bình dị như Bác Hồ chúng ta. Đó là một đêm Giao thừa Bác đã đến thăm những người nghèo, đó là hình ảnh một lần Bác xắn quần xắn áo xuống ruộng cùng nhân dân, đó lại là hình ảnh Bác ở lại để chờ được đón Tết Trung thu cùng các em thiếu nhi.
Tết Trung Thu đầu tiên trên nước nhà sau những năm tháng bôn ba tìm đường cứu nước, vào ngày 21/9/1941 Bác đã viết bài thơ cho thiếu nhi vô cùng xúc động:
“Trẻ em như búp trên cành
Biết ăn ngủ, biết học hành là ngoan
Chẳng may vận nước gian nan
Trẻ em cũng phải lầm than cực lòng
Học hành, giáo dục đã thông
Nhà nghèo lại phải làm công cày bừa…”
Năm 1945, một Trung Thu đặc biệt cho tất cả các em thiếu nhi khi nước nhà được độc lập. Không chỉ được đón trung thu trong không khí tưng bừng nô nức mà còn được hòa trong tình yêu thương chan chứa của vị lãnh tụ kính yêu. Các em thiếu nhi ở thủ đô Hà Nội được đón trung thu cùng Bác Hồ. Trong đó, Bác viết một bức thư: “Trung thu năm nay, già Hồ không có gì gửi tặng các em. Chỉ gửi tặng các em một trăm cái hôn thân ái!”.
Trung thu năm 1946, mặc dù bận rộn với những công việc quan trọng của đất nước khi phải giải quyết những vấn nạn của đất nước nào “giặc đói”, “giặc dốt”, giặc ngoại xâm, nhưng Bác Hồ vẫn không quên làm thơ gửi cho các cháu:
“Bác mong các cháu chăm ngoan
Mai sau gìn giữ giang sơn Lạc Hồng
Sao cho nổi tiếng Tiên Rồng
Sao cho tỏ mặt nhi đồng Việt Nam”
Trung thu kháng chiến 1947, Bác viết: “Tết Trung thu là của các cháu. Trăng thu soi xuống các cháu êm ái như một người mẹ hiền…”
Trung thu năm 1951, kháng chiến vẫn rất gian khổ, nhưng Bác đã mở đầu bức thư bằng bốn câu thơ mà có lẽ thiếu nhi Việt Nam nào cũng nhớ:
“Trung thu trăng sáng như gương
Bác Hồ ngắm cảnh nhớ thương nhi đồng
Sau đây Bác viết mấy dòng
Gửi cho các cháu tỏ lòng nhớ nhung”.
Rồi Trung thu năm 1952, bức thư Bác gởi cho các em thiếu nhi lại tha thiết như thế:
“Ai yêu các nhi đồng
Bằng Bác Hồ Chí Minh
Tính các cháu ngoan ngoãn
Mặt các cháu xinh xinh
Mong các cháu cố gắng
Thi đua học và hành
Tuổi nhỏ làm việc nhỏ
Tuỳ theo sức của mình…
Các cháu hãy xứng đáng
Cháu Bác Hồ Chí Minh.”

Cuộc kháng chiến chống Pháp bước vào giai đoạn cuối, quân – dân ta trên khắp các chiến trường liên tiếp giành được những thắng lợi quan trọng. Tết Trung thu năm 1953, Bác phấn khởi gửi thư kể tin chiến thắng, chia vui với các cháu thiếu nhi. Trong những chiến thắng đó có sự đóng góp không nhỏ của các cháu:
“Khắp nơi Nam, Bắc, Tây, Đông
Được tin thắng trận cờ hồng tung bay
Các cháu vui thay
Bác cũng vui thay
Thu sau so với thu này vui hơn.”
Kháng chiến vẫn bộn bề và gian lao nhưng chưa mùa trung thu nào Bác quên thơ mừng thiếu nhi mỗi mùa trăng tròn. Năm 1954, sau chiến thắng vĩ đại Điện Biên Phủ,trung thu năm ấy, một lần nữa Bác Hồ lại viết thư động viên cho các cháu thiếu nhi: “Trung thu này là Trung thu hòa bình đầu tiên sau 8, 9 năm kháng chiến anh dũng của nhân dân ta. Trong cuộc kháng chiến cứu nước, các cháu cũng có đóng góp một phần. Nhân dịp này, Bác gửi lời thân ái khen ngợi các cháu.”
Nhưng đế quốc Mỹ và các thế lực tay sai đã lật lọng không thực hiện đúng Hiệp định Geneva về việc hiệp thương thống nhất đất nước – niềm mong ước lớn nhất của Bác, của nhân dân ta lúc bấy giờ. Trong hoàn cảnh đó, Tết Trung thu năm 1956, Bác Hồ đã gửi thư cho các cháu thiếu nhi miền Nam bày tỏ niềm thương nhớ và động viên các cháu tin tưởng đến ngày sum họp, đoàn tụ tại hai miền Bắc, Nam sẽ không còn xa:
“Bắc – Nam sẽ sum họp một nhà
Bác cháu ta gặp mặt trẻ già vui chung
Nhớ thương các cháu vô cùng
Mong sao mỗi cháu là một anh hùng thiếu nhi”
Năm 1960, Bác Hồ đã ở vào tuổi 70, sức khoẻ của Người đã giảm sút đi nhiều, nhưng Người vẫn kể chuyện trung thu bằng lời văn dí dỏm: “Theo chuyện đời xưa Việt Nam thì trên mặt trăng có chú cuội chăn trâu: Chú cuội ngồi ở trong trăng. Để trâu ăn lúa nhăn răng mà cười…” cuối thư Bác còn căn dặn các cháu: Nhờ Đảng săn sóc và Đoàn giúp đỡ, các cháu hãy cố gắng về nhiều mặt để xứng đáng là những người chủ tương lai của đất nước Việt Nam hoà bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh.
Đọc lại thư Trung thu của Người, chúng ta lại được tắm mình trong tình thương yêu bao la, mát lành tỏa ra từ một tâm hồn lớn, nhân cách lớn. Dù Bác đã mãi mãi đi vào cõi vĩnh hằng, nhưng hình ảnh thân thương của người vẫn luôn gần gũi với các thế hệ thiếu niên, nhi đồng Việt Nam.

1 nhận xét: