Social Icons

Pages

Thứ Ba, 3 tháng 9, 2019

VẬN DỤNG TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH VỀ CHỐNG THAM NHŨNG VÀO ĐẤU TRANH PHÒNG, CHỐNG THAM NHŨNG Ở NƯỚC TA HIỆN NAY


Đề cập đến vấn đề tham nhũng Hồ Chí Minh thường dùng từ tham ô (hoặc nhũng lạm) và hay gắn với tệ quan liêu, lãng phí. Theo Người, “Đứng về phía cán bộ mà nói, tham ô là: Ăn cắp của công làm của tư, đục khoét của nhân dân, ăn bớt của bộ đội. Tiêu ít mà khai nhiều, lợi dụng của chung của Chính phủ để làm quỹ riêng cho địa phương mình, đơn vị mình, cũng là tham ô. - Đứng về phía nhân dân mà nói, tham ô là: Ăn cắp của công, khai gian, lậu thuế”. Người còn cho rằng, “tham ô là trộm cướp”. Người lên án: “Tham ô là hành động xấu xa nhất của con người... Nó có hại đến sự nghiệp xây dựng nước nhà, có hại đến công việc cải thiện đời sống của nhân dân, có hại đến đạo đức cách mạng”, “tham ô là hành động xấu xa nhất, tội lỗi, đê tiện nhất trong xã hội”.
Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng chỉ ra nguyên nhân, nguồn gốc và điều kiện phát sinh tham nhũng. Về khách quan, Hồ Chí Minh cho rằng, tham ô, lãng phí là căn bệnh “tứ chứng nan y” của mọi nhà nước, dù Nhà nước Phong kiến, Nhà nước Tư bản hay Nhà nước Xã hội Chủ nghĩa nếu không có sự giáo dục sâu sắc và mọi hoạt động của nhà nước không được đặt dưới sự kiểm tra, giám sát của nhân dân thì khó tránh khỏi tình trạng tham ô, lãng phí; những người có chức có quyền, dù to hay nhỏ đều có điều kiện để tham nhũng.
Người coi tham ô, lãng phí, quan liêu là “kẻ địch”, là “giặc nội xâm”, “là cái xấu xa do xã hội cũ để lại, là như cái ung nhọt còn sót lại trên thân thể của người khổng lồ”, “kẻ thù của nhân dân, của bộ đội và của Chính phủ”. Nó là kẻ thù rất nguy hiểm, vì không mang gươm, mang súng và nằm trong các tổ chức, ở mỗi cán bộ, đảng viên để làm hỏng công việc của ta, làm hỏng tinh thần trong sạch và ý chí vượt khó của cán bộ ta; phá hoại đạo đức cách mạng cần, kiệm, liêm, chính. Vì vậy, “chống tham ô, lãng phí và bệnh quan liêu cũng quan trọng và cần kíp như việc đánh giặc trên mặt trận. Đây là mặt trận tư tưởng và chính trị”.
Vận dụng tư tưởng tư tưởng Hồ Chí Minh về chống tham nhũng vào việc đấu tranh phòng, chống tham nhũng hiện nay cần thực hiện tốt một số nội dung, giải pháp cơ bản sau:
Một là, giáo dục nâng cao nhận thức, phát huy vai trò đấu tranh chống tham nhũng trong cán bộ, đảng viên và nhân dân.
Hai là, tiếp tục  xây dựng, bổ sung, sửa đổi, hoàn thiện các quy định của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước để bảo đảm công tác phòng chống, tham nhũng có hiệu lực, hiệu quả.
Ba là, nâng cao trách nhiệm người đứng đầu cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, cơ quan, tổ chức, đơn vị trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng.
Bốn là, không ngừng hoàn thiện bộ máy quản lý Nhà nước, đào tạo, bồi dưỡng và nâng cao trình độ đội ngũ cán bộ, công chức.
Năm là, tích cực phát hiện, xử lý nghiêm các biểu hiện, hành vi tham nhũng.
Sáu là, xây dựng văn hóa tiết kiệm, không tham nhũng để ngăn chặn từ gốc nguyên nhân phát sinh tham nhũng.
Chủ tịch Hồ Chí Minh là tấm gương sáng ngời về đạo đức cách mạng, cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư. Lời dạy của Bác về đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí là vô cùng sâu sắc và hết sức quý báu. Thực hiện tư tưởng của Người, chống tham nhũng là trách nhiệm của từng cán bộ, đảng viên và nhân dân ta nhằm loại trừ những con “sâu”, “mọt” – kẻ thù nguy hiểm đang âm ỉ tấn công phá hoại, làm hạn chế sự phát triển đất nước trong thời kỳ đổi mới hội nhập và phát triển. Hiện nay, tham ô, tham nhũng là những hành động tiêu cực biểu hiện dưới nhiều hình thức, thủ đoạn tinh vi khác nhau. Do đó, phải thực hiện đồng bộ các giải pháp, đặc biệt phát huy trò của toàn dân, của cả hệ thống chính trị, có như vậy mới xây dựng Đảng, Nhà nước ta trong sạch, vững mạng thực sự của dân, do dân, vì dân.


1 nhận xét:

  1. Mọi người dân đều tin tưởng vào công cuộc chống tham nhũng của Đảng và Nhà nước ta

    Trả lờiXóa