Từ nửa cuối năm 2016 đến nay, tình hình thế giới và khu vực diễn biến
nhanh chóng, phức tạp, tác động nhiều chiều tới môi trường đối ngoại của nước
ta. Thế giới đang trong thời kỳ quá độ chuyển từ trật tự “nhất siêu, đa cường”
sang một trật tự mới với đặc điểm nổi bật là “đa trung tâm, đa tầng nấc”. Quan
hệ giữa các nước lớn, nhất là giữa ba nước Mỹ - Nga - Trung Quốc cũng có những
thay đổi sâu sắc. Khu vực châu Á - Thái Bình Dương đang chứng kiến nhiều diễn
biến nhanh chóng, nhất là sự trỗi dậy mạnh mẽ của Trung Quốc, Ấn Độ dẫn đến
thay đổi tương quan so sánh lực lượng; tiến trình hội nhập khu vực Đông Nam Á
đã chuyển sang giai đoạn mới với việc hình thành các cộng đồng ASEAN; tình hình
Biển Đông tiếp tục diễn biến phức tạp, khó có thể dự báo chính xác được chiều
hướng vấn đề trong thời gian tới. Vì vậy, bảo vệ độc lập, chủ quyền và toàn vẹn
lãnh thổ là mục tiêu, là chủ trương nhất quán của Đảng và Nhà nước ta. Từ thực tiễn bảo vệ chủ quyền biển, đảo thời
gian qua, có thể rút ra một số điểm đáng chú ý sau:
Thứ nhất, định hình được một lập trường chung, nhất
quán, bao gồm 4 nội hàm then chốt: 1- Giải quyết hòa bình tranh chấp. Giương
cao ngọn cờ hòa bình là công cụ quan trọng nhất để tập hợp lực lượng trong bối
cảnh hiện nay; 2- Căn cứ để giải quyết hòa bình tranh chấp là luật pháp quốc
tế, đặc biệt là UNCLOS năm 1982; 3- Thực thi nghiêm chỉnh Tuyên bố về ứng xử
của các bên ở Biển Đông (DOC) và hướng tới COC. Đây là lợi ích chung của ASEAN
và cả khu vực. 4- Trong khi tìm kiếm một giải pháp tổng thể cuối cùng có thể
chấp nhận được đối với tất cả các bên, các bên liên quan không được làm phức
tạp thêm tình hình, không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực.
Thứ hai, xử lý khéo léo quan hệ với Trung Quốc nhằm
quản lý bất đồng trên biển và ổn định quan hệ với Trung Quốc bằng nhiều biện
pháp khôn khéo, mềm dẻo, vừa có lý, vừa có tình, nhất là thông qua các chuyến
thăm cấp cao giữa hai nước.
Việt Nam hiện là nước
duy nhất ở khu vực đã phân định xong biên giới biển trong Vịnh Bắc Bộ và có rất
nhiều kinh nghiệm phong phú trong giải quyết các vấn đề biên giới lãnh thổ đối
với Trung Quốc. Tháng 10-2011, hai nước đã ký kết Thỏa thuận về những nguyên
tắc cơ bản chỉ đạo việc giải quyết các vấn đề trên biển giữa Việt Nam và Trung
Quốc (gọi tắt là Tuyên bố 6 điểm). Đây là nhận thức chung quan trọng giữa hai
nước để quản lý xung đột và từng bước tiến tới giải quyết vấn đề tranh chấp ở
Biển Đông, không để vấn đề này ảnh hưởng tới các lĩnh vực hợp tác khác.
Trong quan hệ song
phương, Việt Nam và Trung Quốc đã nỗ lực mở ra hai kênh đàm phán song phương,
đó là kênh đàm phán về các vấn đề ít nhạy cảm trên biển và đàm phán về phân
định khu vực ngoài cửa Vịnh Bắc Bộ, từ đó góp phần quan trọng vào việc duy trì
môi trường hòa bình, ổn định để phục vụ mục tiêu phát triển. Hai bên tiếp tục
đẩy mạnh phát triển quan hệ sâu rộng trên tất cả các mặt, nhất là về kinh tế -
thương mại. Do vậy, quan hệ kinh tế - thương mại Việt Nam - Trung Quốc phát
triển tích cực và đã cán mốc 100 tỷ USD thương mại song phương vào năm 2016,
sớm hơn một năm so với thỏa thuận của hai nước.
Thứ ba, tham gia tích cực và sử dụng các cơ chế
của ASEAN. Do ASEAN có lợi ích to lớn, sát sườn trong vấn đề Biển Đông và không
phải tất cả các nước thành viên ASEAN đều có lợi ích trực tiếp trong vấn đề
Biển Đông, nên Việt Nam đã phải hết sức kiên trì và nỗ lực khi xử lý vấn đề
Biển Đông trong khuôn khổ ASEAN ở cả hai cấp độ.
Trong nội bộ ASEAN đã cơ
bản hình thành các nhóm nước có quan điểm lập trường tương tự nhau (ASEAN-4,
ASEAN-6...), góp phần xây dựng và duy trì được lập trường chung trong ASEAN về
vấn đề Biển Đông, phản ánh được lợi ích của Việt Nam. Sự khác biệt trong ASEAN
là khó tránh khỏi do lợi ích khác nhau, quan điểm khác nhau và sự tác động từ
bên ngoài, nhưng một khi ASEAN đã hình thành tiếng nói đa số, các nước còn lại
đều nhất trí chấp nhận theo nguyên tắc đồng thuận.
Trong các quan hệ đối
ngoại của ASEAN, Việt Nam đã góp phần duy trì được vai trò trung tâm của ASEAN,
nêu được vấn đề Biển Đông ở mức phù hợp, góp phần cùng ASEAN quản lý các mối
quan hệ đối ngoại, nhất là tại các cơ chế quan trọng, như Cấp cao Đông Á (EAS),
Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF), Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng
(ADMM+)... Thực tế cho thấy, tại các diễn đàn này, hầu hết các nước đều chủ
động đề cập vấn đề Biển Đông ở những mức độ khác nhau. Tiếng nói của các nước
đối tác rất quan trọng, góp phần cùng ASEAN duy trì sự quan tâm về vấn đề này.
Thứ tư, đề cao vấn đề tự do, an ninh, an toàn hàng hải,
hàng không. Việt Nam đề cao tự do, an ninh, an toàn hàng hải, hàng không ở khu
vực, tôn trọng luật pháp và các chuẩn mực quốc tế và tranh thủ sự hợp tác với
các nước trên thế giới để bảo vệ các lợi ích chính đáng của mình. Đây là mẫu số
chung quan trọng giữa Việt Nam và cộng đồng quốc tế.
Thứ năm, xử lý khôn khéo, kịp thời các vụ, việc
phát sinh, đồng thời tăng cường củng cố thực lực quốc phòng, năng lực của các
lực lượng trên biển. Nhiều vụ, việc phát sinh đã được xử lý kiên quyết, khéo
léo theo phương châm “biến đại sự thành tiểu sự, biến tiểu sự thành vô sự”,
không để ảnh hưởng tới tổng thể chính sách đối ngoại của đất nước.
Việt Nam rất khôn ngoan trong đấu tranh bảo vệ chủ quyền, biển đảo
Trả lờiXóa