Những năm qua, chúng ta đã ý thức được việc bảo vệ nguồn nước sạch cần thiết và cấp bách đến mức nào. Tuy nhiên, nguồn nước sạch của chúng ta đang có xu hướng giảm dần và bị xâm hại đến mức báo động.
Vài năm gần đây, cứ bước vào mùa khô, nhiều địa phương ở các tỉnh Nam Trung Bộ, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ... lại rơi vào tình trạng thiếu nước ăn và sinh hoạt. Ngay cả trong mùa mưa, một số nơi ở Phú Yên, Ninh Thuận, Bình Định, Hà Tĩnh, Quảng Trị, Quảng Bình... bà con vẫn phải đi xa hàng ki-lô-mét mới lấy được nước, hoặc phải mua nước về dùng. Hiện nay, hiện tượng biến đổi khí hậu làm cho nguồn nước mặt và nguồn nước ngầm ở nước ta sụt giảm nhiều. Không những vậy, hoạt động sản xuất, kinh doanh và ý thức của người dân chưa cao khiến lượng nước thải, rác thải công nghiệp, thuốc trừ sâu, phân bón hóa học tràn ra hệ thống sông ngòi, kênh rạch, ao hồ, gây ô nhiễm nghiêm trọng cho môi trường. Gần đây, vụ đổ trộm dầu thải vào nguồn nước sông Đà làm ảnh hưởng đến đời sống của hàng nghìn hộ dân ở Hà Nội, càng cho thấy việc bảo vệ an ninh nguồn nước quốc gia là rất bức bách.
Ai cũng biết nước sạch có vai trò vô cùng to lớn đối với cuộc sống của con người. Tuy nhiên, không ít doanh nghiệp, cơ sở sản xuất và người dân, ý thức bảo vệ sự sống của chính mình lại rất kém. Khi nguồn nước bị ô nhiễm, sẽ gây ra rất nhiều hậu quả cho cuộc sống của chúng ta và các hoạt động xã hội khác. Tiếp xúc với nguồn nước bẩn, con người rất dễ mắc các loại bệnh về da, đường tiêu hóa, đau mắt, suy nhược cơ thể và cả bệnh nan y nguy hiểm là ung thư. Khi thiếu nước sạch, quá trình sản xuất, kinh doanh và các hoạt động xã hội khác sẽ bị ngưng trệ.
Trước tình hình trên, ngoài việc Nhà nước cần xây dựng và thực hiện tốt chiến lược bảo vệ an ninh nguồn nước sạch, cần phải tuyên truyền, giáo dục rộng rãi để cộng đồng chung tay bảo vệ nguồn nước. Chung tay bảo vệ từ những việc làm lớn, như: Nước thải, rác thải trong sản xuất, kinh doanh phải qua quy trình xử lý nghiêm ngặt mới xả thải ra môi trường, đến những việc làm đơn giản: Không xả rác, xả nước bẩn, hóa chất độc hại trực tiếp vào nguồn nước sạch; không dùng phân tươi làm phân bón; sử dụng thuốc trừ sâu theo đúng hướng dẫn; tiết kiệm nước sạch...
Thời gian qua, TP Hồ Chí Minh và một số địa phương phía Nam đã có nhiều biện pháp bảo vệ an ninh nguồn nước sạch, như: Quản lý chặt chẽ việc khai thác, sử dụng nước ngầm, khai thác cát trên sông; cấm, hạn chế xây dựng mới các công trình khai thác nước dưới đất; lựa chọn công nghệ xử lý nước thải đô thị bảo đảm hiện đại, hạn chế phát sinh mùi hôi tối đa, diện tích sử dụng đất, chi phí vận hành hợp lý; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm... Những việc làm này, góp phần tích cực bảo đảm nguồn nước sạch phục vụ cho cuộc sống và các hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Bảo vệ nguồn nước sạch là nhiệm vụ của cả cộng đồng, của toàn thể nhân loại. Để bảo đảm an ninh nguồn nước quốc gia, Bộ Tài nguyên và Môi trường cần phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện nghiêm các quy định của Luật Tài nguyên nước, Luật Bảo vệ môi trường; đẩy mạnh công tác bảo vệ tài nguyên nước, thiết lập, quản lý chặt chẽ hành lang bảo vệ nguồn nước; quản lý chặt chẽ các hoạt động khai thác, bảo vệ nguồn nước dưới đất; tập trung thanh tra, kiểm tra và xử lý các trường hợp vi phạm pháp luật về tài nguyên nước... Có như vậy, chúng ta mới bảo vệ được nguồn nước sạch hiệu quả, góp phần phát triển kinh tế-xã hội và cuộc sống của nhân dân.
Nước sạch cực kỳ quan trọng, nên phải bảo vệ nguồn nước
Trả lờiXóa