Social Icons

Pages

Thứ Sáu, 25 tháng 10, 2019

DÂN VẬN KHÉO THÌ VIỆC GÌ CŨNG THÀNH CÔNG

“Dân Vận khéo thì việc gì cũng thành công”. Đó là câu kết của bài báo “Dân vận” do đích thân Chủ tịch Hồ Chí Minh viết ngày 15/10/1949 trên Báo Sự Thật, số 120. Tám mươi lăm năm qua, những lời Bác dạy trong bài báo “Dân vận” đã trở thành ý thức chính trị và là phương châm hành động cách mạng cho mỗi cán bộ, đảng viên, mỗi cơ quan, đơn vị, địa phương trong thời kỳ đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.
Đúng như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhận định: “Vấn đề Dân vận nói đã nhiều, bàn đã kỹ nhưng vì nhiều địa phương, nhiều cán bộ chưa hiểu thấu, làm chưa đúng, cho nên cần phải nhắc lại”.

Chủ trương xây thêm trường học, mở thêm một con đường, quyên góp tiền “khuyến tài, khuyến học”, “xoa vợi nỗi đau da cam”… là những việc làm hợp lòng dân, nhưng không ít cấp ủy, chính quyền chỉ coi đó là mệnh lệnh, do đó dân không được bàn thảo, hiến kế; thậm chí khi kết thúc một công trình, một dự án, dân không biết nguồn quỹ do mình đóng góp đã được sử dụng ra sao… Từ bệnh quan liêu đẻ ra nạn tham nhũng, có nơi, có lúc gây hậu quả nghiêm trọng, trở thành mắt xích yếu nhất để kẻ thù lợi dụng lôi kéo, mua chuộc làm cán bộ, đảng viên sa ngã, làm suy yếu chính quyền, làm mất uy tín của Đảng. Đó là trở lực lớn đối với quá trình đổi mới đất nước và làm xói mòn lòng tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà Nước, đối với sự nghiệp xây dựng đất nước, tiến lên chủ nghĩa xã hội.
Để khắc phục những thiếu sót trên, mỗi cơ quan, đơn vị, địa phương cần thấm sâu lời của Bác: “Bất cứ việc gì đều phải bàn bạc với dân, hỏi ý kiến và kinh nghiệm của dân, cùng với dân đặt kế hoạch cho thiết thực với hoàn cảnh địa phương, rồi động viên và tổ chức toàn dân ra thi hành”. Trong bài báo này, Người còn chỉ rõ thêm rằng: “Tất cả cán bộ chính quyền, tất cả cán bộ Đoàn thể và tất cả hội viên của các tổ chức nhân dân… đều phải phụ trách dân vận”. Tư tưởng này được Đảng ta khẳng định trong Nghị quyết 25-NQ/TW của Ban chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về “Tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới”: công tác dân vận là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị (nói về tổ chức), của mọi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên, cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang (nói về cá nhân); trong đó Đảng lãnh đạo, chính quyền tổ chức thực hiện, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể làm nòng cốt và tham mưu (về cơ chế thực hiện).

Chủ tịch Hồ Chí Minh còn nhắc nhở: “Dân vận khéo” là phải tránh bệnh chủ quan, phải phát huy dân chủ. Bởi theo Người: “Có dân chủ mới làm cho cán bộ và quần chúng đề ra sáng kiến” và “Có phát huy dân chủ đến cao độ thì mới động viên được tất cả lực lượng của nhân dân đưa cách mạng tiến lên”. Thắng lợi của các cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc, mười năm cả nước tiến theo con đường chủ nghĩa xã hội (1975-1985) cũng như những thành tựu to lớn và toàn diện trong gần 30 năm đổi mới đất nước và hội nhập quốc tế vừa qua là những minh chứng hùng hồn về mỗi chủ trương, chính sách trong điều hành, quản lý nhà nước ở mỗi thời kỳ lịch sử đã tạo được sự lan tỏa sâu rộng, được nhân dân hưởng ứng, đưa lại kết quả thiết thực, trực tiếp phục vụ nhân dân. Tiêu biểu như: việc thực hiện dân chủ ở cơ sở, bầu cử, giải quyết khiếu nại, tố cáo, các chương trình quốc gia về xóa đói giảm nghèo, về lao động, việc làm, an sinh xã hội, về giáo dục, y tế, bảo vệ môi trường, nước sạch, xây dựng nông thôn mới v.v... Đúng như Bác Hồ đã khẳng định trong Thư gửi ủy ban nhân dân các kỳ, tỉnh, huyện và làng, ngày 17/10/1945: “Nếu không có nhân dân thì Chính phủ không đủ lực lượng. Nếu không có Chính phủ, thì nhân dân không ai dẫn đường”.
Nhìn lại thành tựu và bài học 30 năm đổi mới cho thấy: “Đổi mới phải luôn luôn quán triệt quan điểm "dân là gốc", vì lợi ích của nhân dân, dựa vào nhân dân, phát huy vai trò làm chủ, tinh thần trách nhiệm, sức sáng tạo và mọi nguồn lực của nhân dân; phát huy sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc”. Lãnh đạo nhân dân làm cách mạng, Đảng ta không mục đích nào khác là phải hướng vào phục vụ lợi ích của nhân dân, phấn đấu vì cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc của nhân dân. Đảng phải chăm lo đến đời sống hàng ngày, thậm chí quan tâm tới cả tương, cà, mắm, muối của nhân dân. Người cho rằng: “Ngoài lợi ích của dân tộc, của Tổ quốc thì Đảng không có lợi ích gì khác. Cho nên Đảng phải ra sức tổ chức nhân dân, lãnh đạo nhân dân để giải phóng nhân dân và để nâng cao sinh hoạt, văn hóa, chính trị của nhân dân”.
Trong những năm gần đây, mặc dù ảnh hưởng của khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu, nhờ bám sát thực tiễn tình hình đời sống mọi mặt của đất nước, Đảng và Nhà nước ta đã đề ra nhiều chủ trương, quyết sách đúng đắn, kịp thời, hợp lòng dân; nhờ vậy, nhân dân ta đã đồng tâm hiệp lực, lao động cần cù, sáng tạo, góp sức ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, bảo đảm an sinh xã hội, giữ vững độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ. Vai trò của nhân dân với tư cách là người làm chủ đất nước ngày càng được khẳng định; trách nhiệm của hệ thống chính quyền các cấp ngày càng được càng cao; sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc, sự nỗ lực phấn đấu, sáng tạo của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta trong quá trình hội nhập quốc tế sâu rộng đã đem lại nhiều cơ hội, điều kiện thuận lợi cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Hiện nay, đất nước ta đang tiếp tục thực hiện công cuộc đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đang ra sức phấn đấu thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI và thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) của Đảng về những vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng, hướng đến Đại hội lần thứ XII của Đảng. Trong khi tình hình thế giới đang diễn biến phức tạp, các thế lực thù địch đang ra sức chống phá cách mạng nước ta bằng chiến lược “diễn biên hòa bình” thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, tăng cường hoạt động chống phá, chia rẽ nội bộ Đảng và phá hoại mối quan hệ gắn bó máu thịt giữa Đảng với nhân dân, làm suy yếu vai trò lãnh đạo của Đảng, làm giảm sút lòng tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước... thì công tác dân vận càng phải được chú trọng hơn.
Qua thực tế trên, mới càng thấm thía lời dạy lời dạy của Bác: “quyền hành và lực lượng đều ở nơi dân” đã và đang nhắc nhỡ mỗi cán bộ, đảng viên cũng như cấp ủy, chính quyền các cấp nhận thức sâu sắc hơn nữa công tác dân vận. Tiếp tục nghiên cứu, quán triệt và tổ chức thực hiện tốt Nghị quyết 25-NQ/TW của Ban chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về “Tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới”. Chỉ có làm tốt công tác dân vận mới đưa sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, công cuộc đổi mới của đất nước trở thành hiện thực và khi đó mới củng cố vững chắc niềm tin của nhân dân đối với Đảng, như lời phát biểu của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại lễ bế mạc Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI): “Chỉ có đổi mới và làm tốt công tác dân vận, củng cố vững chắc niềm tin của nhân dân đối với Đảng, tăng cường mối liên hệ giữa Đảng với dân, cũng như khối đại đoàn kết toàn dân thì mới phát huy được sức mạnh to lớn của toàn dân phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”.
Có thể nói rằng, ở Bác bao giờ lời nói cũng đi đôi với việc làm. “Nghĩ việc gì Bác cũng nghĩ từ dân/ Nói về Đảng cũng vì dân mà nói” (Vũ Quần Phương). Mãi mãi ghi sâu lời Bác: “Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”.

1 nhận xét: