Social Icons

Pages

Thứ Ba, 8 tháng 10, 2019

Học Bác từ những điều bình dị


Bình dị, chân phương, khiêm nhường trong lối sống; cần mẫn, nhiệt huyết trong lao động, phục vụ, đó là chất kết dính giữa cán bộ, đảng viên với nhân dân. Bản chất, lối sống người dân vốn mộc mạc, cán bộ sẽ không thể đến với dân bằng lối quan cách “bề trên” và thực tiễn cuộc sống cũng cho thấy, những vị lãnh đạo dù ở bất cứ cấp bậc nào, càng bình dị, càng gần dân, càng được dân mến, dân tin…

Đạo đức, lối sống giản dị, chân thành, không quan cách, không xa hoa, phô trương, lãng phí chính là vấn đề được nói nhiều và quy định rõ trong nhiều văn bản của Đảng, Nhà nước, trong đó bản tự nhận xét, kiểm điểm của cán bộ, đảng viên hằng năm (tại nơi cư trú, nơi làm việc) đều có mục này.
Quy định số 08-QĐi/TW về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương, tại điểm 7, điều 2 nêu: “Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương phải gương mẫu đi đầu thực hiện: Không ngừng học tập, tu dưỡng, rèn luyện, trau dồi đạo đức cách mạng. Mẫu mực về đạo đức, lối sống. Thực sự cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư; trung thực, giản dị, thẳng thắn, chân thành”.
Xin thống kê một vài sự kiện, hình ảnh điển hình về lối sống bình dị mà cao quý: Giải báo chí về xây dựng Đảng năm 2017, trong 6 tác phẩm đạt giải cao nhất (giải A), có 1 tác phẩm ảnh. Đó là tác phẩm “Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm, tặng quà gia đình thương binh tỉnh Gia Lai” của tác giả Lê Trí Dũng – Thông tấn xã Việt Nam.
Một bức ảnh phản ánh lãnh đạo Đảng, Nhà nước đi thăm bà con ở các địa phương là chuyện thường thấy, nhưng sao bức ảnh nói trên lại có sức lan tỏa và đạt giải cao như vậy? Đó là câu hỏi mà nhiều người muốn biết. Bức ảnh chụp lại một khoảnh khắc trong chuyến công tác của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Gia Lai, một trong 5 tỉnh thuộc khu vực Tây Nguyên, ngày 12-4-2017.
“Bức ảnh này tôi chụp khi Tổng Bí thư vào thăm gia đình thương binh Đinh Phi, hộ gia đình chính sách có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn ở làng Tung Ke 2, xã Ayun. Hình ảnh người lãnh đạo cao nhất của Đảng giản dị ngồi trên bậc cửa, nắm tay, tặng quà và ân cần hỏi thăm cuộc sống của thương binh Đinh Phi gây ấn tượng mạnh với bà con địa phương và đoàn công tác bởi sự gần gũi, thân thiết gắn bó với người dân. Tác phẩm đã gửi đi thông điệp về sự gắn bó giữa Đảng với dân. Càng gần gũi, càng giản dị, càng chân thành thì dân càng tin Đảng” – anh Lê Trí Dũng chia sẻ.
Trong đời sống xã hội ngày nay, nhiều cán bộ, đảng viên nêu gương liêm khiết, sống mực thước, gần gũi, chan hoà với nhân dân. Bởi vậy, ngay cả khi họ đã nghỉ hưu, người dân vẫn mãi nhớ đến, điển hình như ông Trương Đình Tuyển, nguyên Bí thư Tỉnh uỷ Nghệ An, nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại.
Tới nay, rất nhiều câu chuyện kể về ông Bí thư Tỉnh uỷ sống đạm bạc, bình dị với dân vẫn lưu truyền ở địa phương và trên báo chí. Học đức tính giản dị, mộc mạc như ông Tuyển không có nghĩa là ngày nay, cán bộ cứ phải dùng xe đạp đi chợ hay tự nấu ăn.
Cái chính ở đây chính là sự tương thích với hoàn cảnh, ở vào hoàn cảnh cần đi xe đạp thì người cán bộ đi xe đạp, cần đi bộ thì đi bộ, còn khi cần đi ôtô thì sử dụng ôtô, tức đặt mình tương thích, hoà đồng để không cảm thấy lạc lõng, xa rời với hoàn cảnh.
Ngày nay, tỉ lệ cán bộ lãnh đạo bình dị, khiêm nhường có nhiều không? Tỉ lệ tham nhũng, ăn chơi vô độ, phung phí tiền bạc Nhà nước là “bộ phận không nhỏ” nhưng ở mức nào, có lớn không? Chúng ta chưa có một con số nào để đánh giá. Nhưng thấy rằng, cán bộ bình dị, khiêm nhường, mẫu mực không ít.
Còn quan chức tham lam, quan cách, tỏ thói bề trên, có tý chức tước, tiền của thì tỏ vẻ ta đây “ngồi trên thiên hạ”, đi đứng ngông nghênh, ăn nói hống hách, coi người đời không ra gì cũng không hiếm.
Những cán bộ có thói kiêu ngạo như thế, dù có xuống dân thì cũng chỉ là những vở diễn rất gượng gạo, rất thô kệch, chẳng những không được dân tin mà ngược lại.
Hiện chẳng thiếu những vị có được tiền của trên mồ hôi nước mắt tiền thuế của dân, hoặc là tiền tham ô, hối lộ mà có, họ khui chai rượu ngoại trị giá dăm mười triệu, thậm chí vài chục triệu, bằng cả chục tấn thóc của nông dân mà coi nhẹ như không!
Sống bình dị thì những việc làm đời thường, người cán bộ, đảng viên cũng cảm thấy trách nhiệm và ý nghĩa, không gò bó, gượng gạo. Hôm đến triển lãm “Những tấm gương bình dị mà cao quý” tại Bảo tàng Hồ Chí Minh, Hà Nội, tôi nhận ra rất nhiều tấm gương được biểu dương, tôn vinh ở đây, thực sự họ là đại diện giữa muôn điều bình dị mà ý nghĩa trong cuộc sống này.
Triển lãm với gần 300 hình ảnh, tài liệu, hiện vật và bài viết nhằm tôn vinh 129 tấm gương điển hình gồm 56 tập thể và 73 cá nhân được lựa chọn và tôn vinh từ khắp các tỉnh, thành và ngành nghề công tác: từ người nông dân, chị công nhân đến những cán bộ khoa học, nhà giáo, chiến sĩ Quân đội, Công an, cựu chiến binh hay người dân bình thường… có nhiều tấm gương tiêu biểu trong phong trào “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”.
Trong 129 tấm gương được tôn vinh như ông Krê Cil, sinh sống tại tổ dân phố Bon Đưng I, thị trấn Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng. Dù đã ngoài 80 tuổi nhưng ông vẫn tích cực, nhiệt tình trong công tác tuần tra bảo vệ rừng, làm gương cho con cháu. Ông đã trực tiếp và huy động người dân nhận khoán quản lý bảo vệ rừng thực hiện công tác cháy rừng tại núi Langbiang.
Gần 20 năm đảm nhận công việc bảo vệ rừng, đến nay, ông và người dân trong tổ đã tích cực tham gia quản lý, bảo vệ rừng, chữa cháy rừng với tổng diện tích là 30ha. Tấm gương bà Trần Thị Kim Thia (Sáu Thia), ở xã Hưng thạnh, huyện Tháp Mười, Đồng Tháp.
Mặc dù cuộc sống còn khó khăn, hàng ngày mưu sinh với nghề bán vé số làm thuê kiếm tiền nuôi bản thân nhưng với mong muốn giúp trẻ em chuẩn bị tâm lý đi học an toàn trong mùa lũ, cứ vào 3 tháng hè hằng năm, bà lại mở lớp dạy bơi cho trẻ từ 7 - 15 tuổi, hồ bơi chính là các khúc sông cạn trên địa bàn xã, được bà đem cọc tre cắm dưới sông, dùng lưới bao quanh và sau 15 năm, bà đã dạy bơi miễn phí cho hơn 2.000 trẻ em.
Rất nhiều hình ảnh đẹp về những chiến sĩ Cảnh sát giao thông không quản ngại khó khăn trong điều kiện thời tiết nắng nóng oi bức hay môi trường đầy bụi bặm, tiếng ồn vẫn thực hiện nhiệm vụ điều tiết giao thông; kịp thời hỗ trợ, xử lý các trường hợp phương tiện bị sự cố và đưa người bị nạn đi cấp cứu; trực tiếp cùng người dân xử lý bùn đất, dầu nhớt, vật liệu xây dựng rơi vãi trên đường...
Cán bộ, đảng viên các đơn vị Công an đến các bản vùng sâu, vùng xa làm thủ tục, cấp căn cước công dân, nhất là với người già, đi lại khó khăn; những chiến sĩ Cảnh sát dầm mình trong lũ, leo lên nóc nhà di chuyển người, tài sản lên xuồng đến nơi an toàn; những cánh rừng bùng lửa và khói dữ dội, làm sao có thể cầm mình khi hàng nghìn chiến sĩ Công an, Bộ đội vẫn cắt rừng, phun nước, cứu từng mét rừng màu xanh cuộc sống…
Tại Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ IX, nhiều người ấn tượng và khâm phục trước tinh thần “4 cùng” (cùng làm, cùng ở, cùng ăn và cùng nói tiếng dân tộc) của Đại úy Sằn A Phật, Đội An ninh, Công an huyện Tiên Yên (Quảng Ninh).
Không ngại khó, anh Phật đã học tiếng dân tộc để gần gũi với đời sống bà con, nói thông thạo 4 thứ tiếng dân tộc thiểu số là Tày, Hoa, Sán Chỉ và Dao, được bà con tin tưởng, cung cấp các thông tin về an ninh, trật tự, giúp đỡ khi cơ quan Công an cần...
Có những hành động diễn ra trong khoảnh khắc nhưng đó là việc làm của tấm lòng bao dung. Mùa thi vừa rồi, thí sinh Trần Thạch Trọng Nghi (SN 2001, học sinh lớp 12A3, Trường THPT Bạc Liêu), bị bệnh về xương nên việc đi lại hết sức khó khăn.
Em Nghi dự thi tại điểm thi Trường THPT Phan Ngọc Hiển, em được chiến sĩ Công an huyện cõng vào tận phòng thi. Nhiều phụ huynh chứng kiến hình ảnh chiến sĩ Công an cõng thí sinh vào phòng thi đã chụp lại, đưa lên mạng xã hội và nhanh chóng tạo sự lan toả, chia sẻ với tình cảm đầm ấm…
Trong bài viết nhân 50 năm Công an nhân dân (CAND) thực hiện Di chúc của Bác, Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an nhấn mạnh, Công an các đơn vị, địa phương cần chú trọng đổi mới nội dung, hình thức, biện pháp trong thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh gắn với xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng lực lượng CAND thực sự trong sạch, vững mạnh, trọng tâm là phát huy truyền thống tốt đẹp “Vì nước quên thân, vì dân phục vụ”, xây dựng hình ảnh người cán bộ, chiến sĩ Công an gần dân, trọng dân, vì nhân dân phục vụ; đồng thời không ngừng đổi mới nâng cao hiệu quả các mặt công tác đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong mọi tình huống.
Gắn kết chặt chẽ việc thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh với các phong trào thi đua yêu nước trong CAND và việc thực hiện các mục tiêu yêu cầu, nhiệm vụ được giao; đồng thời tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, đẩy mạnh học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
Đề cao trách nhiệm nêu gương, trước hết là của lãnh đạo cấp ủy và chỉ huy các cấp trong CAND, nhất là người đứng đầu Công an đơn vị, địa phương.


1 nhận xét: