Trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo và triển khai thực hiện
nhiệm vụ, cán bộ và cấp ủy các cấp phải sâu sát với công việc và sâu sát với
nhân dân, dựa vào nhân dân để kiểm tra, giám sát cán bộ, đảng viên, thực hiện
phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân thụ hưởng”.
PHƯƠNG PHÁP DÂN VẬN “LẤY DÂN LÀM GỐC”
Tư tưởng “lấy dân làm gốc” của Hồ Chí Minh được kế thừa từ
truyền thống lịch sử của cha ông ta. Khi nhìn nhận về vai trò, sức mạnh của
nhân dân, các bậc tiền nhân đã dạy: “Khoan thư sức dân làm kế sâu rễ bền
gốc, đó là thượng sách giữ nước” (Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn); tư
tưởng thân dân của Nguyễn Trãi: “Chúng chí thành thành” (Ý chí của
nhân dân là thành lũy vững chắc); sức dân như nước, chở thuyền hay lật thuyền
cũng do dân: "Lật thuyền mới rõ dân như nước. Cậy hiểm khôn xoay,
mệnh ở trời".
Kế thừa tư tưởng “trọng dân”, “thân dân” theo truyền thống
của dân tộc, đồng thời Hồ Chí Minh tiếp thu lý luận của chủ nghĩa Mác-Lênin:
“Cách mạng là sự nghiệp của quần chúng”, cho nên Người đặc biệt đánh giá cao
vai trò, sức mạnh của nhân dân. Người nói: “Trong bầu trời không có gì quý bằng
nhân dân”; “Trong thế giới không có gì mạnh bằng lực lượng đoàn kết của toàn
dân”[1]; “dân là gốc của nước”; “dân là quý nhất,
là quan trọng nhất[2]. Theo quan điểm của Hồ Chí Minh: “Dân là
gốc của nước”, là lực lượng chủ yếu của cách mạng, vì dân có số lượng đông, vì
“mọi lực lượng đều ở nơi dân”. Dân cũng là những người làm ra mọi của cải vật
chất và giá trị văn hoá, nuôi sống bộ máy Nhà nước và toàn thể xã hội, làm cho
xã hội tồn tại và phát triển: “Cơm chúng ta ăn, áo chúng ta mặc, vật liệu chúng
ta dùng, đều do mồ hôi nước mắt của nhân dân mà ra”[3].
Xuất phát từ quan điểm sự nghiệp cách mạng là của nhân dân,
do nhân dân, vì nhân dân, cho nên cả cuộc đời của Hồ Chí Minh đã hy sinh phấn
đấu vì hạnh phúc của hết thảy đồng bào. Năm 1946, khi nước nhà mới giành được
độc lập, trả lời một phóng viên nước ngoài, Người bộc bạch: "Tôi tuyệt
nhiên không ham muốn công danh phú quý chút nào... chỉ có một ham muốn, ham
muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân
ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai
cũng được học hành"[4].
Phương pháp “Lấy dân làm gốc” của Hồ Chí Minh là phải tôn
trọng nhân dân, làm lợi cho dân để nhân dân hăng hái tham gia, ủng hộ sự nghiệp
cách mạng. Người nói: “Vô luận việc gì đều do người làm ra, từ nhỏ đến to,
từ gần đến xa đều thế cả”, cho nên phải xem xét mọi việc để có lợi cho dân.
Người căn dặn cán bộ, đảng viên: “Chúng ta phải ghi tạc vào đầu cái chân lý
này: dân rất tốt. Lúc họ đã hiểu thì việc gì khó khăn mấy họ cũng làm được, hy
sinh mấy họ cũng không sợ”[5] và “nếu không có nhân dân thì
Chính phủ không đủ lực lượng... chúng ta phải yêu dân, kính dân thì dân mới
yêu ta, kính ta”[6]. Theo Người, muốn tập hợp, phát huy sức
mạnh của quần chúng, vấn đề rất quan trọng là phải làm thế nào mà "mỗi tư
tưởng, mỗi câu nói, mỗi chữ viết, phải tỏ rõ cái tư tưởng và lòng ước ao của
quần chúng"[7]. Người nhấn mạnh: “Kinh nghiệm trong
nước và các nước đã cho chúng ta biết: có lực lượng dân chúng việc to
tát mấy, khó khăn mấy cũng làm được. Không có, thì việc gì làm cũng không xong.
Dân chúng biết giải quyết nhiều vấn đề một cách giản đơn, mau chóng, đầy đủ, mà
những người tài giỏi, những đoàn thể to lớn, nghĩ mãi không ra”[8].
Gốc rễ của tư tưởng “lấy dân làm gốc” là vấn đề quan hệ máu
thịt, gắn bó giữa Đảng với dân. Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Cách xa dân chúng, không
liên hệ chặt chẽ với dân chúng, cũng như đứng lơ lửng giữa trời, nhất định thất
bại”[9] và đó là bài học xương máu của các
đảng chính trị nói chung, nếu phạm vào sai lầm vừa xa dân vừa che giấu khuyết
điểm. Như lãnh tụ cách mạng V.I.Lênin đã kết luận: “Tất cả các đảng cách
mạng đã bị tiêu vong cho tới nay, đều bị tiêu vong vì tự cao tự đại, vì không
biết nhìn rõ cái gì tạo ra sức mạnh của mình, vì sợ sệt không dám nói lên những
nhược điểm của mình”[10]. Vì vậy, tổ chức đảng, mỗi cán bộ đảng
viên phải thường xuyên đánh giá kết quả công tác, thực hiện phê bình và tự phê
bình, kịp thời nhận ra khuyết điểm, để sửa chữa sai lầm; gắn công tác phê bình
với việc kiểm tra và giám sát chặt chẽ từ chương trình hành động, kế hoạch của
cấp ủy đến của mỗi cán bộ, đảng viên để xây dựng tổ chức, cơ quan, đơn vị.
Nội dung bài viết rất hay
Trả lờiXóa