Chuyện xưa kể rằng (ai đó đừng vội nói .. phò Tàu, vì ngày đó chưa có Trung Quốc mà dân ta gọi là Tàu, Khách), Tăng Tử hỏi Khổng Tử:
- Về giữ chính sự của một nước phải làm gì?
Khổng Tử đáp:
- Muốn giải quyết tốt chính sự phải có 3 điều kiện: sung túc lương thực, quân lực dồi dào, được trăm họ tin cậy.
- Nếu phải bỏ một?
Đáp:
- Quân lực.
- Nếu phải bỏ hai?
Đáp:
- Lương thực.
- Sao không bỏ điều ba?
Đáp:
- Có trăm họ tin cậy sẽ có hai điều trên. Mất lòng tin trăm họ sẽ mất hai điều trên, mất tất cả.
Lại chuyện thời nhà Trần, Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn cảm khái về những tuỳ tướng của mình, vốn chỉ là các nông dân, gia nô trong phủ được ông trọng dụng, rằng: "Chim hồng hộc bay được cao là nhờ ở sáu cái lông cánh, nếu không có sáu cái lông cánh ấy thì cũng như chim thường thôi".
Với đa số nhân dân, trước khi mất ông dặn lại vua Trần Anh Tông, phải biết: “Lấy khoan thư sức dân làm kế sâu rễ bền gốc, ấy là kế sách giữ nước lâu dài”.
Chẳng bù cho Trần Hưng Đạo, một danh tướng khác của nhà Trần là Nhân Huệ vương Trần Khánh Dư, người từng lập nên chiến công hiển hách ở Vân Đồn, sau này trong thời bình lại nhũng nhiễu, vơ vét của quân dân với câu nói .. bất hủ: “Tướng là chim ưng, quân dân là gà vịt. Lấy gà vịt mà nuôi chim ưng không có gì là lạ”.
Trần Khánh Dư nhiều lần mắc tội, vua Trần đều hạch hỏi và trừng trị nhưng ngầm xuê xoa cho qua, kết quả là về sau nhà Trần ngày càng mục ruỗng, lòng dân oán ghét nên cuối cùng cũng sụp đổ như bao vương triều phong kiến khác.
Đó đều là những bài học quý báu về lòng dân và việc thu phục lòng dân, tức công tác Dân vận ngày nay.
Bài viết rất hay, xin cảm ơn
Trả lờiXóa