Anh hùng, liệt sĩ Nguyễn Văn Trỗi, sinh ngày 1/2/1940 tại
làng Thanh Quýt, nay thuộc xã Điện Thắng Trung, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam.
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Nguyễn Văn Trỗi là một tấm gương
chiến đấu dũng cảm. Anh đã hy sinh anh dũng ngày 15/10/1964, khi mới 24 tuổi.
Ngày 02/05/1964, anh nhận nhiệm vụ đặt mìn ở cầu Công Lý
(nay là cầu Nguyễn Văn Trỗi), để ám sát phái đoàn quân sự chính trị cao cấp của
Chính phủ Mỹ do Bộ trưởng quốc phòng Robert McNamara dẫn đầu.
Công việc bại lộ, anh bị bắt vào lúc 22 giờ ngày 09/05/1964.
Chính quyền Việt Nam Cộng hòa đưa ông ra tòa án quân sự kết án tử hình. Để cứu
ông, một tổ chức du kích Venezuela tuyên bố trao đổi anh với một con tin là
trung tá không quân Mỹ là Michael Smolen mà họ vừa bắt giữ. Tuy nhiên, sau khi
viên sĩ quan Mỹ vừa được trả tự do thì ông bị đưa đi xử bắn.
Nguyễn Văn Trỗi bị xử bắn tại sân sau nhà lao Chí Hòa lúc 9
giờ 45 phút ngày 15/10/1964 trước sự chứng kiến của nhiều phóng viên nước
ngoài. Những phút cuối cùng, ông tỏ ra rất can đảm, không đồng ý bịt mắt và
xưng tội và hô lên những lời cuối cùng được các phóng viên ghi lại:
“Hãy nhớ lấy lời tôi! Đả đảo Đế quốc Mỹ! Hồ Chí Minh muôn
năm! Việt Nam muôn năm!”
Sáng 15/4/2018, hài cốt anh Nguyễn Văn Trỗi được đưa từ
nghĩa trang nhỏ của làng về an táng tại Nghĩa trang liệt sĩ TPHCM.
Hãy nhớ lấy lời tôi
Tố Hữu
Có những phút làm nên lịch sử
Có cái chết hóa thành bất tử
Có những lời hơn mọi bài ca
Có con người như chân lý sinh ra.
Nguyễn Văn Trỗi!
Anh đã chết rồi
Anh còn sống mãi
Chết như sống, anh hùng, vĩ đại.
Hỡi người Anh, đã khép chặt đôi môi
Tiếng anh hô: Hãy nhớ lấy lời tôi!
Đang vang dội. Và ánh đôi mắt sáng
Của Anh đã chói ngời trên báo Đảng
Nghìn năm sau sẽ nhớ lại hôm qua
Một sáng mùa thu, giữa khám Chí Hòa
Anh đi giữa hai tên gác ngục
Và sau chúng, một người linh mục.
Anh bước lên, nhức nhói chân đau,
Dáng hiên ngang vẫn ngẩng cao đầu
Quần áo trắng một màu thanh khiết
Thân gầy yếu mạnh hơn cái chết.
Bầy giết thuê và lũ viết thuê
Hai hàng đen, súng cắm lưỡi lê
Anh bước tới, mắt nhìn, bình thản
Như chính Anh là người xử án.
Cỏ trong vườn mát dưới chân Anh
Đời vẫn tươi màu lá rau xanh
Đây miếng đất của Anh đòi giải phóng
Đây máu thịt của Anh đòi cuộc sống.
Anh thét to: "Ta có tội gì đây?"
Chúng trói Anh vào cọc, mấy vòng dây
Mười họng súng. Một băng đen bịt mắt.
Anh thét lớn: "Chính Mỹ kia là giặc!"
Và tay Anh giật phắt mảnh băng đen
Anh muốn thiêu, bằng mắt, lũ đê hèn
Với cái chết, Anh muốn nhìn giáp mặt
Như ngọn lửa không bao giờ dập tắt!
Chúng run lên, xông trói chặt Anh hơn
Đôi môi Anh đã khô cháy căm hờn:
Phải chiến đấu không sợ gì súng đạn!
Lệnh: Hàng đầu quỳ xuống! Một giây thôi
Anh thét lên: Hãy nhớ lấy lời tôi:
Đả đảo đế quốc Mỹ!
Đả đảo Nguyễn Khánh!
Hồ Chí Minh muôn năm!
Hồ Chí Minh muôn năm!
Hồ Chí Minh muôn năm!
Phút giây thiêng, Anh gọi Bác ba lần!
Súng đã nổ, mười viên đạn Mỹ
Anh gục xuống. Không. Anh thẳng dậy
Anh hãy còn hô: Việt Nam muôn năm!
Máu tim Anh nhuộm đỏ đất Anh nằm.
Mắt đã nhắm, không một lời rên rỉ,
Anh chết vậy, như thiên thần yên nghỉ.
Chẳng cần đâu, cây thánh giá sắt tây
Của tay người linh mục ném bên thây!
Anh đã chết, Anh Trỗi ơi, có biết
Máu kêu máu, ở trên đời, tha thiết!
Du kích quân Ca-ra-cát đã vì Anh
Bắt một tên giặc Mỹ giữa đô thành.
Anh đã chết. Anh chẳng còn thấy nữa
Lửa kêu lửa, giữa miền Nam rực lửa
Như trái tim Anh, ôi lửa nào bằng!
Phút cuối cùng, chói lọi khối sao băng...
Hãy nhớ lấy lời tôi!
Nguyễn Văn Trỗi
Lời Anh dặn, chúng tôi xin nhớ:
Hãy sống chết quang vinh
Trước kẻ thù không sợ
Vì Tổ quốc hi sinh
Như đời Anh, người thợ.
Chúng ta mãi nhớ công ơn anh hùng Nguyễn Văn Trỗi
Trả lờiXóa