Social Icons

Pages

Thứ Tư, 9 tháng 10, 2019

Nên phản ứng thế nào với các tin đồn trước thềm Đại hội Đảng XIII?

Những ngày gần đây có 2 sự kiện đáng chú ý liên quan đến quá trình chuẩn bị nhân sự cho Đại hội Đại biểu Toàn quốc lần thứ XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam. Thứ nhất, ngày 24/09, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã thay mặt Bộ Chính trị ký ban hành Quy định 205 về kiểm soát quyền lực và chống chạy chức, chạy quyền. Quy định này nêu rõ 6 hình thức chạy chức, chạy quyền bị kỷ luật; 5 hình thức kỷ luật với mức hình phạt cụ thể; quy định rằng người trong cùng gia đình không được đảm nhiệm các chức danh liên quan đến nhau; và cấm dùng phương tiện truyền thông đại chúng, mạng xã hội để “phát tán thông tin không đúng sự thật, tố cáo sai sự thật nhằm đề cao bản thân, hạ uy tín người khác”.

Thứ hai, trong một hội thảo khoa học do Tạp chí Cộng sản và NXB Chính trị Quốc gia tổ chức ngày 25/09, Trợ lý Chủ tịch Quốc hội Lê Minh Thông đã đề nghị hai việc: công khai danh sách nhân sự được quy hoạch vào Trung ương Đảng, cùng hồ sơ và kế hoạch hành động của các ứng viên, để Đảng viên có thông tin để giám sát, tránh ảnh hưởng xấu của các tin đồn và bầu trực tiếp Bí thư ở các Đại hội, kể cả ở cấp cao nhất là Tổng Bí thư.
Lập tức trên mạng xã hội, một số cá nhân chống đối đã tung các tin đồn xung quanh việc chuẩn bị nhân sự cho Đại hội Đảng lần thứ XIII. Cụ thể, có ít nhất 5 tin đồn đáng chú ý, chủ yếu được phát tán qua các kênh của Phạm Thành, Bùi Thanh Hiếu và Dân Làm Báo – nhưng nơi có “truyền thông” chăm chỉ tung tin nhảm, tin thổi phồng về nhân sự Đảng.
Về tin đồn thứ nhất, Phạm Thành tự in sách, trả lời phỏng vấn để tuyên truyền rằng Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng sẽ không thăm Mỹ, không “xoay trục” sang Mỹ, vì vốn là người “muốn bảo vệ Đảng, muốn đất nước độc tài, muốn thân Trung Quốc, muốn kiến thiết đất nước theo đường lối Trung Quốc”.
Về tin đồn thứ hai, bút danh “Hoàng Việt” tung tin rằng Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã không công bố dự thảo kết luận của Thanh tra Chính phủ về 2 vụ Sơn Trà và Đa Phước, để bao che cho một số quan chức, cán bộ ở tỉnh Quảng Nam. Ngoài ra, ông Phúc cũng đã yêu cầu các bộ ngành để yên khoản nợ ngân hàng 27 tỷ VNĐ của ông Hồ Minh Hoàng, bao che cho ông Nguyễn Đức Chung trong vụ Nhật Cường, giúp ông Nguyễn Ngọc Kỳ và bà Mai Thị Thu Vân nắm các chức vụ trong Văn phòng Chính phủ…
Về tin đồn thứ ba, Bùi Thanh Hiếu tung tin rằng Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân đang bao che cho tập đoàn Hoa Lâm trục lợi từ đất công; đồng thời chỉ đạo ông Phan Nguyễn Như Khuê, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TP.HCM, đe dọa các tờ báo đã tố cáo hành vi bao che đó.
Về tin đồn thứ tư, bút danh “Lê Nhân” tung tin rằng Trương Tấn Sang đã bao che, giúp Jonathan Hạnh Nguyễn “trốn thuế hàng chục tỷ đồng, rửa tiền, chiếm đoạt các dự án hàng ngàn tỷ”.
Về tin đồn thứ năm, Bùi Thanh Hiếu tung tin rằng ông Trương Tấn Sang là người cung cấp các hồ sơ về vụ AVG cho những cây bút như Nguyễn Công Khế, Trương Huy San, Lưu Trọng Văn, Hoàng Hải Vân, Phạm Việt Thắng… để “đánh” hai ông Tô Lâm và Nguyễn Văn Bình, nhằm giành lợi thế cho ông Trương Hòa Bình trong quá trình chuẩn bị nhân sự trước thềm Đại hội Đảng XIII.
Bùi Thanh Hiếu cũng tung tin rằng trong số những cây bút vừa nêu, hiện chỉ còn Lưu Trọng Văn, Phạm Việt Thắng, Phan Trí Đỉnh và một số cây bút trẻ theo đuổi vụ việc này cùng ông Trương Tấn Sang. Trong khi đó, Nguyễn Công Khế và Hoàng Hải Vân đã chuyển sang “phe” ông Nguyễn Xuân Phúc. Hiếu bình luận rằng các ông Khế, Vân, San muốn chống tiêu cực, nhưng chỉ chống khi có cơ hội thành công; họ đã ngừng khai thác vụ AVG vì sợ bị ông Tô Lâm bắt sau Đại hội.
Trong số 5 tin đồn vừa nêu, tin đồn số (1) liên quan đến chính sách của lãnh đạo Đảng. Các tin đồn tiếp theo cáo buộc về sai phạm của các ông Huỳnh Đức Thơ, Thân Đức Nam, Võ Duy Khương, Hoàng Tuấn Anh, Hồ Minh Hoàng, Nguyễn Đức Chung, Jonathan Hạnh Nguyễn và cáo buộc về hoạt động “chạy chức, chạy quyền”, bao che sai phạm của các ông/bà Nguyễn Xuân Phúc, Nguyễn Thiện Nhân, Tô Lâm, Nguyễn Văn Bình, Trương Hòa Bình, Trương Tấn Sang, Nguyễn Ngọc Kỳ, Mai Thị Thu Vân. Riêng tin đồn số (5) còn bao gồm “thuyết âm mưu” về việc các ông Trương Tấn Sang, Nguyễn Xuân Phúc sử dụng một số phóng viên để tung tin đồn, nhằm tác động đến công tác nhân sự trước thềm Đại hội Đảng.
Trong các loại tin đồn vừa nêu, một số là các cáo buộc chủ quan về sai phạm chưa có căn cứ xác thực và đều nằm trong quá trình điều tra của công an, không ai có thể “thẩm định”. Các loại tin đồn còn lại càng thuộc thể loại “không thể chứng minh” khi chưa có kết quả điều tra từ phía công an, vì vậy không giúp ích cho sinh hoạt chính trị. Độc giả nên coi như chúng không tồn tại, cho tới khi cơ quan điều tra đưa ra kết luận chính thức. Đừng quên nhiều tin đồn nội chính mà giới “dân chửi” từng tung ra – như chuyện ông Trương Minh Tuấn được bao che, chuyện Trương Duy Nhất bị bắt vì nắm thông tin mật, hay chuyện Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh, Bộ trưởng Phùng Quang Thanh qua đời … đã bị các diễn biến thực tế chứng minh là sai sự thật.
Khi tung các tin đồn nội chính, các nhóm lợi ích liên quan muốn hạ uy tín của các quan chức cụ thể, nhằm tác động đến công tác nhân sự trước thềm Đại hội Đảng. Trong khi đó, Bùi Thanh Hiếu và các nhà “dân chửi” khác muốn hạ uy tín và chia rẽ Đảng Cộng sản Việt Nam. Như vậy, nếu bạn tham gia phát tán các tin đồn của họ, bạn sẽ góp phần đẩy dư luận Việt Nam vào tình trạng hỗn loạn thông tin, để phục vụ cho tham vọng chính trị của những thế lực không quan tâm đến sự thật lợi ích của người dân.
Trong bối cảnh này, chúng tôi tin rằng mọi người dùng Internet Việt Nam, thuộc mọi khuynh hướng chính trị, đều nên tẩy chay các tin giả và tin đồn không thể kiểm chứng.

1 nhận xét:

  1. Nếu mọi người dân đều tỉnh táo, sáng suốt trong sàng lọc thông tin, nhận diện và ứng xử phù hợp trước những thông tin xấu độc thì các thế lực thù địch không dễ bề lợi dụng để chống phá.

    Trả lờiXóa