Những năm gần đây,
xuất hiện một số nhóm người và các trang mạng xã hội có chữ Save gắn với địa
danh cụ thể như Save Sơn Đoòng, Save Sơn Trà, Save Tam Đảo.
Họ núp bóng hoạt
động môi trường để kích động, lôi kéo người dân phản đối các dự án kinh tế lớn,
kêu gọi ký đơn tập thể, kêu gọi tuần hành, biểu tình, thậm chí hoạt động chống
phá Đảng, Nhà nước. Hiện tượng này cần sớm được nhận diện, cảnh báo và xử lý
nghiêm minh.
Cảnh giác với những trang, nhóm có chữ SAVE
Báo Quân đội nhân dân số ra ngày 3-6-2019 có đăng
bài “Từ cách mạng cây, cách mạng cá đến cách mạng màu” đã đề cập và cảnh báo
hiện tượng trên xảy ra ở một số địa phương như Quảng Bình, Vĩnh Phúc, Đà Nẵng,
Bình Thuận… Đúng như bài báo đề cập, gần đây, những trang, nhóm này tiếp tục
gia tăng nhiều hoạt động phức tạp ở Đà Nẵng, Vĩnh Phúc.
Riêng trang Save
Tam Đảo gần đây đã lợi dụng sự kiện Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự Kỳ họp
thường niên của Đại hội đồng Liên hợp quốc lần thứ 74 tại Mỹ cùng nhiều nguyên
thủ gửi thông điệp ủng hộ sự ra đời của một bản thỏa thuận mới khẩn cấp về con
người và thiên nhiên để xuyên tạc. Trang này, cùng một số đài báo, trang mạng
phản động đã bóp méo thông tin về một vài dự án du lịch sinh thái để xuyên tạc
Đảng, Nhà nước Việt Nam không quan tâm bảo vệ môi trường.
Nhóm Save Tam Đảo cũng đã kêu gọi người dân ký đơn tập thể
do nhóm này soạn sẵn, kêu tụ tập để gửi đơn. Họ còn đăng tải hình ảnh Thủ tướng
dự lễ khởi công năm 2016 rồi xuyên tạc lãnh đạo Đảng, Nhà nước ta nói không đi
đôi với làm, đánh đổi môi trường để phát triển. Họ tuyên bố đây chỉ là trang
của những bạn trẻ yêu môi trường, yêu mến vườn quốc gia Tam Đảo chứ không liên
quan gì đến chính trị.
Một số thông tin họ đưa ra, dù chưa có căn cứ khoa học nhưng
đã trở thành “mồi” cho rất nhiều trang mạng, trang báo hải ngoại chống phá
Đảng, Nhà nước dựa vào đó có nhiều bài viết xuyên tạc. Theo cơ quan chức năng,
chỉ riêng việc lợi dụng các dự án du lịch sinh thái ở Vĩnh Phúc, Đà Nẵng, hai
tuần qua đã có tới hơn 4.000 trang mạng tán phát các thông tin xuyên
tạc, bóp méo sự thật.
Có sự hậu thuẫn của các tổ chức phản động
Tháng 8-2019, Truyền hình ANTV (Cục Truyền thông
Công an nhân dân, Bộ Công an) đã có phóng sự “Save Tam Đảo hay sự chống phá,
xuyên tạc” vạch trần rõ thủ đoạn của nhóm Save Tam Đảo.
Làm việc với phóng viên Báo Quân đội nhân dân, lãnh đạo
tỉnh Vĩnh Phúc và cơ quan chức năng cho biết, trang, nhóm Save Tam Đảo có sự
hậu thuẫn của một số tổ chức và đối tượng phản động để xuyên tạc.
Thật ra, hoạt động dưới danh nghĩa yêu môi trường, thông qua
các trang mạng xã hội có chung chữ SAVE để kêu gọi, lôi kéo, kích động chống
phá Đảng, Nhà nước là một trong những chiêu trò đã xuất hiện khoảng 5 năm trở
lại đây.
Năm 2014, sau khi có thông tin dự án cáp treo ở khu vực Sơn
Đoòng (Quảng Bình), một nhóm người xưng là yêu môi trường đã phát động chiến
dịch Save Sơn Đoòng và cho ra đời trang mạng cùng tên.
Từ năm 2015, xuất hiện phong trào Save Sơn Trà và trang
tương tự lôi kéo nhiều người tham gia, kèm theo phong trào thu thập chữ ký, đòi
hủy dự án. Tuy nhiên, sau khi Phó thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam về thị sát và
được xem xét kỹ lưỡng, Sơn Trà vẫn được bảo tồn gắn với các dự án thiết thực
được đầu tư. Song những trang mạng vẫn tiếp tục xuyên tạc, lôi kéo thêm nhiều
nhân vật cơ hội chính trị.
Từ đầu năm 2019, trang Save Tam Đảo ra đời với cách thức
hoạt động giống như những trang nêu trên và có nhiều hoạt động phức tạp gần
đây.
Theo cơ quan chức năng, đứng sau các trào lưu SAVE này đều
có bàn tay của những cái gọi là tổ chức xã hội dân sự đã từng góp phần phá rối
an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội mà nổi bật là các tổ chức Green Trees
và Voice. Năm 2017, Báo Nhân Dân từng có bài viết vạch trần
Voice thực chất là một trong những tổ chức phản động dưới danh nghĩa NGO
để che đậy hành vi chống phá Đảng, Nhà nước .
Còn Green Trees xưng là tổ chức xã hội dân sự hoạt động bảo
vệ môi trường nhưng từng núp bóng gây ra các vụ tụ tập, tuần hành, gây rối kéo
dài nhân việc cải tạo thay thế cây xanh ở Hà Nội năm 2015. Sau đó, nhóm
này mở rộng sang vấn đề môi trường, lợi dụng vụ việc Formosa để kích động biểu
tình. Gần đây, nhóm đã biến tướng chuyên hoạt động chính trị, chuyên đứng sau
các cuộc biểu tình. Nhóm này mượn nhiều danh nghĩa như “một tổ chức bảo vệ môi
trường”, “một nhóm sinh viên thiện nguyện”, “một nhóm trí thức trẻ”, “các nghệ
sĩ đường phố”… để dễ lôi kéo giới trẻ và xã hội. Hoạt động của nhóm này thường
xuyên có vai trò tham gia của các đối tượng như Nguyễn Anh Tuấn, Phạm Đoan
Trang, Trịnh Hữu Long, Trịnh Hội… là những cốt cán của tổ chức Voice; Cao Vĩnh
Thịnh, Nguyễn Anh Tuấn của tổ chức Green Trees…
Cơ quan chức năng cho biết, có nhiều dấu hiệu cho
thấy, trang Save Tam Đảo do tổ chức Green Trees và Voice hậu
thuẫn. Trả lời phỏng vấn của các đài báo nước ngoài gần đây, các đối tượng
Nguyễn Anh Tuấn, Cao Vĩnh Thịnh công khai cho biết đã tham gia những hoạt động
này.
Cơ quan công an cũng đã nhiều lần triệu tập đối tượng Cao
Vĩnh Thịnh tại Hà Nội vì liên quan tới các hoạt động lợi dụng vấn đề môi trường
để chống phá. Thịnh là một trong những thành viên cốt cán của nhóm Save Tam Đảo.
Cơ quan chức năng cho biết, ngoài Cao Vĩnh Thịnh, Nguyễn Anh Tuấn, Tạ Mạnh
Hưng, đều là những nhân vật tham gia tổ chức Green Trees chuyên lôi kéo gây
rối, biểu tình. Tạ Mạnh Hưng cũng chính là nhân vật trong vụ việc nhóm phượt bị
đánh, bị cướp trong vườn Quốc gia Tam Đảo mà trang Save Tam Đảo loan tin vào
đầu tháng 4-2019. Song qua xác minh, đến nay chưa có căn cứ chứng minh đây là
vụ cướp, nhiều ý kiến cho rằng đây chỉ là việc dựng chuyện để “câu like” sau
khi trang mạng này không thu hút được sự chú ý nhiều của dư luận. Thông tin ban
đầu Tạ Mạnh Hưng chỉ là người đi phượt yêu môi trường, nhưng chính cộng đồng
mạng đã chỉ rõ Hưng là đối tượng tham gia nhiều cuộc biểu tình, tụ tập do Green
Trees tổ chức trước đây, Hưng từng được Voice đưa đi nước ngoài đào tạo và là
đối tượng nhiều lần được công an triệu tập. Vụ “cướp” mà Hưng trình báo xảy ra
không phải khi đi phượt mà là chuyến đi theo chương trình “Thử thách tháng tư”
do chính nhóm Save Tam Đảo kêu gọi.
Để lôi kéo người dân, nhóm Save Tam Đảo từng tổ chức phát
động phong trào chụp ảnh phá rừng tung lên mạng, sau đó trao giải. Họ còn thuê
người dân địa phương dẫn các đối tượng đi rừng chụp ảnh và trả tiền giá cao để
lôi kéo. Vừa qua, đã xuất hiện chiến dịch chạy quảng cáo trên các
trang Facebook để chia sẻ các bài viết xuyên tạc. Chi phí cho chiến
dịch này phải mất một nguồn tài chính rất lớn. Nếu chỉ là những bạn trẻ yêu môi
trường một cách tự nhiên, khó có thể bỏ một khoản tiền lớn chi cho quảng cáo
như vậy.
Chỉ qua một số thông tin như trên cũng đủ thấy, Save Tam Đảo
không phải là nhóm yêu môi trường mà có bàn tay đen lợi dụng vấn đề môi trường
để kích động, gây mất an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Thực chất Save
Tam Đảo và trang, nhóm tương tự là các dự án được đầu tư để chống phá Đảng, Nhà
nước.
Ngăn chặn, làm rõ và xử lý nghiêm minh
Vậy mà thật đáng tiếc, thời gian vừa qua vẫn có không ít
người ngộ nhận, tin theo, tham gia hoặc chia sẻ các nội dung, phong trào mà
nhóm Save Tam Đảo phát động. Thậm chí, có cả bài viết trên báo chí còn trích dẫn,
đăng tải những thông tin chưa được kiểm chứng do nhóm này tán phát
trên mạng xã hội, gây nhiễu loạn thông tin, hoang mang dư luận.
Liên quan đến sự việc, được biết vừa qua, cơ quan chức năng
các tỉnh Vĩnh Phúc, Đà Nẵng cũng đã có văn bản gửi tới các bộ, ban, ngành liên
quan, đề nghị tiếp tục xác minh, làm rõ và xử lý nghiêm minh các trang, nhóm
núp bóng bảo vệ môi trường để phá hoại an ninh chính trị, kinh tế ở các địa
phương. Như ở tỉnh Vĩnh Phúc, theo cung cấp của địa phương này, đến
nay trong số những người ký đơn tập thể phản đối dự án chưa phát hiện có
người Vĩnh Phúc mà những người kêu gọi bảo vệ môi trường, phản đối các dự án
chủ yếu trên mạng xã hội và là người các địa phương khác, phần lớn là những
người tham gia các tổ chức nhân danh bảo vệ môi trường để kích động. Họ có thực
tâm bảo vệ môi trường hay chỉ muốn kích động phá hoại, chọc gậy vào bánh xe
phát triển?
Lựa chọn phát triển bền vững, chú trọng phát triển kinh tế
xanh là chủ trương nhất quán của Đảng, Nhà nước ta. Nghị quyết Đại hội XII
của Đảng xác định: “Phát triển hài hòa giữa chiều rộng và chiều sâu, chú
trọng phát triển chiều sâu; phát triển kinh tế tri thức, kinh tế
xanh. Phát triển kinh tế phải gắn kết chặt chẽ với phát triển văn hóa, xã
hội, bảo vệ môi trường, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu”.
Trong thông điệp gửi tới Kỳ họp thường niên của Đại hội đồng
Liên hợp quốc lần thứ 74, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định: “Việt Nam kiên
quyết không đánh đổi môi trường để phát triển kinh tế, làm ảnh hưởng tới phát
triển bền vững, luôn đặt ứng phó với biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên, bảo
vệ môi trường ở vị trí quan trọng trong nghị quyết và định hướng phát triển”.
Những năm qua, chúng ta đã có nhiều nỗ lực tăng cường quản
lý nhà nước, khắc phục những bất cập về bảo vệ môi trường khi triển khai các dự
án lớn. Công tác đánh giá tác động môi trường, việc áp dụng các quy chuẩn quốc
tế trong đánh giá tác động môi trường đã thực hiện ngày một tốt hơn, chặt chẽ
hơn. Đối với các dự án du lịch sinh thái đã và đang được triển khai, những bất
cập về giải quyết bài toán môi trường phải được khắc phục nhanh chóng, kịp
thời. Những vi phạm nếu có phải được xử lý nghiêm túc theo đúng các quy định
của pháp luật.
Nhưng cùng với đó, phải luôn cảnh giác với những âm mưu, thủ
đoạn lợi dụng, núp bóng danh nghĩa bảo vệ môi trường để xuyên tạc, phá hoại,
cản trở, phá hoại các dự án đầu tư lớn làm "thay da đổi thịt" đất
nước, phá hoại các tập đoàn kinh tế lớn, lợi dụng truyền thông và vấn đề môi
trường để đấu đá vì lợi ích nhóm, cạnh tranh không lành mạnh; lợi dụng xuyên
tạc để làm suy giảm niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước.
Hiện tượng lợi dụng các trang mạng xã hội, lập các hội nhóm
trái pháp luật để bịa đặt, tán phát thông tin xấu, thông tin sai sự
thật, kích động phá hoại như ở trang, nhóm Save Tam Đảo hay nhóm Save Sơn Trà ở
Đà Nẵng cần sớm được các cơ quan chức năng vào cuộc. Các thế lực xấu không chỉ
nhằm mục tiêu phá hoại an ninh kinh tế mà còn hướng tới lôi kéo, tập dượt các
hình thức chống phá theo mô hình “cách mạng cây” tới “cách mạng màu”, từ biểu
tình trên mạng tới tụ tập, biểu tình ngoài thực địa, từ chuyện môi trường tới
chuyện chính trị để làm suy giảm niềm tin của nhân dân với Đảng, Nhà nước.
Vì vậy, các cơ quan chức năng cần sớm điều tra, làm rõ, tìm
ra các đối tượng cầm đầu, đứng sau những trang, nhóm núp bóng bảo vệ môi trường
để phá hoại và xử lý nghiêm minh. Với những trang fanpage lợi dụng vấn đề môi
trường để xuyên tạc, chống phá Đảng, Nhà nước, sau khi có kiến nghị của các tổ
chức, cá nhân bị xâm hại, cơ quan chức năng cần sớm phối hợp với các mạng xã
hội Facebook, Youtube… sớm xử lý, gỡ bỏ thông tin xấu độc, không để tạo
tiền lệ, mọc ra nhiều trang, nhóm tương tự kéo dài ở nhiều địa phương như thời
gian qua.
Để ngăn chặn, đẩy lùi các hoạt động chống phá thì các cơ quan chức năng cần sớm điều tra, làm rõ và tìm ra các đối tượng cầm đầu, đứng sau những trang phản động, núp bóng bảo vệ môi trường để phá hoại và xử lý thật nghiêm minh.
Trả lờiXóa