Social Icons

Pages

Thứ Ba, 15 tháng 10, 2019

QUAN ĐIỂM CỦA HỒ CHÍ MINH VỀ BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG SINH THÁI


Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cống hiến cả cuộc đời cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, giải phóng con người. Mỗi lời nói, hành động của Người đều hướng tới lợi ích thiết thực của con người, hướng tới sự hài hòa giữa con người, xã hội với thiên nhiên, trong đó việc bảo vệ môi trường sinh thái cũng không nằm ngoài mục đích đó. Quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về vấn đề bảo vệ môi trường sinh thái được thể hiện rõ thông qua đời sống sinh hoạt của Người, những bài viết, bài nói, những phong trào, những lời khuyên răn đối với nhân dân, cán bộ. Đến cuối đời, trong những lời dặn dò trong Di chúc, Bác cũng không quên đề cập đến vấn đề bảo vệ môi trường sinh thái.
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh thường xuyên quan tâm đến vấn đề trồng cây và bảo vệ môi trường sinh thái. Năm 1947, khi nước nhà mới giành độc lập, trong tác phẩm “Đời sống mới” (bút danh Tân Sinh), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu hai phương diện của môi trường là môi trường tự nhiên và môi trường xã hội. Về môi trường tự nhiên, Người viết: “về vệ sinh, đường xá phải sạch sẽ. Ao tắm giặt, giếng nước uống phải phân biệt và chăm sóc cẩn thận. Những ao hồ không cần thì lấp đi, cho đỡ muỗi. Phải có cầu xia chung, hoặc cầu xia riêng từng nhà. Đã khỏi hôi thối, ruồi nhặng, lại có phân tốt”(1).

Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn coi vấn đề giữ gìn vệ sinh môi trường là một trong những công việc quan trọng nhất trong sự nghiệp chăm sóc sức khỏe nhân dân. Người đã đưa “vệ sinh phòng bệnh” vào nội dung của phong trào thi đua yêu nước, Người khởi xướng phong trào “Vệ sinh yêu nước” và được nhân dân nhiệt tình hưởng ứng tạo thành một phong trào thi đua sôi nổi, rộng khắp. Những phong trào vệ sinh phát triển mạnh mẽ khi đó như vệ sinh phòng bệnh, diệt muỗi, đào giếng khơi, xây dựng nhà vệ sinh...
Những lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh về vệ sinh môi trường thật dung dị, dễ hiểu. Thí dụ, khi kêu gọi toàn dân tham gia diệt ruồi muỗi, Người nói: “Ruồi muỗi là bạn đồng minh của giai cấp bóc lột. Nó gây ra nhiều bệnh tật, làm cho nhân dân ta ốm đau. Người ốm đau thì sức lao động bị giảm sút, công cuộc phát triển kinh tế và văn hóa bị hạn chế. Vì vậy, chúng ta phải ra sức tiêu diệt những kẻ địch độc ác là ruồi, muỗi, để tiêu diệt bệnh tật, bảo vệ sức khỏe của nhân dân”(2). Người chỉ ra mối quan hệ hữu cơ giữa lao động, vệ sinh và sức khỏe: “Làm cho đồng bào hiểu rằng muốn lao động sản xuất tốt thì phải giữ gìn sức khỏe. Muốn giữ gìn sức khỏe thì phải ăn sạch, uống sạch, mặc sạch, ở sạch”(3) và Người nêu ra nguyên nhân của một số bệnh thường gặp là do ăn ở thiếu vệ sinh: “Ở đây đồng bào còn nhiều người sốt rét, các cháu bé thường thường đau mắt hột, bụng to. Vì sao? Vì không biết giữ vệ sinh. Đồng bào có muốn có sức khỏe để sản xuất không? Có muốn con cháu mình không đau mắt hột? Không bụng to thế này không? Muốn thế phải giữ gìn vệ sinh, ăn uống sạch sẽ, nhà cửa sạch sẽ, vườn cũng sạch sẽ...”. Chủ tịch Hồ Chí Minh rất chú ý tới việc nâng cao nhận thức về môi trường cho mọi người: “Phải tuyên truyền một cách thiết thực và rộng khắp trong nhân dân... làm cho đồng bào hiểu rõ: phải giữ gìn vệ sinh, ăn sạch, uống sạch, mặc sạch, ở sạch thì mới khoẻ; sức càng khoẻ thì lao động sản xuất càng tốc”(4). Người cũng đặc biệt chú ý giáo dục vệ sinh cho lứa tuổi thiếu niên nhi đồng. Một trong 5 điều Bác Hồ dạy thiếu niên nhi đồng là “giữ gìn vệ sinh thật tốt” (Thư gửi Thiếu niên nhi đồng năm 1961 và bổ sung nội dung vào năm 1965).
Đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh, muốn cải thiện môi trường sinh thái thì phải trồng cây, “vì lợi ích mười năm phải trồng cây”. Người quan niệm rằng, trồng cây không chỉ là công việc nông lâm đơn thuần, mà lấy việc trồng, bảo vệ cây xanh là đòn bẩy cho hoạt động bảo vệ môi trường, giáo dục đạo đức lao động, đặc biệt là nâng cao ý thức trách nhiệm của nhân dân trong việc bảo vệ môi trường sinh thái. Vì vậy, ngay từ những ngày đầu tại căn cứ địa Việt Bắc, trên những chặng đường kháng chiến gian khổ, nơi ở của Chủ tịch Hồ Chí Minh thường giản dị với tranh, tre, lá, nứa, cây rừng... và có thêm một mảnh đất để tăng gia trồng rau. Trong hoàn cảnh khắc nghiệt của cuộc chiến, Người vẫn chủ trương bảo vệ rừng và dựa vào địa hình thiên nhiên để xây dựng căn cứ bí mật, phục vụ cho công cuộc trường kỳ kháng chiến. Ông Hoàng Hữu Kháng, người bảo vệ Bác từ năm 1941-1951 kể, những năm ở chiến khu, khi tìm chỗ làm nhà cho Bác, Bác luôn căn dặn cán bộ phải chọn những nơi ở bảo đảm các tiêu chí: “trên có núi, dưới có sông, có đất ta trồng, có bãi ta vui”(5). Đến địa điểm mới, Người cùng cán bộ bắt tay ngay vào việc cuốc đất, trồng cây vừa để cải thiện đời sống, vừa để hòa nhập vào thiên nhiên.
Sau ngày kháng chiến thành công, trở về Hà Nội, Bác chuyển đến sống và làm việc trong một ngôi nhà sàn giản dị nằm giữa vườn cây xanh, bên ao cá trong Khu Phủ Chủ tịch. Ông Đinh Đăng Định, người chụp ảnh cho Bác kể: những năm ở gần Bác, ông thấy Bác thương cả cây cỏ, chim muông. Bác cấm anh em tuyệt đối không ai được bắn chim. Bác bảo: “Để chúng hót cho vui! Chim cu hót hay lắm”(6). Nhà thơ Cuba Félix Pita Rodríguez sau khi đến thăm nhà sàn Bác Hồ tại Phủ Chủ tịch đã nhận xét: “Chúng tôi được biết có hai điều Bác Hồ yêu thích, đó là hoa và tiếng chim ca. Hoa và chim luôn luôn ở bên Người. Ngôi nhà nhỏ của Bác nhìn ra phía nào cũng có một ô cửa sổ, một bức tranh bằng ánh sáng, trong đó hiện ra những cành cây, và khi gió nhẹ thổi qua, bức tranh như có sức sống”(7). Hai vị khách Thụy Điển sau khi đến thăm nơi ở và làm việc của Người tại Phủ Chủ tịch đã nói: “Trước đây, chúng tôi không thể tưởng tượng rằng Hồ Chí Minh tự tay cho cá ăn, trồng cây, đánh máy chữ... Được tận mắt nhìn thấy những gì trong khu di tích này, chúng tôi rất khâm phục một con người lỗi lạc như ông”(8). Giữa trăm công nghìn việc bận rộn khi hai miền Nam - Bắc còn bị chia cắt, Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn sống bình dị và hòa mình với thiên nhiên như để tìm cái ung dung tự tại, sự bình tĩnh, thanh thản mà sẵn sàng ứng phó với mọi biến cố phức tạp.
Bên cạnh đó mỗi lần đi thăm các địa phương, Chủ tịch Hồ Chí Minh đều lưu ý đến vấn đề trồng cây không chỉ để bảo vệ môi trường sinh thái mà còn để nâng cao đời sống cho bà con. Năm 1957, Bác Hồ về thăm Quảng Bình, Tỉnh ủy đã tổ chức buổi liên hoan văn nghệ chào mừng Bác tại bãi cát trống ven biển. Cuối buổi văn nghệ, Bác đứng dậy, nói với mọi người: “Để kỷ niệm tối vui của bác cháu ta, Bác đề nghị mỗi cháu ở đây phải trồng một cây phi lao để chắn gió”. Mọi người đồng ý và xin Bác được trồng 2 cây. Bác đồng ý và căn dặn: “Nhưng phải đảm bảo trồng cây nào cũng phải sống và xanh tốt. Các cháu nhớ báo cáo tình hình cho Bác biết”(9). Khi đến thăm Trường Trung cấp Thể dục thể thao Từ Sơn, Người căn dặn: “Nên cố gắng trồng nhiều cây có bóng mát để học sinh có nơi trú nắng”(10). Đặc biệt, từ năm 1959 đến đầu năm 1969, Bác Hồ đã viết 7 bài viết kêu gọi trồng cây, qua đó cho thấy Người quan tâm đến việc trồng cây, gây rừng đến mức nào. Trong mỗi bài, Chủ tịch Hồ Chí Minh đều đưa ra những dẫn chứng, lợi ích của việc trồng cây: vừa có tính kinh tế, an ninh, quốc phòng, vừa mang tầm chiến lược lâu dài. Như trong bài Tết trồng cây đăng trên Báo Nhân Dân số 2082 ngày 28-11-1959, Người nêu rõ: “Việc này tốn kém ít mà lợi ích rất nhiều... Nước ta phong cảnh sẽ ngày càng t­ươi đẹp, khí hậu điều hòa hơn, cây gỗ đầy đủ hơn. Điều đó sẽ góp phần quan trọng vào việc cải thiện đời sống của nhân dân ta...”(11). Ngày 9-5-1961, nói chuyện với nhân dân đảo Cô Tô, Hải Ninh (nay là Quảng Ninh), Người căn dặn: “Cần trồng nhiều cây ăn quả, cây lấy gỗ, cây ngăn gió. Trồng cây sẽ đưa lại cho nhân dân ta một nguồn lợi to, lại làm cho xứ sở ta thêm đẹp”(12). Ngày 1-1-1965, trong bài Hãy nhiệt liệt tổ chức tết trồng cây đăng trên Báo Hà Đông, Người chỉ rõ: “muốn xây dựng nông thôn mới... là xây dựng lại nhà ở cho đàng hoàng. Muốn vậy thì ngay từ bây giờ phải trồng cây nhiều tốt để lấy gỗ và để chống gió cát, bảo vệ ruộng, chống sói mòn...”(13).
Không chỉ kêu gọi mọi người tích cực trồng cây, gây rừng mà Bác Hồ yêu cầu phải có ý thức trách nhiệm bảo vệ cây để bảo vê môi trường. Quanh bờ dậu trước nhà sàn, Bác thường cho anh em trồng cây dâm bụt. Bác thích loại cây đó, vì nó gần gũi, thường gặp ở vùng quê. Một lần, ông Đinh Đăng Định chụp ảnh cho Bác, nhưng có một cành cây nhỏ làm vướng máy, ông vít cành định bẻ đôi thì Bác ngăn lại và nói: “Ấy chú đừng bẻ! tuy nó không cho quả ăn, những cũng cho bóng mát”(14). Một lần khác, thấy các đồng chí cảnh vệ chặt cây để làm hầm, Bác bảo: “Cây rừng là của ta, ta phải giữ gìn để bảo vệ môi trường”(15). Lần khác, Bác cùng anh em đi công tác ở Sơn Tây, khi ngồi nghỉ, chợt có đồng chí vứt mẩu tàn thuốc lá ra sườn đồi, Bác quay lại nhắc ngay: “Kìa, dập đi chú, tàn lửa có thể làm cho cả đồi cỏ bị cháy đấy! Nếu ta không biết giữ thì một đốm lửa có thể làm cháy cả một khu rừng”(16). Tại Hội nghị Tuyên giáo miền núi năm 1963, Bác ân cần nhắc nhở: “Các cô, các chú cần hết sức chú ý vấn đề bảo vệ rừng. Nếu cứ để tình trạng đồng bào phá một ít, nông trường phá một ít, công trường phá một ít, thậm chí đoàn thăm dò địa chất cũng phá một ít, thì rất tai hại. Phá rừng thì dễ, nhưng gây dựng lại rừng phải mất hàng chục năm. Phá rừng nhiều như vậy sẽ ảnh hưởng đến khí hậu, ảnh hưởng đến sản xuất, đời sống rất nhiều”(17). Trong thư gửi Đại hội Hợp tác xã và đội sản xuất tiên tiến miền núi và trung du, Bác nhắc nhở: “Hợp tác xã nào cũng phải có kế hoạch trồng rừng và tích cực bảo vệ rừng. Nếu rừng kiệt thì không còn gỗ và mất nguồn nước thì ruộng nương mất màu, gây ra lụt lội và hạn hán. Vì vậy, đồng bào miền núi và trung du cũng như đồng bào miền xuôi lên tham gia, phát triển kinh tế ở đây phải bảo vệ rừng như bảo vệ nhà cửa của mình”(18).
Người xót xa trước cảnh rừng bị tàn phá, khai thác bừa bãi và cho rằng, “những cây gỗ to bị chặt để đốt hay để cho mục nát thì không khác gì đồng bào tự mình đem tiền bạc bỏ xuống sông”. Người cảnh báo nhân dân ta về sự nguy hại của việc chặt phá, khai thác rừng bừa bãi, dẫn đến sự phá vỡ cân bằng môi trường sinh thái, ảnh hưởng đến khí hậu, đời sống sản xuất. Năm 1968, đồng chí Đại tá Đàm Quang Trung, Tư lệnh Trưởng Quân khu IV, đóng tại xã miền núi tỉnh Quảng Bình có bắn được một con hổ dữ chuyên vào vồ lợn của bà con. Sau khi thịt xong, Ban quân y tiền phương đem bộ xương nấu cao và cử người mang ra biếu Bác vài ba lạng. Hôm sau, đồng chí Đàm Quang Trung được ra Hà Nội dự họp Tổng kết chiến dịch Mậu Thân năm 1968. Sau khi họp xong, Bác đã cho mời đồng chí Đàm Quang Trung vào Phủ Chủ tịch ăn cơm với Bác cùng Đại tướng Võ Nguyên Giáp và nói: “Chiến tranh, bộ đội thường phải trú quân trong rừng nên phải hướng dẫn cho anh em tận dụng hang động, hạn chế tối đa việc chặt cây, phá rừng. Chặt cây động rừng, muông thú không có nơi ở phải bỏ đi lang thang. Bộ đội ở rừng gặp thú rừng là đương nhiên. Trong tay lại có súng, có đạn nên việc sát hại thú rừng là dễ xảy ra lắm. Chú về chỉ thị, nhắc nhở toàn quân không được săn bắn thú rừng... Ta lại còn săn bắn nữa thì nay mai đất nước hòa bình, giang sơn đâu còn là rừng, rừng đâu còn muông thú? Thế chẳng khác gì đất không có người, sông không có cá”(19).
Hưởng ứng lời kêu gọi trồng cây, bảo vệ cây, góp phần bảo vệ môi trường của Bác Hồ, các tầng lớp nhân dân đã tham gia tích cực và tạo thành một phong trào sâu rộng. Sau 5 năm (1960-1965), toàn miền Bắc đã trồng được hơn 575 triệu cây các loại, trong đó có hơn 200 triệu cây trồng ven biển bảo vệ đê. Đồng thời, xuất hiện nhiều cá nhân, tập thể điển hình về phong trào trồng cây như: hợp tác xã Lạc Trung, Ngọc Long, Vĩnh Quang; các tỉnh Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Thái Bình, Thanh Hóa, Nghệ An... phong trào dần dần lan tỏa rộng khắp và mang lại nhiều ý nghĩa thiết thực cho cuộc sống của con người... Để kịp thời động viên, khuyến khích những cá nhân, tập thể có thành tích trong phong trào trồng cây, khi đọc báo Trung ương và địa phương, thấy có những tin bài viết về những gương người tốt, việc tốt, về trồng cây, Bác đánh dấu lại và thưởng huy hiệu của Người cho những cá nhân có thành tích trồng cây xuất sắc.
Trong Di chúc để lại trước khi đi xa, một trong những nội dung quan trọng được Bác căn dặn lại cho toàn Đảng, toàn dân ta đó là vấn đề môi trường sinh thái, Người viết: “Tôi yêu cầu thi hài tôi được đốt đi, nói chữ là “hỏa táng”. Tôi mong rằng cách “hỏa táng” dần dần sẽ được phổ biến. Vì như thế đối với người sống đã tốt về mặt vệ sinh lại không tốn đất “...Phát triển công tác vệ sinh” (Di chúc năm 1968). Bao giờ ta có nhiều điện, thì “điện táng” càng tốt hơn”. “Nên có kế hoạch trồng cây trên và chung quanh đồi. Ai đến thăm thì trồng một vài cây làm kỷ niệm. Lâu ngày, cây nhiều thành rừng sẽ tốt cho phong cảnh và lợi cho nông nghiệp... ” (Di chúc năm 1965).
Quan điểm trồng cây và bảo vệ môi trường sinh thái của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã để lại cho chúng ta bài học quý báu, đặc biệt trong bối cảnh hiện nay khi nhân loại đang phải đối diện với rất nhiều vấn đề bức xúc về môi trường. Nhằm thực hiện di huấn của Chủ tịch Hồ Chí Minh về vấn đề bảo vệ môi trường sinh thái, Đảng ta nêu rõ: “Nâng cao nhận thức và ý thức trách nhiệm của toàn xã hội, trước hết là của cán bộ lãnh đạo các cấp về bảo vệ môi trường. Khẩn trương hoàn thiện hệ thống pháp luật về bảo vệ môi trường; xây dựng chế tài đủ mạnh để ngăn ngừa, xử lý nghiêm các hành vi gây ô nhiễm môi trường. Ngăn chặn có hiệu quả nạn phá rừng, cháy rừng và tình trạng khai thác tài nguyên bừa bãi; xử lý nghiêm các cơ sở gây ô nhiễm, khắc phục ô nhiễm và cải thiện môi trường”. Đồng thời, “đưa nội dung bảo vệ môi trường vào chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển ngành, lĩnh vực, vùng và các chương trình, dự án đầu tư. Các dự án, công trình đầu tư xây dựng mới bắt buộc phải thực hiện nghiêm các quy định bảo vệ môi trường. Quản lý, khai thác hiệu quả, tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên, bảo đảm cân bằng sinh thái. Chú trọng phát triển kinh tế xanh, thân thiện với môi trường; từng bước phát triển năng lượng sạch, sản xuất sạch, tiêu dùng sạch. Chủ động nghiên cứu, đánh giá, dự báo tác động của biến đổi khí hậu đối với nước ta; thực hiện có hiệu quả chương trình mục tiêu quốc gia về ứng phó với biến đổi khí hậu; tích cực tham gia, phối hợp cùng cộng đồng quốc tế hạn chế tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu, bảo vệ hệ thống khí hậu trái đất...”(20).
Để hiện thực hóa chủ trương, đường lối của Đảng, hiện nay chúng ta đã thành lập Ủy ban Bảo vệ môi trường; chủ động tham gia các hội nghị đối tác về chống biến đổi khí hậu tại Copenhaghen - Đan Mạch và các hội nghị quốc tế khác về bảo vệ môi trường. Đồng thời, hệ thống pháp luật về bảo vệ môi trường từng bước được hoàn thiện như: Luật Bảo vệ môi trường, Luật Bảo vệ và phát triển rừng, Luật Tài nguyên nước, Luật Đất đai, cùng nhiều văn bản dưới luật, góp phần thúc đẩy mạnh mẽ công tác bảo vệ môi trường. Các hình thức tuyên truyền về bảo vệ môi trường ngày càng phong phú, đa dạng, như ra bản tin, đưa vào quy ước, hương ước cộng đồng, tổ chức các cuộc thi tìm hiểu về môi trường, liên hoan phim về môi trường... Hoạt động nâng cao nhận thức về môi trường không chỉ dừng lại ở các sinh hoạt mang tính văn hóa - xã hội, mà còn là yếu tố quan trọng thúc đẩy tiến trình xã hội hóa công tác bảo vệ môi trường. Hằng năm mỗi dịp tết đến xuân về, Đảng, Nhà nước và nhân dân ta tiếp tục duy trì được truyền thống tốt đẹp mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khởi xướng.
Tuy nhiên hiện nay, nước ta cũng như các nước trên thế giới đang phải đối mặt với nhiều thách thức trong công tác bảo vệ môi trường, đó là nạn phá rừng đang xảy ra nghiêm trọng, độ che phủ rừng ngày càng giảm đi; tình trạng ô nhiễm môi trường ở các đô thị, các khu công nghiệp, các làng nghề thủ công ngày càng tăng; dân số tăng nhanh cũng gây ra áp lực đối với hệ sinh thái nói chung; việc nhập khẩu công nghệ lạc hậu, có nguy cơ biến nước ta thành bãi thải cho hàng hóa kém chất lượng, hàng hóa không thân thiện với môi trường từ các nước khác nhập vào. Nhiều khu công nghiệp với hàng trăm, hàng nghìn nhà máy đang xả chất thải sản xuất trực tiếp ra môi trường, gây ô nhiễm nguồn nước và đất đai. Nạn chặt, phá rừng, buôn bán gỗ lậu, khai thác tài nguyên, khoáng sản diễn ra ngày càng tinh vi trên khắp các cánh rừng gây ra nhiều hậu quả nặng nề như làm gia tăng nhiệt độ trái đất, kéo theo lũ lụt, sạt lở đất... Cùng với đó là việc loài người đang phải đối mặt với những thách thức nghiêm trọng của các dịch bệnh, khủng hoảng năng lượng... Điều đó đã ảnh hưởng tới sản xuất, đời sống và tăng trưởng kinh tế của các nước, mà không một quốc gia riêng lẻ nào có thể tự giải quyết được nếu không có sự hợp tác, phối hợp với nhau. Do đó, đòi hỏi mỗi người phải quán triệt một cách sâu sắc hơn ý nghĩa của việc bảo vệ, giữ gìn, nâng cao chất lượng của môi trường sinh thái.


1 nhận xét:

  1. Tấm gương đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn soi sáng cho mọi thế hệ người dân Việt Nam học tập và làm theo.

    Trả lờiXóa