Công tác cán bộ có vai trò đặc biệt quan trọng trong công
tác xây dựng Đảng và là “khâu then chốt” của “nhiệm vụ then chốt” vì “cán bộ là
gốc của công việc” và “công việc thành công hoặc thất bại đều do cán bộ tốt hay
kém”.
Việc tìm kiếm, lựa chọn được những cán bộ đủ năng lực, phẩm
chất, đáp ứng công việc được giao, hay nói cách khác là tìm đúng người trao
đúng việc, là khâu quan trọng trong công tác cán bộ của Đảng, đòi hỏi người làm
công tác cán bộ phải thật minh bạch, công tâm, khách quan. Thế nhưng đâu đó
trong chuỗi hoạt động quan trọng này đã nảy sinh những toan tính, vụ lợi, sử
dụng quyền được trao để đạt được mục đích cho riêng mình.
* Không rõ ràng, khó
xử lý
Việc lạm dụng quyền lực trong công tác cán bộ đang diễn ra
một cách tinh vi, phức tạp và không dễ nhận biết. Nghị quyết số 26-NQ/TW đã chỉ
ra khá đầy đủ, rõ ràng thực trạng này: “Việc sắp xếp, bố trí, phân công, bổ
nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử vẫn còn tình trạng đúng quy trình nhưng chưa
đúng người, đúng việc. Tình trạng bổ nhiệm cán bộ không đủ tiêu chuẩn, điều
kiện, trong đó có cả người nhà, người thân, họ hàng, “cánh hẩu” xảy ra ở một số
nơi, gây bức xúc trong dư luận. Công tác tuyển dụng, thi nâng ngạch công chức,
viên chức còn nhiều hạn chế, chất lượng chưa cao, chưa đồng đều, có nơi còn xảy
ra sai phạm, tiêu cực”.
Để xảy ra tình trạng lạm dụng quyền lực trong công tác cán
bộ do nhiều nguyên nhân, mà một trong số đó là do còn những thiếu sót, hạn chế
đối với việc kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ, do chưa có cơ chế kiểm
soát quyền lực một cách hữu hiệu. Đảng ta đã thẳng thắn thừa nhận: “Phân công,
phân cấp, phân quyền chưa gắn với ràng buộc trách nhiệm, với tăng cường kiểm
tra, giám sát và chưa có cơ chế đủ mạnh để kiểm soát chặt chẽ quyền lực. Chưa
có biện pháp hữu hiệu để kịp thời ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng chạy chức, chạy
quyền và những tiêu cực trong công tác cán bộ. Thiếu chặt chẽ, hiệu quả trong
phối hợp kiểm tra, thanh tra, giám sát và xử lý vi phạm”.
Công tác cán bộ của Đảng gồm nhiều nội dung và nhiều khâu,
từ nhận xét, đánh giá, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, luân chuyển, bổ nhiệm đến
khen thưởng, kỷ luật và thực hiện chính sách đối với cán bộ. Tất cả các khâu
của công tác cán bộ đều có quan hệ mật thiết, biện chứng với nhau. Đảng thống
nhất lãnh đạo công tác cán bộ và quản lý đội ngũ cán bộ theo nguyên tắc tập
trung dân chủ, nguyên tắc "tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách". Tuy
nhiên, nguyên tắc "tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách" chưa được xác
định một cách rõ ràng, rành mạch cơ chế trách nhiệm đã dẫn đến thực tế ở không
ít nơi khi xảy ra những câu chuyện trong công tác cán bộ, cần xác định căn
nguyên để xử lý thì có sự né tránh, đùn đẩy trách nhiệm cá nhân, khuyết điểm không
ai chịu trách nhiệm, tất cả đổ lỗi cho tập thể. Trong bố trí sử dụng cán bộ có
tình trạng độc đoán, chuyên quyền, lạm dụng quyền hạn, lợi dụng tập thể để hợp
thức hóa ý chí của một người hoặc một nhóm người, từ đó làm cho những quyết
định về cán bộ và công tác cán bộ thiếu công tâm, khách quan, bị sai lệch.
Chính vì vậy, việc lựa chọn, bố trí cán bộ không còn chính xác, không đáp ứng
được yêu cầu nhiệm vụ được giao.
Điểm lại hàng loạt kết luận thanh tra của Bộ Nội vụ từ đầu
năm 2019 đến nay, có một thực tế là tất cả các bộ, ngành, địa phương được thanh
tra đều phát hiện ra sai sót trong công tác tuyển dụng hoặc sử dụng, bổ nhiệm
cán bộ, công chức, quản lý viên chức và hợp đồng lao động. Kiểm tra tại Tổng
cục Thuế và 17 đơn vị thuộc, trực thuộc Tổng cục, Thanh tra Bộ Nội vụ công bố
còn 141 công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý chưa đáp ứng một hoặc một số
điều kiện, tiêu chuẩn đối với chức vụ hiện giữ... Mới đây nhất, qua kiểm tra
việc thực hiện các quy định về quản lý biên chế công chức; tuyển dụng, nâng ngạch
công chức; bổ nhiệm công chức lãnh đạo, quản lý; số lượng cấp phó từ đầu năm
2016 đến hết tháng 3/2019, thuộc thẩm quyền quản lý của UBND tỉnh Bắc Giang,
Thanh tra Bộ Nội vụ chỉ ra 417 hồ sơ bổ nhiệm, bổ nhiệm lại. Một số trường hợp
tại thời điểm bổ nhiệm chức vụ lãnh đạo, quản lý chưa đáp ứng đầy đủ điều kiện,
tiêu chuẩn; việc thực hiện quy trình bổ nhiệm lại còn chậm, chưa bảo đảm theo
đúng quy định.
* Rành mạch trong quy
trách nhiệm
Trước thực trạng xảy ra nhiều vi phạm trong công tác cán bộ,
trong nhiều văn bản, Đảng ta đã yêu cầu phải quy định chặt chẽ và thực hiện
nghiêm quy trình công tác cán bộ. Hội nghị Trung ương 4 (Khóa XII) chỉ rõ
"các cấp ủy, tổ chức đảng chỉ đạo rà soát, hoàn thiện và thực hiện nghiêm
cơ chế kiểm tra, giám sát, kiểm soát việc thực thi quyền lực của người có chức,
có quyền, theo hướng quyền hạn đến đâu trách nhiệm đến đó; phân định rõ thẩm
quyền và trách nhiệm tập thể, cá nhân trong từng công đoạn giải quyết công việc
và có chế tài xử lý nghiêm những hành vi vi phạm. Tại Hội nghị lần thứ 7 (khóa
XII), Ban Chấp hành Trung ương yêu cầu "Quy định chặt chẽ và thực hiện
nghiêm quy trình công tác cán bộ. Xác định rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân,
nhất là người đứng đầu trong công tác cán bộ".
Để hạn chế, đi đến chấm dứt tình trạng đùn đẩy trách nhiệm,
bên cạnh việc nêu cao trách nhiệm người đứng đầu, cần cụ thể hóa trách nhiệm
của từng cá nhân trong mỗi vụ việc, tránh để trách nhiệm cá nhân “lẩn” trong
trách nhiệm tập thể. Quy định số 205-QĐ/TW về việc kiểm soát quyền lực trong
công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền, đã cụ thể hóa, quy rõ trách
nhiệm trong thực hiện kiểm soát quyền lực nhà nước.
Cụ thể, đối với cấp ủy, tổ chức đảng, tập thể lãnh đạo địa
phương, cơ quan, đơn vị, Khoản 1 Điều 3 Quy định 205-QĐ/TW nêu rõ: "Lãnh
đạo, chỉ đạo thực hiện đầy đủ, nghiêm túc các nguyên tắc, quy định, quy chế,
quy trình về công tác cán bộ; thường xuyên tự kiểm tra, kịp thời chấn chỉnh
những sai sót và chịu trách nhiệm về những hạn chế, khuyết điểm trong công tác
cán bộ thuộc phạm vi, thẩm quyền, trách nhiệm được giao."
Đối với thành viên cấp ủy, tổ chức đảng, tập thể lãnh đạo
địa phương, cơ quan, đơn vị, điều 4, khoản 1 quy định: "Thực hiện đúng,
đầy đủ quyền hạn, trách nhiệm của mình trong công tác cán bộ. Phản ánh kịp
thời, đầy đủ, chính xác, trung thực đến cấp có thẩm quyền những nội dung có
liên quan đến nhân sự mà cá nhân được phân công theo dõi, quản lý. Thể hiện rõ
chính kiến và chịu trách nhiệm về ý kiến của mình, được bảo lưu ý kiến."
Điều 4, khoản 3 quy định: "Chịu trách nhiệm cá nhân trong việc đề xuất
nhân sự và trong việc nhận xét, đánh giá, xác nhận hồ sơ, lý lịch, các giấy tờ
có liên quan của nhân sự thuộc thẩm quyền phụ trách. Với tư cách là thành viên,
chịu trách nhiệm liên đới đối với từng quyết định không đúng về công tác cán bộ
của tập thể lãnh đạo, trừ trường hợp đã có ý kiến không đồng ý trong quá trình
thực hiện quy trình công tác cán bộ và báo cáo cấp có thẩm quyền bằng văn bản
(hoặc ý kiến đã được ghi nhận trong biên bản cuộc họp). Khoản 4 ghi rõ:
"Chịu trách nhiệm khi để xảy ra tiêu cực, sai phạm trong công tác cán bộ ở
địa phương, cơ quan, đơn vị, lĩnh vực thuộc thẩm quyền được giao quản lý, phụ
trách." Tại Điều 5 quy định đối với người đứng đầu cấp ủy, tổ chức đảng,
địa phương, cơ quan, đơn vị, khoản 3 quy định "Đề xuất rõ ràng, cụ thể về
yêu cầu, tiêu chuẩn, cơ cấu, điều kiện, quy trình giới thiệu, đánh giá nhân sự.
Kết luận đầy đủ, chính xác, trung thực, khách quan những nội dung thảo luận và
chịu trách nhiệm về kết luận của mình khi chủ trì hội nghị về công tác cán
bộ." Điều 6 quy định: Người đứng đầu các cơ quan, đơn vị được giao thực
hiện công tác cán bộ ở các cấp, chịu trách nhiệm trước cấp ủy, tổ chức đảng,
tập thể lãnh đạo đối với những đề xuất, nhận xét, đánh giá, thẩm định nhân sự,
hồ sơ nhân sự.
Cán bộ tham mưu, đề xuất phải chịu trách nhiệm về đề xuất
của mình và tính chính xác, kịp thời của hồ sơ nhân sự. Đặc biệt, Quy định đã
dành hẳn một điều để quy định rõ trách nhiệm của nhân sự, đó là báo cáo kịp
thời, đầy đủ, chính xác, rõ ràng hồ sơ lý lịch đảng viên, cán bộ, công chức,
viên chức và kê khai trung thực tài sản, thu nhập theo quy định; tự giác không
ứng cử, không nhận đề cử, quy hoạch, bổ nhiệm, phong, thăng cấp bậc hàm, khen
thưởng, chế độ, chính sách nếu bản thân thấy không đủ tiêu chuẩn, điều kiện,
phẩm chất, uy tín, năng lực, sức khỏe; nghiêm cấm việc trực tiếp hoặc thông qua
người khác, phương tiện truyền thông đại chúng, mạng xã hội để phát tán thông
tin không đúng sự thật, tố cáo sai sự thật nhằm đề cao bản thân, hạ thấp uy tín
người khác trong công tác cán bộ. Đồng thời, Điều 10 của Quy định 205-QĐ/TW
cũng chỉ rõ các hành vi chạy chức, chạy quyền cần nghiêm cấm.
Quy định 205-QĐ/TW đã xác định rất cụ thể trách nhiệm không
chỉ của người có thẩm quyền trong công tác tổ chức cán bộ mà cả nhân sự được đề
xuất. Đây là việc làm rất cần thiết, minh bạch quá trình thực hiện quy trình
cán bộ, phân định rõ ràng quyền đi cùng với ràng buộc trách nhiệm trong việc
giới thiệu đề xuất, thẩm định đối với tập thể và cá nhân. Quy định rõ như vậy
trước hết sẽ nâng cao tính trách nhiệm của cá nhân và tập thể đối với các đề
xuất, quyết định trong công tác cán bộ, đồng thời là căn cứ, cơ sở để xử lý nếu
để xảy ra vi phạm./.
Bài viết rất hay, xin cảm ơn
Trả lờiXóa