Social Icons

Pages

Thứ Ba, 8 tháng 10, 2019

VÌ MỘT BIỂN ĐÔNG BÌNH YÊN


Đến nay, hoạt động thăm dò của tàu Trung Quốc xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam đã hơn 3 tháng, không chỉ khiến dư luận nhân dân Việt Nam bức xúc mà khiến cộng đồng quốc tế phản đối mạnh mẽ. Người ta ngày càng ngạc nhiên vì một thái độ ứng xử của một “nước lớn” trong môi trường quốc tế hiện đại, càng thấy thiếu tin tưởng một Trung Quốc bội ước xấu chơi. Người ta càng cảnh giác với Trung Quốc hơn khi thông tin nước này triển khai giàn khoan nước sâu trên Biển Đông nhưng chưa xác định vị trí cụ thể, các cơ quan chức năng của Việt Nam và quốc tế đang theo dõi, xác minh.

1. Biển Đông chưa bình yên, bởi “ông bạn láng giêng” coi thường pháp luật, danh dự và uy tín trong cam kết quốc tế.
Diễn biến trên Biển Đông gần đây khiến cho nhiều học giả quốc tế chú ý phân tích vì sao Trung Quốc xâm phạm vùng biển của nước khác, nóng mới nhất là của Việt Nam. Các học giả đều lên án hoạt động phi pháp của Trung Quốc, phê phán yêu sách “đường lưỡi bò” phi lý của nước này, bình luận Trung Quốc đã đánh mất sự tôn trọng của cộng đồng quốc tế khi không tuân thủ chính những gì họ đã cam kết theo Công ước Liên hợp quốc về Luật biển (UNCLOS) 1982.
Phân tích lý do, GS. Ito Go (Đại học Meiji, Nhật Bản) có bài viết tiêu đề: Trung Quốc và chiêu bài “Giận cá chém thớt” (sakai-journal.co.jp), lên án việc Trung Quốc điều tàu nghiên cứu Hải dương xâm phạm chủ quyền của Việt Nam tại Biển Đông. Kể từ khi Tòa trọng tài quốc tế (PCA) ra phán quyết “đường chín đoạn” không có cơ sở thực tế, không có căn cứ pháp lý, nhưng Trung Quốc vẫn cố tình điều tàu khảo sát HD8 và đội tàu đi kèm tới khu vực bãi Tư Chính của Việt Nam, tiến hành các hoạt động thăm dò thực địa trái phép.
Trung tâm Nghiên cứu chiến lược của Mỹ với Sáng kiến minh bạch hàng hải Châu Á cũng thường xuyên giám sát hoạt động của các tàu lạ trên Biển Đông, và do vậy các hành vi này của Trung Quốc lập tức bị nhận diện và được thông tin trên toàn thế giới.
Trung Quốc đương nhiên nhận thức được vấn đề bị giám sát và sự phản đối của cộng đồng quốc tế. Nhưng thủ đoạn lấn chiếm Biển Đông của Trung Quốc là biến vùng không tranh chấp thành vùng tranh chấp, điều tàu thăm dò hoạt động trái phép, phớt lờ chủ quyền của nước khác đối với vùng đặc quyền kinh tế (EZZ). Thủ đoạn này được Trung Quốc sử dụng không chỉ trong phạm vi đối với Việt Nam mà còn cả Nhật Bản (cách đây hơn 20 năm) và các nước khác xung quanh Biển Đông.
Với hành động ngang ngược này, Trung Quốc nhằm đe dọa, ngăn cản hoạt động khai thác dầu khí bình thường ở khu vực này của Việt Nam và các đối tác nước ngoài. Bước đi này nằm trong chiến lược lâu dài của Trung Quốc hòng độc chiếm Biển Đông.
2. Cộng đồng quốc tế phản đối mạnh mẽ hành vi của Trung Quốc. Theo phán quyết của Tòa trọng tài quốc tế PCA (2016), khẳng định lập luận “đường chín đoạn” của Trung Quốc không có căn cứ pháp lý, nhưng Trung Quốc một mực không thừa nhận và không thực hiện phán quyết của Tòa trọng tài quốc tế, coi thường cả UNCLOS mà chính nước này đã ký kết. Theo đó, Trung Quốc đã cho thế giới thấy một hình ảnh “nước lớn” “coi trời bằng vung”, không có ý thức tuân thủ luật pháp quốc tế!?
Bộ Ngoại giao Mỹ nhấn mạnh “các hành động khiêu khích lặp đi lặp lại” và “gây bất ổn” của Trung Quốc nhắm vào các hoạt động khai thác dầu khí của Việt Nam phải bị chấm dứt. “Mỹ kiên quyết phản đối sự áp chế và đe dọa của bất kỳ bên nào nhằm khẳng định yêu sách lãnh thổ hoặc hàng hải. Trung Quốc cần chấm dứt hành vi áp chế và kiềm chế các hoạt động khiêu khích và gây bất ổn này”.
Vào tháng 8, Hội nghị ngoại trưởng Nhật – Mỹ – Australia cũng bày tỏ quan ngại sâu sắc đối với “những hoạt động gây cản trở liên quan đến các dự án dầu và khí ga có từ lâu đời” cũng như “các hành động tiêu cực ở Biển Đông bao gồm việc triển khai hệ thống vũ khí tiên tiến ở những thực thể đang tranh chấp ”.
Tại Hội nghị ngoại trưởng ASEAN diễn ra tại Thái Lan, các hành động đưa tàu khảo sát của Trung Quốc hoạt động trái phép ở Biển Đông tiếp tục được nhắc đến như một hành động đang làm tổn hại đến mối quan hệ tin tưởng lẫn nhau giữa các bên. EU, Ấn Độ và nhiều quốc gia, tổ chức quốc tế cũng lên tiếng quan ngại về căng thẳng leo thang ở Biển Đông, khuyến cáo tuân thủ UNCLOS 1982.
3. Việt Nam thể hiện thái độ rất kiên quyết khẳng định khu vực bãi Tư Chính (Trung Quốc gọi là bãi Vạn An) là khu vực hoàn toàn nằm trong vùng đặc quyền và thềm lục địa của Việt Nam được xác định từ những thực thể đất liền, phù hợp với Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982, hoàn toàn không phải là khu vực có tranh chấp hay chồng lấn. UNCLOS 1982 cũng như thực tiễn xét xử trong thời gian qua đã khẳng định rõ điều này. Việt Nam kiên quyết bảo vệ chủ quyền và lợi ích của mình phù hợp với luật phápquốc tế.
Về ngoại giao, Việt Nam đã có giao thiệp với Trung Quốc nhiều lần nhiều cấp độ, yêu cầu Trung Quốc chấm dứt ngay hoạt động và rút ngay nhóm tàu khỏi bãi Tư Chính, không để xảy ra vi phạm tương tự. Trong các cuộc họp báo, người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Việt Nam, bà Hằng đã bác bỏ tuyên bố “bãi Tư Chính là của Trung Quốc và yêu cầu Việt Nam dừng khai thác dầu khí” của người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng.
Việt Nam cũng phản đối mạnh mẽ việc Trung Quốc tuyên truyền bộ phim “Hải Nam, Hải Nam” sai sự thật về chủ quyền trên Biển Đông. “Như nhiều lần khẳng định, Việt Nam có đầy đủ cơ sở pháp lý và bằng chứng lịch sử khẳng định chủ quyền của mình đối với 2 quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa phù hợp với luật pháp quốc tế. Việc Trung Quốc giáo dục, tuyên truyền bằng những thông tin trái với sự thật lịch sử là có hại với quan hệ 2 nước”.
Khu vực nhà giàn DK1 trong đó có bãi Tư Chính thuộc vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý tính từ đường cơ sở của Việt Nam, nằm trong vùng thềm lục địa phía Nam của Việt Nam; trong khi bãi Tư Chính cách bờ biển Trung Quốc hơn 600 hải lý, nằm ngoài EEZ và thềm lục địa của nước này. Cho nên, dù có dựa trên căn cứ nào thì bãi Tư Chính cũng gần Việt Nam hơn.
Như vậy, Trung Quốc vừa vi phạm trên thực địa nhiều lần, vừa tuyên truyền sai sự thật về chủ quyền trên Biển Đông. Sự việc Trung Quốc vi phạm nghiêm trọng trên vùng biển thuộc quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam lần này cho thấy nếu không ngăn chặn, các hoạt động như vậy sẽ có xu hướng tiếp diễn, việc sử dụng vũ lực, xâm phạm lãnh thổ của nước khác sẽ ngày một nhiều hơn.
Nhiều chuyên gia quốc tế đã khuyến cáo Trung Quốc rút các tàu khảo sát ra khỏi vùng biển của các quốc gia láng giềng, bắt đầu từ Việt Nam, sau đó tiếp tục thúc đẩy các cơ chế đối thoại trên cơ sở luật pháp quốc tế. Nếu không chính Trung Quốc sẽ lãnh hậu quả khi trở thành một điển hình xấu chơi không được chấp nhận trong môi trường quốc tế hiện đại.
Việt Nam đang đấu tranh kiên quyết, mạnh mẽ trên mặt trận ngoại giao và bình tĩnh, khôn khéo trên thực địa. Bà con cộng đồng mạng cần thấy rõ căn cứ pháp lý và lẽ phải, chính nghĩa thuộc về Việt Nam, tránh ứng xử và hành vi kích động. Mà hãy cùng sáng suốt, chung tay tạo nên làn sóng dư luận quốc tế, kêu gọi các quốc gia, cộng đồng quốc tế lên tiếng mạnh mẽ và hành động phản đối Trung Quốc vi phạm UNCLOS và gây căng thẳng leo thang ở Biển Đông, vì bình yên và hòa bình ở Biển Đông nói riêng và thế giới nói chung…/.


1 nhận xét: