Social Icons

Pages

Thứ Ba, 5 tháng 11, 2019

BÀI HỌC TRỌNG DỤNG NHÂN TÀI CỦA CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH


Trọng dụng nhân tài là truyền thống quý báu của dân tộc ta, truyền thống đó đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh kế thừa, phát triển lên tầm cao mới, góp phần quan trọng vào sự nghiệp giải phóng dân tộc và xây dựng đất nước. Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn khẳng định: việc dùng người phải hợp lý, đúng năng lực và sở trường của họ, đúng người, đúng việc, chớ “dùng thợ mộc làm nghề thợ rèn” và phải để họ hiểu rõ mọi mặt các công việc mà họ phụ trách. Dùng người mà không đúng công việc sẽ không chạy, không được việc, làm thui chột nhân tài, có hại cho Đảng và cũng thể hiện sự yếu kém trong công tác cán bộ của Đảng. Người cho rằng "Tài to ta dùng làm việc to, tài nhỏ ta cắt làm việc nhỏ, ai có năng lực về việc gì, ta đặt ngay vào việc ấy. Biết dùng người như vậy, ta sẽ không lo gì thiếu cán bộ” .
Trong thời gian ở Pháp vào năm 1946, với sự hấp dẫn diệu kỳ và sức hút cảm hóa đặc biệt của mình, Bác Hồ đã thu hút được đông đảo kiều bào ta nói chung và trí thức Việt kiều nói riêng, tình nguyện xin được về nước phục vụ kháng chiến. Bài học về sử dụng nhân tài của Bác vẫn còn nguyên giá trị.
Khi Chủ tịch Hồ Chí Minh sang Pháp năm 1946, Võ Quý Huân - một kỹ sư người Việt Nam, người được coi là một chuyên gia hàng đầu trong ngành đúc luyện kim và công nghiệp Việt Nam, cha đẻ của lò cao Việt Nam trong thời kháng chiến - là một trong bốn trí thức được chủ tịch Hồ Chí Minh đưa về nước (cùng với Trần Hữu Tước, Trần Đại Nghĩa, Võ Đình Quỳnh). Trong bốn người trí thức đó, Võ Quí Huân khó khăn nhất vì ông đã có gia đình. Cuối cùng, ông đã quyết định ĐỂ lại gia đình nhỏ của mình ở Paris để trở về Tổ quốc. Với chính sách trọng dụng nhân tài của Người, trong lịch sử cách mạng Việt Nam, nhiều trí thức có tài, có đức như các cụ Nguyễn Văn Tố, Nguyễn Văn Huyên, Tạ Quang Bửu, Huỳnh Thúc Kháng…, mỗi người một hoàn cảnh, nhưng đều kính phục Bác Hồ, một lòng đi theo cách mạng, góp phần tích cực cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc.
Đặc biệt, theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, người cán bộ phải có cả tài và đức, quan trọng hơn là tài và đức ấy phải hướng đến những việc ích nước lợi dân: “Có tài mà không có đức ví như một anh là kinh tế tài chính giỏi nhưng lại đi đến thụt két thì chẳng những không làm được gì ích lợi cho xã hội, mà còn có hại cho xã hội nữa. Nếu có đức mà không có tài ví như ông Bụt không làm hại gì, nhưng cũng không có lợi gì cho loài người” (Bài nói chuyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Đại hội Sinh viên Việt Nam lần thứ II ngày 07/5/1958).
Trong thời kỳ phát triển và hội nhập kinh tế sâu rộng như hiện nay, quan điểm và nghệ thuật trọng dụng nhân tài của Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn luôn mang tính thời sự và là bài học kinh nghiệm quý báu cho công tác cán bộ của Đảng ta, đó là bài học về trọng nhân tài, biết dùng nhân tài và kiểm tra chặt chẽ để loại bỏ những người không đủ tài đức.

1 nhận xét:

  1. Tư tưởng, tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh mãi mãi toả sáng cho mọi thế hệ học tập và làm theo

    Trả lờiXóa