Cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20, phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc của cách mạng Việt Nam liên tục thất bại và bị kẻ thù đàn áp dã man.
Con đường cách mạng Việt Nam lâm vào bế tắc. Chính bối cảnh và sự đòi hỏi cấp thiết đó của lịch sử là động lực để các thế hệ yêu nước tìm đến với Chủ nghĩa Mác-Lênin và trở thành những người cộng sản. Một trong số những thanh niên yêu nước tiêu biểu đó là Hoàng Văn Thụ. Quá trình hoạt động cách mạng của đồng chí Hoàng Văn Thụ là quá trình đi từ chủ nghĩa yêu nước đến với Chủ nghĩa Mác-Lênin; từ một người yêu nước chân chính trở thành người cộng sản kiên trung, mẫu mực.
Đồng chí Hoàng Văn Thụ sinh ngày 4-11-1909 trong một gia đình có truyền thống yêu nước, lao động cần cù và hiếu học tại thôn Phạc Lạn, tổng Nhân Lý, châu Văn Uyên (nay là thôn Nhân Hòa, xã Hoàng Văn Thụ, huyện Văn Lãng, tỉnh Lạng Sơn). Là người thông minh, hiếu học, được kế thừa truyền thống yêu nước của gia đình, quê hương nên khi chứng kiến cảnh người dân bị áp bức lầm than dưới ách đô hộ của chế độ thực dân, phong kiến, Hoàng Văn Thụ sớm có lòng yêu nước, thương dân, nuôi ý chí đấu tranh cách mạng, giải phóng dân tộc. Ngay khi còn học tại Trường Tiểu học Pháp-Việt Lạng Sơn, Hoàng Văn Thụ đã rất say mê tìm hiểu tư tưởng “Tự do, bình đẳng, bác ái” của cách mạng tư sản Pháp và đọc những sách báo tiến bộ từ nước ngoài bí mật chuyển về nước, tiếp thu những thông tin mới, nhận biết tình hình thế giới...
Hoàng Văn Thụ nhiều lần tâm sự với người bạn mới kết giao là Lương Văn Tri (quê ở bản Hẻo, xã Trấn Ninh, huyện Văn Quan, Lạng Sơn), người đồng chí có cùng suy nghĩ phải làm gì để tìm đường giải phóng dân tộc, giải phóng quê hương. Hưởng ứng cuộc vận động cách mạng của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên, Hoàng Văn Thụ, Lương Văn Tri và một số học sinh ở Trường Tiểu học Pháp-Việt Lạng Sơn đã bí mật tiếp nhận, phân phát sách báo và tài liệu của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên, vận động tổ chức nhóm học sinh yêu nước tại trường, rồi tìm cách liên lạc với các cán bộ của hội. Hoàng Văn Thụ còn tham gia cuộc đấu tranh của thanh niên học sinh đòi thả nhà yêu nước Phan Bội Châu (năm 1925) và để tang nhà yêu nước Phan Chu Trinh (năm 1926), do Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên phát động, góp phần dấy lên phong trào đấu tranh yêu nước rộng khắp trong cả nước nói chung, tại Lạng Sơn nói riêng...
Tháng 1-1928, Hoàng Văn Thụ cùng Lương Văn Tri tìm đường vượt qua biên giới, bắt liên lạc với tổ chức Cách mạng Việt Nam ở Long Châu (Trung Quốc). Với bí danh là Lôi Minh Hạ, Hoàng Văn Thụ vừa làm công việc của một người thợ cơ khí, vừa thâm nhập tuyên truyền gây dựng các cơ sở quần chúng bí mật giúp đỡ cách mạng Việt Nam. Cuối năm 1928, Hoàng Văn Thụ được kết nạp vào tổ chức Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên; từ đó đã nhanh chóng tiếp thu Chủ nghĩa Mác-Lênin, quan điểm lập trường của giai cấp công nhân, giác ngộ lý tưởng cộng sản.
Như vậy, quá trình chuyển biến tư tưởng của Hoàng Văn Thụ từ chủ nghĩa yêu nước đến Chủ nghĩa Mác-Lênin đã trải qua những giai đoạn thâm nhập thực tiễn phong phú cả ở trong nước và nước ngoài. Cuối năm 1929, Hoàng Văn Thụ được kết nạp vào Đông Dương Cộng sản Đảng cùng với các đồng chí Hoàng Đình Giong, Lương Văn Tri, Hoàng Văn Nọn… Từ ngày 6-1 đến 7-2-1930, tại Hương Cảng (Hồng Kông), hội nghị hợp nhất các tổ chức cộng sản thành Đảng Cộng sản Việt Nam đã diễn ra và thành công tốt đẹp. Từ một thanh niên yêu nước, Hoàng Văn Thụ trở thành đảng viên cộng sản, nhà hoạt động cách mạng chuyên nghiệp, phấn đấu hết mình vì độc lập dân tộc và hạnh phúc của nhân dân.
Theo chủ trương chung, Chi bộ Đông Dương Cộng sản Đảng ở Long Châu chuyển thành chi bộ của Đảng Cộng sản Việt Nam. Chi bộ Long Châu được Đảng trực tiếp giao nhiệm vụ chỉ đạo việc tổ chức, gây dựng và phát triển phong trào cách mạng ở Cao Bằng, Lạng Sơn; trong đó, đồng chí Hoàng Văn Thụ được phân công tiếp tục chỉ đạo phát triển, mở rộng phong trào quần chúng cách mạng ở Lạng Sơn. Thực hiện nhiệm vụ này, đồng chí Hoàng Văn Thụ nhiều lần bí mật về nước hoạt động. Từ cuối năm 1932 đến đầu năm 1933, nhờ sự hoạt động tích cực của mình, đồng chí trực tiếp chỉ đạo các tổ chức quần chúng trung kiên tổ chức in tài liệu, rải truyền đơn giác ngộ quần chúng yêu nước trong các dịp kỷ niệm cao trào Xô Viết-Nghệ Tĩnh, nhờ vậy, phong trào quần chúng cách mạng phát triển ở nhiều xã thuộc châu Văn Uyên, Lạng Sơn.
Từ khi được Đảng giao nhiệm vụ, đồng chí Hoàng Văn Thụ có nhiều đóng góp tích cực vào việc xây dựng, phát triển Đảng bộ các tỉnh Lạng Sơn, Cao Bằng và Thái Nguyên, củng cố được nhiều cơ sở Đảng tại Hà Nội và các tỉnh: Hà Đông, Vĩnh Yên, Quảng Ninh, Hải Dương...; đóng vai trò nòng cốt để mở rộng, phát triển phong trào cách mạng ở địa bàn rộng hơn. Hoạt động của đồng chí Hoàng Văn Thụ ở nhiều địa bàn, nhiều công việc khác nhau, thể hiện quan điểm cách mạng toàn diện của một cán bộ lãnh đạo có tầm nhìn xa, hiểu biết rộng.
Ngày 8-9-1939, tại Hội nghị Xứ ủy Bắc Kỳ mở rộng, do Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ triệu tập tại làng Vạn Phúc (Hà Đông), đồng chí Hoàng Văn Thụ được Trung ương cử làm Bí thư Xứ ủy Bắc Kỳ. Đến đầu năm 1940, tại Hội nghị Xứ ủy Bắc Kỳ tiến hành họp tại làng Vạn Phúc, đồng chí Hoàng Văn Thụ được bầu làm Bí thư Xứ ủy Bắc Kỳ. Trước sự khủng bố gắt gao của thực dân Pháp, cơ quan Xứ ủy Bắc Kỳ phải di chuyển đến nhiều địa điểm bí mật. Trên cương vị Bí thư Xứ ủy Bắc Kỳ, đồng chí Hoàng Văn Thụ đã đề nghị Xứ ủy lập tờ báo Giải phóng làm cơ quan tuyên truyền của xứ ủy. Đảm nhận vai trò chủ bút, đồng chí thường xuyên viết nhiều bài tuyên truyền chủ trương đấu tranh của Đảng, của Xứ ủy Bắc Kỳ, với bút danh là Lý. Đồng chí chủ động, sáng tạo trong công tác lãnh đạo của Đảng bộ Bắc Kỳ thực hiện chủ trương, đường lối cách mạng; đồng thời nỗ lực trong công tác tuyên truyền, huấn luyện, chủ động chuẩn bị cán bộ cho Đảng và cách mạng.
Tại Hội nghị Trung ương lần thứ 8 (tháng 5-1941), đồng chí Hoàng Văn Thụ được bầu vào Ban Thường vụ Trung ương Đảng, đặc trách công tác công vận và binh vận của Đảng. Ngày 25-8-1943, giữa lúc phong trào cách mạng đang sục sôi, đồng chí bị mật thám Pháp bắt tại ngõ Nam Diệm (Hà Nội). Biết đồng chí là cán bộ cao cấp của Đảng ta, phủ toàn quyền Đông Dương đã ra lệnh cho sở mật thám Bắc Kỳ bằng mọi cách bắt đồng chí phải khai ra cơ quan lãnh đạo Trung ương của Đảng. Thực dân Pháp dùng mọi thủ đoạn xảo quyệt, vừa dụ dỗ, mua chuộc, vừa tra tấn dã man, hòng khuất phục ý chí cách mạng của người chiến sĩ cộng sản Hoàng Văn Thụ. Vượt lên mọi cực hình dã man và những thủ đoạn nham hiểm của kẻ thù, đồng chí Hoàng Văn Thụ đã nêu cao khí tiết của người chiến sĩ cộng sản, quyết không chịu khuất phục và còn biến nhà tù của thực dân thành trường học cách mạng, thành nơi rèn luyện và thử thách ý chí cách mạng của những người cộng sản.
Trong những ngày bị thực dân Pháp giam cầm, tra tấn dã man tại nhà tù Hỏa Lò (Hà Nội), với ý chí cách mạng kiên cường, với khí phách của người chiến sĩ cộng sản kiên trung và tinh thần lạc quan luôn tin tưởng vào thắng lợi của sự nghiệp cách mạng, đồng chí Hoàng Văn Thụ đã viết bài thơ “Nhắn bạn” rất nổi tiếng, nhắn nhủ, cổ vũ đồng bào, đồng chí hăng hái chiến đấu để giành lấy độc lập tự do, trong đó có đoạn: “Việc nước xưa nay có bại thành/Miễn sao giữ trọn được thanh danh/Phục thù chí lớn không hề nản/Ngọc nát còn hơn giữ ngói lành”.
Không khuất phục được người chiến sĩ cộng sản Hoàng Văn Thụ, ngày 21-12-1943, thực dân Pháp cho mở cái gọi là “tòa án đại hình” để xét xử đồng chí Hoàng Văn Thụ. Rạng sáng 24-5-1944, kẻ thù đã sát hại đồng chí tại trường bắn Tương Mai (Hà Nội). Trước mặt kẻ thù, đồng chí Hoàng Văn Thụ đã nói những lời đanh thép: “Trong cuộc đấu tranh sinh tử giữa chúng tôi-những người mất nước và các ông-những kẻ cướp nước, sự hy sinh của những người như tôi là lẽ dĩ nhiên, chỉ biết rằng cuối cùng chúng tôi sẽ thắng!”. Hình ảnh hiên ngang, bất khuất của đồng chí Hoàng Văn Thụ trước pháp trường mãi là bản anh hùng ca về khí tiết của người cộng sản kiên trung.
Đồng chí Hoàng Văn Thụ hy sinh khi tuổi đời còn trẻ, nhưng để lại cho chúng ta nhiều bài học kinh nghiệm quý về xây dựng tình đoàn kết, tinh thần tự phê bình và phê bình, phương pháp đấu tranh xây dựng Đảng... Trong tác phẩm "Ðạo đức cách mạng" đăng trên Tạp chí Cộng sản, tháng 12-1958, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: "Trong Ðảng ta, các đồng chí Trần Phú, Ngô Gia Tự, Lê Hồng Phong, Nguyễn Văn Cừ, Hoàng Văn Thụ, Nguyễn Thị Minh Khai và nhiều đồng chí khác đã vì dân, vì Ðảng mà oanh liệt hy sinh, đã nêu gương chói lọi của đạo đức cách mạng chí công vô tư cho tất cả chúng ta học tập".
Đồng chí Hoàng Văn Thụ là lãnh đạo tiền bối tiêu biểu của Đảng và cách mạng Việt Nam. Cuộc đời và sự nghiệp của đồng chí để lại cho chúng ta những bài học kinh nghiệm quý về tinh thần yêu nước, giác ngộ lý tưởng cộng sản và kiên định lập trường giai cấp công nhân. Đồng chí đã trọn đời chiến đấu hy sinh cho sự nghiệp cách mạng của Ðảng và dân tộc, là nhà lãnh đạo tận tụy vì nhiệm vụ, luôn chăm lo tới cơ sở và phong trào cách mạng; sáng ngời phẩm chất đạo đức cao đẹp của người chiến sĩ cộng sản, với tác phong dân chủ, gần gũi, hòa đồng với quần chúng.
Quá trình từ người yêu nước chân chính trở thành người cộng sản kiên trung, mẫu mực của đồng chí Hoàng Văn Thụ là chặng đường phấn đấu, rèn luyện bền bỉ vì lý tưởng cách mạng, vì độc lập, tự do của dân tộc, hạnh phúc của nhân dân. Đồng chí ngã xuống, nhưng tinh thần kiên trung, bất khuất của người cộng sản Hoàng Văn Thụ trở nên bất tử trong đồng bào, đồng chí và các thế hệ cách mạng. Cuộc đời, sự nghiệp đấu tranh cách mạng sôi nổi, đầy nhiệt huyết của đồng chí mãi là niềm tự hào của Ðảng ta, của dân tộc Việt Nam nói chung và nhân dân các dân tộc Lạng Sơn nói riêng; là tấm gương sáng về tinh thần hy sinh, hết lòng vì nước, vì dân, để các thế hệ người Việt Nam học tập, noi theo.
Bài viết rất hay, cảm ơn tác giả
Trả lờiXóa