Social Icons

Pages

Thứ Năm, 21 tháng 11, 2019

GIẢI PHÁP CHỐNG PHÁT TÁN "ĐƯỜNG LƯỠI BÒ" PHI PHÁP MÀ TRUNG QUỐC TỰ VẼ RA TRÊN BIỂN ĐÔNG


Việc nở rộ “đường lưỡi bò” phi pháp ở nhiều kênh thông tin khác nhau chính là một phần của chính sách tam chủng chiến pháp mà Trung Quốc đã chính thức đẩy mạnh: Mặt trận chiến tranh thông tin cũng như truyền thông.
Chiến dịch: Mưa dầm thấm lâu - biến cái phi hiển nhiên thành cái hiển nhiên
Nội hàm của mặt trận này là sử dụng thông tin, truyền thông để đẩy mạnh các tuyên bố chủ quyền phi pháp của Trung Quốc ở biển Đông. Mục tiêu của chiến dịch này là làm cho người dân của các nước khác, không chỉ người Trung Quốc, dần quen với hình ảnh “đường lưỡi bò” (hay đường chín đoạn) mà Trung Quốc ngang ngược công bố qua sách báo, phim ảnh, Internet, âm nhạc, ứng dụng dẫn đường trên ô tô... Từ đó Trung Quốc muốn mọi người thừa nhận “đường lưỡi bò”, coi đó là chủ quyền hợp pháp của mình. Đây là một âm mưu rất thâm độc, có tầm nhìn chiến lược lâu dài.
Việt Nam cần chủ động và có các chế tài ngăn chặn âm mưu này
Việc “đường lưỡi bò” phi pháp xuất hiện ngày càng dày trong đời sống xã hội là vấn đề rất nguy hiểm. Vì vậy chúng ta không được xem thường dù là một biểu hiện nhỏ nào của vấn đề này xuất hiện trong hình ảnh, lời nói hay việc làm liên quan đến “đường lưỡi bò”, theo đó phải kiên quyết đấu tranh. Trong đó cần phải tuyên truyền giải thích, làm cho mọi người hiểu được tác hại của việc đó đang gặm nhấm dần, đi vào tiềm thức của người dân. Do đặc tính mở của toàn cầu hóa ngày nay nên Trung Quốc có thể dễ dàng truyền bá các sản phẩm này thông qua Internet hay các ấn phẩm văn học nghệ thuật, sản phẩm tiêu dùng, dịch vụ du lịch, thậm chí ngay cả trên visa. Do đó, chúng ta cần đặc biệt chú ý khi mà những tổ chức, cá nhân trong nước, dù vô tình hay cố ý để cho hình ảnh này phát tán.
Chúng ta nên có một kế hoạch mang tính phối hợp giữa các ban ngành liên quan như Tổng cục Hải quan, Bộ Công an, Bộ TT&TT, Bộ VH-TT&DL, Bộ GD&ĐT, Tư pháp, Công thương, các cơ quan hải quan và tuyên giáo để chủ động đối phó với các sản phẩm từ Trung Quốc. Nhất là phải đầu tư vào hệ thống kỹ thuật để có thể phát hiện ra hình ảnh “đường lưỡi bò” trong các sản phẩm của Trung Quốc và ngăn chặn trước khi chúng lọt qua các cửa kiểm soát.
Chúng ta phải coi trọng môn Lịch sử nhiều hơn nữa, trong đó đặc biệt là lịch sử truyền thống chống ngoại xâm. Phải trang bị cho thế hệ trẻ về lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc, làm cho mọi người hiểu và thấm về lịch sử.
Cần đấu tranh kịp thời và ngăn chặn những thủ đoạn mới về “đường lưỡi bò”. Phải tuyên truyền sâu rộng trên mọi phương diện và có thể cũng sẽ lồng ghép, nhấn mạnh vào giáo dục phổ thông cũng như bậc đại học về âm mưu này, chứ không thể để cho mọi người muốn biết sao, hiểu sao thì hiểu. Đặc biệt là các cơ quan chức năng phải đấu tranh triệt để, bất cứ đâu có “đường lưỡi bò” thì cần xóa bỏ ngay, phải đập tan ý đồ ngang ngược của Trung Quốc bắt đầu từ “đường lưỡi bò” này.
Mỗi người dân Việt Nam cũng có thể góp phần ngăn chặn âm mưu thâm độc phát tán của Trung Quốc bằng cách báo cáo hình ảnh “đường lưỡi bò” trong hàng hóa hay ấn phẩm ở Việt Nam cho các cơ quan chính quyền liên quan để xử lý kịp thời.
Ở trong bối cảnh này chúng ta không thể “đóng cửa” với du khách Trung Quốc mà ngược lại vẫn phải mời gọi họ đến du lịch Việt Nam. Nhưng làm sao để khi đến Việt Nam họ không phải là tác nhân tuyên truyền vi phạm biển đảo của chúng ta; thậm chí ngược lại chúng ta phải thông tin cho họ hiểu về lịch sử Việt Nam, làm cho họ nhận thức ra được những sai trái của mình khi “rêu rao” về “đường lưỡi bò”. Về phần vi mô, chúng ta cần chú ý kỹ đến tất cả các thông tin quảng bá du lịch, thông tin quảng bá về giải trí… Nhất thiết phải đặt thành một nguyên tắc và phải xử lý nghiêm những sai sót xảy ra./.

1 nhận xét:

  1. Trung Quốc liên tục có hành động phi pháp, xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam trên Biển Đông; Việt Nam lên án mạnh mẽ các hành động của Trung Quốc và yêu cầu Trung Quốc chấm dứt các hành động trên

    Trả lờiXóa