Social Icons

Pages

Thứ Tư, 20 tháng 11, 2019

VINH DỰ VÀ TRÁCH NHIỆM CỦA NHỮNG NGƯỜI THẦY MẶC ÁO LÍNH

“Tôn sư trọng đạo” là truyền thống vô cùng quý báu của dân tộc Việt Nam. Truyền thống ấy thể hiện thái độ trân trọng đối với người thầy, một loại hình lao động trí óc đặc biệt, mang tính xã hội cao cả, vì sự phát triển của chính con người.
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy: Vấn đề then chốt, quyết định chất lượng giáo dục là phải xây dựng được một đội ngũ đông đảo những người làm công tác giáo dục yêu nghề, yêu trường, tự bồi dưỡng nâng cao tay nghề để thực sự là tấm gương sáng cho người học noi theo. Người luôn luôn đánh giá cao vai trò của thầy giáo, cô giáo trong xã hội mới, coi họ là lớp người vẻ vang của đất nước, bởi nếu không có thầy giáo, cô giáo hết lòng dạy dỗ con em lao động ngày hôm nay thì không thể xây dựng được một xã hội tốt đẹp trong tương lai.
Sự trưởng thành và lớn mạnh của Quân đội nhân dân Việt Nam, có công lao đóng góp to lớn của đội ngũ nhà giáo quân đội trong các học viện, nhà trường. Đó là những người trực tiếp tiến hành các hoạt động sư phạm, là nhân tố trung tâm, lực lượng nòng cốt quyết định chất lượng giáo dục đào tạo. Ngoài việc truyền thụ tri thức khoa học, rèn luyện kĩ năng nghề nghiệp, họ còn là người quản lý hoạt động học tập, người chỉ huy, người đồng chí, đồng đội gần gũi của học viên. Hàng ngày, hàng giờ đem tài năng và nhiệt huyết giáo dục nhân cách, xây dựng bản lĩnh, làm giàu thêm giá trị trí tuệ, đạo đức, thể lực và thẩm mĩ; giúp cho người học ngày một trưởng thành, đáp ứng tốt yêu cầu về nguồn nhân lực với chất lượng ngày càng cao cho chiến tranh nhân dân giải phóng dân tộc trước đây và trong sự nghiệp củng cố quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc ngày nay.
Phát huy phẩm chất cao quý của nhà giáo quân đội, truyền thống 43 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành của Trường Đại học Chính trị, năm học vừa qua, đội ngũ cán bộ, giảng viên của Nhà trường đã luôn nêu cao quyết tâm chính trị, tinh thần chủ động khắc phục khó khăn, hoàn thành tốt nhiệm vụ giảng dạy và nghiên cứu khoa học. Đội ngũ các nhà giáo, cán bộ làm công tác quản lý giáo dục của Nhà trường đã không quản ngại vất vả, lao động sư phạm với cường độ cao; phát huy trí tuệ, tài năng và tâm huyết vào công tác giảng dạy, tổ chức và quản lý quá trình học tập, rèn luyện của học viên. Các lực lượng sư phạm của Nhà trường đã tích cực nghiên cứu, bổ sung, hoàn thiện mục tiêu, yêu cầu đào tạo; triển khai tốt việc đổi mới nội dung, chương trình, từng bước mở rộng về quy mô và loại hình đào tạo của Nhà trường. Chất lượng giáo dục đào tạo giữ vững và từng bước được nâng lên, đáp ứng yêu cầu đào tạo đội ngũ chính trị viên theo tinh thần Nghị quyết số 51 của Bộ Chính trị và Nghị quyết 513 của Đảng ủy Quân sự Trung ương (nay là Quân ủy Trung ương) về việc Tiếp tục hoàn thiện cơ chế lãnh đạo của Đảng, thực hiện chế độ một người chỉ huy gắn với thực hiện chế độ chính ủy, chính trị viên trong Quân đội nhân dân Việt Nam. Cùng với đó, Cuộc vận động “Nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục” và Quy chế giáo dục đào tạo của Nhà trường đã được quán triệt, tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc. Công tác tham mưu, quản lý, điều hành và việc phối hợp hiệp đồng bảo đảm, phục vụ huấn luyện đã có nhiều chuyển biến tiến bộ.
Để tiếp tục phát huy truyền thống tốt đẹp của lớp lớp các thế hệ cán bộ, giảng viên, giữ vững và ngày càng củng cố, nâng cao vị thế của Nhà trường trong hệ thống các học viện, nhà trường quân đội. Trong những năm tới, Nhà trường cần nắm vững mục tiêu, phương châm chỉ đạo và nguyên tắc cơ bản của hoạt động giáo dục đào tạo theo tư tưởng Hồ Chí Minh ở các nhà trường quân đội là: Học để làm việc, làm người, làm cán bộ; học để phụng sự đoàn thể, giai cấp và nhân dân, Tổ quốc và nhân loại. Quán triệt và thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ Nhà trường lần thứ IX, nhiệm kỳ 2015 - 2020. Tập trung thực hiện tốt mục tiêu chuẩn hóa, hiện đại hóa; xây dựng mới và điều chỉnh khung chương trình đào tạo theo hướng “thực học, thực nghiệp”. Chủ động kế hoạch tạo nguồn, đào tạo, bồi dưỡng, xây dựng đội ngũ giảng viên vững mạnh về mọi mặt; thực sự là những người có đức, có tài, có bản lĩnh chính trị vững vàng, có trình độ cao về văn hóa, học vị, kinh nghiệm hoạt động nghề nghiệp; có lối sống mẫu mực, tác phong khoa học,… đáp ứng yêu cầu phát triển vững chắc của Nhà trường. Trong các hoạt động sư phạm, cần kết hợp tốt giữa việc dạy chữ, dạy nghề với dạy người; giữa trí dục với đức dục; giữa trang bị tri thức, kỹ năng với hình thành thế giới quan, nhân sinh quan khoa học,… Mặt khác, bằng sự sáng tạo của người thầy, vận dụng linh hoạt phương pháp sư phạm, khai thác tiềm năng trí tuệ để tổ chức cho người học những phương pháp học tập tích cực, hình thành các kỹ năng hoạt động, thiết thực góp phần đào tạo đội ngũ cán bộ chính trị cấp phân đội và giáo viên khoa học xã hội và nhân văn quân sự tương lai có đầy đủ phẩm chất, năng lực, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, góp phần xây dựng Quân đội nhân dân, cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại.
Phát huy truyền thống vẻ vang của Quân đội nhân dân Việt Nam Anh hùng; truyền thống “Trung thành, sáng tạo, đoàn kết, vượt khó, dạy tốt, học tốt” của Trường Đại học Chính trị trong 43 năm qua; vinh dự và tự hào, mỗi cán bộ, giảng viên của Nhà trường hãy phát huy hơn nữa bản chất tốt đẹp “Bộ đội Cụ Hồ”, rèn luyện ý chí quyết chiến, quyết thắng; tinh thần chủ động, sáng tạo, tự lực tự cường, khắc phục khó khăn, hoàn thành tốt trọng trách cao cả của những người thầy mặc áo lính; giành những đỉnh cao mới trên tất cả các lĩnh vực công tác: giảng dạy, học tập, nghiên cứu khoa học, công tác và phục vụ, góp phần xây dựng Nhà trường chính quy, tiên tiến, mẫu mực./.

2 nhận xét: