Social Icons

Pages

Thứ Ba, 5 tháng 11, 2019

NHỮNG BÀI HỌC QUÝ XÂY DỰNG QUÂN ĐỘI VỀ CHÍNH TRỊ

Trong tiến trình lịch sử nhân loại, có những sự kiện càng lùi xa càng giúp chúng ta nhìn thấu tỏ giá trị lịch sử và ý nghĩa thời đại của nó.
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 là sự kiện như thế ở thế kỷ 20. V.I.Lênin từng khái quát: “… cái ngày vĩ đại ấy càng cách xa chúng ta, thì ý nghĩa của cuộc cách mạng vô sản ở Nga càng trở nên rõ rệt, chúng ta cũng càng suy nghĩ sâu về toàn bộ kinh nghiệm thực tiễn của công tác của chúng ta”.
Đi theo con đường Cách mạng Tháng Mười, mọi thành quả của cách mạng Việt Nam luôn bắt nguồn từ sự trung thành, vận dụng sáng tạo Chủ nghĩa Mác-Lênin và những bài học quý giá được rút ra từ cuộc cách mạng từng làm “rung chuyển thế giới”. Trong đó, sự nghiệp xây dựng quân đội nói chung, xây dựng Quân đội nhân dân (QĐND) Việt Nam về chính trị nói riêng, đều được rút ra từ chính bài học kinh nghiệm về xây dựng quân đội kiểu mới của giai cấp vô sản trong Cách mạng Tháng Mười Nga.

Giữ vững, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với quân đội
Ngay từ đầu cách mạng, Đảng Bolshevik và lãnh tụ V.I.Lênin đã rất coi trọng xây dựng, tổ chức bộ máy hoạt động của Đảng trong LLVT. Trong các đội Cận vệ đỏ (tiền thân của quân đội cách mạng kiểu mới của giai cấp vô sản Nga) đã thành lập các tổ chức đảng và thiết lập chế độ chính ủy ở một số đơn vị. Đến tháng 8-1918, hệ thống tổ chức đảng, cơ quan chính trị, chế độ chính ủy được thiết lập và thực hiện thống nhất, làm nòng cốt xây dựng Hồng quân về chính trị. Thời điểm này đã có hơn 3.200 đảng viên cộng sản được điều động và bổ nhiệm chức vụ chính ủy các cấp, nhằm tăng cường sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng đối với các đơn vị trong Hồng quân Liên Xô. Sự lãnh đạo chặt chẽ của Đảng Cộng sản, mà trực tiếp là Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị đối với quân đội được V.I.Lênin khẳng định: “Không có một vấn đề chính trị hay tổ chức quan trọng nào do một cơ quan nhà nước giải quyết mà không có chỉ thị của Ban Chấp hành Trung ương”.
Ở Việt Nam, Đảng ta trung thành và vận dụng sáng tạo bài học đó, Đảng đã “võ trang cho công nông”, “lập quân đội công nông”; không những tổ chức ra quân đội, Đảng còn lãnh đạo quân đội một cách chặt chẽ. Ngày 22-12-1944, Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân (tiền thân của QĐND Việt Nam ra đời). Ngay khi thành lập, trong đội đã có tổ chức chi bộ đảng gồm 13 đảng viên, Ban chi ủy do đồng chí Xích Thắng làm bí thư, thực hiện chế độ chi bộ (chi ủy) lãnh đạo, hai thủ trưởng quân sự, chính trị phân công phụ trách. Trải qua các giai đoạn, các thời kỳ xây dựng và phát triển, mặc dù có sự thay đổi về tên gọi, cơ chế tổ chức thực hiện, Đảng lãnh đạo quân đội luôn là nguyên tắc “bất di bất dịch” trong xây dựng QĐND Việt Nam.
Ngày 20-7-2007, Bộ Chính trị khóa IX ban hành Nghị quyết số 51-NQ/TW về tiếp tục hoàn thiện cơ chế lãnh đạo của Đảng, thực hiện chế độ một người chỉ huy gắn với thực hiện chế độ chính ủy, chính trị viên trong QĐND Việt Nam. Sau hơn 10 năm thực hiện, chất lượng công tác xây dựng Đảng có nhiều chuyển biến, tiến bộ; năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các cấp ủy, tổ chức đảng được nâng lên. Hệ thống tổ chức đảng tiếp tục được củng cố, kiện toàn; cấp ủy các cấp được tăng cường cả về số lượng, chất lượng, có cơ cấu phù hợp; năng lực lãnh đạo toàn diện, sức chiến đấu của tổ chức đảng và tính tiền phong gương mẫu của đội ngũ cán bộ, đảng viên được nâng lên, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ xây dựng quân đội vững mạnh về chính trị. Trong giai đoạn hiện nay, để xây dựng QĐND Việt Nam về chính trị thì việc tiếp tục kiên định, thực hiện Nghị quyết số 51 là vấn đề có tính chất quyết định, quan trọng hàng đầu đối với các cấp ủy, chỉ huy và cán bộ, đảng viên trong Quân đội ta.
Thực hiện tốt chế độ một người chỉ huy, gắn với thực hiện chế độ chính ủy, chính trị viên trong quân đội
Cùng với công tác Đảng, trong Cách mạng Tháng Mười Nga, V.I.Lênin và Đảng Bolshevik đặc biệt quan tâm đến công tác chính trị của quân đội kiểu mới. Theo đó, bên cạnh người chỉ huy quân sự, chức danh chính ủy bước đầu được xác lập trong một số hạm đội. Tháng 4-1918, chế độ chính ủy và hệ thống cơ quan chính trị được xác lập và thực hiện thống nhất trong các đơn vị của Hồng quân. Cương lĩnh Đảng Cộng sản Nga (tháng 3-1919) chỉ rõ: “Công tác huấn luyện quân sự và giáo dục Hồng quân được tiến hành trên cơ sở đoàn kết giai cấp và giáo dục XHCN. Do đó, cần phải có những chính ủy là các đảng viên cộng sản đáng tin cậy và quên mình, được đặt bên cạnh những người chỉ huy quân sự, và thành lập các chi bộ cộng sản trong từng đơn vị nhằm thiết lập mối liên hệ về tư tưởng trong nội bộ và một kỷ luật tự giác”. Sau hơn một năm thực hiện chế độ chính ủy (tháng 7-1919), vai trò của các chính ủy và chế độ chính ủy trong Hồng quân được xác lập rõ nét hơn. V.I.Lênin khẳng định: “Ở đâu mà công tác chính trị trong quân đội, công tác của các chính ủy làm được chu đáo nhất, thì ở đấy… không hề có tình trạng lỏng lẻo trong quân đội, quân đội giữ gìn được trật tự tốt hơn và tinh thần của họ cũng cao hơn; ở đấy thu được nhiều thắng lợi hơn”.
Vận dụng sáng tạo bài học kinh nghiệm trên của Cách mạng Tháng Mười Nga, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã xác lập nguyên tắc Đảng lãnh đạo quân đội, thực hiện chế độ một người chỉ huy gắn với thực hiện chế độ chính ủy, chính trị viên trong quân đội. Chỉ thị thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân ghi rõ: “Tên Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân nghĩa là chính trị trọng hơn quân sự. Nó là đội tuyên truyền”. Ngày 22-5-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh 71-SL-CP, xác định: Từ cấp trung đội trở lên, bên cạnh người chỉ huy quân sự có chính trị viên. Chế độ một người chỉ huy gắn với thực hiện chế độ chính ủy, chính trị viên trong quân đội đã được quán triệt và thực hiện có hiệu quả trên thực tế. Đội ngũ chính ủy, chính trị viên; chế độ chính ủy, chính trị viên trong quân đội đã đứng vững và khẳng định được giá trị. Chế độ này đáp ứng được yêu cầu xây dựng quân đội về chính trị trong mọi điều kiện, hoàn cảnh, trở thành một truyền thống tốt đẹp, một kinh nghiệm thành công, góp phần bổ sung, phát triển học thuyết về chiến tranh và quân đội của Chủ nghĩa Mác-Lênin trong điều kiện mới.
Hiện nay, Đảng ta tiếp tục thực hiện chế độ một người chỉ huy gắn với thực hiện chế độ chính ủy, chính trị viên trong QĐND Việt Nam. Đây là một chủ trương hết sức đúng đắn. Nó không chỉ tăng cường sự lãnh đạo “tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt” của Đảng đối với quân đội, mà còn tăng cường, củng cố vững chắc hiệu lực chế độ một người chỉ huy gắn với thực hiện chế độ chính ủy, chính trị viên trên thực tế; giúp cho đội ngũ chính ủy, chính trị viên, cán bộ đảm nhiệm công tác Đảng, công tác chính trị được sắp xếp, kiện toàn, có chất lượng. Đồng thời xây dựng được hệ thống cơ quan chính trị và đội ngũ cán bộ chính trị các cấp vững mạnh; nâng cao chất lượng, hiệu quả, hiệu lực công tác Đảng, công tác chính trị và giữ vững định hướng chính trị trong xây dựng cũng như thực hiện nhiệm vụ của quân đội.
Phát huy sức mạnh quần chúng, xây dựng và giữ gìn mối đoàn kết quân - dân
Một bài học thành công nữa của Cách mạng Tháng Mười Nga là V.I.Lênin và Đảng Bolshevik đã làm tốt công tác giáo dục, động viên, tập hợp và huấn luyện quần chúng tham gia đấu tranh chính trị, kết hợp với sử dụng bạo lực trong giành và giữ chính quyền. V.I.Lênin đã có “Lời hiệu triệu” quần chúng tham gia cách mạng: “Hoặc là chuyên chính quân sự sẽ thắng lợi triệt để, hoặc là khởi nghĩa vũ trang của công nhân sẽ thắng lợi và thắng lợi này chỉ có thể đạt được nếu khởi nghĩa kết hợp được với một cao trào quần chúng sâu sắc chống lại chính phủ và giai cấp tư sản”. Từ đó, Đảng Bolshevik Nga đã nhanh chóng triển khai các chủ trương, biện pháp để tập hợp, giáo dục, thuyết phục quần chúng “tiến hành một cuộc vũ trang khởi nghĩa với quy mô thực sự, có tính chất toàn dân”.
Năm 1919, các nước đế quốc tăng cường can thiệp quân sự chống Nhà nước Xô viết. LLVT cách mạng cùng với hệ thống chính trị trong chính quyền Xô viết non trẻ đã đoàn kết, quyết tâm thực hiện đồng bộ các chủ trương, biện pháp, nghệ thuật để huy động nhân dân cùng tham gia tiến hành chiến tranh chống ngoại bang. Thời điểm này, chính sách “cộng sản thời chiến” đã phát huy tính ưu việt khi huy động được sức người, sức của trong cả nước, bảo đảm cho thắng lợi của cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại, đập tan ý đồ hiếu chiến, tham vọng của bọn đế quốc can thiệp và bọn Bạch vệ.
Kế thừa những kinh nghiệm quý rút ra từ Cách mạng Tháng Mười Nga về phát huy sức mạnh của quần chúng trong giành và giữ chính quyền, xây dựng và giữ gìn mối quan hệ đoàn kết quân-dân, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã vận dụng thành công vào xây dựng QĐND Việt Nam thực sự là quân đội của dân, do dân, vì dân.
Ngày nay, để xây dựng QĐND Việt Nam vững mạnh về chính trị, các cơ quan, đơn vị quân đội cần tiếp tục thực hiện tốt chức năng “đội quân chiến đấu”, “đội quân công tác”, “đội quân lao động, sản xuất”; tiếp tục quán triệt, thực hiện tốt công tác dân vận, xung kích đi đầu trong giúp đỡ nhân dân xóa đói, giảm nghèo, phòng, chống thiên tai, dịch bệnh, phát triển kinh tế-xã hội. Xây dựng và thực hiện tốt thế trận lòng dân ngay từ thời bình, góp phần củng cố, tăng cường mối quan hệ đoàn kết giữa Đảng với nhân dân, giữa quân đội với nhân dân, giữa quân đội với công an và các lực lượng khác trong xã hội, giữ vững môi trường chính trị ổn định phục vụ sự nghiệp phát triển đất nước...

1 nhận xét: