Social Icons

Pages

Thứ Ba, 5 tháng 11, 2019

TRỌNG TRÁCH VÀ CƠ HỘI

Sau Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 35 và các hội nghị liên quan tại Bangkok, Thái Lan đã chuyển giao vai trò Chủ tịch ASEAN cho Việt Nam. Đảm nhận vai trò Chủ tịch luân phiên của ASEAN 2020 là dịp để Việt Nam thể hiện trọng trách lớn của mình đối với Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN). Đây cũng là cơ hội tốt để Việt Nam nắm bắt, phát huy hợp tác để phát triển đất nước trong tiến trình hội nhập.
Việt Nam đảm nhận vai trò Chủ tịch luân phiên của ASEAN 2020 trong bối cảnh Cộng đồng ASEAN được vun đắp từ thành quả của 50 năm hợp tác, nhưng lại mới ở giai đoạn đầu trong tiến trình phát triển thành một cộng đồng “gắn kết về chính trị, liên kết về kinh tế, có trách nhiệm xã hội; hoạt động dựa trên luật lệ; hướng tới người dân và lấy người dân làm trung tâm”. Bên cạnh đó, năm 2020 lại được xem là năm bản lề trong triển khai kế hoạch hiện thực hóa Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025. Thế nhưng, ASEAN hiện đang đứng trước nhiều khó khăn và thách thức, có cả yếu tố chủ quan và khách quan, từ trình độ phát triển kinh tế đa dạng, lợi ích và ưu tiên của mỗi nước khác nhau cho đến tác động không thuận từ cạnh tranh giữa các nước lớn cũng như những biến chuyển nhanh chóng của tình hình khu vực và quốc tế. Lịch sử hơn 5 thập niên tồn tại đã chứng kiến không ít lần bó lúa vàng ASEAN phải hứng chịu những cơn giông bão nhưng qua đó ASEAN lại trưởng thành, tự cường và vững vàng hơn trước. Chìa khóa thành công cũng như sức mạnh của ASEAN chính là sự đoàn kết. Nói như vậy để thấy rằng, muốn trụ vững và thích ứng hiệu quả trước những biến động phức tạp của môi trường khu vực và quốc tế, ASEAN hơn lúc nào hết, cần duy trì khối đoàn kết, thống nhất, nâng cao năng lực tự cường về kinh tế, khả năng ứng phó chủ động và nhanh nhạy trước các thách thức nảy sinh. Vì vậy, sẽ không quá lời khi cho rằng Việt Nam, với vai trò dẫn dắt của nước Chủ tịch luân phiên ASEAN 2020, sẽ phải gánh vác một trách nhiệm không hề nhỏ trên vai.

Năm 2020 cũng là đặc biệt bởi nó đánh dấu tròn 25 năm Việt Nam gia nhập “mái nhà chung” ASEAN. Quyết định gia nhập ASEAN vào năm 1995 là một bước đi chiến lược đúng đắn và sáng suốt của Đảng, Nhà nước ta, đánh dấu cột mốc quan trọng trong tiến trình hội nhập quốc tế của đất nước. ASEAN là một trong những điểm đột phá đầu tiên để chúng ta triển khai phương châm đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ đối ngoại. Tham gia ASEAN đã mang đến nhiều lợi ích và cơ hội để Việt Nam từng bước hội nhập với khu vực và quốc tế, nâng cao thực lực và cải cách trong nước, phát huy vai trò và vị thế của một quốc gia có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế. Kinh nghiệm thành công với ASEAN đã tạo đà để con tàu Việt Nam tiến ra biển lớn, vững tin mở rộng, nâng tầm quá trình hội nhập quốc tế của đất nước với việc gia nhập Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC), Diễn đàn Hợp tác Á-Âu (ASEM), Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và đảm nhiệm thành công vai trò thành viên của nhiều cơ quan quan trọng của Liên hợp quốc như Hội đồng Bảo an, Hội đồng Nhân quyền...
Về phần mình, Việt Nam cũng đã đóng góp vào thành quả của ASEAN với tâm thế cùng nỗ lực không ngừng nghỉ vì các mục tiêu của cả Cộng đồng ASEAN. So với nhiều nước thành viên ASEAN, Việt Nam vẫn còn khoảng cách về trình độ phát triển ở một chừng mực nào đó. Tuy vậy, chúng ta có thể tự hào về những đóng góp ngày càng quan trọng của Việt Nam cho Hiệp hội trong suốt 25 năm qua. Sau những bước khởi đầu chập chững tại một “sân chơi” mới, Việt Nam đã ngày càng trưởng thành và thể hiện vai trò thành viên quan trọng trong ASEAN. Tuy không phải là thành viên sáng lập, nhưng từ khi gia nhập, Việt Nam đã chủ động tham gia và đóng góp tích cực vào các hoạt động chung của Hiệp hội. Việt Nam đã tích cực thúc đẩy ASEAN kết nạp Campuchia, Lào và Myanmar để đến năm 1999, giấc mơ về một đại gia đình ASEAN gồm 10 quốc gia Đông Nam Á trở thành hiện thực. Hơn nữa, Việt Nam thể hiện vai trò tích cực trong việc xác định mục tiêu, phương hướng phát triển và hình thành các quyết sách lớn của ASEAN. Dấu ấn Việt Nam trong các sự kiện lớn như Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 6 tại Hà Nội (tháng 12-1998), đảm nhiệm tốt nhiệm kỳ Chủ tịch Ủy ban Thường trực ASEAN 2000-2001 và hoàn thành xuất sắc vai trò Chủ tịch ASEAN 2010 với những kết quả to lớn và thực chất, như mở rộng Hội nghị cấp cao Đông Á (EAS) bao gồm tất cả các nước lớn ở khu vực, thành lập cơ chế Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN Mở rộng (ADMM+)… in đậm trong quá trình phát triển của ASEAN.
Hơn hai thập niên tham gia ASEAN, Việt Nam đã khẳng định hình ảnh và uy tín của một thành viên chủ động, tích cực và đầy trách nhiệm, gắn bó chặt chẽ và hết mình vì ASEAN. Đó là hành trang để Việt Nam tự tin đảm nhận cương vị Chủ tịch ASEAN 2020, góp phần xây dựng một ASEAN liên kết chặt chẽ hơn, đoàn kết thống nhất và giữ vai trò trung tâm ở khu vực, một Cộng đồng ASEAN vững mạnh, phồn vinh và vì người dân. Đây cũng là cơ hội để chúng ta tích cực thúc đẩy quan hệ song phương với các nước ASEAN và các đối tác, nâng cao hơn nữa vị thế quốc tế của đất nước và quảng bá hình ảnh, bản sắc văn hóa, đất nước, con người Việt Nam tới bạn bè thế giới.

1 nhận xét: