Social Icons

Pages

Thứ Tư, 11 tháng 12, 2019

Để bộ đội được ăn ngon, ở đẹp…

“CÓ SỨC NGƯỜI SỎI ĐÁ CŨNG THÀNH CƠM” - THÀNH NGỮ ẤY THẬT ĐÚNG.

Với cán bộ, chiến sĩ Quân đoàn 1, dù các đơn vị trực thuộc đứng chân ở vùng rừng sâu, núi đá hay ở thành phố, đô thị, cứ sau giờ huấn luyện là họ lại như những nông dân thực thụ, cần mẫn biến đất cằn sỏi đá thành vườn rau xanh tốt, chăn nuôi đủ các loại cá và gia súc, gia cầm; rồi lập cả những xưởng chế biến lương thực, thực phẩm... Tất cả đều nỗ lực góp sức để bảo đảm cho bộ đội được ăn uống ngon, sạch, đủ đầy; dựng xây doanh trại khang trang, sáng-xanh-sạch-đẹp...
Các thế hệ cán bộ, chiến sĩ Quân đoàn 1 đều nhớ, những năm trước, việc tăng gia ở đơn vị chủ yếu tận dụng diện tích đất quanh bếp, quanh nhà. Cứ đến thời điểm gối vụ là bao nỗi lo toan thiếu rau, thiếu thịt, thiếu cá, mà mua ngoài thị trường thì vừa giá cao, vừa khó bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, lại thiếu sự chủ động... Câu hỏi “Làm thế nào để ổn định bữa ăn, nâng cao đời sống cho bộ đội?” không chỉ là nỗi trăn trở của người chỉ huy và cán bộ hậu cần các đơn vị mà của tất cả cán bộ, chiến sĩ. Theo chỉ đạo của Đảng ủy, Bộ tư lệnh Quân đoàn 1, mỗi cơ quan, đơn vị đều tìm cách làm phù hợp với điều kiện thực tế của mình sao cho hiệu quả nhất; rồi tổ chức tham quan học tập lẫn nhau, cùng rút kinh nghiệm... Dần dần những hướng đi, cách làm mới đã ló rạng.
Ban đầu là xây dựng vườn rau tập trung từ cấp trung đoàn trở lên. Việc làm này bảo đảm được công tác quản lý, chỉ đạo thống nhất, chấm dứt tình trạng quá thừa lúc chính vụ và thiếu rau xanh thời điểm giáp vụ. Để có vườn rau canh tác, có những đơn vị, như: Sư đoàn 312, Sư đoàn 308, Lữ đoàn Pháo binh 368, Trường Quân sự Quân đoàn 1... phải đào hàng nghìn mét khối đá sỏi, rồi phải đi cả chục cây số mới lấy được đất màu phủ lên. Khối lượng công việc rất lớn trong khi mỗi ngày cán bộ, chiến sĩ chỉ có một giờ dành cho thể thao, tăng gia. Thế là “trong cái khó, ló sáng kiến”, những buổi hành quân rèn luyện, bộ đội lại mang sỏi đá đi và đem đất màu mỡ về. Trên đường hành quân, những câu chuyện về đất, về kinh nghiệm gieo trồng... cứ thế dài thêm. Người cán bộ không cần lên lớp nhưng các chiến sĩ đều hiểu sâu sắc giá trị, ý nghĩa của công việc mình làm.
Vậy là, công tác tăng gia ở tất cả đơn vị trong quân đoàn đã chuyển dần từ manh mún, tự phát đến quy hoạch tập trung, từ không chính quy đến cơ bản vững chắc... Từ 10 năm qua, bước vào vườn rau của các đơn vị mà cứ ngỡ như bước vào công viên. Niềm vui đến giản dị với cán bộ, chiến sĩ từ những giọt sương long lanh đậu trên lá rau xanh rờn, những giàn bí bầu trĩu quả. Không vui sao được khi một binh đoàn chủ lực với quân số hàng vạn người đã chẳng những bảo đảm đủ nhu cầu về rau, củ, quả sạch với giá rẻ hơn thị trường mà cán bộ, chiến sĩ còn được "tăng cường" thêm rau vào bữa ăn hằng ngày, lượng rau dư thừa phục vụ hiệu quả công tác chăn nuôi. Chính giọt mồ hôi của các anh bộ đội đã vun tưới những vườn rau xanh non, mướt mắt ngay trên những mảnh đất khô cằn.
Chuyện chăn nuôi cũng có những hướng đi riêng. Ban đầu chỉ là phấn đấu bảo đảm đủ thịt lợn, thịt gia cầm, trứng, cá... Nhưng chừng đó mới chỉ đủ cho nhu cầu thường xuyên. Vậy còn dự trữ cho diễn tập, SSCĐ, cho những nhiệm vụ đột xuất ngoài doanh trại và các ngày lễ, Tết; để bộ đội được thực sự ăn ngon, ăn sạch... Thế là lại mày mò, học hỏi. Có đơn vị cử cán bộ khăn gói vào tận Nha Trang để học cách nuôi đà điểu, xuống Hải Phòng học nuôi cá sấu, rồi nuôi chạch, nuôi lươn... Ở đâu có con giống nuôi mới, phù hợp với điều kiện của đơn vị mình là các anh cán bộ, nhân viên ngành hậu cần đến để tìm hiểu, học nghề, mua con giống về đơn vị. Những ngày sau đó là biết bao cảm xúc, bộn bề, lo lắng... Có nhiều đêm cán bộ, nhân viên phụ trách việc chăn nuôi phải thức trắng, cũng có những thất bại ban đầu và những giọt nước mắt lặng lẽ rơi. Nhưng bộ đội không chịu lùi bước. "Thua keo này, bày keo khác", càng miệt mài làm thì càng dày kinh nghiệm. Niềm vui cứ mỗi ngày một nhiều thêm cùng với những mô hình và thành quả mới. Rồi nhiều mô hình chăn nuôi “đặc sản” đã thành công, như: Chăn nuôi đà điểu, cá sấu ở Trung đoàn 102 (Sư đoàn 308) và Lữ đoàn Pháo binh 368; nuôi vịt và bò ở Sư đoàn 312; nuôi lợn rừng ở Lữ đoàn Phòng không 241; nuôi hươu, chim bồ câu ở Lữ đoàn Xe tăng 202; nuôi nhím, cá quả ở Lữ đoàn Công binh 299...
Vẫn biết chăn nuôi theo hướng hàng hóa là phụ thuộc nhiều vào thị trường, nhưng cái được lớn nhất là nâng cao đời sống của bộ đội, bởi mỗi cân thịt, cân cá rẻ hơn ngoài thị trường hàng chục nghìn đồng và tất cả các loại thực phẩm đều rẻ hơn bên ngoài 5%-20%; điều quan trọng hơn là bảo đảm được vệ sinh an toàn thực phẩm, là ổn định chất lượng bữa ăn tươi ngon, đầy đặn. Từ chỗ phải lặn lội tìm mua con giống, đến nay, các đơn vị thuộc Quân đoàn 1 đã tự bảo đảm được hơn 80% các loại giống vật nuôi. Cũng từ tăng gia sản xuất, tình yêu của người chiến sĩ đối với đơn vị cứ nhiều thêm theo năm tháng. Họ hiểu được giá trị những công việc mình làm và lợi ích mang lại cho chính mình, cho đồng đội và đơn vị.
Cấp dưới miệt mài với công việc, cấp trên cũng chỉ đạo quyết liệt hơn, mạnh dạn hơn. Đầu tiên là việc thu mua lúa về để tổ chức xay xát tập trung. Cứ mỗi mùa thu hoạch lúa là cơ quan hậu cần các sư đoàn, lữ đoàn lại về địa phương thu mua theo thời giá. Cũng có nhiều “cái được” từ việc tự xay xát. Đó là giá cả ổn định, bộ đội không phải ăn gạo cũ, bảo đảm an toàn, cám gạo là phần lãi tận dụng để chăn nuôi, vỏ trấu dùng để đun lò hơi... Rồi các đơn vị còn tự làm đậu phụ, giò chả, giá đỗ; mua cá về tự sản xuất nước mắm; lắp đặt dây chuyền sản xuất thịt hộp để chủ động ổn định công tác chăn nuôi và phục vụ diễn tập, dã ngoại... Gần như ngoài thị trường có loại gia vị, thực phẩm gì thì ngành hậu cần Quân đoàn 1 đều tự làm được để phục vụ đời sống bộ đội.
Ăn ngon, mặc đẹp, ở khang trang là mong muốn của tất cả mọi người. Lãnh đạo, chỉ huy và ngành hậu cần Quân đoàn 1 đã đề ra mục tiêu chăm sóc bộ đội với “Ba ngon” (ăn ngon, uống ngon, ngủ ngon) và “Hai đẹp” (ở đẹp, mặc đẹp). Mục tiêu ấy được tất cả cơ quan, đơn vị trực thuộc quân đoàn nỗ lực phấn đấu. Từ nguồn đầu tư của trên và cơ bản là trích từ quỹ vốn tăng gia, đến nay, 100% nhà ở cấp trung đội, đại đội được lắp đặt hệ thống máy lọc nước uống RO. 100% bếp ăn cấp cơ quan và các tiểu đoàn được lắp đặt hệ thống lò hơi và sắp tới là bếp dầu, bếp điện. Các bể biogas làm bằng công nghệ composite cung cấp khí gas sạch để đun nấu... Chiến sĩ nuôi quân giờ không còn phải sử dụng bếp lò than, không còn nỗi lo cơm sống, cơm khê; công việc bớt vất vả mà bữa ăn lại đủ đầy, ngon và sạch hơn, có cả các loại quả tráng miệng do chính bộ đội trồng. Đối với cán bộ, nhân viên ngành hậu cần, không gì vui hơn khi mỗi lần vào nhà ăn, bộ đội lại dành cho các anh nuôi những nụ cười lấp lánh. Anh em được ăn ngon, ngủ ngon, vệ sinh sạch sẽ nên có sức khỏe để huấn luyện, công tác tốt hơn.
Cũng từ quỹ vốn tăng gia sản xuất và công sức của bộ đội mà đường đi, lối lại ở các đơn vị trong toàn quân đoàn đã được trải nhựa, bê tông hóa. Những vườn hoa, khuôn viên xanh, câu lạc bộ thanh niên ngày càng nhiều thêm trên những miền đất khô cằn. Từ những nơi này, giờ học tập, sinh hoạt chính trị thêm phần hào hứng; những buổi sinh nhật đồng đội cũng sôi động và ấn tượng hơn; đặc biệt, khuôn viên doanh trại sáng-xanh-sạch-đẹp trở thành nơi tiếp khách, nghỉ ngơi, thư giãn, làm cho mỗi cán bộ, chiến sĩ càng tự hào, yêu mến đơn vị và vì thế mà hoàn thành mọi nhiệm vụ tốt hơn, góp phần tô thắm truyền thống “Thần tốc, Quyết thắng” của Binh đoàn Quyết Thắng anh hùng. Thật vui khi những năm qua, nhiều đơn vị thuộc Quân đoàn 1, như: Sư đoàn 308, Sư đoàn 312 trở thành điểm tham quan của các đoàn khách trong và ngoài quân đội, rồi các đoàn khách quốc tế; những mô hình tăng gia sản xuất, xưởng chế biến lương thực, thực phẩm được nhiều đơn vị trong toàn quân tham khảo, học tập. Thật ấm lòng khi người thân của cán bộ, chiến sĩ mỗi lần đến thăm đơn vị đều tấm tắc ngợi khen.
Trong 5 năm (2014-2019), ngành hậu cần Quân đoàn 1 tham gia 8 cuộc hội thao, hội thi do Bộ Quốc phòng tổ chức và đều đoạt giải cao (5 giải nhất, 3 giải nhì). Các đơn vị thuộc quân đoàn thường xuyên bảo đảm đủ lượng vật chất hậu cần cho nhiệm vụ huấn luyện, SSCĐ, chế độ tiêu chuẩn của bộ đội; duy trì chặt chẽ, nền nếp chế độ nhà ăn, nhà bếp, hoạt động của hội đồng giá các cấp. Công tác tăng gia phát triển ổn định, tổ chức tăng gia sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap, chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm. Từ đầu năm 2019 đến nay, giá trị thu từ tăng gia sản xuất của quân đoàn bình quân đạt 1.421.000 đồng/người (113% kế hoạch năm), đời sống của bộ đội được cải thiện; quân số khỏe tham gia huấn luyện, công tác đạt 98,9%.

1 nhận xét: