Thời gian qua, một số người đã tự cho mình “quyền năng hư cấu” trong sáng tác văn học, nghệ thuật, bịa đặt ra những chi tiết phi lý, bôi nhọ, xúc phạm các danh nhân, anh hùng dân tộc. Đây đích thực là hành động phi nghệ thuật, mượn danh nghệ thuật để tuyên truyền những giá trị phi nhân văn, phản động, xuyên tạc lịch sử cần lên án, đấu tranh loại bỏ.
Đó chính là việc một số văn nghệ sĩ hoặc là do hạn chế về kiến thức lịch sử, hoặc là do non kém về tay nghề đã có những sáng tác hoặc phát ngôn thể hiện thái độ “đạp đổ”, “hạ bệ”, bịa đặt, bôi đen các danh nhân lịch sử - văn hóa, anh hùng dân tộc. Họ đã mượn “tinh thần đổi mới” để biểu đạt những anh hùng dân tộc bằng một cách nhìn, cách tiếp cận theo hướng của con người tự nhiên, con người bản năng; đưa hình tượng nghệ thuật là những anh hùng, vĩ nhân về với đời thường, để họ “thật hơn”, có “chất người” hơn. Họ còn cho rằng: “không nên phong thánh cho con người, hãy trả con người về với đúng kích thước của nó”. Thậm chí, có người coi hư cấu các nhân vật anh hùng trong lịch sử là “quyền sáng tác của nhà văn”, sự đồng tình hay phản bác là quyền của bạn đọc - đó là “biểu hiện của cái nhìn dân chủ”(!)
Cái thứ được gọi là “biểu hiện của cái nhìn dân chủ”, hay chỉ là mượn dân chủ, lợi dụng văn học, nghệ thuật để bịa đặt, đưa ra những thông điệp mù mờ, bệnh hoạn để xuyên tạc những hình tượng đã “đóng đinh” trong lòng nhân dân ta, dân tộc ta; làm cho mọi người hoài nghi nhân tính, có cái nhìn méo mó, lệch lạc, biến dạng các giá trị lịch sử và nhân cách văn hóa của các anh hùng dân tộc trong đời sống tinh thần của nhân dân, gây tổn thương lương tri, đạo lý dân tộc. Đó thực sự là hành động phản bội lại lịch sử, bôi nhọ tổ tiên, phủ nhận giá trị lịch sử, văn hóa, phủ nhận truyền thống, đạo lý mà dân tộc ta đã xây dựng hàng nghìn năm.
Như chúng ta đã biết, văn học, nghệ thuật thuộc ý thức xã hội, phản ánh hiện thực bằng các hình tượng nghệ thuật cụ thể. Văn học, nghệ thuật có đa chức năng, như: giáo dục, nhận thức, thẩm mỹ, giải trí, giao tiếp, tổ chức, điều chỉnh xã hội, v.v. Không thể phủ nhận khả năng kỳ diệu của văn học, nghệ thuật; đó là giúp con người nhận thức, khám phá hiện thực khách quan, làm chuyển biến tư tưởng, tình cảm, điều chỉnh hành vi sống và thỏa mãn nhu cầu thẩm mỹ của con người và xã hội. Người nghệ sĩ tài năng là người nắm bắt một cách mẫn cảm lý tưởng của thời đại, xây dựng nên hình tượng nghệ thuật để hướng dẫn con người theo tư tưởng, hành động cao đẹp. Mặc dù hình tượng nghệ thuật là sự chứa đựng trong đó những vấn đề về cuộc sống, nhưng không phải là sự sao chép nguyên bản hiện thực cuộc sống, mà quá trình xây dựng hình tượng nghệ thuật đòi hỏi phải có sự kết hợp cả nguyên tắc khái quát hóa và điển hình hóa. Nghĩa là, từ những vấn đề thực tiễn của đời sống hiện thực, người nghệ sĩ phải khái quát hóa để tìm ra được cái bản chất, cái quy luật của cuộc sống. Điển hình hóa là phải tìm ra được cái riêng, cái cá tính, cái điển hình trong cái chung. Để kết hợp được khái quát hóa và điển hình hóa trong hình tượng nghệ thuật, người nghệ sĩ cần có sự hư cấu. Tuy nhiên, sự hư cấu phải có hạn độ.
Tưởng tượng, hư cấu là thuộc tính của văn học, nghệ thuật và là quyền năng sáng tạo của văn nghệ sĩ, nhưng phải dựa trên nguyên tắc cao nhất là chân - thiện - mỹ. Hư cấu phải là sự tập hợp, sắp xếp, lựa chọn nhiều tài liệu từ một hay nhiều hiện tượng khác nhau mà tái tạo, tìm kiếm thông qua trí tưởng tượng để tạo dựng nên một sự vật, hiện tượng mới vừa riêng biệt vừa thể hiện được bản chất của cuộc sống. Trong sáng tạo nghệ thuật, bất kỳ tác phẩm nào cũng phải có hai phần: phần từ đời sống thực và phần hư cấu của văn nghệ sĩ. Hai phần này có vai trò, vị trí ngang nhau, không thể thiếu nhau và không thể đối lập, tách biệt nhau. Nếu tác giả nào đó chỉ quan tâm, đề cao phần đời sống thực thì tác phẩm ấy sẽ thành tư liệu lịch sử, ghi chép đời sống, không thể là nghệ thuật - sáng tạo. Ngược lại, nếu ai tự vỗ ngực cho rằng: tôi là văn nghệ sĩ, tôi sáng tác tác phẩm lịch sử, tôi không cần sự chuẩn xác của lịch sử, tôi chỉ cần hư cấu,... thì tác phẩm đó sẽ phi thực tế, phi lịch sử. Như vậy, họ sẽ đánh mất đi vai trò văn nghệ sĩ chân chính của chính mình.
Đối với đề tài về các anh hùng dân tộc, hư cấu được xem như một quy luật điển hình hóa trong văn học, nghệ thuật để có nhận thức sâu sắc hơn về bản thân họ, để hình tượng nghệ thuật - người anh hùng dân tộc sinh động hơn, điển hình hơn, khái quát hơn; nghĩa là mang những đặc điểm thẩm mỹ chân thực hơn mà không làm mất đi sự tự do sáng tạo của các văn nghệ sĩ. Hư cấu là để thỏa mãn nhu cầu khám phá bản chất thật, bản chất “người” của những nhân vật lịch sử là thần tượng của công chúng, nhưng phải giúp cho mọi người có cái nhìn toàn diện hơn, sâu sắc và nhân văn hơn.
Lịch sử hàng nghìn năm dựng nước, giữ nước của dân tộc Việt Nam đã sản sinh ra rất nhiều anh hùng giải phóng dân tộc và chống giặc ngoại xâm; họ cũng đồng thời là những danh nhân văn hóa, đại biểu của văn hóa dựng nước, giữ nước. Đó là những thần tượng trong lòng nhân dân, là sự phóng chiếu tư tưởng, đạo đức, khát vọng của cộng đồng; đồng thời, là chất liệu để dệt nên bản sắc văn hóa dân tộc Việt và cũng đặt ra bổn phận cho văn học - nghệ thuật. Đúng như cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã nói: cái cao quý của một đất nước, một dân tộc là ở giá trị văn hóa; văn học - nghệ thuật có nhiệm vụ và tác dụng to lớn trong việc sáng tạo nên những giá trị cao quý ấy. Theo đó, trong văn học - nghệ thuật, cái nhìn lý tưởng hóa đã xây dựng nên hình tượng nhân vật trung tâm với tư thế và vẻ đẹp hào hùng. Họ chính là hóa thân của một dân tộc anh hùng; mang trong mình những phẩm chất giản dị, bình thường mà phi thường về sức mạnh tinh thần. Cho nên, trong sáng tạo nghệ thuật, những anh hùng dân tộc cần được ghi nhận, mô tả như những con người đẹp nhất, lớn lao nhất, giàu tính chiến đấu nhưng không khiên cưỡng, xơ cứng, mà trở nên sinh động hơn, gần gũi hơn với đời thực, làm cho những hình tượng này đẹp lên trong con mắt của các thế hệ sau.
Sáng tác các loại hình văn học, nghệ thuật về các anh hùng dân tộc, trước hết tác giả phải có cái “tâm”, không được đem “tà tâm” gửi vào tác phẩm của mình. Bởi, sáng tác về các anh hùng dân tộc là sáng tác những hình tượng nghệ thuật, mà qua đó khái quát nên những quy luật lịch sử, những bài học nhân sinh một cách gián tiếp theo phương thức tiếp nhận đặc thù của nghệ thuật. Xây dựng hình tượng người anh hùng dân tộc trong các tác phẩm văn học, nghệ thuật là một hình thức giáo dục sinh động, dễ nhớ và gây ấn tượng sâu sắc để người đọc, người xem hiểu biết đầy đủ những giá trị lịch sử truyền thống của các thế hệ đi trước, xây dựng lòng tự hào, tự tôn dân tộc, ý thức, trách nhiệm tiếp tục phát huy giá trị truyền thống đó. Trên cơ sở quan điểm, lý tưởng thẩm mỹ và sự cảm nhận sâu sắc, lòng biết ơn, sự ngưỡng mộ những anh hùng dân tộc, bằng tài năng sáng tạo và trách nhiệm công dân của mình, văn nghệ sĩ cần tạo ra các tác phẩm văn học - nghệ thuật về những nhân vật lịch sử này để góp phần nâng cao nhận thức, giáo dục, định hướng cho con người vươn tới. Do đó, hư cấu về anh hùng dân tộc trong văn học, nghệ thuật tuyệt nhiên không phải là phóng đại, bịa đặt, gán ghép cho nhân vật lịch sử những chi tiết về tính cách, tình cảm, tư tưởng xa lạ. Ngược lại, hư cấu luôn phải được kiểm soát bằng lô-gic của nghệ thuật và lịch sử. Qua sự hư cấu hình tượng những anh hùng dân tộc mà tác động vào tư tưởng, tình cảm con người, tạo nên những ấn tượng sâu sắc, thấm thía, lâu bền; không gò bó, áp đặt, mà tự nguyện, tự giác, tự cảm hóa, khuyên răn con người. Đó là quá trình tự giáo dục, tự trải nghiệm, tự thừa nhận, tự điều chỉnh hành vi của mình theo những chuẩn mực đạo đức của các hình tượng nghệ thuật mà tác phẩm đó xây dựng nên. Con người sẽ tự rút ra bài học, tự điều chỉnh hành vi, lối sống để hoàn thiện mình hơn trong cuộc sống.
Là quốc gia có vị thế địa chính trị quan trọng, đất nước và con người Việt Nam luôn gắn liền với bề dày lịch sử hào hùng, với nhiều biến động, nhiều sự kiện, thời khắc cá nhân anh hùng mang dấu ấn thời đại. Ðây chính là nền tảng, là kho tư liệu vô giá để gợi mở nhiều cảm hứng sáng tác cho đội ngũ văn nghệ sĩ. Trong bầu không khí đổi mới của đất nước hơn 30 năm qua, văn học - nghệ thuật Việt Nam đã có những tác phẩm tìm tòi sáng tạo theo khuynh hướng này và đạt được những giá trị tư tưởng, giá trị nghệ thuật nhất định. Những tác phẩm ấy đã phần nào giúp công chúng tiệm cận gần hơn với các bậc vĩ nhân, anh hùng dân tộc, nhân vật lịch sử,… khi họ được miêu tả gần hơn với cuộc sống đời thường, để công chúng chiêm ngưỡng và học tập; qua đó, góp phần vun đắp cho một hiện tại tốt đẹp hơn. Nhưng thực tiễn sáng tạo văn chương nói chung, sáng tạo nghệ thuật về các anh hùng dân tộc nói riêng lại chưa đáp ứng được kỳ vọng của xã hội, của cộng đồng thưởng thức, chưa sánh vai được với một số quốc gia trong khu vực. Hiện nay, chúng ta đang thiếu hẳn tác phẩm lịch sử có giá trị nhân văn sâu sắc về các anh hùng dân tộc, như: “Lá cờ thêu sáu chữ vàng”, “Trăng nước Chương Dương”, “Ông trạng thả diều”, v.v. Trong khi đó, những tác phẩm như kiểu “Trở lại Lệ Chi Viên” của Nguyễn Thúy Ái1 đã hư cấu theo kiểu “thêm râu thêm ria” với những chi tiết xúc phạm Danh nhân văn hóa, Anh hùng dân tộc Nguyễn Trãi. Thật không thể chấp nhận được khi Nguyễn Trãi trong tác phẩm đó lại là con người háo danh, mưu mô với những mưu đồ chính trị đen tối, v.v. Thực chất, đây chính là sự lợi dụng văn học - nghệ thuật để xuyên tạc, bóp méo lịch sử, làm biến dạng anh hùng dân tộc, làm tầm thường hóa cái cao cả, gây tổn thương lương tri, đạo lý dân tộc. Và đó sẽ là những nhân tố, những điều kiện để các thế lực đen tối, phần tử phản động,... mượn cớ để xét lại lịch sử, phủ nhận truyền thống, đạo lý của dân tộc; dần dần làm phai nhạt, dẫn đến mất dần nền văn hóa tốt đẹp, truyền thống hào hùng hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước của nhân dân ta. Những tư tưởng, hành động đó cần được cả xã hội kiên quyết đấu tranh, lên án, làm cho chúng không có “mảnh đất dung thân”, để cùng nhau xây dựng một xã hội văn minh, hiện đại.
Mỗi công dân Việt Nam cần nêu cao tinh thần cảnh giác, nhận diện được âm mưu của của các thế lực thù địch và bọn phản động không để chúng lừa gạt, kích động, lôi kéo.
Trả lờiXóa