Nhập ngũ, lên đường làm nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc là trách nhiệm, nghĩa vụ và niềm tự hào của mỗi thanh niên Việt Nam.
Điều này đã được thể hiện rất rõ qua sự tình nguyện lên đường tòng quân của hàng chục triệu thanh niên Việt Nam trong các cuộc chiến tranh giải phóng và bảo vệ Tổ quốc. Trách nhiệm và niềm tự hào của tuổi trẻ trong nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc đã viết nên trang sử mang tính thời đại của thanh niên, tạo dựng nên truyền thống của thanh niên Việt Nam. Hiện nay, theo Luật Nghĩa vụ quân sự, tất cả các nam thanh niên trong độ tuổi quy định của luật, nếu có đủ điều kiện về sức khỏe và phẩm chất đạo đức thì đều có thể tham gia nhập ngũ, thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình, không phân biệt dân tộc, tôn giáo. Điều đó cho thấy việc quy định về gọi công dân nhập ngũ trong luật là rất công bằng, minh bạch và thực tế đã được các cấp ủy, chính quyền cơ sở ở khắp các địa phương tiến hành khá chu đáo.
Tuy nhiên, trong thực tế, những năm gần đây, dưới sự tác động của kinh tế thị trường và những thay đổi về tư duy trách nhiệm cá nhân trong xã hội, một bộ phận nhân dân, trong đó có một bộ phận thanh niên đã dần nhiễm lối sống thực dụng. Đứng trước những khó khăn, vất vả, họ bắt đầu so đo, tính toán thiệt hơn nên tinh thần sẵn sàng tình nguyện lên đường nhập ngũ đã bị ảnh hưởng. Trao đổi với một số cán bộ làm công tác tuyển quân ở cơ sở, chúng tôi được biết, cứ vào dịp cuối năm, khi công tác tuyển quân cho năm sau khởi động thì nhiều lúc họ “không dám nghe điện thoại”. Bởi trong đó có nhiều cuộc gọi không phải vì công việc mà là sự “nhờ vả”, xin tạm hoãn tuyển quân cho trường hợp này, trường hợp kia. Một phần nữa là hiện nay, các trường đại học, cao đẳng đang thu hút số lượng lớn thanh niên vào học tập. Theo quy định của Luật Nghĩa vụ quân sự thì tất cả các nam thanh niên khi đã được nhà trường tiếp nhận vào đào tạo chính quy thì đều thuộc diện tạm hoãn gọi nhập ngũ trong thời gian quy định của một khóa học. Điều này cũng phần nào làm ảnh hưởng tới nguồn tuyển quân ở các địa phương. Mặc dù luật cũng quy định kéo dài độ tuổi gọi nhập ngũ đối với các nam thanh niên đã tham gia đủ khóa học đại học, cao đẳng, nhưng việc quản lý nguồn nhập ngũ đối với các thanh niên này sau khi họ tốt nghiệp ra trường là không hề đơn giản. Còn một lý do khác khiến công tác tuyển quân gặp khó, đó là nhiều cơ quan, doanh nghiệp không sắp xếp trở lại công việc cho các thanh niên sau khi họ đã hoàn thành nghĩa vụ quân sự. Điều đó đã tác động không nhỏ đến tư tưởng, tình cảm, niềm tin của thanh niên trước khi nhập ngũ.
Hầu hết các quân nhân đều nhận định quân đội là một môi trường tốt để học tập, rèn luyện. Điều đó sẽ tốt hơn nếu tất cả các thanh niên có đủ điều kiện, tiêu chuẩn theo quy định của luật đều được nhập ngũ. Chính vì vậy, đã đến lúc cơ quan chức năng phải nghiên cứu, điều chỉnh lại Luật Nghĩa vụ quân sự, hướng tới việc mọi thanh niên Việt Nam không thuộc diện miễn gọi nhập ngũ thì đều được và đều phải thực hiện quyền, nghĩa vụ của mình như đã quy định trong Luật Nghĩa vụ quân sự. Chế độ cho các thanh niên nhập ngũ, thực hiện Luật Nghĩa vụ quân sự cũng đến lúc phải thay đổi, nhằm tạo ra sự cân bằng hơn về quyền lợi giữa người thực hiện luật và người thuộc diện miễn thực hiện luật. Sự động viên các thanh niên lên đường nhập ngũ là cần thiết, do đó cần có sự khích lệ bằng cả vật chất và tinh thần đối với các thanh niên tình nguyện lên đường nhập ngũ.
Động viên, đề cao niềm tự hào, bảo đảm tốt quyền lợi đối với thanh niên thì cũng phải nêu rõ trách nhiệm, nghĩa vụ của họ trong nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc. Cả hai vấn đề này phải thực hiện đồng bộ, không thể coi nhẹ mặt nào. Điều quan trọng là chúng ta phải tạo ra sự công bằng thực sự trong thực hiện Luật Nghĩa vụ quân sự thì lúc đó việc gọi thanh niên lên đường nhập ngũ tất sẽ thuận lợi hơn rất nhiều.
Thế hệ trẻ cần phát huy những thành tựu mà thế hệ đi trước đã đạt được
Trả lờiXóa