Kết quả khảo sát mới được Microsoft công bố cách đây ít ngày nhân ngày quốc tế An toàn Internet, theo đó VN nằm trong top 5 quốc gia có chỉ số văn minh thấp nhất trên không gian mạng, đang tạo nên nhiều ý kiến trái chiều trên mạng xã hội.
Những ý kiến phản đối cho rằng kết quả khảo sát này chỉ được tiến hành tại 25 nước trên thế giới và chỉ có 500 người tham gia ở mỗi nước nên kết quả không thể khách quan, chính xác. Nhiều người còn cho rằng Microsoft có định kiến với VN, nên có thể họ chọn những người theo ý họ, cách phỏng vấn có thể có gài bẫy và tại sao Microsoft lại chọn VN mà không phải nước khác để khảo sát…
Cũng có nhiều dân cư mạng trong nước chấp nhận kết quả khảo sát nói trên của Microsoft. Họ lập luận rằng, kết quả khảo sát này là dựa trên ý kiến của chính những người sử dụng MXH ở VN, chứ không phải là ý kiến chủ quan của những người đi khảo sát. Hơn nữa, đây đâu phải lần đầu Microsoft tiến hành khảo sát kiểu này và phương pháp khảo sát của họ dựa trên những căn cứ khoa học đã được kiểm nghiệm. Và quan trọng là Microsoft không có lí do gì để gây thù hằn với một thị trường đầy tiềm năng có gần 100 triệu dân và số người sử dụng Internet lên đến 65 triệu người như VN.
Quay trở lại với kết quả khảo sát của Microsoft: VN nằm trong top 5 quốc gia có chỉ số mức độ văn minh thấp nhất trên không gian mạng, đứng trên Nga, Columbia, Peru và Nam Phi. Các chủ đề mà người Việt hành xử thiếu văn minh trên không gian mạng gồm: các mối quan hệ tình cảm (48%), giới tính (48%), ngoại hình (35%), chủng tộc (23%) và quan điểm chính trị (23%). Đáng chú ý, nhiều người tham gia khảo sát cho biết họ gặp những hành vi thiếu văn minh trên không gian mạng không có chiều hướng giảm xuống trong thời gian gần đây.
Có một chi tiết đáng chú ý là ngay sau khi một facebooker đưa tin về kết quả khảo sát của Microsoft trên Facebook, không ít cư dân mạng trong nước đã phản ứng bằng những bình luận rất thiếu văn minh, thậm chí văng tục. Một vài bình luận dưới bài viết đã bị chụp lại và chia sẻ như một bằng chứng cho sự thiếu văn minh của chính người phản đối.
Thực tế là không ít người sử dụng MXH ở VN sẵn sàng dùng mọi từ ngữ nặng nề để biểu hiện sự tức giận của họ nếu họ cảm thấy không vừa lòng. Chỉ cần lướt qua MXH một lúc là có thể đánh giá được mức độ văn minh của dân cư mạng. Nhiều người rất thích “chửi mắng”, “lên lớp” cảnh sát giao thông dù không biết đúng sai thế nào; “ném đá” các trọng tài nếu xử ép đội bóng mà họ yêu thích; lừa đảo những người thiếu kinh nghiệm trên MXH; xuyên tạc, nói xấu chính quyền cả trong nước và nước ngoài dù không có thông tin chính xác; đưa nhiều thông tin, hình ảnh khiêu dâm, đồi trụy, cắt ghép với dụng ý xấu, sử dụng từ ngữ tục tĩu trên mạng xã hội; nhục mạ người khác vì một bức ảnh hay một video clip hoàn toàn mang tính cá nhân bị lộ lọt trên mạng đến nỗi người trong cuộc phải tìm đến cái chết…
Tuy nhiên, nói cho cùng thì đây cũng chỉ là một cuộc khảo sát qui mô nhỏ và dù Microsoft có khách quan đến mấy thì việc khảo sát chỉ tiến hành tại 25 nước và chỉ có 500 người mỗi nước tham gia trả lời phỏng vấn khó có thể đưa ra một câu trả lời chính xác là liệu văn minh mạng của người VN thực sự đang nằm ở vị trí nào trong tất cả các nước trên thế giới đang sử dụng mạng Internet. Nhưng dù sao cũng nên coi đó là lời cảnh báo nghiêm túc cho những người sử dụng mạng cũng như các nhà quản lý mạng trong nước.
VN là một quốc gia có tốc độ phát triển Internet vào loại nhanh nhất thế giới, đứng thứ 16 trên thế giới về số lượng người sử dụng Internet. Hy vọng là một tương lai không xa, mức độ văn minh mạng của người Việt sẽ tương xứng với vị trí của đất nước trên bản đồ Internet thế giới.
kết quả khảo sát này chưa thể nói là chính xác và hy vọng mức độ văn minh mạng của người Việt nam sẽ cao hơn
Trả lờiXóaNói cho cùng thì đây cũng chỉ là một cuộc khảo sát qui mô nhỏ và dù Microsoft có khách quan đến mấy thì việc khảo sát chỉ tiến hành tại 25 nước và chỉ có 500 người mỗi nước tham gia.
Trả lờiXóaMicrosoft nên nhớ, Việt Nam là một quốc gia có tốc độ phát triển Internet vào loại nhanh nhất thế giới, đứng thứ 16 trên thế giới về số lượng người sử dụng Internet.
Trả lờiXóaDù sao cũng nên coi đó là lời cảnh báo nghiêm túc cho những người sử dụng mạng cũng như các nhà quản lý mạng trong nước.
Trả lờiXóa