Social Icons

Pages

Thứ Tư, 26 tháng 2, 2020

Tại con Covid?

Gia đình tôi ở tại một căn hộ tầng 16 tòa chung cư mới xây ở Quận Nam Từ Liêm.
Ra Tết, vợ chồng tôi chọn ngày chủ nhật mời nhóm bạn thân tới nhà, gọi là uống chén rượu xuân với gia đình, nhưng kỳ thực, cả chủ và khách đều muốn nhân những ngày sau Tết chưa mấy bận rộn để hàn huyên.
11 giờ, tôi đón khách ở sảnh tầng 1.
Đang tay bắt mặt mừng, một người bạn bỗng thì thào: Này ông, có người Trung Quốc ở đây à?
Tôi hơi ngạc nhiên. Nhưng rồi chợt hiểu khi thấy bạn tôi dè dặt nhìn người đàn ông cao, to, mắt một mí, trong bộ đồ thể thao, cũng đang bước vào.
Thì ra, anh ta sợ lây Corona.
Hôm đó, dịch Corona (nay gọi là Covid-19) đã có ở TQ, nhưng chưa khốc liệt như bây giờ. Thông tin có, nhưng thưa thớt. Và nhìn chung, nó có vẻ chưa thành chuyện thật sự cần quan tâm nhiều. Nhưng có lẽ làm truyền thông, quá thạo tin nên bạn tôi cảnh giác.
Tôi vỗ vai, nói khẽ: Yên tâm đi. Cậu kia không phải Trung Quốc, mà là Hàn Quốc, thuê căn hộ sát căn hộ nhà tôi mà.
Mặt anh bạn tôi giãn ra, hết lo lắng: Hàn thì OK.

Rồi tôi, nhóm bạn, và anh chàng Hàn Quốc kia cùng vào thang máy lên tầng 16.
Trước khi vào căn hộ nhà mình, tôi nắm tay người hàng xóm nước ngoài chúc mừng năm mới và nhớ lại, vợ chồng anh, đôi khi cả cô con gái nhỏ nhắn xinh xắn gần như luôn là người gật đầu chào tôi trước với cái cười thật tươi khi gặp ở thang máy; nhớ lại, anh ta đã nhiệt tình như thế nào khi tôi nhờ tìm giúp tôi hộp thuốc nhuộm tóc màu đen tự nhiên trong đống hộp thuốc được bạn bè tặng đặc chữ Hàn mà tôi mù tịt; nhớ lại anh ta đã cẩn trọng nhặt, bỏ vào thùng rác cọng rau nhỏ xíu do một ai đó sơ ý làm vương trên hành lang.
Và tôi còn nhớ, tiếng nhạc bên nhà anh bao giờ cũng được chiết âm vừa phải để không làm phiền hàng xóm, chứ không thả hết cỡ như một gia đình trẻ người Việt khác ở cùng dãy.
Khi biết tôi cũng đã đôi lần du lịch tới Seoul, Busan, vợ chồng anh rất vui, nhất là khi tôi nói rằng, sau chuyến du lịch, kim chi cay bỗng thành món không thể thiếu trong mâm cơm của gia đình tôi.
Bẵng hơn 2 tuần, Covid – 19 trở thành câu chuyện khác hẳn.
Cứ ngỡ nó chỉ phá phách chủ yếu ở Vũ Hán, Trung Quốc. Có chui lủi, len lỏi đi đâu cũng khó. Là bởi, các nước giám sát, phòng ngừa nghiêm ngặt đến thế kia mà.
Vậy mà không: nó đã đi tới hơn 30 quốc gia, vùng lãnh thổ, gây nên thảm họa thực sự mang tính toàn cầu. Và tới thời điểm này, Hàn Quốc bỗng thành ổ dịch lớn thứ hai thế giới với số người nhiễm bệnh ở từ 56 lên 763 chỉ trong có 4 ngày; 7 người đã tử vong.
Chiều qua, đi làm về, trong bữa cơm tối, sau tin về diễn biến mới của Covid-19, vợ tôi nói, giọng nghiêm trọng: Từ nay, nhà mình cẩn thận nhé. Với Covid ấy.
Thì vẫn cẩn thận chứ sao – tôi đáp.
Không – Vợ tôi bỗng hạ giọng, thì thào: Cẩn thận với nhà bên kia kìa. Tiếp xúc vừa thôi. Đừng đứng gần họ, đừng bắt tay họ. Lỡ…!
Thì ra, vợ tôi cảnh giác với gia đình người Hàn Quốc hàng xóm.
Tôi bất ngờ, nhưng thừa nhận, vợ mình có lý một phần.
Ai biết được, hằng ngày, vợ chồng người Hàn Quốc kia tiếp xúc với những ai trong số hàng chục nghìn người đồng hương của họ đang ở Hà Nội. Và trong những người họ tiếp xúc, ai là người mới từ Hàn Quốc sang ? Người đó có qua lại thành phố Daegu và huyện Cheongdo – hai nơi trọng điểm dịch – bên quê hương họ hay không ?,v.v…
Tôi không quá lo lắng, nhưng vẫn tự dặn mình cẩn thận hơn khi gặp gia đình Hàn Quốc hàng xóm tốt bụng mà tôi rất quý mến.
Tuy nhiên, sự đề phòng của tôi đã thừa.
Sáng ngày kế tiếp, giờ đi làm, tôi, vợ chồng người Hàn Quốc và vài người ở các căn hộ cùng tầng cùng vào thang máy. Tất cả đeo khẩu trang.
Tôi nhận thấy rõ, những người hàng xóm VN của tôi như cùng nhìn vợ chồng người Hàn Quốc một cách khác lạ. Không ai bảo ai, họ cùng nhích về một bên, để cho hai người Hàn Quốc cả nửa thang máy, cho dù ca bin thang khá hẹp. Và các nụ cười đanh cho nhau hôm nay như cùng biên mất.
Dĩ nhiên vợ chồng người Hàn Quốc đủ nhạy cảm để biết tại sao mọi người lại “nhường” chỗ cho mình.
Ánh mắt tươi tắn của họ bỗng trở nên u buồn.
Không ai bảo ai, cả hai vợ chồng cùng ngước nhìn lên, lảng tránh những cái nhìn cảnh giác, có phần kỳ thị, ghẻ lạnh của những người hàng xóm – những người mà chỉ mới vài ngày qua thôi, còn dành cho họ sự cởi mở, vồn vã !

4 nhận xét:

  1. nên phòng bệnh chứ không nên kỳ thị

    Trả lờiXóa
  2. Không nên kỳ thị với người nước ngoài như vậy; Việt Nam luôn chào đón người nước ngoài.

    Trả lờiXóa
  3. Bệnh dịch không phải ở đâu xa mà đã ở ngay sát mọi người, vì vậy mọi người dân hãy tự bảo vệ mình và mọi người xung quanh. Tuy nhiên không nên kỳ thị với người nước ngoài.

    Trả lờiXóa
  4. Trong cơn hoạn nạn mới hiểu lòng nhau; đây là câu nói thường thấy mọi người nói; nhưng lúc này mới thấy rõ nét nhất. Vậy nên ứng xử đẹp với mọi người.

    Trả lờiXóa