Ga Ry là một trong những xã khó khăn và xa nhất của huyện Tây Giang, tỉnh Quảng Nam. Người ta ví von rằng, lên Ga Ry là lên “cổng trời” vì xã nằm ở độ cao gần 2.000m so với mực nước biển. Nơi ấy có những người chiến sĩ Biên phòng đang ngày đêm bảo vệ Tổ quốc, gắn bó với dân bản, mang ánh sáng văn hóa đến cho đồng bào dân tộc Cơ Tu...
Đồn Biên phòng Ga Ry phụ trách địa bàn 2 xã Ga Ry và Ch'ơm, có 27,33km đường biên giới giáp 2 huyện Đắc Chưng và Kà Lừm của nước bạn Lào. Nơi đây chủ yếu là đồi núi, sông suối, dân cư phần lớn là đồng bào dân tộc Cơ Tu, cuộc sống của bà con còn nhiều khó khăn.
Trung tá Hoàng Thanh Hà, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Ga Ry, Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Nam cho biết, đóng quân ở địa bàn xa xôi, khó khăn nhất của tỉnh nhưng đơn vị luôn chấp hành nghiêm kỷ luật quân đội; triển khai đồng bộ, toàn diện các biện pháp công tác biên phòng, xây dựng đơn vị nền nếp chính quy và huấn luyện sẵn sàng chiến đấu. Cán bộ, chiến sĩ đơn vị luôn nắm chắc tình hình địa bàn, duy trì thường xuyên việc tuần tra biên giới; phối hợp chặt chẽ với các lực lượng xử lý, giải quyết kịp thời các vụ việc xảy ra trên địa bàn, không để nảy sinh phức tạp...
Thắm tình quân dân nơi đầu nguồn biên giới
Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Ga Ry giúp đỡ nhân dân phát triển kinh tế.
Ngoài ra, cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Ga Ry luôn kiên trì bám địa bàn, gần gũi, giúp đỡ nhân dân và vận động bà con tham gia bảo vệ biên giới, củng cố, xây dựng quê hương ngày càng ổn định và phát triển. Đồn Biên phòng Ga Ry đã cử 9 đảng viên về tham gia sinh hoạt Đảng tại các chi bộ thôn của 2 xã. Đơn vị đã tích cực đẩy mạnh công tác dân vận, tuyên truyền, vận động nhân dân chấp hành tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; đồng thời, giúp bà con biết cách phát triển kinh tế bằng chăn nuôi, trồng trọt hiệu quả.
Trong những năm qua, đơn vị đã cử quân y tổ chức hàng trăm lượt khám, chữa bệnh, cấp phát thuốc miễn phí cho nhân dân và cứu chữa được nhiều ca bệnh hiểm nghèo, tạo được niềm tin với bà con. Thượng úy Nguyễn Trọng Thế, nhân viên quân y Đồn Biên phòng Ga Ry cho biết: “Anh em đơn vị luôn xác định rõ trách nhiệm vì nhân dân phục vụ. Vì vậy, bà con có vấn đề gì, hay đau ốm là anh em có mặt ngay để giúp đỡ. Quân y đơn vị còn phối hợp với Trạm y tế hai xã Ga Ry, Ch’ơm và Trung tâm y tế huyện làm tốt công tác quân dân y kết hợp, kịp thời cấp cứu, điều trị cho bà con trên địa bàn và nhân dân nước bạn Lào”.
Thắm tình quân dân nơi đầu nguồn biên giới
Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Ga Ry với nhân dân địa phương.
Trong những năm gần đây, thực hiện Chương trình “Nâng bước em tới trường”, “Con nuôi Đồn Biên phòng”, đơn vị đã đỡ đầu nhiều em học sinh trên địa bàn và ở bản giáp biên của nước bạn Lào có hoàn cảnh khó khăn, giúp các em vươn lên trong học tập. Em Cor Nhíu, ở thôn Pưl, xã Ga Ry, học lớp 9, Trường Dân tộc nội trú Trung học cơ sở Tây Giang là một trong 5 em được cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Ga Ry nhận đỡ đầu. Nhờ đó, bây giờ Nhíu học khá lên rất nhiều. “Các chú Đồn Biên phòng hằng tháng, giúp đỡ, tạo điều kiện cho em được học hành, em rất biết ơn. Em hứa sẽ học tập thật tốt để không phụ lòng các chú và cha mẹ, thầy cô” - Cor Nhíu tâm sự.
Những năm qua, Đồn Biên phòng Ga Ry còn có những việc làm ý nghĩa, nhân văn như: Thăm hỏi, động viên đối với các gia đình chính sách, nhận phụng dưỡng Bà mẹ Việt Nam anh hùng, xây dựng “Mái ấm cho đồng bào nghèo nơi biên giới”. Bà Zơrâm Thị Đam, thôn APol rất vui mừng khi được cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Ga Ry góp công, góp của làm cho một ngôi nhà. Bà cho biết: “Nhờ BĐBP tận tình giúp đỡ, cho mế một ngôi nhà khang trang. Bây giờ nắng, mưa không lo gì nữa... Mế không biết nói gì hơn, cảm ơn BĐBP nhiều lắm...”.
Chủ tịch UBND xã Ch’ơm Bríu Hồ cho biết, trước đây, theo tập quán, bà con Cơ Tu thường sinh sống phân tán sâu trong rừng, đường đi lại tới các thôn bị cách trở, nên còn nhiều hủ tục. Nhờ sự kiên trì vận động của cán bộ Biên phòng và chính quyền địa phương, những hủ tục trong ma chay, cưới hỏi, tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống trong đồng bào đã dần được xóa bỏ. Những đám cưới ở trong xã không còn phần "đòi của" từ nhà gái đối với nhà trai, không tổ chức đâm trâu, mổ bò, ăn uống linh đình kéo dài nhiều ngày...
“Từ khi Đồn Ga Ry được thành lập, quản lý địa bàn 2 xã Ga Ry và Ch'ơm, cán bộ, chiến sĩ đã giúp cho 2 địa phương chuyển biến tích cực về kinh tế, văn hóa, xã hội, giữ vững chủ quyền, an ninh biên giới... Địa phương cũng phối hợp tham gia rất tốt với đồn trong việc tuần tra bảo vệ đường biên, cột mốc...” - ông Bríu Hồ nói.
Những việc làm thiết thực của cán bộ, chiến sĩ Đồn Ga Ry đã để lại nhiều dấu ấn tốt đẹp trong lòng dân, giúp bà con biên giới xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống, củng cố lòng tin của nhân dân các dân tộc đối với Đảng, Nhà nước và quân đội... tạo được niềm tin và sự gắn bó, đoàn kết giữa nhân dân và Bộ đội Biên phòng. Cấp ủy, chính quyền địa phương và nhân dân trên địa bàn đã xem các anh như người nhà, người con của bản làng. Và cũng chính tình quân dân thắm thiết mà bà con đã hỗ trợ đồn Biên phòng trong việc xây dựng, bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia.
Bài và ảnh: HỒNG ANH
Quân với dân lúc nào cũng như cá với nước
Trả lờiXóa