Biên phòng - An Giang là tỉnh có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về quân sự, quốc phòng của khu vực miền Tây Nam bộ. Trong năm qua, quán triệt đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về nhiệm vụ quản lý, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia; Tỉnh ủy, HÐND, UBND tỉnh An Giang đã có nhiều chủ trương, biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo lực lượng BĐBP tỉnh phát huy vai trò chuyên trách trong quản lý, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia, xây dựng thế trận Biên phòng toàn dân trong thế trận Quốc phòng toàn dân gắn với thế trận An ninh nhân dân vững chắc.
Xây dựng “cột mốc lòng dân”
Biên giới An Giang dài gần 100km, có 2 cửa khẩu quốc tế, 2 cửa khẩu chính, 1 cửa khẩu phụ, với nhiều đường mòn, hệ thống sông, kênh, rạch chạy qua biên giới, rất thuận lợi cho việc qua lại hai bên biên giới. Nơi đây có 4 dân tộc Kinh, Hoa, Chăm, Khmer cùng sinh sống; là địa bàn đa tôn giáo, trong đó, Phật giáo và Phật giáo Hòa Hảo là 2 tôn giáo chiếm đa số.
Nhận thức rõ ý nghĩa, tầm quan trọng của việc tổ chức “Ngày Biên phòng toàn dân”, Tỉnh ủy, HÐND, UBND tỉnh đã lãnh đạo, chỉ đạo các cấp ủy đảng, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể tỉnh đề ra các biện pháp phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng - an ninh ở khu vực biên giới; kịp thời động viên, giáo dục đồng bào các dân tộc trong tỉnh nói chung và nhân dân ở khu vực biên giới nói riêng tích cực tham gia xây dựng và bảo vệ biên giới vững mạnh với phương châm “Tất cả hướng về biên giới”.
Cùng với đó, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã chỉ đạo lực lượng BĐBP phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể, các lực lượng đứng chân trên địa bàn làm tốt công tác tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, quy định của địa phương; tuyên truyền các văn bản pháp luật về Quy chế khu vực biên giới gắn với tuyên truyền 5 nội dung “Ngày Biên phòng toàn dân”; Chỉ thị số 01/CT-TTg ngày 9-1-2015 của Thủ tướng Chính phủ “Về việc tổ chức phong trào toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới”...
Năm 2019, BĐBP An Giang độc lập và phối hợp bắt giữ 8 vụ/15 đối tượng vận chuyển, tàng trữ trái phép các chất ma túy, tang vật thu giữ 28,99kg ma túy các loại; đồng thời, BĐBP tỉnh cũng độc lập và phối hợp bắt giữ 350 vụ/73 đối tượng buôn lậu, gian lận thương mại, thu giữ tổng trị giá hàng hóa khoảng 20 tỷ đồng.
Quán triệt phương châm “Mỗi người dân là một cột mốc sống” ở khu vực biên giới, BĐBP tỉnh đã phối hợp với các sở, ban, ngành, đoàn thể và chính quyền địa phương triển khai thực hiện phong trào toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia. Thông qua đó, đã xuất hiện nhiều mô hình, cách làm sáng tạo, như: “Tổ tự quản đường biên, mốc quốc giới”, “Tổ phụ nữ tự quản đường biên, mốc quốc giới”, “Tổ tự quản an ninh trật tự khóm, ấp”, phong trào “Thanh niên làm chủ biên giới”... Các huyện, thị xã, thành phố thường xuyên duy trì được 98 tổ/73 khóm, ấp giáp biên về tự quản đường biên, cột mốc và 855/855 hộ dân có đất sản xuất giáp biên giới ký kết với BĐBP và chính quyền địa phương tham gia bảo vệ đường biên, cột mốc và giữ gìn an ninh trật tự khóm, ấp khu vực biên giới. Đến nay, UBND các huyện, thị xã, thành phố biên giới đã ra Quyết định công nhận 51 tập thể, 1.287 hộ gia đình, 1.588 cá nhân, 8 tổ Honda ôm đăng ký tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia; xây dựng được 21 hòm thư tố giác tội phạm ở các địa bàn dân cư khu vực biên giới.
Cùng với đó, Tỉnh ủy, UBND tỉnh chỉ đạo BĐBP tỉnh thực hiện đồng bộ các biện pháp công tác Biên phòng; thực hiện tốt công tác bảo vệ biên giới và sẵn sàng chiến đấu. Các lực lượng và nhân dân trong tỉnh quyết tâm giữ vững độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, xử lý dứt điểm các tình huống xảy ra trên biên giới, không để bị động, bất ngờ; phối hợp nắm chắc tình hình, chủ động đấu tranh trấn áp các loại tội phạm, đấu tranh triệt phá nhiều chuyên án, vụ án quan trọng liên quan đến các loại tội phạm.
Diện mạo tươi mới vùng biên
Hiện nay, tình hình kinh tế - văn hóa - xã hội của các địa phương vùng biên giới tỉnh An Giang phát triển theo hướng tích cực. Hoạt động kinh tế biên mậu phát triển đã kéo theo nhiều dịch vụ ra đời, góp phần tăng thu nhập, tạo công ăn việc làm cho người dân vùng biên giới, vùng đồng bào dân tộc. Cơ cấu kinh tế ở 18 xã, phường, thị trấn biên giới giảm dần tỷ trọng nông nghiệp và tăng tỷ trọng công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ, năng suất lúa bình quân đạt 6,18 tấn/ha. Tỉnh An Giang tiếp tục khẳng định là địa phương đứng đầu về kim ngạch xuất, nhập khẩu trong 10 tỉnh biên giới tiếp giáp Campuchia.
Thực hiện các Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, “Cả nước chung tay vì người nghèo – Không để ai bị bỏ lại phía sau”, bộ mặt nông thôn biên giới ở An Giang đã có nhiều tiến bộ, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân ngày càng được nâng cao. Các đơn vị BĐBP đã phối hợp với địa phương thực hiện nhiều phong trào, mô hình hay, cách làm sáng tạo, đạt được nhiều kết quả tích cực, tạo hiệu ứng xã hội sâu rộng, được các cấp ủy, chính quyền và nhân dân địa phương ghi nhận, đánh giá cao. Tiêu biểu như các mô hình: “Mái ấm biên cương”, “Bò giống giúp người nghèo biên giới”, “Xuân Biên phòng ấm lòng dân bản”, “Hũ gạo tình thương”, “Thầy thuốc quân hàm xanh”, “Nâng bước em tới trường”, “Con nuôi đồn Biên phòng”, “Cán bộ Biên phòng tăng cường xã”...
Bên cạnh đó, thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” gắn với thực hiện mô hình “Điểm sáng văn hóa biên giới” trên địa bàn biên giới tỉnh An Giang đã góp phần xây dựng cộng đồng ổn định về chính trị, phát triển về kinh tế, văn hóa, xã hội. Các huyện, thị xã, thành phố biên giới tổ chức nhiều hoạt động văn hoá truyền thống của từng địa phương như: Huyện An Phú tổ chức Lễ hội mùa nước nổi Búng Bình Thiên; huyện Tri Tôn, Tịnh Biên nhân dịp lễ Sen Dolta của đồng bào Khmer, luân phiên đăng cai tổ chức Lễ hội đua bò truyền thống Bảy Núi; thành phố Châu Đốc tổ chức Lễ hội quốc gia Vía Bà Chúa Xứ Núi Sam... Đến nay, trên địa bàn biên giới toàn tỉnh có 42.350 hộ gia đình văn hóa và 60 khóm, ấp văn hóa, 5 xã văn hóa; 42 khóm, ấp đạt chuẩn “Điểm sáng văn hóa biên giới” gắn với 11 đồn Biên phòng; 14/14 cơ quan, đơn vị thuộc BĐBP đạt chuẩn văn hóa.
Phát huy những thành tích đã đạt được, thời gian tới, Tỉnh ủy, UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo các cấp, các ngành, các lực lượng phối hợp với BĐBP tỉnh tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục để nhân dân hiểu rõ hơn ý nghĩa, tầm quan trọng của “Ngày Biên phòng toàn dân”; hướng dẫn người dân tham gia quản lý, bảo vệ biên giới. Tiếp tục nâng cao hiệu quả chương trình phối hợp giữa BĐBP với các ban, ngành, đoàn thể tham gia phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, xây dựng BĐBP vững mạnh toàn diện, hoàn thành tốt nhiệm vụ trong mọi tình huống. Đồng thời, các cấp, các ngành, các lực lượng tăng cường các hoạt động đối ngoại, nhất là đối ngoại nhân dân để giữ vững và phát huy tình đoàn kết, hữu nghị với chính quyền, lực lượng vũ trang và nhân dân Campuchia phía đối diện.
Ðồng chí Nguyễn Thanh Bình, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang thăm Bộ Chỉ huy BĐBP An Giang.
Bài viết rất hay, cảm ơn tác giả
Trả lờiXóa