Bên cột mốc chủ quyền của đảo An Bang, nơi lời ca quyện với tiếng đàn, tiếng sóng xô bờ dưới bóng mát của những gốc bàng vuông, lòng người rung lên một cảm xúc bồi hồi đến lạ.
Ai đã một lần đặt chân đến hòn đảo An Bang xinh đẹp nơi quần đảo Trường Sa thiêng liêng của Tổ quốc đều thấm thía nỗi niềm khắc nghiệt nơi đảo xa. Có thể vào được An Bang không phải là điều dễ dàng. Chính vì thế trong chuyến công tác vừa rồi, chúng tôi đã phải thay đổi toàn bộ lịch trình bởi: Biển ít động, có thể tiến vào An Bang trong ngày mai.
An Bang qua lời kể của đồng nghiệp, qua thông tin báo, đài vẫn vẹn nguyên, có chăng là cảm xúc của lữ khách. Dù là ở thời điểm nào cũng khó có thể diễn tả hết qua câu từ. Đặt bước chân đầu tiên lên bờ cát, việc đầu tiên tôi làm là lắng nghe. Tiếng sóng dội vào từ tứ phía, ầm ầm, cứ thế kéo dài mãi. Tôi vô tình nghe được trung úy Nguyễn Duy Hải (quê Nghệ An) vu vơ hát trong lúc chờ đón kéo xuồng vào đảo: Chúng tôi là chiến sĩ hải quân, dũng cảm kiên cường và bất khuất. Hải quân Việt Nam thật tươi đẹp, bao nhiêu người mến thương…
Đó là lời ca khúc “Những trái tim trên đảo An Bang” do chiến sĩ trẻ quê ở Ninh Hòa (Khánh Hòa) tên Đặng Bảo Tấn viết nên. Tấn là chiến sĩ nhận nhiệm vụ tại đảo nay cũng vừa tròn một năm. Cảm xúc đã được nuôi dưỡng từ chính tình cảm của mình từ ngày đầu đặt chân lên đảo thực hiện nhiệm vụ được bày tỏ cùng với cây đàn guitar. Những “trái tim” trên đảo An Bang, không gì khác là trái tim những người lính đảo, người chiến sĩ hải quân mang trong mình tình yêu quê hương, đất nước.
Trung úy Nguyễn Duy Hải cho biết, ngoài những bài hát về biển đảo thì các ca khúc của Tấn được anh em chiến sĩ yêu thích, bởi chúng như nói lên tiếng lòng của những người đã và đang công tác trên hòn đảo xinh đẹp này. Chỉ cần nghe vài lần là hầu như mọi người đã thuộc làu. Mỗi lần liên hoan văn nghệ trên đảo thì đều đưa vào để vừa đàn, vừa hát.
Chúng tôi may mắn được nghe Đặng Bảo Tấn đàn, hát ngay bên cột mốc chủ quyền, trước lúc cùng cậu tiếp tục hành trình, chia tay đảo. Tấn bảo rằng ở An Bang, nơi cách xa đất liền hàng trăm hải lý, anh em chiến sĩ chẳng có nhiều hoạt động giải trí nên bên cạnh những giờ huấn luyện, tăng gia họ cùng ngồi lại với nhau. Cây đàn theo Tấn suốt những ngày tháng sinh viên giờ trở thành người bạn tâm tình trong những năm tháng huấn luyện, cả trong bờ và ngoài đảo, chất chứa bao tâm sự vui, buồn.
Những ngày ở An Bang, Bảo Tấn đã sáng tác được 3 ca khúc. Đôi tay người chiến sĩ trẻ thoăn thoắt trên những dây đàn, âm thanh giữa trùng khơi âm vang đến lạ. Tiếng đàn quyện vào tiếng sóng, giọng hát trầm ấm cất lên giữa bầu trời biển đảo, linh thiêng. Tấn đàn, Thịnh hát, mọi người ngồi chung quanh cùng hòa nhịp như một sợi dây vô hình kết nối tình cảm đồng chí, đồng đội.
Đặng Bảo Tấn chưa một ngày học nhạc, với chiếc đàn guitar đã phần nào bị mài mòn bởi hơi mặn muối biển, Tấn tự đánh đàn ghi ta tạo nhịp trước sau đó mới viết lời. Một cách vu vơ, thấy nhịp nào hay thì đánh, thấy hợp thì ráp vào. Hẳn nhiên, ca khúc không dựa trên bất kỳ một quy luật nào. Ngày trở về, trong Tấn vẫn giữ mãi một nỗi niềm khắc khoải: “Mình cảm giác mình yêu đảo, khi về đất liền mình nhớ lắm. Quê mình cũng có biển, nhưng ngồi bên bờ biển quê nhà mà lòng nhớ đảo xa cùng những người đồng đội gắn bó suốt quãng thời gian không thể nào nguôi. Nó là một phần ký ức tươi đẹp trong tuổi trẻ của mình”.
Đại úy Nguyễn Toàn Thắng - Chính trị viên đảo An Bang chia sẻ rằng trong điều kiện khắc nghiệt, thiếu thốn trên đảo thì những lời ca, tiếng hát đã làm phong phú thêm đời sống tinh thần của cán bộ, chiến sĩ.
Trong tất cả những người chiến sĩ trẻ luôn mang một tinh thần nhiệt huyết, sôi nổi. Dường như những chàng thanh niên độ tuổi mười tám, đôi mươi đã cảm nhận được tình yêu biển đảo lớn lao nên đã rất gắn bó với đơn vị, đoàn kết với nhau mặc dù điều kiện thời tiết, cơ sở vật chất còn khó khăn. Mỗi người mỗi quê hương nhưng gắn bó với nhau thân thiết như thành viên trong gia đình.
“Khi trở về, tất cả sẽ còn được nhớ mãi, như một kỷ niệm đẹp suốt quãng thời gian trên đảo. Những bài hát của Tấn sẽ trở thành bài hát thường ngày của cán bộ, chiến sĩ, và sẽ còn lưu lại rất lâu về sau nữa, cho các thế hệ tiếp theo. Để từ đó, niềm tự hào về những ngày công tác trên đảo còn mãi trong trái tim những người trở về từ An Bang”, Đại úy Nguyễn Toàn Thắng chia sẻ.
Hà Thanh
Nguồn: Báo Lâm Đồng
Nguồn: Báo Lâm Đồng
Cất cao tiếng hát trước khi rời đảo
Bài viết rất hay, tôi rất thích
Trả lờiXóa