Social Icons

Pages

Thứ Sáu, 24 tháng 4, 2020

ĐƯỜNG HỒ CHÍ MINH-CON ĐƯỜNG HUYẾT MẠNH, NIỀM TỰ HÀO CỦA DÂN TỘC VIỆT NAM

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, đường Hồ Chí Minh là con đường thể hiện ý chí quyết chiến, quyết thắng, lòng dũng cảm và khí phách một dân tộc anh hùng.
Nhà nghiên cứu lịch sử quân sự Jacques C. Despuech từng nhận xét: "Toàn bộ con đường mòn Hồ Chí Minh mà người ta nói hôm nay là tổng kết của hàng thế kỷ đấu tranh và áp bức, con đường ấy có sức sống mãnh liệt vì nó tượng trưng cho sức chiến đấu của cả một dân tộc”. Và trong hơn 60 năm, trải qua hết bom đạn chiến tranh, cho đến ngày hòa bình xây dựng đất nước, từ một “đường mòn”, con đường mang tên vị lãnh tụ Hồ Chí Minh đã trở thành tuyến huyết mạch nối liền 2 đầu đất nước, thành biểu tượng của khí phách anh hùng, bản lĩnh, trí tuệ dân tộc Việt Nam.
Con đường mòn bất khả xâm phạm
Hiệp Định Gieneve tạm thời chia cắt đất nước ta làm hai miền. Miền Bắc đi lên chủ nghĩa xã hội, đồng thời là hậu phương cho tiền tuyến miền Nam giành lại chính quyền đang đặt dưới sự cai trị Ngụy quyền và đế quốc Mỹ. Yêu cầu ngày càng cao của mặt trận miền Nam đặt ra nhu cầu bức thiết về một tuyến vận chuyển đảm bảo được nhân lực, vật lực cho tiền tuyến.
Con đường mòn xuyên dãy Trường Sơn đã được sử dụng từ thời kháng chiến chống thực dân Pháp. Những đoàn quân chiến đấu, những chuyến xe thồ, những gùi lượng thực, đạn dược đã theo con đường này tỏa ra các mặt trận từ Bắc đến Nam. Tuy nhiên, quy mô của nó không thể đáp ứng được sự chi viện cho cách mạng miền Nam đang ngày càng lớn mạnh.
Sau khi nghiên cứu kỹ lưỡng, ngày 19.5.1959, Bộ Chính trị Trung ương Đảng quyết định thành lập Đoàn 559 để xây dựng đường Trường Sơn thành tuyến chi viện chiến lược, chuyển nhân lực, vật lực từ miền Bắc vào phục vụ cách mạng miền Nam, cũng như cách mạng Lào và Campuchia. Do ngày thành lập Đoàn 559 trùng với ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh, từ đây, con đường Trường Sơn được mang tên “Đường Hồ Chí Minh” – cái tên đi vào lịch sử như một huyền thoại sống về ý chí và trí tuệ, bản lĩnh của quân và dân Việt Nam.
Đoàn 559 có nhiệm vụ vừa vận chuyển, vừa mở đường hành quân. Với phương châm "đi không dấu, nấu không khói, nói không tiếng" để đảm bảo bí mật tối đa, Đoàn thậm chí còn dùng ván gỗ để khi đi không để lại dấu vết trên đất rừng. Sau 3 tháng mở đường, ngày 13.8.1959, chuyến hàng đầu tiên vượt Trường Sơn được chính thức bàn giao cho chiến trường Trị Thiên. Đây là dấu mốc có ý nghĩa to lớn đối với cách mạng Việt Nam, vì mỗi khẩu súng, viên đạn đến với chiến trường là thể hiện “ý Đảng”, “lòng dân”, là tình cảm của Bác Hồ kính yêu, của nhân dân miền bắc gửi tới đồng bào, chiến sĩ miền Nam ruột thịt.
Với tinh thần quả cảm, sáng tạo và sự nỗ lực phi thường của Đoàn 559, hệ thống đường Hồ Chí Minh phát triển nhanh chóng, thực hiện được yêu cầu vận chuyển quy mô lớn mà Quân ủy Trung ương giao. Đường Hồ Chí Minh trở thành tuyến vận tải chiến lược không thể chia cắt của quân đội ta, phát huy cao độ ý chí “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”, “sống bám đường, chết kiên cường dũng cảm”, hay “máu có thể đổ, đường không thể tắc”. Trong giai đoạn đầu, hàng hóa được vận chuyển bằng xe đạp thồ, xe bò. Đến tháng 12.1961, xe cơ giới bắt đầu được đưa vào phục vụ và sau đó tăng lên nhanh chóng. Trong 16 năm (1959-1975) Bộ đội Trường Sơn đã cùng quân, dân các chiến trường từng bước xây dựng con đường thành một mạng lưới giao thông liên hoàn, vững chắc xuyên qua 21 tỉnh trên lãnh thổ 3 nước, với tổng chiều dài 20.000 km đường ô tô, 60 km đường sông, 1.400 km đường ống dẫn dầu, 1.500 km đường dây thông tin. Bảo đảm cho hơn 1,1 triệu lượt cán bộ, chiến sỹ đi vào chiến trường miền Nam và các hướng mặt trận lớn; đưa 650.000 lượt cán bộ, chiến sỹ từ các chiến trường về hậu phương miền Bắc, trong đó có gần 310.000 thương binh, bệnh binh; tổ chức vận chuyển trên 1,5 triệu tấn hàng hóa và 5,5 triệu tấn xăng dầu chi viện cho miền Nam. Các khu tập kết cũng là vùng hậu phương trực tiếp của các chiến trường, là bàn đạp xuất kích đã được chuẩn bị sẵn cho các binh đoàn chủ lực tiến công ra các hướng chiến dịch, chiến lược quan trọng, góp phần quyết định thực hiện thành công chiến lược: giành thắng lợi từng bước, tiến tới giành thắng lợi hoàn toàn trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.
Nói đến Đường Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh, chúng ta không thể không nhắc đến lực lượng thanh niên xung phong với nhiệm vụ mở đường, bảo đảm giao thông vận tải và sẵn sàng bổ sung cho lực lượng quân đội khi cần thiết. Những chiến công, thành tích của lực lượng thanh niên xung phong đã góp phần to lớn vào chiến công chung của dân tộc, cùng với các lực lượng ngành giao thông vận tải, bộ đội công binh, làm nên những con đường chiến lược, nối liền mạch máu giao thông, như: Đường Đông Trường Sơn, Tây Trường Sơn, Đường 20 Quyết Thắng, Ngã ba Đồng Lộc (Hà Tĩnh), Truông Bồn (Nghệ An), cua chữ A…
Đối với Việt Nam, đường Hồ Chí Minh là công trình giao thông có ý nghĩa sống còn, là mạch máu nối liền hai miền Nam-Bắc. Đối với kẻ thù, đó là mũi tên khoan thẳng vào lòng địch, khiến chúng khiếp sợ và tìm mọi cách tàn phá. Đường Hồ Chí Minh đã trở thành chiến trường thử nghiệm chiến lược “chiến tranh ngăn chặn”, “chiến tranh bóp nghẹt” của nền khoa học - công nghệ cao Hoa Kỳ như hệ thống “Hàng rào điện tử McNamara”. Trong hơn 10 năm, hàng trăm lượt máy bay Mỹ đã rải hàng triệu lít chất độc hóa học dọc tuyến hành lang vận chuyển. Trong 8 triệu tấn bom Mỹ mà Việt Nam phải hứng chịu, gần 4 triệu tấn được rải xuống nhằm phá đường, phá xe, hủy diệt mọi sự sống trên cung đường này.
Tuy nhiên, điều làm Mỹ bất lực là đường Hồ Chí Minh không những không bị cắt đứt, mà ngày càng trở nên tinh vi và hoàn thiện hơn. Người Mỹ coi những sự đau khổ của họ “bắt nguồn chủ yếu từ con đường mòn bất khả xâm phạm này” và Quân đội Hoa Kỳ phải thừa nhận, đường Trường Sơn là "một trong những thành tựu vĩ đại của nền kỹ thuật quân sự ở thế kỷ 20”. Các lực lượng trên tuyến vận tải chiến lược Trường Sơn đã chiến đấu trên 2.500 trận, diệt gần 17.000 tên địch, bắt 1.200 tên, gọi hàng trên 10.000 tên, bắn rơi 2.455 máy bay, phá hủy hàng vạn tấn vũ khí và phương tiện chiến tranh khác.
Viết tiếp những huyền thoại
Chiến tranh kết thúc, nhưng sứ mệnh của đường Hồ Chí Minh huyền thoại đã và đang được các thế hệ sau viết tiếp. Trên những tấm bia trắng ngút ngàn của Nghĩa trang liệt sỹ Trường Sơn, hơn 1 vạn hài cốt trong tổng số hơn 2 vạn cán bộ các chiến sỹ, thanh niên xung phong năm xưa ngã xuống trên chiến trường Trường Sơn đã được quy tập về đây, để ngàn đời sau tri ân, tưởng nhớ.
Và cũng trên tuyến đường này, các công trình mới đang được xây dựng, cải tạo, nhằm biến đường Hồ Chí Minh thành một mạch xương sống mới, mang sứ mạng mới của thời kỳ xây dựng, phát triển đất nước. Nghị quyết số 38 của Quốc hội đã quyết định xây dựng đường Hồ Chí Minh thành công trình trọng điểm quốc gia với tổng chiều dài toàn tuyến 3.167 km, kéo dài từ Pác Bó (Cao Bằng) đến tận Đất Mũi Cà Mau. Tuyến đường chiến lược này sẽ hình thành trục xuyên Việt thứ 2, bên cạnh quốc lộ 1A, từng bước hoàn thiện mạng lưới giao thông, tăng cường liên hệ chặt chẽ ba miền Bắc-Trung-Nam; tạo điều kiện hạ tầng để khai thác, phát triển vùng đất rộng lớn, giàu tiềm năng ở phía Tây Tổ quốc.
Đến nay, đường Hồ Chí Minh đã hoàn thành và đưa vào sử dụng hơn 2.200 km, thể hiện rõ vai trò là con đường mang tính chiến lược trong phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo ở các tỉnh phía Tây; góp phần quan trọng bảo đảm chính trị, an ninh, phòng thủ biên giới. Bên cạnh đó, việc bảo tồn, tôn tạo các di tích lịch sử của đường Hồ Chí Minh trong thời kỳ kháng chiến cũng mang giá trị văn hóa, nhân văn sâu sắc, giáo dục và phát huy truyền thống dựng nước, giữ nước hào hùng của ông cha cho các thế hệ mai sau.

3 nhận xét:

  1. Đường mòn Hồ Chí Minh là con đường thể hiện ý chí quyết chiến, quyết thắng, lòng dũng cảm và khí phách một dân tộc anh hùng.

    Trả lờiXóa
  2. Đường mòn Hồ Chí Minh là con đường dẫn đến chiến thắng oanh liệt của nhân dân Việt Nam trước một kẻ thù hùng mạnh.

    Trả lờiXóa
  3. Thắng lợi của nhân dân ta trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước mãi mãi được ghi vào lịch sử dân tộc ta như một trong những trang sử chói lọi nhất.

    Trả lờiXóa