Social Icons

Pages

Thứ Ba, 12 tháng 5, 2020

Bác Hồ với biển, đảo

Ngày 10-4-1956, khi nói chuyện tại Hội nghị cán bộ cải cách miền biển, Hồ Chủ tịch đã nói: “Đồng bằng là nhà, mà biển là cửa. Giữ nhà mà không giữ cửa có được không? Kẻ gian tế nó sẽ vào chỗ nào trước? Nó vào ở cửa trước. Vì vậy ta phải biết giáo dục cho đồng bào biết để bảo vệ bờ biển. Vì bọn địch thường thả bọn mật thám, gián điệp vào tìm chỗ nấp ở miền biển. Nếu để nó lọt vào, thì người bị thiệt hại trước là đồng bào miền biển. Nếu mình không lo bảo vệ miền biển, thì đánh cá, làm muối cũng không yên. Cho nên, một nhiệm vụ quan trọng của đồng bào miền biển là phải bảo vệ bờ biển.
Đồng bào miền biển là người canh cửa cho Tổ quốc”.
Khi về thăm bộ đội hải quân lần thứ hai ngày 15-3-1961, Bác Hồ căn dặn: “Ngày trước ta chỉ có đêm và rừng. Ngày nay ta có ngày, có trời, có biển. Bờ biển ta dài, tươi đẹp, ta phải biết giữ gìn lấy nó”.
Qua hai mẫu chuyện trên, chúng ta thấy rằng đây không chỉ là lời căn dặn của Người với Hội nghị cán bộ cải cách miền biển, với Hải quân Nhân dân Việt Nam mà còn
là lời căn dặn với toàn dân tộc, cho các thế hệ mai sau. Thể hiện tầm nhìn và tư duy chiến lược thiên tài của Bác về chủ quyền biển, đảo.
Thậy vậy, nước ta nằm ở vị trí cửa ngõ của Biển Đông, có bờ biển dài 3.260 km, đứng thứ 27 trong số 157 quốc gia ven biển, các quốc đảo và các lãnh thổ trên thế giới; trong số 64 tỉnh, thành phố thì 28 tỉnh, thành phố có biển và gần một nửa dân số sinh sống tại các tỉnh, thành ven biển, là lợi thế để Việt Nam phát triển kinh tế biển, đồng thời là cầu nối quan trọng với các tuyến hàng hải huyết mạch thông thương với thế giới. Biển, đảo là một bộ phận lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc, có tầm quan trọng đặc biệt trong xây dựng và phát triển đất nước.
Vừa qua, tình hình Biển đông tiếp tục diễn biến phức tạp, tàu hải cảnh Trung quốc ngăn cản và đâm chìm một tàu cá Quảng Ngãi, với 8 ngư dân Việt Nam đang hoạt động tại khu vực đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa, của Việt Nam bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép. Tiếp đó, Trung Quốc lập hai quận đảo “Tây sa” và “Nam sa” để “quản lý” quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam. Ngày 19-4, Bộ Dân chính Trung Quốc tự tiện công bố cái gọi là “danh xưng tiêu chuẩn” của hàng chục đảo, bãi cạn trên Biển Đông, bao gồm những thực thể nằm sâu trong vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam, rồi ban hành lệnh cấm đánh bắt cá hầu hết khu vực Biển đông chồng lấn với vùng biển các nước khác trong khu vực. Thông qua những hành động quấy nhiễu liên tục trên cả thực địa lẫn giấy tờ hành chính, rõ ràng Trung Quốc là bên gia tăng căng thẳng, tiếp nối những vi phạm luật pháp quốc tế trong đó có Công ước Liên Hiệp Quốc về luật Biển(UNCLOS) 1982 mà Trung Quốc là một bên tham gia ký kết, vi phạm chủ quyền Việt Nam.
Việt Nam có đầy đủ cơ sở pháp lý và bằng chứng lịch sử khẳng định chủ quyền với 2 quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa, phù hợp với luật pháp quốc tế. Trước diễn biến phức tạp trên, càng cho thấy tầm nhìn tư duy chiến lược của Bác Hồ với biển, đảo Việt Nam, càng cho thấy trách nhiệm trong bảo vệ chủ quyền Việt Nam phù hợp với luật pháp quốc tế không chỉ của bộ đội hải quân, của quân đội mà của cả dân tộc. Đòi hỏi chúng ta phải phát huy trí tuệ, sức mạnh, đoàn kết thống nhất cả dân tộc để vừa bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo vừa giữ vững môi trường hòa bình để xây dựng và phát triển đất nước./.

2 nhận xét: