Social Icons

Pages

Thứ Hai, 11 tháng 5, 2020

NGUYÊN TẮC “DỤNG NHÂN NHƯ DỤNG MỘC” TRONG CÔNG TÁC XÂY DỰNG ĐẢNG

Hiện nay, toàn Đảng đang tổ chức đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII. Trong đó, công tác chuẩn bị nhân sự để bố trí, sắp xếp vào các vị trí lãnh đạo nhiệm kỳ tới có vị trí cực kỳ quan trọng, như đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đánh giá: “Đây là công việc có ý nghĩa chiến lược gắn liền với vận mệnh của Đảng, sự tồn vong của chế độ và sự phát triển của đất nước”.
Cán bộ, đảng viên và nhân dân cả nước đang quan tâm và đặt câu hỏi: Đảng ta sắp tới dự định lựa chọn, bố trí đội ngũ cán bộ lãnh đạo thế nào để đủ sức gánh vác nhiệm vụ cách mạng to lớn mà lịch sử giao phó? Thực hiện tốt nguyên tắc “dụng nhân như dụng mộc” sẽ là “cẩm nang” để lựa chọn đội ngũ cán bộ thực sự tiêu biểu về trí tuệ, phẩm chất, uy tín,có năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu cao, đáp ứng yêu cầu lãnh đạo cách mạng trong tình hình mới.
“Dụng nhân như dụng mộc” – đó là nguyên tắc dùng người được người xưa đúc kết. Mỗi loại gỗ đều có công năng khác nhau, nếu biết chọn đúng loại gỗ, người thợ sẽ làm ra sản phẩm ưng ý.
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn căn dặn: “Dùng người cũng như dùng gỗ”. Người thường nói: “Người đời ai cũng có chỗ hay chỗ dở. Ta phải dùng chỗ hay của người và giúp người chữa chỗ dở. Dùng người cũng như dùng gỗ. Người thợ khéo thì gỗ to, nhỏ, thẳng cong đều tùy chỗ mà dùng được”(1).
Phương cách “dụng nhân” của Hồ Chí Minh là sử dụng cán bộ “đúng chỗ, đúng việc”, “tùy tài mà dùng người”: “Tài to ta dùng làm việc to, tài nhỏ ta cắt làm việc nhỏ, ai có năng lực về việc gì, ta đặt ngay vào việc ấy”(2).
Nhờ thực hiện nguyên tắc “Dụng nhân như dụng mộc”, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã quy tụ được đông đảo những người có đủ đức độ, tài năng tham gia Chính phủ khi nước nhà vừa mới giành độc lập; phát hiện, huấn luyện, đào tạo đội ngũ cán bộ trở thành các nhà lãnh đạo ưu tú của Đảng và Nhà nước.
Trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng ta luôn xác định công tác cán bộ là khâu then chốt trong xây dựng Đảng, là mắt xích trọng yếu trong toàn bộ hoạt động của Đảng, nhân tố quyết định sự thành bại của cách mạng. Trong đó, sử dụng cán bộ là vấn đề có ý nghĩa đặc biệt quan trọng.
Nếu cán bộ được sử dụng đúng chỗ, đúng việc, đúng chuyên môn, sở trường sẽ phát huy mặt mạnh, hạn chế mặt yếu của họ, đồng thời thúc đẩy công việc chung phát triển. Sử dụng cán bộ không đúng với khả năng chuyên môn, không đúng chỗ, đúng việc, sẽ ảnh hưởng đến kết quả công việc, cán bộ khó có điều kiện để phát huy hết năng lực, sở trường của mình. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng tổng kết: Biết dùng người, ta sẽ không lo gì thiếu cán bộ. Dùng người không đúng tài năng của họ, cũng là một cớ thất bại.
Trong nhiệm kỳ này, việc bố trí, sử dụng cán bộ của Đảng thực sự đem lại hiệu quả, nhiều cán bộ, nhất là cán bộ cấp chiến lược đã khẳng định được vai trò, năng lực quản lý, điều hành trong các lĩnh vực được phân công.
Về cơ bản, đội ngũ cán bộ được sử dụng đúng năng lực, sở trường, chuyên ngành đào tạo và phát huy tác dụng tốt. Nghị quyết số 26-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII đã khẳng định: “Sự trưởng thành, lớn mạnh và phát triển của đội ngũ cán bộ 20 năm qua là nhân tố then chốt, quyết định làm nên những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử của công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”.
Tuy nhiên, cũng cần thấy rằng, đội ngũ cán bộ của ta hiện nay đông nhưng chưa thật mạnh; tình trạng vừa thừa, vừa thiếu cán bộ xảy ra ở nhiều nơi; việc bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử vẫn còn tình trạng đúng quy trình nhưng chưa đúng người, đúng việc; bố trí cán bộ không đúng chỗ, không đúng chuyên môn, sở trường...
Một trong những nguyên nhân của việc bố trí, sử dụng cán bộ không đúng chỗ, đúng việc, đúng người là do công tác đánh giá cán bộ chưa tốt, chưa phản ánh đúng thực chất, không ít trường hợp còn cảm tính, nể nang, dễ dãi hoặc định kiến; ở một số nơi, việc bổ nhiệm, sắp xếp cán bộ không căn cứ vào điều kiện, tiêu chuẩn mà theo các “tiêu chí”: “nhất hậu duệ, nhì quan hệ, ba tiền tệ, bốn trí tuệ”...
Đặc biệt là, tình trạng chạy chức, chạy quyền, chạy chỗ... đã làm sai lệch các tiêu chí, khung tiêu chuẩn về bố trí vàsử dụng cán bộ. Một bộ phận cán bộ, đảng viên có chức, có quyền, trong đó có cả cán bộ cấp chiến lược, suy thoái về đạo đức, lối sống, tham ô, tham nhũng, lợi ích nhóm…, suy cho cùng cũng là hệ quả của việc lựa chọn, sử dụng cán bộ không đúng.
Để lựa chọn, sử dụng cán bộ “đúng chỗ, đúng việc”, trước hết cần sớm hoàn thiện cơ chế trọng dụng nhân tài; xây dựng cơ cấu, sắp xếp lại đội ngũ cán bộ các cấp, các ngành theo vị trí việc làm, khung năng lực, bảo đảm đúng người, đúng việc.
“Phải trên cơ sở xác định rõ tiêu chuẩn, tiêu chí để đánh giá đúng cán bộ, lựa chọn đúng người, sắp xếp đúng việc, bố trí đúng chỗ”, “cách bố trí, sắp xếp nhân sự sao cho phù hợp để phát huy mặt mạnh, hạn chế mặt yếu của mỗi thành viên, bổ sung cho nhau, tạo ra một ê-kíp mạnh, một tập thể lãnh đạo tương đối hoàn chỉnh”(3).
Quan điểm chung là, sử dụng cán bộ trước hết phải vì công việc, vì việc mà bố trí người, không vì người mà giao việc. Lựa chọn được cán bộ phù hợp với công việc mới chỉ là bước đầu của việc dùng người.
Trong quá trình sử dụng cán bộ, cần thường xuyên đánh giá cán bộ, đặc biệt là phát hiện những cán bộ có năng lực nổi trội và triển vọng phát triển để tính toán giao cho họ nhiệm vụ lớn hơn, trách nhiệm cao hơn, luân chuyển đến những địa bàn và lĩnh vực công tác khó khăn, phức tạp hơn để họ tiếp tục khẳng định năng lực của mình.
Tập thể, cá nhân có thẩm quyền trong bố trí, sử dụng cán bộ phải thật sự công tâm, khách quan, đặt lợi ích của quốc gia – dân tộc, của Đảng, của nhân dân lên trên, lên trước; kiên quyết không bỏ sót những người thật sự có đức, có tài; đồng thời không để lọt người không đủ phẩm chất và năng lực vào các vị trí lãnh đạo.
Nguyên tắc “Dụng nhân như dụng mộc” còn được hiểu và áp dụng trong việc lựa chọn người đứng đầu. Thực tế đã chứng minh, người đứng đầu có vai trò đặc biệt quan trọng. Những bộ, cơ quan, địa phương nào người đứng đầu thể hiện được vai trò “thủ lĩnh”, nêu gương sáng về đạo đức, lối sống..., thì ở đó nội bộ đoàn kết, tổ chức đảng và chính quyền vững mạnh; sức chiến đấu và vai trò lãnh đạo của Đảng được nâng cao và ở đó kinh tế - xã hội phát triển.
Dấu ấn của người đứng đầu ở những bộ, cơ quan, địa phương này thể hiện rất nổi bật, được nhân dân ghi nhận và đánh giá cao. Ngược lại, ở bộ, cơ quan, địa phương nào, người đứng đầu thiếu gương mẫu, uy tín thấp, suy thoái về đạo đức, lối sống, sa vào chủ nghĩa cá nhân, lợi ích nhóm... thì ở đó nội bộ mất đoàn kết, kinh tế kém phát triển, nhiệm vụ chính trị không hoàn thành. Bản thân người đứng đầu ở những nơi đó vướng vào vòng lao lý, nhiều cán bộ lãnh đạo cấp dưới phải chịu những hình thức xử lý nghiêm khắc. Những vụ việc tiêu cực, tham nhũng, lãng phí... ở một số bộ, địa phương gây bức xúc trong dư luận thời gian qua đều liên quan đến trách nhiệm của người đứng đầu. Cho nên, khi lựa chọn nhân sự cho vị trí đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp cần phải tiến hành thận trọng, khách quan, đúng quy trình, bảo đảm các tiêu chuẩn theo quy định của Trung ương.

2 nhận xét:

  1. Sử dụng con người phải đúng việc; có như vậy mới phát huy hết tiềm năng vốn có trong từng con người

    Trả lờiXóa