Social Icons

Pages

Thứ Sáu, 8 tháng 5, 2020

“BINH CHỦNG XE THỒ” VÀ KỶ LỤC KHÔNG TIN NỔI TRONG CHIẾN DỊCH ĐIỆN BIÊN PHỦ

Nhân kỷ niệm chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy Năm châu, chấn động địa cầu”, cùng nhìn lại vai trò của những chiếc xe đạp nhỏ bé nhưng mang trọng trách nặng nề.
Trước chiến dịch Điện Biên Phủ, Pháp rất tự tin rằng phía Việt Minh chúng ta không thể tiếp tế đầy đủ cho chiến trường nằm rất xa hậu phương. Sử gia Jules Roy trong cuốn sách Trận Điện Biên Phủ dưới con mắt người Pháp đã viết về những tính toán của phía Pháp: “Một người dân công mang được tối đa 22kg, mỗi ngày đi được 20km và sẽ ăn hết 1kg gạo. Vì họ phải đi và về nên số gạo tiêu thụ sẽ là 2kg cho 20km. Muốn đi 180km thì ăn hết 18 kg gạo. Do đó số gạo mang để tiếp tế cho chiến trường thực tế chỉ còn 4kg.”
Nhưng họ không thể ngờ được, những chiếc xe đạp Peugeot, Lanh-côn…Pháp nhập vào Việt Nam đã trở thành phương tiện vận chuyển hàng trăm, hàng nghìn tấn nhu phẩm ra chiến trường, với đội dân công từ các vùng Thanh Nghệ Tĩnh, Phú Thọ…lên đến hơn 260 nghìn người.
- Bộ đội và dân công của ta sử dụng hơn 21.000 chiếc xe đạp thồ, được gọi với tên là “binh chủng xe đạp thồ” hoạt động trên suốt chiều dài gần 1.500km.
- Mỗi đoàn xe thồ có một xe chuyên chở phụ tùng thay thế, sửa chữa dọc đường.
- Một chiếc xe đạp thồ có sức chở trung bình từ 50 đến 100kg, tương đương sức mang vác của 5 người. Ưu điểm của loại phương tiện này là không cần nhiên liệu, dễ sửa chữa, dễ ngụy trang, có thể đi lẻ hoặc thành đoàn trong mọi điều kiện thời tiết.
- Ông Ma Văn Thắng (Phú Thọ) là người cải tiến xe đạp thồ có thể tải đến hơn 200kg và chính ông là người lập kỷ lục chở đến 325 kg/chuyến hàng. Trong chiến dịch, riêng ông Thắng tải được gần 4 tấn thuốc men, đạn dược ra chiến trường trên tổng chiều dài 2.100 km đường rừng núi.
Để thồ được nặng như vậy xe phải gia cố như buộc đoạn tre nhỏ (hoặc gỗ), dài khoảng 1m, gọi là "tay ngai" vào ghi-đông để điều khiển; một thanh gỗ (hoặc thanh tre cứng) cao hơn yên xe khoảng 50 cm buộc vào trục yên, vừa giúp giữ thăng bằng, vừa đẩy xe đi; gá thêm sắt, buộc thêm gỗ để tăng độ cứng của khung xe; lấy vải, quần áo cũ, săm cũ lót vào bên trong tăng độ bền của săm, lốp xe; bổ sung thêm 2 chiếc ghế, một chiếc để dựa xe trong lúc nghỉ chân, một chiếc để chèn xe khi xuống dốc.
- Hai chiếc xe thồ “gá” lại có thể chở được 2 thương binh nặng (nằm) và 4 thương binh nhẹ (ngồi). Các xe đạp có đèn phát điện còn được sử dụng để tạo ánh sáng phục vụ các bác sĩ phẫu thuật trong đêm…
- Thanh Hóa đã huy động số lượng phương tiện lớn nhất trong cả nước với 20.000 phương tiện, trong đó có trên 11.000 chiếc xe đạp thồ, 1.300 chiếc thuyền các loại. Mở đầu đợt vận chuyển, Trung ương giao Thanh Hóa huy động, vận chuyển 1.352 tấn gạo và 100 tấn thực phẩm.
- Khi nhận xét về vai trò của hậu phương trong chiến dịch Điện Biên Phủ, cố Tổng Bí thư Lê Duẩn đã khẳng định: “Nếu không có Thanh - Nghệ - Tĩnh thì không có chiến dịch Điện Biên Phủ, không có thắng lợi trong kháng chiến chống Pháp”. Chỉ tính riêng Liên khu 4, chủ yếu là vùng Thanh - Nghệ - Tĩnh đã huy động 250.000 lượt người đi dân công, huy động hơn 11.000 xe đạp thồ cung cấp và vận chuyển 15.000 tấn gạo, hơn 400 tấn thực phẩm chi viện cho chiến trường.
“Dốc Pha Đin, chị gánh anh thồ
Đèo Lũng Lô, anh hò chị hát
Dù bom đạn xương tan, thịt nát
Không sờn lòng, không tiếc tuổi xanh”...
– Tố Hữu-
Mỗi người Việt Nam luôn thấm đẫm tinh thần dân tộc, yêu nước, bất cứ ai cũng có thể là anh hùng, bất cứ ai cũng có thể làm nên điều kì diệu. Và chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954 cũng là một điều kỳ diệu như thế./.

2 nhận xét:

  1. Những thành tích mà các thế hệ cha ông đi trước là những kỳ tích đã làm cho kẻ thù khâm phục và vô cùng kính nể

    Trả lờiXóa